Ai chuẩn bị đến nước Ấn Độ, thường hay nói câu: “Hành hương về đất Phật”, tôi cũng nghĩ như vậy là… phải. Cảm nhận đầu tiên của tôi về đất nước Ấn Độ là “hiền hòa” khi tới thành phố Kolkata với các anh chị đồng nghiệp: Nhà thơ Văn Công Hùng, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Linh Khiếu, Hoàng Việt Hằng, Di Li, Hải Thanh cùng dự Hội chợ sách lần thứ 38 và Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ 8.
Máy bay hạ cánh trên đất Kolkata lúc đã quá nửa đêm, dù rằng mệt mỏi, buồn ngủ, nhưng nụ cười, ánh mắt thân thiện của người lái xe taxi màu vàng đang chờ đón đoàn quàng vào cổ mỗi người một dây hoa màu vàng, thơm dìu dịu, khiến tôi tỉnh hẳn và trong lòng ấm lại.
… Trong đêm lặng, tôi vẫn nhận ra khuôn viên khách sạn đầy hoa, hoa nhiều sắc màu rực rỡ ngang dọc theo các lối đi được trồng chăm sóc theo hình đã định, đẹp và trang nhã. Những ngày sau, tôi hiểu ra rằng, Ấn Độ là một đất nước yêu hoa, trọng tình bạn bè. Và bất ngờ hơn nữa khi biết ở thành phố Kolkata có một đại lộ mang tên Hồ Chí Minh, tượng của Người đặt trong công viên luôn có hoa tươi.
Nhân viên khách sạn trong đêm khuya hôm ấy nở nụ cười đón khách thân thiện, nhưng thao tác thủ tục cho khách nhận phòng thật là chậm chạp. Phải hơn tiếng đồng hồ làm thủ tục nhận phòng mới xong. Sáng ra, theo giờ đồng hồ Ấn, bảy giờ đã vội vàng dậy, ra hành lang, vẫn vắng lặng.
Đi xuống nhà ăn của khách sạn ở tầng một, đang “cửa đóng then cài”, điện chưa bật lên. Hỏi rồi được biết, nhà ăn phục vụ bữa sáng từ tám giờ đến mười giờ. Buổi chiều cũng vậy, phục vụ từ tám giờ tối cho tới mười giờ đêm. Buổi sáng đầu tiên ở nước Ấn, hơi sờ sợ tí chút khi nghe tiếng quạ kêu, tiếng kêu đồng thanh của nhiều quạ vang lên một lúc.
Tôi đọc nhiều bài báo nói về nước Ấn là thiên đường của các loài vật. Ấn Độ là nước lớn, diện tích đứng thứ bảy, và thứ hai trên thế giới về dân số, là nước thân thiện với loài vật, nhưng còn nghèo.
Có nhiều chuyện nói về các loài vật ở Ấn Độ. Nhưng tình cảm thân thiện của một quốc gia dành cho loài vật, cho hoa, cho sách và thơ, cách ứng xử với bè bạn khiến tôi nể trọng ngay từ ngày đầu tới nước Ấn.
Ngày Hội thơ, trong Hội trường có nhiều hoa tươi, bạn bè thơ từ nhiều quốc gia “tay bắt, mặt mừng” tươi tắn hỏi chuyện nhau bằng miệng, rồi bằng… tay thay cho diễn đạt ngôn ngữ còn khó khăn.
Ngày đầu khai mạc Hội thơ, đoàn của Việt Nam được mời lên Đoàn chủ tịch, nhận hoa và khăn quàng cổ truyền thống của người Ấn Độ. Nhà thơ Văn Công Hùng, trưởng đoàn, được mời lên phát biểu đầu tiên đầy... hào hùng, hứng khởi nói về văn hóa, về nhân cách con người khi có... văn hóa, rồi... đọc thơ. Các nhà thơ của các nước lần lượt lên phát biểu rồi đọc thơ bằng tiếng Anh. Các nhà thơ địa phương có mặt cũng nhiều, các ca sĩ của nước chủ nhà hát các bài ca của họ.
Những ngày sau, người đến Hội trường đọc, nghe thơ ít hơn, cứ đi vào đi ra. Có người lên đọc thơ xong, đi không vững, phải có người dìu. Nhà thơ đang đọc trên diễn đàn bỗng dưng... khóc, nghẹn ngào. Người ngồi nghe chăm chú, bỗng dưng hát to lên, đứng dậy vỗ tay.
Có thể nói, lần đầu tôi được sống trong không khí thơ ở nước Ấn với nhiều trạng thái của con người cảm nhận về thơ một cách… dân chủ thực sự đúng với nghĩa của nó.
Dưới tán bồ đề linh thiêng. |
Vừa tham gia Hội thơ, các văn sĩ còn tham gia Hội chợ sách, người đông ngào ngạt, hàng vạn người đầy đủ các màu da của nhiều quốc gia cùng đổ về Hội chợ. Phải công nhận đất nước của thi sĩ Tagore yêu thơ và sách, và nhảy múa hát ca.
Nhà thơ Văn Công Hùng vui vẻ đấy, lại nhớn nhác mặt mày lo trước, ngó sau, sợ người của đoàn Việt Nam bị lạc trong biển người thì không còn là chuyện nhỏ! Trưởng đoàn Việt Nam buồn, nỗi buồn chung của nhiều người về gian hàng sách của Việt Nam quá nhỏ bé và sách lại quá ít, quá cũ kỹ, quá sơ sài.
Kết thúc ngày Hội sách và thơ, các bạn thơ của nhiều quốc gia đã thắp nến và hát bài ca trầm buồn được phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Tagore. Các nhà thơ tặng sách cho nhau, chụp ảnh, ôm nhau, nghẹn ngào.
Theo chương trình đã định, đoàn văn sĩ Việt Nam hành hương về đất Phật. Đoàn được ông Shama - Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Việt - Ấn, người đã mười tám lần đến Việt Nam - mua hộ vé tàu hoả và tiễn đưa đoàn ra tận sân ga. Tôi sẽ không bao giờ quên được ông già Shama, người có tình cảm với Việt Nam một cách chân thành, không phải “xã giao”!
Đoàn đến thánh địa đất Phật đầu tiên là Bồ đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya), nơi Đức Phật thành đạo, bằng tàu hỏa. Những thông tin ở nhà về tàu hỏa ở Ấn Độ là không chính xác. Tàu hỏa ở Ấn Độ, (ít ra cũng là chuyến tàu trong đêm hôm ấy tôi đi) không bẩn, không ồn ào như lời đồn đại.
Ở nhà ga, không thấy người soát vé, và không nghe loa nói mọi lúc, mọi nơi oang oang như mình. Danh sách hành khách dán nơi cửa lên xuống của tàu, cứ thế tìm tên mình rồi lên tàu, rồi tìm giường theo số. Giường nằm có ga, có chăn, có gối cũng khá là sạch sẽ được bỏ vào túi nilon dán kín.
Tàu chạy êm, chạy rất nhanh, kính cách âm cực tốt. Và nói thêm điều này nữa, nơi vệ sinh trên tàu ở Ấn không đến nỗi bẩn như thông tin đã nghe từ trước.
Đón đoàn văn sĩ là ni cô người Việt, tên gọi Từ Tâm, tên thật là Trần Thị Cúc. Bà Trần Thị Cúc cũng đã có gia đình, bốn người con đều có bằng tiến sĩ, hiện đang định cư tại Mỹ với người cha của họ. Ni cô Từ Tâm cũng đã có bằng đại học tại Mỹ, đã từng thỉnh giảng ở các trường đại học ở Hoa Kỳ, đã từng viết nhiều bài báo, truyện in trên các báo.
Ni cô Từ Tâm đã thu gom sự đóng góp của các Phật tử từ nhiều nước xây dựng nên “Trường trung học và chuyên nghiệp tình thương” cho hơn 600 học sinh nghèo khổ đang học, và hiện đang xây dựng tiếp hai ngôi trường nữa cho trẻ em thuộc tầng lớp bần cùng đang mù chữ ở bang Bihar nước Ấn.
Bồ đề Đạo Tràng được biết là nơi thiêng liêng nhất của giới Phật giáo, là nơi có cây bồ đề thiêng, gắn liền với sự thành đạo của Đức Phật lịch sử. Hằng năm, có hàng triệu Phật tử và khách hành hương về nơi đây cầu may. Quanh gốc cây Bồ đề linh thiêng, người nằm trên tấm ván, người quỳ, người đang lạy la liệt không có lối đi.
Đoàn đến thánh địa thứ hai của Phật giáo, đó là Kusinagara, nơi Phật nhập Niết bàn năm Ngài 80 tuổi dưới hai tầng cây Sa La. Cũng như các thánh địa khác liên quan đến những biến cố lịch sử đời Đức Phật, Kusinagara đã trở thành một thánh địa quan trọng để các Phật tử và khách hành hương hàng năm tìm về, có đến hàng vạn người đến chiêm bái làm lễ.
Đoàn đến thánh địa Phật giáo thứ ba, đó là Vườn Lộc Uyển Sarnath. Tại đây, Đức Phật đã khai giảng bài pháp đầu tiên cho 5 tu sĩ mà trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài. Ni cô Từ Tâm giảng giải, trong bài thuyết pháp này, Ngài nói về những khổ đau của kiếp người và phương cách giải hóa những thống khổ đó. Sự kiện này đã được mệnh danh là “Chuyển Pháp Luân”.
Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) là thánh địa thứ tư đoàn văn sĩ đến trong chuyến hành hương đầu năm đến nơi Đức Phật giáng sinh. Lâm Tỳ Ni đã trở thành một thánh địa quan trọng hàng đầu đối với người Phật tử. Địa danh này thuộc về nước Nepal.
Thời gian lưu ở nước Nepal, ấn tượng mạnh với tôi, đó là chùa Việt, mái chùa cong mềm mại, dịu dàng, không thô ráp. Trong khuôn viên của chùa có hồ nhỏ, có cầu bắc qua, có hoa, và quan trọng là có cây tre Việt Nam xanh mướt đung đưa trước gió. Kể cũng lạ, đi đâu có cây tre, là có cảm giác mảnh đất nơi đó không xa lạ với mình.
Đoàn dành thời gian còn lại đi tham quan ở sông Hằng. Đó là con sông lớn, dài, rộng. Người Ấn tin tưởng, nước của sông Hằng như dòng sữa mẹ, nuôi họ, và giúp họ tẩy rửa hết mọi tội lỗi ở đời! Nước Ấn ít sông ngòi, nên bên bờ sông Hằng lúc nào người cũng đông như hội, người tắm rửa, người làm lễ rước nước, người cầu nguyện. Xác chết của trẻ con ném xuống sông, xác người lớn thiêu không hết ở lò thiêu bên sông cũng ném xuống nước với niềm tin sẽ được lên “thiên đường”.
Hoa vàng của du khách thả xuống sông cầu may trôi nổi theo xác chết của vật, của người thiêu không hết… Tôi nhớ mãi lời tâm sự của ni cô Từ Tâm qua điện thoại khi đoàn kết thúc chuyến đi “thành công tốt đẹp” về nước đã được ba ngày: “Sông Hằng không được như trong huyền thoại, như lời đồn, tanh tưởi, bẩn thỉu, ô nhiễm môi trường nặng nề lắm rồi.
Tôi xấu hổ khi đưa Phật tử, khách hành hương đi chiêm bái ở sông Hằng, mà nói thật, chỉ có khách hành hương Việt Nam mới đi chiêm bái sông Hằng thôi, các nước khác thì không”.
Đầu năm mới, đoàn văn sĩ nước Nam xuất hành về Ấn Độ, có thể nói là may mắn. May mắn vì “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nói thật, không ngoa. Những đêm nghỉ ở Kolkata, nghe tiếng nhạc bập bùng từ những chiếc ô tô trang trí nhiều màu sắc rực rỡ, chạy chầm chậm trên đường phố, thanh niên nhảy múa theo.
Có chuyện gì lạ vậy? Thì ra là đám cưới, người Ấn thích nhảy múa khi có niềm vui. Mấy đêm nghỉ ở Kolkata, đêm nào cũng nghe nhạc đám cưới. Thời gian này thời tiết đẹp nhất trong năm, ông Shama nói vậy, và tôi cũng cảm nhận vậy. Bạn bè ngoại quốc ôm chầm nhau lúc chia tay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét