HUẾ TIỀN FESTIVAL

Mình về Huế, có hai ba việc. Giờ về cơ bản đã xong, lại bay tiếp.

Về giữa lúc không khí tiền festival đang sùng sục, sực nhớ mình cũng đã mấy lần về Huế với Festival, nhưng toàn về trước hoặc sau lễ hội. Duy nhất 1 lần về đúng cữ là lần ông Phạm Xuan Nguyên trở thành... Nghệ sĩ múa bụng năm nào đó, tối nào mình cũng ra sân khấu ở cung An Định cổ vũ nó, hihi.

Huế tiền Festval có cái gì đấy cứ nao nao. Mình thường về dự Fesstival vào 2 lúc: trước hoặc sau lễ. Vào đúng chính lễ thì lại cứ bị ngợp trong không khí hân hoan. Có thể hân hoan 1 lúc, 1 buổi, nhưng hân hoan 1 ngày, nhiều ngày... thì liệu hồn, nó bị đơ nỗi hân hoan ấy, như cái anh đứng chụp ảnh, miệng cứ chành ra cười cho phó nháy loay hoay mà mãi nó không chịu chụp, cái cười thành cái cười cơ học. Trước và sau lễ hội nó có cái không khí rất lạ. Trước thì háo hức nhưng cũng hoang mang, trong sự vừa hối hả vừa mệt, vừa mông lung những tưởng tượng. Chiều hôm qua ghé tạp chí Sông Hương thấy mọi người cũng đang tất bật chuẩn bị mấy việc, trong đó có các bà các chị cựu sinh viên Đồng Khánh sẽ hát tập thể ở đường Trịnh Công Sơn do tạp chí Sông Hương bảo trợ. Toàn áo dài trắng, và nghe nói hát cũng rất hay. Còn sau lễ thì nó tan hoang, người thì mệt, khung cảnh thì chơi vơi. Đi trong những ngày ấy tâm thế lạ lắm, rất buồn, và cả sẻ chia. Bã bời nhưng lại như trút đi gánh nặng, cái gánh nặng của người gồng lên tưởng chỉ một khắc nhưng nó lại kéo dài khắc này sang khắc khác. Cái tâm trạng ấy cũng khá thú vị. Có lẽ nó do cái gã là mình oái oăm nghĩ ra. Dân Huế sở tại thực chất, cũng không quan tâm lắm đến Festival, thậm chí có khi còn... khó chịu nếu họ không có quan hệ kinh doanh gì với nó, bởi phố sẽ chật chội hơn, giá cả đắt hơn... Nhưng nếu không Festival, Huế còn gì???

Về gặp ngay cái hội thảo báo Đảng miền Trung Tây Nguyên với mấy chục đoàn nhà báo, trùng điệp nhà báo. Nhiều đứa học cùng trường, cùng lớp nữa. Vui nhất là có một cuộc nhà chùa chiêu đãi cơm chay tất cả các nhà báo. Tác là nhà báo đi ăn... chùa. Nghe nói chỉ trong có 1 buổi, nhà chùa đã chuẩn bị xong mấy trăm xuất ăn gồm bánh và thức ăn chay, ngon và tươm tất.

Vườn Cơ Hạ rất lãng mạn trong một đêm nhạc với những tình khúc vượt thời gian. Cũng là một tập dượt cho Festival. Lâu lắm mới thấy các ca sĩ trẻ mặc áo dài trắng hát. Lâu nay phàm là ca sĩ tức thị là đầu nhuộm với váy vủng vừa hát vừa lắc vừa nhảy. Đây các ca sĩ Huế với áo dài trắng hát rất nhẹ. Nhưng có vẻ âm thanh chưa tương xứng với vườn, mà giọng ca sĩ thì nhẹ quá, nên nó đuối.

Về được quê 1 buổi, nhưng lại không về... nhà được, mà là ở khu du lịch Thanh Tân trong một cuộc chiêu đãi của huyện với các nhà báo. Nhà còn mỗi vợ chồng chú em, mình mà có về chúng lại phải bố trí nghỉ việc chứ chả lẽ để ông anh một mình. Dù đúng ra mình vẫn phải về thăm mộ ba mẹ... Con gái mình lấy chồng xong , 2 vợ chồng đi vỡ mật ở Đà Nẵng cũng vẫn kéo nhau về ra mắt ông bà...


Sáng qua lên khu văn hóa Huyền Trân Công Chúa, thấy nó... rất lạ. Mua vé vào và thấy... rất vắng khách. Cái khu ấy dài ngoằng với 1 kỷ lục con rồng dài nhất, chả hiểu có cần phải dài thế không? Ngay nàng (bà) Huyền Trân, lẽ ra phải giới thiệu thế nào đó để mọi người hiểu, rằng đây là cô công chúa cành vàng lá ngọc, nhưng vì 2 châu Ô và Lý mà lên Kiệu đi làm dâu xứ người. Giờ nhé, kiến thức tận răng mà bao nhiêu cô gái VN đi lấy chồng Đài, Trung, Hàn... vẫn chả biết cua nheo gì, vẫn phải tự tử, vẫn phải khóc lóc... thế mà cách đây hàng mấy trăm năm một cô công chúa dấn thân đến 1 nước lạ, có thể gọi là man di, để đánh đổi đất cho tổ quốc. Bà (nàng) xứng được thờ như một liệt nữ, để những ai đánh mất 1 tấc đất của tiên tổ phải cúi đầu mà sợ...





Đứng ở đấy chợt nhớ khu Bái Đính. chùa gì mà khổng lồ. Chả biết tự bao giờ cái chất "nhất" đã len vào văn hóa xứ Việt. Cái gì cũng phải nhất mới hoành. Trong khi đúng với triết lý thì chùa phải rất thân thiện với thiên nhiên, với con người, nó lần vào cây vào núi, khiên scon người thư thái khi bước vào. Khác hẳn với nhà thờ, nó đè con người xuống, bắt con người phải nhỏ bé, phải run sợ trước chúa, trước siêu nhiên...



Khi về ghé Trung tâm bảo trợ trẻ em An Tây, vừa thăm vừa để 1 bà chị Việt Kiều Đức cho các cháu ít tiền mua thịt. Ở đây nuôi 30 cháu từ lít nhít đến học đại học, do 1 nữ Việt Kiều Thụy Sĩ tên là Tri hơn 80 tuổi xây và sống bằng hảo tâm của các nhà từ thiện trong và ngoài nước. Như mọi trung tâm nuôi trẻ mồ côi khác, các cô ở đây đều không có gia đình, mỗi cô làm mẹ mấy cháu nuôi cho đến khi các cháu trưởng thành. Hiện nay có cháu đã ra trường đi làm, có cháu có gia đình, có cháu đang học từ phổ thông đến đại học...



Từ đấy bước ra, thấy cảm giác thư thái. Ở đâu cũng thế, thấy mắt trẻ con là thấy ấm lòng...

Chiều qua, lại có một cuộc tưng bừng bên bờ sông Hương, nơi ngày xưa mỗi khi đi thư viện, lần túi thấy còn... tiền lẻ thì mò sang đấy ăn kem. Bọn sinh viên muốn tán gái, toàn rủ nhau đi thư viện rồi sang đấy ăn kem. Em ơi, 2 cây nhé, em cứ ăn đi, anh ngắm sông đủ rồi, huhu cái thời đói kém...

Hôm qua có 2 thăng học cùng lớp, giờ là ông nọ bà kia của Huế  rồi, có thầy giáo cũ dạy tiếng Nga bọn mình đại học, hơn 80 mà vẫn tráng kiện. Thực ra ông là PTS đầu tiên của Huế về địa chất công trình hay toán địa chất gì đấy, là trưởng phòng giáo vụ khi ấy, kiêm giáo viên chủ nhiệm lớp đầu bò đầu bướu tụi mình, tiện thể dạy tiếng Nga luôn vì ông học ở Nga về. Hồi ấy thi thoảng ông kể đi chỉ đất chỗ này chỗ kia cũng đã khối tiền. Giờ ông rất giàu, đi với sinh viên cũ toàn bảo hôm nay tao trả tiền nhé. Ông rất quý lớp mình, vừa rồi cho mớ tiền in cuốn kỷ yếu... Rồi mấy anh em sông Hương, mấy cây bút trẻ của Huế... có cả chủ tịch huyện Phong Điền chạy vào tiễn anh Hùng nữa, thế là... lâng lâng...



Bây giờ chuẩn bị đi ăn sáng rồi cà phê gác Trịnh với bạn bè Huế. 9h hôm nay tớ bay rồi, chào Huế vậy. 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét