Nạn nhân của tình trạng cưỡng hiếp trong hôn nhân tại Ấn Độ không từ bỏ đấu tranh
Một Bộ trưởng trong chính phủ Ấn Độ gần đây đã gây ra một cuộc tranh cãi khi ông nói tại Quốc hội rằng cưỡng hiếp trong hôn nhân không thể bị tội phạm hóa ở Ấn Độ vì "hôn nhân là bất khả xâm phạm" tại đất nước này. Phóng viên Parul Agarwal tường thuật về vấn đề gây tranh cãi này.
Buộc và cởi mảnh vải che khuôn mặt mình, Rashmi (không phải tên thật của cô) cố gắng che giấu danh tính của cô khi chúng tôi chuẩn bị quay phim phỏng vấn cô. "Nếu chủ nhà của tôi nhận ra tôi, ông sẽ đuổi tôi ra khỏi đây," cô nói.
Cô gái 25 tuổi là một nạn nhân của tình trạng cưỡng hiếp trong hôn nhân và đang một mình tranh đấu trong một trận chiến vì công lý.
"Tôi chỉ là một món đồ chơi của anh ta mà anh ta cho rằng có thể sử dụng theo những cách khác nhau mỗi đêm. Bất cứ khi nào chúng tôi cãi nhau, anh ta sẽ trả thù tôi trên giường. Có lần tôi nài xin anh ta đừng gần tôi vì tôi không được khỏe, nhưng anh ta không chấp nhận bị từ chối, thậm chí cả khi tôi đang thấy tháng".
Tại Ấn Độ, một người đàn ông cưỡng hiếp vợ không phải là một tội. Và nhiều người tin rằng hôn nhân là một nguồn thỏa mãn tình dục cho nam giới và, vì thế, phụ nữ phải phục tùng.
Không có bình đẳng
Hồi tháng Hai, Tòa án tối cao Ấn Độ đã bác bỏ lời kêu gọi của Rashmi coi cưỡng hiếp trong hôn nhân là một tội hình sự. Tòa án nói rằng không thể ra lệnh thay đổi luật pháp cho một người.
Câu chuyện của Rashmi giống như bất kỳ người phụ nữ trẻ có học nào khác ở Ấn Độ. Cô đem lòng yêu một đồng nghiệp và kết hôn với anh ta. Nhưng mối quan hệ của họ chưa bao giờ là về "sự đồng thuận" và "bình đẳng" cả, cô nói.
"Tôi vẫn còn nhớ đêm 14 tháng Hai năm 2014, cũng là ngày sinh nhật của anh ta. Chúng tôi đã cãi nhau to và sau đó anh ta đã cưỡng ép tôi. Tôi chống hết mức mà tôi có thể, nhưng anh ta vẫn không thôi. Và sau đó anh ta đút cả một chiếc đèn pin vào cửa mình tôi. Tôi đã phải nhập viện và bị chảy máu suốt 60 ngày sau đó. "
Một khảo sát của chính phủ cho thấy 10% phụ nữ được hỏi cho biết đã bị chồng cưỡng hiếp
Các nhà vận động lâu nay vẫn đòi đưa cưỡng hiếp trong hôn nhân trở thành một tội phạm ở Ấn Độ.
Một ủy ban được thành lập sau hãm hiếp tập thể và giết hại một học sinh trên xe buýt ở Delhi hồi tháng Mười Hai năm 2012 để đề xuất các cải cách luật hình sự. Ủy ban này ra khuyến nghị rằng cưỡng hiếp trong hôn nhân phải bị những hình phạt tương tự như bất kỳ hành động hiếp dâm nào khác. Chính phủ khì đó, do Đảng Quốc Đại lãnh đạo, đã bác bỏ các khuyến nghị này.
Tuy nhiên các nạn nhân bị cưỡng hiếp trong hôn nhân đã không từ bỏ cuộc đấu tranh của họ.
Pooja, một phụ nữ có ba con gái, phải chịu đựng trong im lặng suốt 14 năm trước khi bà lấy hết can đảm để lên tiếng và nộp đơn kiện về hành vi bạo hành trong gia đình của chồng bà. Lý do chính dẫn tới việc ly thân, bà nói, là "cưỡng bức và bạo hành tình dục".
"Tôi không có quyền từ chối, vì tôi là vợ ông ta. Tôi một mình trông nom các con và nhà cửa. Nhưng ông ta không bao giờ tỏ ra biết điều."
Pooja nay đã ly thân với chồng, nhưng bà từ chối ly hôn ông ta một cách hợp pháp bởi vì bà cho rằng nó sẽ cho phép ông ta tái hôn.
"Tôi không thể để ông ta lợi dụng tôi và lại đến với một phụ nữ khác và hủy hoại cuộc sống của cô ta. Tôi không muốn ly hôn, tôi muốn ông ta bị trừng phạt", bà nói.
Phổ biến rộng rãi
Luật sư thuộc Tòa án tối cao, Karuna Nundy, một người chuyên về tranh tụng quyền con người và công lý giới tính, cho biết luật pháp Ấn Độ hầu như rất ít có các trợ giúp đối với các nạn nhân của tình trạng cưỡng hiếp trong hôn nhân.
"Tại thời điểm này, người vợ có thể nộp đơn thể theo luật về bạo hành gia đình chuyên giải quyết vấn đề này tại một tòa án dân sự. Nó đem lại cho phụ nữ quyền hợp pháp được ly thân với chồng trên cơ sở sự độc ác.
"Thế nhưng điều khoản pháp lý để trừng phạt tội này là gì? Bất kỳ hành vi tình dục nào là cưỡng bức hoặc được thực hiện không có sự đồng thuận của người phụ nữ là một tội phạm. Mối quan hệ của nạn nhân với thủ phạm không tạo ra khác biệt."
Một số nghiên cứu được thực hiện trong những năm qua cho thấy bạo hành tình dục trong hôn nhân là phổ biến tại Ấn Độ.
Khảo sát quốc gia về Sức khỏe Gia đình mới nhất (2005-2006), được tiến hành với sự tham gia của 124.385 phụ nữ ở 29 bang của Ấn Độ, đã cho thấy 10% phụ nữ nói chồng họ đã cưỡng bức họ phải quan hệ tình dục.
Một nghiên cứu khác do Trung tâm Quốc tế Vì Phụ nữ (ICRW) và Quỹ dân số LHQ (UNPFA) tiến hành tại bảy tiểu bang ở Ấn Độ hồi năm ngoái với sự tham gia của 9.205 nam giới và3.158 phụ nữ ở độ tuổi từ 18-49 từ mỗi tiểu bang. Một phần ba trong số những người đàn ông được phỏng vấn thừa nhận đã từng cưỡng bức tình dục với vợ mình.
Các nạn nhân của tình trạng "cưỡng hiếp trong hôn nhân" nói rằng họ đang đơng thương độc mã chiến đấu trong một trận mà những chịu đựng khổ đau của họ không rơi vào một lĩnh vực nào trong hệ thống luật pháp Ấn Độ. Hơn nữa, xã hội thường đổ lỗi cho họ là nói xấu hôn nhân.
Tuy nhiên, Tổ chức Cứu lấy Gia đình (Save the Family Foundation), một tổ chức nhân quyền của nam giới, cảnh báo chống lại việc tội phạm hóa hành vi cưỡng hiếp trong hôn nhân.
"Chúng ta đã chứng kiến Điều luật 498A, luật chống của hồi môn, đã bị nhiều phụ nữ ở Ấn Độ lạm dụng để gây rắc rối cho nam giới và gia đình của họ. Ủy ban Phụ nữ Trung ương của Ấn Độ đã chấp nhận rằng con số trường hợp hiếp dâm được báo cáo mỗi năm là sai. Làm sao có thể chứng minh một vụ cưỡng hiếp dâm trong hôn nhân? Lôi chuyện giường chiếu ra tòa là một ý tưởng nguy hiểm ", một phát ngôn viên của tổ chức này nói.
Khi chúng tôi chuẩn bị kết thúc cuộc phỏng vấn, Rashmi tháo bỏ khăn che mặt và nói: "Tại mỗi phiên tòa, tôi nhìn thấy chồng tôi và gia đình của anh ta hoàn toàn không chẳng ảnh hưởng gì và không hề hối hận về những gì đã xảy ra.
"Tại sao người phụ nữ phải che giấu danh tính thân phận của mình để không bị săn lùng? Tại sao tôi lại bị nhìn khinh rẻ nếu tôi nói với thế giới rằng tôi đã chồng mình cưỡng hiếp?"
0 nhận xét:
Đăng nhận xét