Có những công ty chuyên đi thầu… lễ hội, sự kiện, cũng cạnh tranh (không lành mạnh) ghê lắm. Họ là sân sau của hoặc là cơ quan, hoặc là cá nhân nào đó…
Những khoản tiền lớn bỏ ra cho các lễ hội, nhưng kết quả thu lại như thế nào thì hình như chưa có ai ngồi thử tính toán cụ thể???
----------
Chưa ai thống kê thử xem từ bao giờ các lễ hội nước ta bùng lên dữ dội đến thế.
Lễ hội ngày này sang tháng khác, miền này sang vùng khác, quanh năm lễ hội, và bao nhiêu bi hài kịch cũng từ đấy mà ra. Lễ hội thường gắn với thần linh, với niềm tin và ước vọng của người đi lễ. Nó cũng chứng tỏ dân ta ngoài tin vào cái thực thể đang tồn tại, còn tin vào những cái ở ngoài họ, những điều siêu nhiên.
Người người cung tiến, nhà nhà cung tiến. Năm nay thấy ban tổ chức lễ hội đền Hùng không nhận cung tiến những đồ “quá khổ quá tải”, cụ thể là lá cờ và quả khinh khí cầu.
Theo thiển nghĩ của tôi, lễ hội, vốn dĩ nó do nhân dân tự tổ chức, không có diễn viên và không có khán giả, ai cũng là thành viên của lễ hội, không do ai đạo diễn cả, truyền từ đời nọ sang đời kia, nhưng cái còn tồn tại đến nay là đã vượt qua sự rơi rụng sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. Có nhiều năm, vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu do quan niệm ấu trĩ, chúng ta cho lễ hội là hoạt động mê tín nên cấm. Rồi đến lúc mở thì lại mở ồ ạt.
Nhưng cái chính là, nhà nước, mà cụ thể là ngành văn hóa, nhúng tay vào lễ hội nhiều quá.
Nhẹ nhất là có bàn tay “đạo diễn”, mà phần lớn các ông bà dạo diễn chả hiểu gì, cứ áp đặt mớ kiến thức hổ lốn mình học được vào, bắt nhân dân phải theo. Nặng hơn thì… cấp kinh phí, kéo lễ hội truyền thống có không gian nông thôn lên phố tổ chức, bứt lễ hội khỏi không gian làng xã, bày lên sân khấu vuông xanh đỏ tím vàng với kim tuyến lụa là, nghệ nhân trông như diễn viên còn diễn viên thì lại đóng… nghệ nhân…
Cứ lấy Tây Nguyên nơi tôi đang sống ra mà dẫn thì cũng đã đủ bi hài kịch xảy ra xung quanh cái món lễ hội này.
Hôm nọ ở một cái festival rất lớn mang tầm quốc tế về cồng chiêng, người ta định bảo bà con diễn một cuộc ăn trâu phục vụ festival, chuẩn bị xong hết thì lại bảo bà con không làm nữa vì có vị lãnh đạo bảo nó dã man quá. Nhiều người không biết rằng, cái cuộc ăn trâu ấy sau này dân làng vẫn phải tự làm ở làng mình, vì đơn giản, nếu không làm tức là lừa dối thần linh.
Tôi không ủng hộ sự dã man, nhất là khi nó lại phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng ngàn người như lâu nay chúng ta thấy ở các “lễ hội đâm trâu” do nhà nước tổ chức. Té ra đâm trâu nó khác, đơn giản và tình nghĩa hơn nhiều…
Trước hết nhân đây phải khẳng định thêm một lần nữa, rằng là không có cái gọi là “lễ hội đâm trâu” như lâu nay chúng ta hay gọi. Nó chỉ là một thành tố của một lễ hội, và người Tây Nguyên gọi nôm na là ăn trâu. Họ làm con trâu ấy để cúng thần linh, mời thần linh ăn, để họ tạ ơn thần linh đã giúp cho họ những việc lớn của làng. Những lễ hội mà có ăn trâu rất hiếm và không thường xuyên tổ chức. Để có cái cuộc ăn trâu vào sáng sớm hôm sau ấy, đêm trước đã có một cái lễ khóc trâu. Những người đàn bà thân thuộc với con trâu được chọn để ngày mai làm lễ ấy, tối hôm trước ra chỗ cột trâu và… khóc trâu. Họ khóc rất bài bản, cám ơn con trâu và cũng “giao nhiệm vụ” cho trâu ngày mai thay mặt họ đi gặp thần linh. Họ cho con trâu ăn những ngọn cỏ non nhất mới cắt lúc chiều, mời trâu uống thứ rượu cần chắt từ lần cắm cần đầu tiên...
Rồi lúc tổ chức “tiễn trâu về với Yang”, theo nhiều người Tây Nguyên kể, không có nhiều người xem như hiện nay, đặc biệt là trẻ con càng không. Toàn các cụ già. Họ tiến hành nghi lễ thiêng liêng với thần linh, con trâu ấy chính là hiện thân của dân làng “tiếp kiến” thần linh.
Chứ không như hiện nay, người ta phong cho nó thành “lễ hội đâm trâu” rồi xách ông trâu ra cột giữa cái sân đông đặc người, rồi nhảy múa hú hét xung quanh cho con trâu ba hồn chín vía bay tiệt lên trời rồi bất thình lình đâm một nhát, máu me nhoè nhoẹt.
Vấn đề là, ai, và từ lúc nào, đã làm cho ý nghĩa những sinh hoạt văn hóa, và ý nghĩa tâm linh của những sinh hoạt ấy bị biến tướng đi một cách dữ dội thế...?
Văn hóa và văn minh thường là xung đột với nhau để xã hội phát triển mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Đời này sang đời khác, cuộc giành giật níu kéo giữa phát triển và bảo tồn, giữa cái mới và cái cũ, giữa hào nhoáng và thô sơ nguyên bản, giữa bản chất và hiện tượng... luôn làm loài người phải bận tâm để rồi chúng ta có văn hóa, có văn hóa vùng miền và văn hóa nhân loại, có văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng, có văn hóa bản sắc và văn hóa đại trà... tựu trung lại, nó là những sản phẩm vô giá của con người gửi lại cho mai hậu…
Có cảm giác là chúng ta đổ công đổ sức vào làm văn hóa, nhưng mới làm phần ngọn. Rất nhiều lễ hội to oành tường thuật trực tiếp trên TV (từ bao giờ không biết, có một mặc định là đã làm lễ hội là phải mời bằng được TV truyền hình trực tiếp, cũng tốn tiền đấy, và cũng có cảm giác nhiều lễ hội được tổ chức chỉ để dành riêng cho… truyền hình), cũng áo mão cân đai chương này chương khác tái hiện lịch sử, nhưng học sinh chúng ta thì lại không thuộc sử, không thích học sử. Cũng thế, phục dựng truyền thống thì truyền thống bị rơi rụng, hô hào nhân nghĩa thì sự vô cảm càng tăng…
Có những công ty chuyên đi thầu… lễ hội, sự kiện, cũng cạnh tranh (không lành mạnh) ghê lắm. Họ là sân sau của hoặc là cơ quan, hoặc là cá nhân nào đó…
Những khoản tiền lớn bỏ ra cho các lễ hội, nhưng kết quả thu lại như thế nào thì hình như chưa có ai ngồi thử tính toán cụ thể???
VĂN CÔNG HÙNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét