Như đã trình bày trước với anh về câu chuyện tôi đi tìm mộ cậu tôi - LS Đặng Văn Cần, lính Sư 2 hy sinh tại Tiên Phước - Quảng Năm năm 1968.
Tôi xin gửi anh bài viết kể lại câu chuyện này. Nếu được mong anh giúp cho:
- Thứ nhất, chỉnh sửa lại câu cú miễn giữa được ý tứ câu chuyện.
- Thứ hai, phần kết tôi thấy như còn thiếu gì nữa và chưa chuẩn, anh có thể giúp hoàn chỉnh.
- Thứ ba, Anh chuyển bài viết này tới Thủ trưởng Chủ nhiệm chính trị và Ban chính sách Sư 2 (An Khê) được thì hay quá.
Một lần nữa rất cảm ơn anh đã giúp. Kính chúc anh khỏe, mọi sự tốt lành.
Lê Dũng _ Ninh Thuận.
Đọc và thấy xốn xang nhưng tôi xin không đụng vào một chữ nào của anh bởi anh viết khá là ổn, còn chuyện nhờ chuyển, tôi nghĩ anh nên tự chuyển. Mọi ý nguyện đi tìm di hài liệt sĩ đều được trân trọng, nâng niu, và nếu biết mong manh về nó thì lại càng không thể làm ngơ, không thể im lặng.Lần trước khi đăng lên đã được rất nhiều bạn đọc vào comment, like (bên facebook), mong lần này tiếp tục được các bạn quan tâm và nếu ai góp được gì cho gia đình thì xin chỉ giúp. Nhắn anh Dũng, lần trước, đại tá nhà báo Lê Quang Hồi của báo Quân đội Nhân Dân khi đọc có comment: "Mọi người ai biết thông tin về mộ liệt sĩ xin thông báo cho phòng Công tác Đảng, công tác chính trị. Của báo Quân đội nhân dân số 7 Phan Đình Phùng - Hà Nội. Đây là kênh tốt nhất để thông tin tới các đon vị trong quân đội và thân nhân các gia đình liẹt sĩ. Xin cảm ơn." Anh Dũng hãy làm như thế, và cũng in bài này ra gửi cho các địa chỉ anh đã "kính gửi" nhé...
Kính gửi: - Thủ trưởng Cục Chính trị và Phòng Chính sách QK5
- Thủ trưởng Chủ nhiệm chính trị và Ban Chính sách
Tỉnh đội Quảng Nam
- Thủ trưởng Chủ nhiệm chính trị và Ban Chính sách
Sư đoàn 2 - QK5
Tôi là Lê Văn Dũng (Cựu chiến binh Mặt trận 579-QK5), quê quán tôi ở xã Đoan Bái huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, chỗ ở hiện nay tại số 53 đường Đoàn Thị Điểm, phường Thanh Sơn thành phố Phan rang-Tháp chàm tỉnh Ninh Thuận. Tôi có người cậu ruột, em mẹ tôi là liệt sỹ Đặng Văn Cần, hi sinh năm 1968 tại Quảng Nam.
Gia đình tôi thật sự không biết cậu tôi có phần mộ hay không và nằm ở nghĩa trang LS nào trên đất Quảng Nam(?) Ông bà ngoại tôi khi còn sống vẫn luôn đau đáu việc này và luôn ước ao dù cậu tôi nằm ở nghĩa trang nào thì vẫn có một phần mộ hẳn hoi, được nhân dân và chính quyền địa phương chăm sóc, hương khói mỗi dịp lễ tết. Vì nhiều hoàn cảnh mà gần 40 năm qua kể từ sau giải phóng, gia đình ngoại tôi chưa thể lần nào đi tìm mộ cậu tôi.
Cậu tôi có một người con trai bằng tuổi tôi. Chúng tôi học với nhau cùng lớp suốt thời phổ thông, khi trưởng thành mỗi người mỗi số phận. Chú em tôi không may bị bệnh hiểm nghèo và qua đời hơn 10 năm trước ở tuổi 42, chỉ vài tháng sau khi chú ấy vào Miền Nam thăm tôi. Tôi nhớ mãi cái đêm cuối cùng anh em ở bên nhau trước khi tiễn chú ấy ra tàu về quê, chú ấy đã nói lên ước nguyện: Anh ở Miền Nam đã mấy chục năm, đến ngày gần đây, trời cho em còn khỏe mạnh và có điều kiện anh dẫn em đi Quảng Nam tìm mộ bố. Tôi không ngờ vài tháng sau em tôi qua đời, chỉ còn mình tôi với lời nhắn gửi của người đã xa cách ngàn trùng.
Về phần tôi, cũng vì hoàn cảnh riêng mà mãi đến nay mới có một lần đến Quảng Nam để tìm mộ cậu, chuyến đi kéo dài 8 ngày, từ 30/5 đến 06/6/2014. Tôi không tìm thấy mộ cậu trong các nghĩa trang liệt sỹ (LS) và chắc cậu tôi chưa được về nghĩa trang, vì trong danh sách LS của tỉnh Quảng Nam không có tên cậu tôi. Tuy vậy, với tôi chuyến đi có thể nói cũng đã thu được kết quả. Dù chưa tìm thấy mộ cậu nhưng tôi đã đến được tận nơi cậu tôi hy sinh, đã biết chắc chỗ cậu tôi đang còn nằm lại cùng với hơn 120 LS khác tại đồi Quỳ thuộc địa bàn thôn 7 xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam, bên bờ Bắc con sông Tranh-Nơi đứng chân của Bệnh xá CK120 thuộc Sư đoàn 2- QK5 thời kỳ năm 1968. Chỉ có điều, thời gian đã qua gần 50 năm với sự khắc nghiệt của thiên nhiên vùng đất Tây Quảng Nam, cùng với đó là cả sự quên lãng của con người, nơi tôi đứng đây hôm nay không còn dấu tích gì cho thấy đó là nơi đang yên nghỉ của cậu tôi và hơn 120 đồng đội khác của ông. Người trần như tôi không thể biết ở sườn phía Đông của đồi Quỳ này, đâu là nơi họ đang nằm, và càng không thể biết cậu tôi ở chỗ nào trong số họ!
Tôi vô cùng cảm ơn chị Nga - cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Nam (Cũng là con LS), anh Phạm Thông - Chủ tịch Hội VHNT thành phố Tam Kỳ, chú Hồng - Bác sỹ, nay đã 72 tuổi nguyên giám đốc bệnh viên đa khoa tỉnh Quảng Nam và hiện là giám đốc bệnh viện Thái Bình Dương Tam Kỳ, những người đã giúp tôi tìm đến được với những đầu mối thông tin ở Quảng Nam nói chung và Tam kì nói riêng, thậm chí còn đi cùng tôi lên Tiên Phước, đến cả Tiên Lãnh, vùng núi bán sơn địa phía tây Quảng Nam giữa những ngày hè tháng 6 nắng như đổ lửa.
Tôi cũng rất cảm ơn anh Sơn - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước đã đón tiếp và có những chỉ đạo thật kịp thời đến các ban, ngành chức năng của huyện; cảm ơn anh Mai - Trung úy, Trợ lý chính sách của Huyện đội Tiên Phước, anh Đức - Phó phòng Lao động - TBXH huyện Tiên Phước đã tận tình giúp đỡ, hỗ trợ thông tin để việc tìm kiếm được thuận lợi.
Tôi đặc biệt cảm ơn anhPhùng Văn Xanh - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh về những tình cảm và tất cả những gì anh đã dành cho tôi, nhất là những thông tin anh cung cấp liên quan đến những LS còn nằm lại ở CK120. Anh kể, Cha anh - ông Phùng Sang là dân trụ bám, từng nhiều năm chèo đò đưa bộ đội qua sông Tranh ra vào Bệnh xá, coi Bệnh xá là nhà và bộ đội bệnh xá như người thân. Bản thân anh đã có 30 năm công tác ở xã, chính anh đã được cứu chữa tại Bệnh xá CK120 của Sư 2, cái ngón tay cụt trên bàn tay trái của anh là bằng chứng. Anh khẳng định từ sau giải phóng đến nay, chưa có bất kỳ một hài cốt LS nào chôn cất ở CK120 được quy tập về các NTLS của địa phương (Anh Mai - Trung úy, trợ lí chính sách, người đã có thâm niên hơn 20 năm công tác tại Huyện đội Tiên Phước cũng xác nhận như vậy). Tôi cũng cảm ơn anh Vinh - Xã đội trưởng cùng 3 anh em dân quân khác còn rất trẻ của xã Tiên Lãnh (Xin lỗi vì tôi không nhớ tên), đã bỏ lỡ cả mâm cỗ cúng Mùng 5 tháng Năm của gia đình, đưa tôi vào tận đồi Quỳ - nơi đứng chân của CK120 - Sư 2 hơn 40 năm trước.
Tôi cũng cảm ơn tất cả những người tôi đã gặp ở Tam Kỳ, ở Tiên Phước hay Tiên Lãnh. Trò chuyện với họ, khi nhắc đến chuyện Bộ đội, chuyện LS tôi thấy trong lòng họ lại dâng lên cảm xúc đồng cảm, nghẹn ngào. Tấm lòng của họ, của người dân Quảng Nam với bộ đội, với người lính cách mạng thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao.
Cậu tôi tên là Đặng Văn Cần, sinh năm 1942, quê quán tại xã Đoan Bái huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang. Nhập ngũ tháng 9/1966, hy sinh ngày 05/8/1968 khi đang điều trị bệnh sốt rét ác tính tại một bệnh xá của Sư 2 lúc đó đóng tại địa bàn xã Phước Lãnh (Nay là xã Tiên Lãnh) huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Một cựu chiến binh Sư 2, người đồng hương cũng là đồng đội cũ của cậu tôi cho biết: Chính ông đã cùng khiêng cáng đưa cậu tôi đến bệnh xá đơn vị, sau đó trở lại đơn vị rồi tham gia chiến dịch. Xong chiến dịch thì ông nghe tin cậu tôi đã không còn và được chôn cất tại nghĩa trang của bệnh xá. Ông vẫn tiếc là do điều kiện chiến đấu mà ông không có mặt lúc cậu tôi hy sinh, không được tận mắt thấy chỗ cậu tôi nằm lại để kể cho chúng tôi, dù lúc này ông đang còn mạnh khỏe và rất minh mẫn! Ông cũng cho biết cậu tôi thuộc biên chế của Trung đội 2 đại đội 5 tiểu đoàn 13 - đơn vị trực thuộc Sư 2. Người Tiểu đoàn trưởng lúc đó tên Hoạt, Tiểu đoàn phó chính trị là ông Trương Văn Cửu, Đại đội trưởng là ông Tác, Đại đội phó chính trị là ông Tài.
Đối chiếu với thông tin do anh Long - Trợ lý chính sách của Sư 2 và của Ban chính sách - Cục Chính trị QK 5 cung cấp, cho thấy rằng địa điểm, ngày tháng trường hợp hi sinh của cậu tôi đều đúng khớp. Duy chỉ có chi tiết: Trong danh sách LS của Sư 2 có tên cậu tôi và theo anh Long thì tên cậu tôi cũng đã được bàn giao cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng Phòng Chính sách - Cục Chính trị QK5 cho biết đơn vị cậu tôi thuộc Sư 3 - Sao Vàng (Cũng của QK5). Tôi nghĩ có khả năng như sau: Trung tướng Nguyễn Huy Chương - nguyên Chính ủy sư 2 thời chống Mỹ kể lại trong cuốn hồi ức CHỈ MỘT CON ĐƯỜNG của ông rằng, do yêu cầu chiến đấu, sư 2 thường xuyên được bổ sung quân số từ các đơn vị bạn, nhất là từ Sư 3 - Đoàn Sao Vàng. Có thể cậu tôi nằm trong số này? Tôi cũng không biết nữa!.
Thời kì năm 1968 trên địa bàn huyện Tiên Phước có 3 bệnh xá, đó là:
- Bệnh xá dân y ở khu Sơn - Cẩm - Hà.
- Bệnh xá CK130 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam
- Bệnh xá CK120 thuộc Sư 2 đóng tại xã Phước Lãnh (Nay là xã Tiên Lãnh).
Những người như Bác sỹ Hồng - Nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Nam, Giám đốc BVĐK Thái Bình Dương Tam Kỳ, người có thời gian công tác 14 năm (1961 - 1974) tại Bệnh xá dân y tỉnh QN thời chống mỹ; Bác sỹ Ân - Nguyên lãnh đạo Bệnh xá CK130 của Tỉnh đội QN; Bác Chiến (Nay đã ngoài 80 tuổi) - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, người trụ bám địa bàn suốt thời chống mỹ đều khẳng định như vậy.
Dọc đường trở lại thành phố Tam Kỳ, tôi thấy con đường như dài thêm ra với biết bao suy nghĩ miên man, bất định trong đầu. Tôi không biết mình đang nghĩ về điều gì. Không, có lẽ tôi chẳng nghĩ được gì lúc này. Câu chuyện của Bác Hồng và anh Ba Thông, những con người Quảng Nam tôi mới gặp lần đầu mà đã trở nên thân thuộc, với giọng nói đậm chất Quảng giàu âm sắc của họ kể về những kỉ niệm xưa, về những câu chuyện mới thời nay buồn có, vui cũng có, xen vào giữa là những khoảng lặng rồi cả những trận cười giòn tan. Tôi ngồi ngay cạnh họ, chẳng vui, chẳng buồn, tư lự nhìn qua khung cửa xe loang loáng những vệt cây. Tôi thật có lỗi. Tôi có lỗi với bác Hồng, với anh Ba Thông.
Sư đoàn 2 - QK5 là đơn vị 2 lần Anh hùng. Sư đoàn có 23 tập thể và 14 cá nhân Anh hùng. Lịch sử oanh liệt 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Sư đoàn thời kì chống Mỹ được vun đắp bởi sự hy sinh của 20 ngàn liệt sỹ đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn. Trung tướng Nguyễn Huy Chương - Nguyên Phó tư lệnh Chính trị QK5, người Chính ủy lâu năm nhất của Sư đoàn kể lại như vậy trong hồi ức của mình. Với các liệt sỹ của Sư đoàn, ông còn nói:
Tấm choàng che mưa chôn xong đồng đội
Hẹn thắng giặc rồi, lặn lội tìm anh
Hai mươi lăm năm chấm dứt chiến tranh
Mà anh còn ở rừng xanh chưa về
Thương anh nhớ lại lời thề
Tìm anh mà vẫn không hề gặp anh.
Mong sao lời thề của ông, ước nguyện của ông - Người Chính ủy Sư đoàn năm xưa cũng là của chung các thế hệ Chỉ huy, Lãnh đạo Sư đoàn ngày nay.
Cậu tôi, liệt sỹ Đặng Văn Cần và hơn 120 đồng đội của ông còn nằm lại ở rừng xanh đồi Quỳ, bên bờ con sông Tranh. Họ được chôn cất khi hy sinh ở Bệnh xá Sư đoàn, chắc không đến nỗi chỉ với tấm choàng che mưa như nhiều chiến sỹ khác hy sinh trong trận đánh hay dọc đường hành quân. Chắc chắn họ đang giữ bên mình trong lòng đất đồi Quỳ những vật dụng tối thiểu gì đó để lại tên tuổi, quê quán được Bệnh xá gửi theo cho họ. Vậy mà gần bốn mươi năm qua kể từ sau ngày giải phóng, họ cẫn chưa một lần được tìm đến?! Tôi đã biết và đến được chỗ cậu tôi đang nằm, nhưng còn hơn 120 gia đình khác có mấy ai biết được người thân họ cũng còn đang nằm lại nơi đây.
Kể lại chuyện này, tôi mong muốn có một đề xuất, một ước nguyện được Thủ trưởng Cục Chính trị QK5 quan tâm chỉ đạo; Thủ trưởng Chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội Quảng Nam và Thủ trưởng Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 2 Anh hùng chỉ đạo hiệp đồng, tổ chức việc kiểm tra, tìm kiếm, quy tập hài cốt hơn 120 liệt sỹ hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ tại Bệnh xá CK120 - Sư 2, thuộc địa bàn thôn 7 xã Tiên Lãnh huyện Tiên Phước về Nghĩa trang liệt sỹ. Vinh quang thay truyền thống Sư 2 - Hai lần Anh hùng! Vinh quang thay truyền thống Quảng Nam Trung dũng kiên cường, trận đầu thắng Mỹ!
Chỉ còn vài tháng nữa vùng thượng nguồn sông Tranh - Miền tây Quảng Nam bước vào mùa mưa, công việc tìm kiếm, quy tập sẽ khó khăn hơn nhiều. Đã gần 40 năm rồi, thời gian quá đủ cho sự chờ đợi của một thế hệ.
Tôi xin chân thành cảm ơn Thủ trưởng, Chỉ huy các cấp đã quan tâm; cảm ơn Nhà thơ Văn Công Hùng - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai đã giúp tôi đưa câu chuyện đến với mọi người.
Ninh Thuận, tháng 6/2014.
Lê Dũng
(ĐT: 0933 618939)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét