Phần lớn chúng ta đều lo lắng về việc phạm sai lầm lớn trong công việc nhưng thường là thói quen hay cách hành xử mà chúng ta ít để ý lại gây hại nhiều nhất cho uy tín của chúng ta. Đây là một chủ đề mà một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Linkedln bàn luận trong tuần này. Đây là những gì mà hai người trong số họ nói:
Tiến sĩ Travis Bradberry, Chủ tịch của Công ty TalentSmart
“Cho dù bạn có tài năng đến đâu hay bạn có thành tích đến đâu đi nữa, có một số cách hành xử mà sẽ ngay lập tức thay đổi cách người khác đánh giá bạn và họ sẽ mãi mãi nhìn nhận bạn một cách tiêu cực,” ông Bradberry viết trong bài viết có tựa đề ‘Chín sai lầm tệ hại nhất ở nơi làm việc’.
Trong số này có:
“Đâm sau lưng: Danh từ đã nói lên tất cả. Đâm sau lưng đồng nghiệp dù là cố tình hay vô ý, là nguồn gốc gây ra xung đột lớn ở nơi làm việc,” Bradberry viết. “Một trong số những cách đâm sau lưng thường xuyên nhất là giải quyết vấn đề nào đó mà bỏ qua người có liên quan. Người ta có xu hướng làm điều này để tránh xung đột nhưng kết quả là họ lại tạo ra xung đột nhiều hơn ngay khi người liên quan biết chuyện.”
“Tuyên bố rằng bạn ghét công việc: Điều mà không ai muốn nghe ở nơi làm việc là ai đó ghét công việc của mình đến mức nào. Làm như thế sẽ tạo hình ảnh tiêu cực cho bạn và làm giảm niềm tin của người khác,” Bradberry viết. “Các vị Sếp rất nhanh chóng biết được những người nào hay than phiền và kéo tâm lý của cả công ty xuống và họ biết rằng ngoài kia lúc nào cũng có những người sẵn sàng nhảy vào thay cho người đó.”
“Ăn đồ có mùi: Trừ phi bạn làm việc trên tàu, nếu không các đồng nghiệp của bạn sẽ cảm thấy phiền nếu bạn làm cho nơi làm việc bốc mùi đồ ăn. Nguyên tắc số một đối với thức ăn nơi công sở là bất cứ thứ gì có mùi bay qua khỏi góc bếp thì nên để ở nhà,” Bradberry gợi ý.
“Nói dối: Nhiều lời nói dối đều bắt đầu với dụng ý tốt – hoặc là muốn bảo vệ mình hay bảo vệ người khác – nhưng lời nói dối thường có xu hướng gia tăng và lan rộng cho đến khi nó được phát hiện và một khi ai đó đã biết được rằng bạn nói dối thì không thể nào sửa chữa được,” Bradberry viết.
Clinton Buelter, doanh nhân, người sáng lập HardToFill.com
Nếu chúng ta may mắn thì việc rút ra bài học từ những sai lầm là dễ dàng. Tuy nhiên, những bài học này thường phải trả cái giá đắt. Vốn là một doanh nhân và một nhà tuyển dụng, ông Buelter cho biết ông ‘đã từng phạm rất nhiều sai lầm ở vị trí nhà tuyển dụng’ mà phải mất nhiều năm sau đó ông mới nhận ra và sửa chữa.
Ông đưa ra những bài học quan trọng nhất mà ông đã rút ra được trong bài viết có tựa đề: “12 bài học đắt giá mà tôi đã học được.”. Trong số đó có:
“Hãy mở rộng lòng mình: hãy dừng việc lúc nào cũng lo lắng về việc ai đó đang tìm cách lường gạt mình. Hãy dừng làm người hay nghi ngờ và bi quan,” ông viết. Điều quan trọng là hãy cởi mở cho dù công việc của bạn có là gì đi nữa. “Hãy hình dung những người mà bạn muốn giúp đỡ và xây dựng mối quan hệ. Hãy khiến cho họ có thể đến được với bạn.”
“Lời văn gần gũi: Sau khi tốt nghiệp đại học chúng ta thấy mình phải viết và nói làm sao cho văn hoa. Đó là điều mà các công ty muốn ở chúng ta có phải không?,” Buelter viết. Lời khuyên của ông: Hãy bỏ đi những cái rườm rà. Hãy bỏ chúng ra khỏi các cuộc nói chuyện, trong email và trong cuộc sống hàng ngày. Khi bạn nhắn tin gì cho bạn bè hay người thân bạn đâu cần phải có giọng điệu trịnh trọng đúng không? Bạn cứ nói chuyện một cách thân mật và họ sẽ trả lời. Đó là giọng điệu mà mọi người thích.
“Rời bàn làm việc: Rất dễ bị căng thẳng và bực bội trong công việc. Bạn cứ ngồi chúi mũi ở bàn làm việc mà cày thì bạn sẽ không nhìn thấy những gì rộng lớn hơn mỗi phút trôi qua,” ông viết. “Hãy xác định thời gian nghỉ. Sau đó hãy đứng dậy và rời bàn làm việc. Cũng đừng phí thời gian ở đâu đó. Hãy dành thời gian này thật tập trung và tận hưởng nó tối đa.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét