CHÁU YÊU


Bữa trước Ngọc, đứa cháu út yêu quý của tôi nó gọi điện thoại, chợt giật mình nghĩ, mình viết bao chuyện trên trời dưới đất mà những người ruột thịt gần gũi nhất lại ít viết. Vậy hôm nay, 29-3, là ngày sinh của thằng con tôi, tôi sẽ viết mấy chữ về tất cả mấy đứa cháu yêu của mẹ tôi.

Bữa trước, tôi viết mấy chữ khoe thằng con đổi xe, mẹ nó hỏi nó mua bên đó 25000 thì về ta bao nhiêu? Vô mạng coi: Thuế Nhập khẩu 60%, thuế tiêu thụ đặc biệt xe dưới 5 chỗ: 50%, thuế GTGT:10%. Tính ra khoảng tỷ tư. Xem ra so với con đại gia, sao siếc thì chưa là gì nhưng với “nhân dân” chung thì cũng dạng “sang” rồi. Nghĩ lại tôi đến 36 tuổi mới mua cái xe cũ “cup” 81 “kim vàng giọt lệ” 3,1 cây để đi làm. Vì cái đề tài triển khai tận Dĩ An, không xe không đi làm được. Vừa đi Liên Xô về nhưng tiền mua xe chủ yếu phải mượn của ông chú vợ linh mục. Như vậy theo phàm trần, nhà tôi đúng là “con hơn cha nhà có phúc”. Nhưng nhớ lại câu chuyện có người hỏi Đức Phật có trao lại cho con “quyền thừa kế” ngôi vị và cung vàng điện ngọc không? Ngài trả lời đại ý cái thứ giả tạm vô giá trị ngài đã không màng tới thì sao lại trao cho con?
Nhưng thôi, mình là chúng sinh thì hãy cứ vui vẻ mà hưởng thụ hạnh phúc chính đáng ở cõi trần. Cũng như tôi nói với cô Hòa, tôi cố gắng làm người tốt thôi. Mà trước khi gặp cô, hiểu Đạo Phật nhưng trong cái truyện ngắn viết về đám tang mẹ tôi, tôi cũng đã viết:
“Thôi mẹ hãy an nghỉ. Cầu mong Trời Phật phù hộ độ trì cho linh hồn mẹ được siêu thoát và sớm được tái sinh đúng như Phật dạy: “Chúng sanh nào tình và tưởng bằng nhau thì sẽ phát sinh vào cõi người… Bởi tưởng là thông sáng, tình là u mê. Nếu tình và tưởng ngang bằng nhau thì không lên và cũng không đi xuống”. Trước sáu cõi, thần thức có thể được lên cõi cao hơn, sung sướng hơn cõi người, nhưng con chỉ cầu xin Trời Phật cho mẹ con được trở lại cõi người, cái cõi có lắm gian nan, lắm khổ đau, nhưng cũng nhiều niềm vui này, để rồi các con lại được làm con của mẹ, các cháu lại được làm cháu của bà, cứ thế mãi mãi, vô lượng kiếp!”.
(Cha và mẹ tôi)
{Vợ Mạnh, Mạnh (em trai), cha, Đảo (anh trai),
Huy (con trai), mẹ, Hùng, Nhung (con Mạnh)]
Bữa trước, điện thoại reo, tôi nghe thì thấy là cái Ngọc, đứa cháu út yêu quý của tôi:
- Cháu mới đọc bài bác viết chuyện anh Huy mua xe.
- Mày cũng vào đọc trang của bác à.
- Bác chẳng biết gì, bài nào của bác cháu cũng đọc. Nhưng sao kỳ này bác viết về ngoại cảm nhiều thế?
- Vì phúc Tổ của cả họ nhà mình đấy cháu ạ. Bác có viết nhiều như vậy thì mới được gặp nữ thánh đấy. Cô ấy còn chữa bệnh cho bác gái mày đấy.
Nhớ lại lần khá lâu rồi, tôi đưa cả nhà về quê, Ngọc còn là cô bé theo bố nó lên sân bay đón. Vợ tôi ngạc nhiên, sao cô cháu ở quê mà nhiều đứa ở Sài Gòn cũng không sánh được.
 (Ngọc tại đường Nguyễn Huệ, ảnh: Đông La)
Mỗi lần về quê, một trong những niềm vui của tôi là được gặp mấy đứa cháu. Nói ra điều này cả tôi lẫn hai đứa con đều không vui là giữa con và cháu thì tôi lại thấy thấy gần gũi và cởi mở hơn khi gặp mấy đứa cháu. Có thể với hai đứa con mình nghiêm khắc hoặc có thể bụt chùa nhà không thiêng nên chúng giữ kẽ. Còn mấy đứa cháu nhớ hồi mới có blog, về quê chúng bá vai bá cổ tôi mở máy ra đọc. Chúng đã khóc khi đọc văn, thơ của tôi viết về mẹ, tức bà của chúng. Cái Cúc, chị cái Ngọc học trên HN, bảo:
- Công nhận văn, thơ bác hay thật vậy mà hỏi mấy đứa bạn cháu không đứa nào biết bác là nhà văn có tức không cơ chứ.
- Có nhà văn người ta ít biết do bất tài, ngược lại có người tài quá người ta cũng ít biết vì họ đọc không hiểu. Tao chính là loại nhà văn đó.
Nói cho vui vậy, thực tế cái chính là viết phải lách. Lách giỏi thì mới nổi tiếng, còn tôi thích ai thì chơi không thì thôi, không bao giờ phải lụy “thằng” nào, nên khó nổi tiếng. Giờ có blog xem chừng lại nổi quá, người ta nhắc nhiều quá, mí mắt giựt rất khó chịu! Tôi thấy gần gũi mấy đứa cháu vì chúng sống gần mẹ tôi, kể nhiều chuyện về bà, và vì chúng sống ở quê chính là nguồn cội của tôi. Cũng trong truyện về đám tang mẹ, tôi đã viết về tất cả những đứa cháu yêu của bà:
Tuy vậy, đối với làng quê, tôi vẫn luôn là niềm tự hào của mẹ. Tôi vừa là “kỹ sư” vừa là “nhà văn”. Bốn đứa cháu học trường cấp 3 đóng tại làng khoe, thầy Viển (một đứa em trong họ dạy toán) hay mang tôi ra nói như nêu gương: “Làng ta có ông Hùng vừa giỏi toán vừa giỏi văn”. Ngọc, cô cháu út vênh mặt kể, có đứa bạn nó hỏi: “Có phải mày quen với ông nhà văn này không?” “Quen gì, ông ấy là bác ruột tao chứ quen gì!” Tôi nhớ có lần đưa mẹ trở về quê sau chuyến bay từ Sài Gòn, mẹ tôi đầy rạng rỡ khoe với mấy bà hàng xóm: “Cháu nó đang xây cái nhà máy”, thực tế tôi chỉ dựng một cái xưởng nhỏ, nhưng với bà nó là “nhà máy”, mà đúng là có “nhà” có “máy” thật! Điều làm cho bà vui nhất là anh em chúng tôi đã sinh cho bà những đứa cháu xinh xắn và học giỏi. Vợ chồng tôi 2 đứa, đủ cả trai gái,
[Huy, Cô Dừa (em cha), mẹ, Phương]
còn hai đứa em ở quê, 4 đứa con gái.
(Nhung, Cúc, Hồng, Ngọc)
Thằng con lớn của tôi, cháu đích tôn của bà, khi sinh nó tôi đã đặt tên là Duân. Bên ngoại dân miền Nam khó nói chữ Duân nên cứ gọi nó theo tên đệm là Huy, riết rồi quen luôn. Mọi người không hiểu nguyên cớ tôi đặt tên cho thằng con cái tên lạ và khó gọi đó. Hồi nhỏ, mỗi kỳ Thanh minh, vì học giỏi nên tôi thường được ông nội dẫn đi rẫy mộ, chỉ bảo cặn kẽ, ý ông tin tưởng giao cho tôi “cai quản” số mồ mả thuộc một chi của dòng họ. Vậy mà tôi thì xa quê, ở nhà mồ mả di dời tập trung thế nào lại để lạc mất mộ bà nội. Tôi thường day dứt về chuyện này, tôi luôn muốn làm một cái gì đó để thể hiện tình cảm với bà, nên khi biết lúc bà chết, người niệm xác bà là ông Duân, tôi đã lấy tên người chăm lo cho bà phút sau cùng đó đặt cho đứa con. Khi nó thi đại học đã dư điểm đậu vào ngành lấy điểm cao nhất là Công Nghệ Thông Tin của Đại học Bách khoa, vậy mà không thèm học, còn muốn du học tận bên Mỹ. Lúc đầu tôi cũng lấn cấn, thằng Mỹ nó giết anh ruột mình năm 68, giờ lại cho con sang đó học. Nhưng thằng con không phải là con riêng của tôi mà còn là con của mẹ nó. Với lại, nước ta cũng đã "khép lại quá khứ, hướng đến tương lai", đã coi Mỹ là bạn. Mấy con ông "cốp" cũng đều sang đó học, và với nước Mỹ, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích vĩnh viễn mà thôi. Nên cuối cùng tôi đã đồng ý cho nó đi. Đứa con gái tôi đặt là Thu Phương, ghép tên hai đứa bạn gái cùng học, một đẹp nhất, một giỏi nhất, những mong nó cũng được như lũ bạn. Còn thực tế thì nó học được cả văn, toán, điểm vào cấp 3 của nó là 61, trên cả điểm tuyệt đối, vì từng đoạt giải nhất Văn TPHCM được cộng thêm điểm. Nhưng tôi không cho thi toàn quốc, bởi hiểu rằng dấn quá sâu rồi phải nặn chữ ra mà kiếm sống ở cái thời buổi này là một cực hình, nên đã cho nó thi vào Ngữ văn Anh, để vừa có thể phát huy được năng khiếu vừa biết Anh văn, mà có bằng cấp Anh văn thì không thể chết đói giữa Sài Gòn được.
      Thằng em út kém tôi 10 tuổi, vợ chồng nó được cái mát tay mở quán ăn, làm giò chả bán luôn. Thấy tôi suốt ngày lọ mọ với sách vở, từng nói: “Đời tôi suốt 25 năm nay, có đọc cuốn sách quái nào đâu mà đâu có sao?” Nay có 3 đứa con gái đều xinh xắn và học giỏi, suốt ngày chỉ bàn chuyện thi vào trường này, trường nọ, giờ sắp thành bố kỹ sư rồi. Đứa con lớn là Nhung cũng học Công Nghệ Thông Tin sắp ra trường. Đứa thứ hai là Cúc vừa mới đậu đại học, ở với vợ chồng ông anh vì hai người không con, chắc cưng quá nên nó thương còn hơn cả bố mẹ đẻ; mẹ nó bảo: “Giờ nó coi chúng em là chú thím nó rồi!”. Còn cô út là Ngọc thì rất xinh, nhưng nó không yểu điệu thục nữ mà có vẻ đẹp hiện đại theo kiểu “chân dài đến nách”, mới 15 đã 1m65, tương lai có thể thành người mẫu được, nhưng nó chỉ thích làm cô sĩ quan an ninh thôi. Bố nó thì bảo: “Mày hãy báo thù Đại học Tài chính cho bố (vì đứa lớn thi tài chính trên 20 điểm mà không đậu vẫn còn ức), nếu được, cái gì tao cũng chiều, xe máy, vi tính, mà là “xách tay” chứ không thèm chơi loại thường”. Tôi bảo: “Nó thích gì thì cho nó học, báu gì cái tài chính, sau này đi làm không thông đồng với giám đốc, nó đuổi, mà thông đồng thì có ngày vào tù”!
Trong 6 đứa cháu, bà thương đứa cháu ngoại là cái Hồng nhất, đơn giản là vì bà nuôi nó. Mẹ nó trước đây lỡ làng, có điều oái oăm là, sau khi “xin” được nó thì lại đi lấy chồng. Mẹ tôi nuôi đứa cháu ngoại là thế. Cũng may con bé rất ngoan và cũng xinh xắn, có điều học không được giỏi. Tôi nghĩ, nó chỉ học lớp cô dạy mẫu giáo là hợp nhất, sau này có lương rồi tôi hỗ trợ thêm là sẽ sống được. Ai ngờ tôi chưa kịp nói ra thì ở quê nó đã làm đúng y như vậy, hết cấp 3 đã thi đậu vào trường dạy mẫu giáo ở Hải  Dương. Gần đây, khi bà cho tiền thường nói: “Bà cho tiền lần này là lần cuối đấy nhá, chịu khó học, sau này ra trường có đồng lương mà ăn”. Bà nói vậy cho nó chịu khó học, cũng có thể do bà đã linh cảm được ngày cuối của mình. Có điều hay là, khi bà mất cũng là lúc nó ra trường rồi được giữ lại, và đã bắt đầu tự lo cho mình được, lại còn học tiếp lên đại học nữa.
Như vậy, trước mắt còn bao khó khăn, tương lai xa không biết thế nào, nhưng mấy đứa cháu của bà đều yên ổn và đầy hứa hẹn cả, có phải bà đã tích đức, để phúc lại cho những đứa cháu hôm nay không?
Mẹ tôi, một cô bé 7-8 tuổi, bố chết, mẹ lấy chồng xa, cầu bơ cầu bất, dắt em đến ở hết nhà ông cậu đến nhà bà cô, lớn lên đi lấy chồng cũng khác thường, bởi bố tôi đã hỏi bà trong ngày bà nội tôi mất để cưới chạy tang. Rồi một đời cặm cụi với đồng áng, bà đã làm hết phần của mấy đứa cháu nên chúng sinh ra ở quê mà gót chân không một lần lấm bùn đất. Một đứa trẻ mồ côi, lại ở cái thời mông muội ấy làm sao được đi học, bà đã để dành lại tất cả chữ nghĩa cho con cháu. Dù bà không biết chữ nhưng rất thông minh, trí nhớ rất dai, cư xử mọi chuyện đâu ra đó, bà là thuyền trưởng lèo lái con thuyền nhà tôi. Bà không biết chữ nhưng đã đẻ ra nhà văn, rồi bây giờ hoàn toàn có thể trở thành bà của 6 đứa cháu cử nhân, kỹ sư, có thể cả tiến sĩ nữa. Đời một con người được vậy, hỏi có hạnh phúc nào hơn?”
29-3-2014
ĐÔNG LA

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét