Ai đã ở Tây Nguyên những năm 80, 90 của thế kỷ trước thì hiểu được tâm trạng của những người như Thúy. Giản đơn nó đi một nhẽ, đằng này lại là cô giáo dạy văn, thừa nội lực để viết, đủ cảm xúc để thấy buồn, thấy trống vắng, thấy cô đơn- cái cô đơn vượt lên nỗi cô đơn thông thường, cô đơn của người viết- của những buổi chiều, những bình minh, và cả những ban trưa đỏ rực ba zan và bụi và gió và những mong manh thấp thỏm của những xa vắng kiếp người, cái cô đơn ngay giữa những người thân, ngay giữa gia đình mình, nỗi cô đơn trời hành. Tôi cứ hình dung Thúy trong những ngày những tháng những năm Krông Pắc ấy để rồi tự hỏi: Nếu không viết chị sẽ làm gì?...
---------
Sau khi nhận lời một nhà văn đàn anh sẽ viết gì đó về Đinh Thị Như Thúy thì tôi mới biết là mình đã… sai lầm. Bởi té ra là tôi chưa biết gì về Thúy cả. Mới thoảng gặp nhau đâu vài ba lần trong những đám đông ồn ào. Hồi ấy Thúy lại chưa… nổi tiếng nên cái sự chú ý của tôi nó cũng không rõ rệt lắm, mà Thúy lại có cách ứng xử ở đám đông khá lạ, ấy là lánh xa, cứ lặng lẽ ở một góc nào đó, có thể là để quan sát, cũng có thể là do tính cách nó thế, mà tôi lại có cái kiểu viết chả giống ai là toàn lôi ký ức ra… nhai.
Thì cho đến nơi ở của Thúy tôi cũng không nhớ, cứ nghĩ là Krông Buk, trong khi chị lại ở Krông Pắc, “thôi thì Pắc hay Buk thì cũng… Krông cả”, tôi đã chữa thẹn khi bị Thúy trách trong một cái mail: “Anh Hùng thiệt tình… , đến cái tên huyện em ở cũng không biết. Em ở huyện Krông Pắc mà?”. Thì ra là cô gái Huế, cho dù sinh ở Đà Nẵng, cũng vẫn mỏng và nhẹ lắm, theo tiếng gọi của tình yêu mà bỏ Đà Nẵng, “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, để theo 1 anh học cùng trường nhưng khác khoa, khoa toán, về tận cái huyện mà bây giờ khi gõ trên máy tính vẫn phải 2 lần thao tác mới xong, còn đọc thì trẹo miệng, để ban đầu là dạy cấp 2, sau đấy là dạy cấp 3. Mà nào có ít ỏi gì, hơn 20 năm ở cái huyện heo hút ấy để mới cách đây 2 năm, chị chuyển về thành phố mà chị sinh ra. Thế mà lạ, tưởng đi là giải thoát, té ra không phải, chị vẫn nhìn cái nơi chị sống, đã gửi cả thời tuổi trẻ của mình ở đấy, một cách đầy trìu mến và biết ơn. Con người lạ thế, có nhiều khi không lý giải nổi mình. Ngay như tôi đây, lên Pleiku từ cái thời mà đói khổ là đương nhiên,bây giờ nghĩ lại còn rùng mình,thế mà bao nhiêu lần có cơ hội về các trung tâm đô hội lớnvẫn không dứt ra mà đi được. Ngay bây giờ, nhiều bạn bè vẫn không thể hiểu nổi khi tôi bảo, mình vẫn sẽ ở đây cho đến già. Trở lại chuyện Thúy với Krông Pắc, chị viết về nó thế này, trong một đoạn thư trả lời phỏng vấn tôi đọc khá lâu rồi: “Tôi sống ở huyện Krông Pắc của tỉnh Đắc Lắc từ năm 1989. Tính đến năm 2012 khi chuyển về Đà nẵng là đã hơn 20 năm. Hơn hai mươi năm sống và gắn bó với một vùng đất có làm cho nơi đó trở thành quê hương không anh? Những đứa con đã được tôi sinh ra và nuôi dạy ở đây. Mỗi buổi sáng thức dậy, mở cửa nhìn ra bầu trời, tôi có thể hình dung được hôm nay, mùa này, kiểu thời tiết gì sẽ diễn ra, những người dân sẽ làm công việc gì cho mùa màng của họ. Tôi nghe tiếng chim hót cùng với tiếng xe máy cày chạy rầm rập. Nơi đây, những biến chuyển của đất trời, sự lam lũ mệt mỏi của con người, đều không xa lạ với tôi.
... Nơi ngày đông gió thổilà bài thơ dài tôi viết về Tây Nguyên, nơi tôi sống và gắn bó đã hơn 20 năm nay. Một vùng đất kỳ lạ. Nắng bụi. Mưa bùn. Cây cỏ. Gió. Côn trùng. Tất cả đều có gì đó hoang dã, khắc nghiệt nhưng lại rất đẹp đẽ, lôi cuốn. Tôi đã viết về những điều đó bằng những ám ảnh và những rung cảm thật sự của bản thân mình. Tôi nghĩ rằng sẽ có người đọc bài thơ đó và biết thêm một điều gì đó về Tây Nguyên. Một Tây Nguyên không chỉ có cồng chiêng, thổ cẩm, rượu cần mà còn có những thay đổi sống động của thiên nhiên, đất trời qua từng thời điểm, và tình yêu, và những buồn vui, được mất của những con người nhỏ bé, lương thiện nơi này”... Thư cho người khác mà đặt trong bài viết này như là chị gửi cho tôi…
Thúy có một lối viết rất lạ, viết như những ý nghĩ rời rạc trong đầu, rồi thả nó ra như những viên sỏi trong tay một chú bé lơ đãng, thế nhưng khi nó thành hình thành ý thì nó lại cứ âm âm trong đầu người đọc, nó không u minh để đánh đố nhưng cũng không rành mạch để lười nhác. Nó khiến người đọc phải cuốn vào, phải day dứt và nhớ. Tôi nhớ có một cuộc trao đổi ở Hội An về thơ Thúy sau khi nghe Thúy đọc thơ ở hội nghị văn trẻ năm nào đấy, có một nhà thơ kiêm giáo sư văn học nói: Thơ Thúy buồn lắm, và Thúy bắt người khác phải buồn theo, khiến cho đọc rất mệt. Mình mệt thì được rồi, mắc chi bắt người khác mệt theo? Tôi có kể cho Thúy nghe chi tiết này, chị cười: Chuyện đó cũng bình thường mà anh. Mình viết mà để người khác mệt và buồn theo thì cũng là hạnh phúc, tất nhiên là hạnh phúc… bất đắc dĩ. Ít nhất là thơ mình cũng có người đọc, người nghe, và họ cảm nhận thế nào là quyền của họ. Cũng có thể có người nào đó, đọc thơ mình một lần, và đó là lần duy nhất, thì ngược lại, cũng có những người tìm thơ mình để đọc. Nhưng đúng là khi viết, nhiều khi tôi bị chi phối quá mạnh bởi cảm xúc của mình, cứ nghĩ chỉ viết cho mình, riêng mình thôi. Nếu tỉnh táo quá, liệu có còn khả năng thu hút?...
Bây giờ thì không nói, có thế giới phẳng, giao thông cũng thuận tiện, cái việc ngăn cách giữa địa phương này với địa phương kia, giữa nông thôn thành thị… nó không u minh mù tắp lắm nữa. Nhưng hai chục năm trước, đang còn gửi thư bằng bưu điện, gọi điện thoại thì có người đi kêu hoặc hẹn giờ ấy giờ ấy đến lảng vảng chực ở cái điện thoại bàn duy nhất của cơ quan, một cô giáo ở tận một huyện heo hút như thế, làm thơ mà “nổi” lên được quả là một sự lạ. Ngay bây giờ, nói là không ngăn cách, là gần nhau như sau một enter nhưng rõ ràng là vẫn có rất nhiều bất cập từ những người hành nghề viết lách tỉnh lẻ, từ mặc cảm tỉnh lẻ đến thông tin đến giao tiếp, đến công bố tác phẩm và đặc biệt là công chúng. Điều ấy để nói rằng Thúy có một nội lực rất mạnh, một sự lan tỏa tự thân, vượt qua khoảng cách, qua không gian, qua các áp lực cả vô hình và hữu hình, để tồn tại như một chứng nhân của “hữu xạ tự nhiên hương”, như bản thân mình là thế, chứ không cần đánh bóng, lăng xê, không cần chạy chọt làm mọi cách để nổi tiếng. Thậm chí có cảm giác Thúy luôn lảng tránh những đám đông, lảng tránh những ồn ào văn chương, kể cả các sự kiện chính đáng, lặng lẽ thu mình lại quan sát và suy ngẫm. Ngay chuyện chị chuyển về Đà Nẵng mấy năm rồi mà đã mấy người biết? Như người khác thì đã lên mạng khoe ầm ầm, công bố ầm ầm. Chị cũng có một tài khoản facebook nhưng vào xem thì thấy chủ yếu là để cho người khác tag vào rồi chị nhẹ nhàng comment: dạ cám ơn, hoa đẹp quá…
Mà cái lý do để Thúy cầm bút ban đầu nó cũng đơn giản, ấy là cái vùng chị dạy học ấy, học trò rất ít sách để đọc, chỉ đọc những gì trích trong sách giáo khoa. Đến cả giáo viên cũng vậy. Thế nên chị viết, tất nhiên là từ nội lực, từ sự thôi thúc tự thân, từ cái khả năng trời cho, và không ngoại trừ cho chính học trò mình, cho mình, để chống chọi với cái cô đơn, cái thiếu hụt, cái cảm giác vừa thừa thãi vừa bâng khuâng mỗi khi chiều xuống ở cái thị trấn phố huyện nghèo Tây Nguyên ấy. Ai đã ở Tây Nguyên những năm 80, 90 của thế kỷ trước thì hiểu được tâm trạng của những người như Thúy. Giản đơn nó đi một nhẽ, đằng này lại là cô giáo dạy văn, thừa nội lực để viết, đủ cảm xúc để thấy buồn, thấy trống vắng, thấy cô đơn- cái cô đơn vượt lên nỗi cô đơn thông thường, cô đơn của người viết- của những buổi chiều, những bình minh, và cả những ban trưa đỏ rực ba zan và bụi và gió và những mong manh thấp thỏm của những xa vắng kiếp người, cái cô đơn ngay giữa những người thân, ngay giữa gia đình mình, nỗi cô đơn trời hành. Tôi cứ hình dung Thúy trong những ngày những tháng những năm Krông Pắc ấy để rồi tự hỏi: Nếu không viết chị sẽ làm gì? Và nếu chí thú như những người khác, với chồng với con, với heo gà, với khoai lang su su, với những rẫy cà phê “bỏ thì thương vương thì tội” của công chức một thời thì có một Đinh Thị Như Thúy hôm nay không? Nói thế nhưng tôi biết chị đã rất tận tụy với gia đình, với chồng, với con, với cha mẹ anh em của cả 2 bên, một nỗi tận tụy rất đàn bà, cũng như chị đã hoàn thành sứ mệnh một cô giáo dạy văn từ cấp 2 đến cấp 3, hoàn thành trách nhiệm của một công chức thời khó khăn ở một ngôi trường huyện, để rồi từ đấy chị vượt lên, bay qua những khoảng cách vô hình, những mặc cảm vô định, trở nên một hiện tượng trên văn đàn, đến với người đọc khắp nơi…
Tôi và Thúy bắt đầu có những trao đổi Email từ khi nhận lời viết về Thúy cho tạp chí Nhà Văn và tác phẩm. Những email rời rạc vì thời gian này Thúy liên tục gặp “hạn”. Cứ rời rạc chắp nối thì tôi hình dung ra một mình Thúy bươn bả vất vả thế nào. Chuyển việc từ Krông Pắk về Đà Nẵng, một việc không hề dễ dàng đối với những công chức nghèo hiện nay, làm nhà, chồng ốm khá nặng, con trai đi thăm bố thì bị lật xe gãy tay mổ đến 2 lần, và mẹ thì cũng nhập viện… Thúy không muốn tôi kể những chuyện này vào bài nên tôi chỉ lướt như thế chứ ở ngoài nó còn “nan giải” hơn nhiều. Cũng chắp nối thì té ra quê của mẹ Thúy rất gần quê tôi. Ngày xưa học đại học mỗi lần từ trường về nhà, nếu đi xe đạp thì tôi hay đạp theo đường Anlosia, tức An Lỗ- Sịa. Sịa chính là quê ngoại của Thúy, giờ đang xây ở đấy một thành phố vệ tinh cho Huế. Còn quê nội của cô cũng gắn với một câu ca dao nổi tiếng: Không đi thì sợ chính phủ tình nghi/ Mà đi thì sợ Đồng Di, Tây Hồ. Đồng Di thuộc xã Phú Hồ huyện Phú Vang, vì thế mà Thúy nhận mình là Huế nhưng không phải Huế thành Nội hay Kim Long. Những người Huế xa quê thường nhớ Huế bằng một nỗi nhớ rất lạ, nó vừa như ăn năn lại vừa như mang nợ, dù họ, bằng cách này hay cách khác, đã tình nguyện rời quê để chọn nơi khác làm quê. Người Việt tha hương cũng nhiều, nhưng cái cách tha hương của người Huế lại khác. Ấy là khi ở với Huế thì rất ấm ức, khó chịu, tìm cách để đi, nhưng đi rồi thì nhớ, thì luôn luôn muốn trở về, nhưng là chỉ về thăm. Tôi nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần nói, trên thế giới có 2 dân tộc rất lạ là Palestin và… Huế, là làm gì thì làm, ở đâu thì ở, hàng năm đều tìm cách trở về. Về thăm rồi lại đi. Và khi đi thì luôn đau đáu mình là Huế, đau đáu nhớ đau đáu tìm dịp trở về. Nhiều người Hà Nội gốc không có được điều này! Mới tối qua tôi nói chuyện điện thoại với một chị người Huế giờ đang định cư ở Đức. Khá thành đạt dù đã trải qua rất nhiều gian truân, nhưng chị vẫn rất đau đáu với Huế, tháng 3 này chị sẽ về Huế, có ý định “đầu tư một cái gì đấy” dù chị đã có một khách sạn khá lớn đối diện khách sạn Hương Giang. Biết tôi cũng Huế do đọc trên mạng, chị điện chia sẻ và trao đổi thêm thông tin. Tôi hỏi sao chị không đầu tư Sài Gòn, Hà Nội… những thành phố lớn dễ làm ăn hơn. Chị bảo biết thế nhưng Huế nó là quê mình, dù còn điều này điều kia nhưng quê mình vẫn phải là số một.
Tháng 1 năm 2009, Thúy về Huế để nhận tặng thưởng về Thơ của Tạp chí Sông Hương. Khi được mời lên phát biểu chị đã không nói được gì. Vốn không phải là người ứng khẩu nhanh nhạy, lời mời lại đột ngột quá nên chị lúng túng. Chị sinh ra ở 32 Phủ Hoài Đức, phường Phú Cát, nhưng giờ chị thấy mình lạc lõng ở ngay nơi mình sinh ra, bởi số phận đã không cho chị gắn bó với Huế. Tôi hiểu cái sự mặc cảm và cả tủi thân của Thúy, tôi cũng là một gã Huế xa quê, cũng từng có những mặc cảm như thế, bởi từ cả 2 phía, đến một lúc nào đấy, nó hết, bởi biết bao người Huế bây giờ có phải là Huế gốc đâu, những người như Thúy, dẫu không sinh ở Huế, không sống ở Huế, lại trở thành Huế zin. Thúy làm thơ về Huế thế này: Mỗi ban mai/ Những ám ảnh của giấc mơ đêm đè nặng/ Như chiếc đòn gánh trên vai người thiếu phụ chân đất đầu trần/ Gánh đậu hủ qua cầu Bạch Hổ ban trưa/ Hai tà áo gió cuốn về hai phía.(Người đàn bà không giấc ngủ). Một sự sẻ chia với cái nghèo bằng một hình ảnh rất Huế. Sự mưu sinh vất vả, và những giằng xé khác trong bản thân mỗi người mà sự vất vả thân xác kia chỉ là một, là cái cớ…
Thế nhưng, cái phần Huế ấy chủ yếu hiện ra ở con người, giọng nói, cách sống của Thúy, chứ phần chữ của chị, tôi thấy Tây Nguyên đã chiếm gần hết. Đọc thơ chị, tôi hình dung ra từng cái bậc đá đi xuống một quán cà phê Cao nguyên mà chị và bạn bè hay ngồi, hình dung ra những con đường đầy gió những giấc mơ đầy gió và những thảm quỳ đầy gió. Hình dung ra những đôi mắt nâu ngơ ngác trong chiều, những bàn chân ám bụi, những vạt đồi phóng đãng xuyên tắp chân trời với thăm thẳm nỗi niềm mà nếu ai chưa một lần đặt chân đến sẽ không hình dung được, ở đó có cỏ xanh hoa đỏ và những thắc thỏm thời gian cô đặc như viên sỏi chậm rãi dịch mình bên bờ suối. Ở đó hơn hai mươi năm của đời một người con gái từ thiếu nữ thành bà mẹ 2 con, từ một cô giáo lơ ngơ thành một nhà thơ nổi tiếng. Tôi vẫn tin về Đà Nẵng chị cũng sẽ vẫn viết, nhưng nỗi ám ảnh Tây Nguyên trong chị cũng sẽ không bao giờ dứt, dù nó không hiện ra trong chữ thì nó ở hơi chữ, không ở nội dung thì ở hình thức, không ở hình thì ở bóng, không ở đời thực thì ở những giấc mơ… Và tôi thấy không thể không hỏi thêm chị mấy điều. Và thế là câu hỏi phóng đi, gần tháng sau thì câu trả lời phóng về, tất nhiên, qua mail:
Bên cạnh rất nhiều người thích thơ chị thì cũng có nhiều người không thích. Có bao giờ chị tìm hiểu tại sao không?
Việc thích và không thích thơ văn của một tác giả nào đó là chuyện bình thường anh ạ. Tuy nhiên tôi có đôi chút hoài nghi. Tôi nghĩ có người đọc mình và không thích thật. Nhưng có người họ nói theo, hoặc đọc lõm bõm. Bởi đôi lúc đây đó tôi thấy họ cứ nói chung chung, hoặc trích thơ cứ lẫn lộn. Có người khi nói về tập “Ngày linh hương nở sáng”, để minh chứng họ bèn dẫn một bài từ tập “Cũng đi qua mùa hạ”. Thật khó tin họ có đọc mà lại dẫn bừa như thế.
Xê dịch, thay đổi môi trường là mong muốn của nhiều người cầm bút, nó như chất xúc tác để ta có một không gian rộng hơn, có thể tăng trải nghiệm, làm mới mình… cuộc hạ sơn của chị vừa qua có ý nghĩa gì?
Việc đi, nếu chỉ là sự dịch chuyển của đôi chân cho lạ mắt lạ tai thì có khi chẳng giúp được gì cho người viết đâu anh, ngoại trừ việc viết ra vài bài văn chương du lịch theo kiểu cảnh lạ đường xa. Có người chỉ ở một nơi nhưng đi bằng đầu bằng suy tưởng có khi lại “đi” được nhiều. Vậy nên xê dịch, thay đổi môi trường cũng chỉ để làm mình mới lên nhưng cũng không chắc làm tác phẩm mình mới lên được đâu.
Tôi chuyển về lại Đà Nẵng là vì các con của tôi. Con trai lớn của tôi đã về học ở Đà Nẵng mấy năm nay. Tôi cũng muốn bọn trẻ được về thành phố, sống gần ông bà và các cậu dì. Nếu chỉ là sự chọn lựa cho vợ chồng tôi, có khi tôi lại không về.
Thúy có lối viết rất đặc trưng, rất Đinh Thị Như Thúy, ấy là vừa rất cụ thể, cụ thể đến cá biệt, nhưng rồi từ đấy người ta lại thấy thấp thoáng có ý nghĩ của mình trong ấy. Không biết chị có nhận ra điều này không, tự nó đến hay chị cố tình thế. Kiểu viết này nó vào cả tản văn của chị nữa. Thơ chị cũng sử dụng câu rất dài, rất tự nhiên, như cái đường mòn hun hút mà lại gập ghềnh của một lối xuống quán cà phê vườn nào đó, chữ cứ rải ra như đá cuội, và những dây cỏ lòa xòa quấn quýt những thảm rêu. Người bước vào phải gượng chân mà tránh, và vì thế mà phải cẩn thận, phải rất nâng niu, cả sỏi, cỏ, con đường và bàn chân… Có lẽ cái ám ảnh Tây Nguyên của một cô gái đồng bằng, và ngược lại cái nhớ, sự hoài vọng cố hương của một cô gái gắn toàn bộ tuổi trẻ của mình với vùng đất lạ đã khiến chị có lối viết đặc trưng ấy. Lại chợt nghĩ, liệu có bao giờ chị có ý định thử sắp xếp nó lại, như người sửa sang cổng ngõ, xếp đặt ngăn ngắp nhà cửa để đón tết chẳng hạn? Là nghĩ vớ vẩn thế chứ nếu thế thì nó chẳng còn Đinh Thị Như Thúy, chẳng có “Nơi ngày đông gió thổi”, chẳng có “Ngày linh hương nở sáng”, chẳng có “Cùng đi qua mùa hạ”, “Phía bên kia cây cầu”…
Vừa là 1 cô giáo, vừa có gien người Huế, nhỏ nhẹ và thùy mị, nếu phải ngồi trong 1 cuộc nhậu, Thúy sẽ làm gì? Hò hét, cụng ly hay im lặng rót bia, nhắm người khác?
Tôi rất ít có mặt trong các cuộc nhậu. Nhưng nếu có mặt có thể tôi chỉ cụng ly và ngồi nhìn. Tôi nghĩ nhìn ngắm mọi người là cách hiện hữu giữa đám đông của tôi. Nhưng, còn tùy không khí của cuộc gặp nữa chứ. Nếu ngồi giữa những người tôi yêu quý thì biết đâu khi đấy tôi lại khác.
Bây giờ thì tôi phát hiện, viết về Thúy khá dễ, dù phải khá lâu, và tôi chỉ việc ghép những gì chúng tôi trao đổi qua email. Khi ghép tôi vẫn ám ảnh những viên sỏi, rải xuống cái ngõ của một quán cà phê Cao nguyên, đầy gió với rười rượi những đôi mắt nâu…
VĂN CÔNG HÙNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét