CHỮ HÁN NÔM VÀ CHỮ QUỐC NGỮ
Nguyễn Văn Thịnh
{
Một dân tộc gọi là văn hiến nhất thiết phải có ngôn ngữ riêng. Ngôn–tiếng nói, là những âm thanh thể hiện ý muốn và tình cảm. Ngữ–chữ viết, là những ký tự ghi lại những âm thanh đó. Đương nhiên là ngôn có trước và luôn được bổ sung bởi những nhu cầu mới nảy ra từ trong đời sống và sự giao lưu giữa các cư dân ở các vùng, miền, lãnh thổ. Ngữ ra đời đánh dấu sự phát triển tư duy, là phương tiện lưu truyền văn hóa của một dân tộc cũng là phương tiện tiên quyết bất khả thay thế của một nền giáo dục quốc gia. Ngữ khi đã định hình thường là bền vững và chỉ bị mất đi khi chịu tác động từ những áp lực bên ngoài hoặc vì lý do nào đấy cộng đồng đó không còn tồn tại. Do những điều kiện lịch sử đặc biệt, trải bốn ngàn năm lịch sử, người Việt có ba hệ thống chữ viết khác nhau:
Một là: Gần đây có ý kiến cho rằng người Việt đã có chữ viết riêng theo mẫu tự tượng thanh từ rất sớm, gọi là chữ Việt cổ. Nhưng với những chứng lý mơ hồ chưa thuyết phục nên người ta cứ tin theo sách sử truyền rằng: “Sỹ Nhiếp đã mang chữ Hán về khai hoá cho dân tộc Nam man”. Thực ra ngu dân là chính sách nhất quán của chính quyền ngoại bang đô hộ mọi thời. Cần thiết chúng chỉ dạy cho người bản xứ ít chữ đủ dùng làm thư lại tay sai. Nhưng yêu cầu được mở mang trí tuệ là khát vọng của những có học giác ngộ luôn có ý chí phục hồi tổ quốc, phục sinh dân tộc. Từ đấy tạo ra một lớp trí thức tài hoa uyên bác ngoài ý đồ của giới cầm quyền. Tất nhiên nền văn hóa Đại Hán không thể không có ảnh hưởng sâu sắc trong việc hình thành nhân cách và tư tưởng người Lạc Việt.
Hai là: Tuy nhiên khát vọng độc lập tự do luôn thôi thúc lớp sỹ phu tiên tiến bản xứ, từ chữ Hán, họ chế tác ra thứ chữ Nôm phù hợp với đặc trưng phát âm của người Việt. Dần dà chữ Nôm đủ khả năng chuyển tải những giao lưu tình cảm trong sinh hoạt và xa hơn nữa diễn đạt được các ý tưởng từ đơn giản đến tinh vi tế nhị. Chỉ qua mấy thế kỷ, chữ Nôm đã có những thành tựu rực rỡ, làm nên nền văn hoá Việt Nam trung cận đại với bản sắc riêng. Chính Toàn quyền Pasquier, đứng ở góc độ văn hóa đã thừa nhận: “Các tác phẩm văn học Việt Nam, dù đậm nét dân gian hay có giá trị đỉnh cao của Nho học là một kho tàng văn hóa độc đáo, phi thường” và khuyến cáo các đồng sự cực đoan: “Ta không nên phá hoại bất cứ thứ gì trong tòa lâu đài văn hóa cổ xưa này. Nếu ta làm mất đi trong quên lãng, thử hỏi đó có là trọng tội?”.
Thực tế là các bậc tiền nhân với chữ Hán-Nôm như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… đã đạt tới đỉnh cao tư duy và mỹ cảm. Nhà Quốc ngữ tiên phong Nguyễn Văn Vĩnh từng nói: “Kể những sách của những bậc tài Nôm nước Nam để lại mà làm nền cho quốc văn thì thực hiếm, nhưng tuy hiếm mà thực là qúy, thực là hay. Như văn Kim-Vân-Kiều mà đem vào kho tàng văn chương thế giới kể cũng xứng, chớ không đến nỗi để người An Nam mình phải hổ thẹn rằng nước không có văn”.
Ba là: Trên thế giới này, các dạng chữ viết đều theo hai qui tắc: Hoặc theo dòng tượng thanh hoặc theo dòng tượng hình. Mỗi vùng miền có những đặc thù riêng về địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa và cách phát âm. Trên đường tiến sang phía Đông, buổi đầu các giáo sỹ phương tây đã tạo ra một dạng chữ Nhật mới (romaji) theo mẫu tự Latin. Trước sự phản ứng quyết liệt thậm chí là cực đoan quá khích của giới cầm quyền thời Mạc Cửu dưới sức mạnh của Thần đạo (Shinto) lại được các “shamurai” dẫn dắt, con chữ ấy bị đánh bật ra khỏi đất Phù tang! Chữ Nhật truyền thống vẫn tồn tại cùng với nền tảng văn hóa Nhật để có một nước Nhật văn minh “top” đầu thế giới. Trái lại khi tới Việt Nam đúng lúc chủ nghĩa phong kiến suy vi bạc nhược, cuộc Thập tự chinh mà các giáo sỹ thừa sai phương Tây đi tiên phong đã là những người có công đầu cho chủ nghĩa thực dân Pháp biến nước ta thành thuộc địa đồng thời với việc mở mang nước Chúa!
Sự ra đời của chữ Quốc ngữ là quá trình lâu dài khởi từ các linh mục người phương tây đồng thời là những nhà ngôn ngữ học giỏi giang, kế tục nhau dày công nghiên cứu, lại được sự hưởng ứng tận tình của nhiều tầng lớp người bản xứ đã sáng chế ra một dạng chữ đơn giản và dễ phổ cập là chữ Quốc ngữ ta dùng hiện nay. R.Jacques đề nghị: “Cần thiết phải đặt đúng vị trí việc làm của cá nhân Alexandre de Rhodes trong một công trình tập thể mà ông chỉ là một trong số nghệ nhân cư yếu, trong đó người Bồ-đào-nha và những người cạnh tranh ngang hàng Việt Nam của họ đã giữ vai trò hàng đầu”. Dù sao thì việc chuyển hóa hoàn tất một ngôn ngữ Á đông từ ký tự tượng hình sang ký tự tượng thanh trước hết để các nhà truyền giáo dễ học một ngôn ngữ mới, làm phương tiện tác nghiệp, dễ dàng thâm nhập với cộng đồng các thổ dân, lâu dài hơn là phục vụ cho âm mưu thôn tính một xứ sở xa lạ.
Nhìn sang các nước Á Đông, quốc gia nào chữ viết không bị đồng hóa thì nước Chúa khó được mở mang trong khi các lĩnh vực văn hóa, khoa học, xã hội vẫn bắt nhịp với đà tiến hóa chung của loài người.
Bốn là: Alexandre de Rhodes (1593-1660), người Pháp, là giáo sỹ thừa sai của giáo đoàn hải ngoại Pháp sang mở mang nước Chúa ở phía Đông. Ông đến xứ này khoảng những năm 1620. Sau 20 năm truyền đạo, ông gửi về một bản phúc trình mô tả rất chính xác về tiềm năng thương mại, chính trị và chiến lược. La-mã và Ba-lê xem những hoạt động này như những bước khởi đầu không thể tách rời khỏi sự dẫn đến việc chiếm đóng về chính trị và quân sự trên các quốc gia này. Lúc đầu, dù ở đâu, các giáo sỹ đều được dân chúng cảm mến và nhà cầm quyền địa phương ưu ái. Nhưng sau đó, những việc làm của họ kích động dân chúng, gây bất an cho xã hội, bị dân chúng tẩy chay và giới cầm quyền không chứa chấp thậm chí phản ứng tới mức cực đoan quá khích. Cha Đắc-lộ không là ngoại lệ. Là bầy tôi của Chúa, giáo sỹ thừa sai De Rhodes vác cây thánh giá Thầy tới kiệt cùng trái đất nhưng vẫn không quên mình là con cháu của ông tổ Gaulois. Ông qua La mã xin Đức Giáo hoàng huỷ bỏ đặc ân Chúa cho Bồ-đào-nha đất Á Châu. Không được chấp nhận, ông về nước vận động giới giáo sỹ, thương nhân và Pháp hoàng Louis IV cung cấp những chiến sỹ đi chinh phục toàn cõi Đông phương giàu tiềm năng này. Vào thời điểm ấy, do nhiều hạn chế lịch sử, ý đồ của người con nước Pháp đã dâng mình cho Chúa ấy chưa nhận được sự hưởng ứng rộng rãi nhưng nó đã mở đường cho đế quốc Pháp xâm lược nước ta hơn 200 năm sau đó. Ông đúng là mẫu người cần cho nước Pháp như hoàng đế Napoléon I từng nói thẳng ra: “Áo nhà tu che chở và giúp họ che đậy được mục đích chính trị và thương mại. Họ chẳng mang một danh nghĩa chính thức nào mà lại tốn kém ít và được người bản xứ kính nể. Họ không thể làm chính quyền phải liên lụy hay bị sỉ nhục. Lòng nhiệt thành về tôn giáo khích lệ các tu sĩ làm việc và mạo hiểm hơn cả một viên chức dân sự nhiều”.
Mời bạn đọc xem lại một đoạn hồi ký của nhà hoạt động văn hóa-xã hội Nguyễn Hữu Đang:
“Trước Cách mạng Tháng Tám, ở sau đền Bà Kiệu, xế cửa đền Ngọc Sơn, vẫn có một khoảng đất rộng độ ba trăm mét vuông, ở giữa đặt bia đá ghi công tích của giám mục Alexandre de Rhodes, một người Pháp sang truyền đạo ở nước ta vào những năm 1624-1645, được một dư luận mơ hồ coi là người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Dư luận ấy càng hay được nhắc lại trong giáo hội và giáo dân như một niềm tự hào song song với niềm tự hào Giáo hoàng Grégoire đã đặt ra dương lịch! Lợi dụng cái nhầm lẫn của những người không hiểu biết về một sự kiện lịch sử, thực dân Pháp dựng đài kỷ niệm ông ta với dụng ý gây uy tín cho chủ nghĩa đế quốc Pháp, chứng minh cụ thể “công ơn” của nước Đại Pháp đã “khai hóa” dân tộc Việt Nam lạc hậu! Dĩ nhiên trong lễ khánh thành bia tưởng niệm ấy phải có kẻ tung người hứng. Kẻ tung có nhiệt tình đã được chọn là giám mục địa phận Hà Nội. Kẻ hứng có thẩm quyền nhất phải là ông Nguyễn Văn Tố, nhà cổ học nổi tiếng, Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ đang được cả nước hoan nghênh.
Bài phát biểu của ông Hội trưởng thì bằng những dẫn chứng cụ thể và biện luận chặt chẽ, ông chỉ ra rằng chính các giáo sỹ Tây-ban-nha (Spaint) và Bồ-đào-nha (Portugal) đã đến xứ này từ lâu trước Alexandre de Rhodes và họ mới là người đầu tiên dùng chữ cái Latin phiên âm tiếng Việt, sáng tạo hệ thống gần hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ hiện ta đang dùng. Sau đó, Alexandre de Rhodes mới góp phần mình bằng những cố gắng qui tắc hóa và đem phổ biến hạn chế trong việc dịch kinh bổn và biên soạn tài liệu cho giáo hội. Ông ta đáng khen ở chỗ thừa kế các bậc tiền bối mà có bổ sung trong chi tiết. Những người nghe ông nói hoặc đọc bài phát biểu đăng trên một tờ báo Pháp ra ngày hôm sau đều thấy rõ ông đã vạch trần âm mưu xuyên tạc lịch sử để tuyên truyền lừa bịp của bọn thực dân”.
Từ chỗ Nhà nước bảo hộ chỉ dựng bia đá ghi công tích một công dân chính quốc vác cây thánh giá Thầy trong công vụ đi mở mang nước Chúa và giúp nước mẹ xâm chiếm thuộc địa thì những người vong quốc đổ biết bao máu xương hàng trăm năm mới phục sinh được Tổ quốc của mình, nay con cháu những người nô lệ lại bàn nhau bày chuyện tạc tượng ghi ơn!
Năm là: Chữ viết đóng góp phần quyết định vào nền văn minh của một dân tộc bởi nó là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền giáo dục quốc gia bảo tồn văn hiến. Vì thế các chính quyền ngoại bang thống trị luôn tìm cách huỷ diệt nền văn minh bản địa và quyết liệt đồng hoá người bản xứ. Chữ viết là đối tượng bị huỷ diệt trước tiên bởi nó phản ánh tư tưởng, tâm hồn của một dân tộc.
Khi đặt được nền móng vững chắc cho sự cai trị, thực dân Pháp thẳng tay bức tử chữ Hán-Nôm truyền thống! Sự chống trả của giới sỹ phu bản xứ không lại được trước áp lực của chính quyền thực dân nắm trong tay cả một guồng máy khổng lồ quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa hoc kỹ thuật, tổ chức xã hội… Giám mục Puiginier nói đặc giọng của một trùm thực dân: “Không đồng hóa chủng tộc được thì phải đồng hóa trước là ngôn ngữ và sau là văn hoá để lập nên một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông”. Ý đồ ấy lại được lớp người Việt vong bản tiêu biểu là Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký ngoài sứ vụ bầy tôi của Chúa lại mang phẩm trật Đại quan Cơ mật viện Nam triều, ông ta còn là quan chức mẫn cán của Nhà nước bảo hộ Đại Pháp, đã không ngần ngại bày tỏ hết ruột gan ra trong thư gửi cho Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ để xin tiền ra sách: “Muốn chứng tỏ với qúy vị rằng trong 13 cuốn sách đã xuất bản, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam”.
Ý đồ hủy diệt một nền văn hóa lâu đời của một dân tộc ở phương Đông không dễ được thực hiện. Trước hết nó gặp sự bất hợp tác của người bản địa là lẽ đương nhiên. Chữ Quốc ngữ ra đời vào giữa thế kỷ XVII, hầu như chỉ lưu hành hạn hẹp trong giáo hội Ki-tô. Nửa sau thế kỷ XIX, khi người Pháp hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam, họ có ý định dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán-Nôm. Dù đã hai lần Nhà nước bảo hộ tổ chức hội thảo nhưng vấn đề vẫn chưa được khai thông. Ngay trong giới cầm quyền thuộc địa cũng có những phản ứng gay gắt. Với kinh nghiệm của một quan chức thực dân đồng thời cũng là nhà văn hóa, Toàn quyền Pasquier có lời cảnh báo như là tiên tri: “Sự hủy bỏ nền giáo dục Hán-Nôm đồng nghĩa với sự hủy bỏ về giáo huấn đạo lý mà chúng ta sẽ không có gì để thay thế vào bộ môn đạo đức đã bị tiêu diệt này… Đối với học sinh An Nam, mỗi chữ viết (Hán-Nôm) đều chứa đựng ý nghĩa sâu rộng, khi đọc hoặc viết, chúng tiếp nhận được một cảm xúc mạnh. Còn sách vở của ta, họ tiếp nhận với một tâm trạng khác hẳn. Đó là những tập tục của một xã hội khác biệt với họ, các thầy giáo cũng khác ông thầy đồ – người mà họ coi có thể thay thế cha mẹ của họ”. Bây giờ, trải hàng trăm năm chữ Quốc ngữ phát triển đại trà, trong cộng đồng nảy ra những con người chẳng giống ai và chính những con người ấy có những hành xử kỳ quái từ trong gia đình tới ngoài xã hội. Và trong lĩnh vực văn chương cũng từ đấy nảy nòi ra những loại văn thơ cách tân, hiện đại, hậu hiện đại như “Bóng đè” và đám nặc nô “Mở miệng” được Nhã Thuyên và Nguyễn Thị Bình cùng đủ hàng chức sắc thầy bà đang kẻ tung người hứng! Con chữ vấy bẩn lên văn chương hay là văn chương làm nhơ nhuốc con chữ? Dù sao thì với ai lòng những thẹn với lòng!
Sáu là:Đến đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa lập một Ban cải tiến chữ Quốc ngữ gồm nhiều học giả người Pháp và người Việt. Chữ Quốc ngữ được cởi trói và các thể loại văn học mới lần lượt ra đời nhưng vẫn không nhận được sự hưởng ứng mặn mà cả trong giới nho sỹ và giới bình dân.
Phải đến khi nhân dân ta giành được quyền làm chủ vận mệnh quốc gia thì ý thức cần được khai thông trí tuệ mới trỗi dậy mạnh mẽ. Giữa lúc quốc gia nguy biến, Cụ Hồ – vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập vẫn sáng suốt đặt ra ba yêu cầu bức bách mang tính sống còn là: “Diệt giặc đói – Diệt giặc dốt – Diệt giặc ngoại xâm”! Giặc nào cũng làm cho mất nước. Chữ Quốc ngữ được mạnh dạn cải tiến trên cơ sở tiếng Việt là thứ tiếng thống nhất trong cả nước nên việc phổ cập rất nhanh. Từ sự khắc nghiệt của lịch sử đã luyện cho người Việt có biệt tài “trong cái khó ló ra cái khôn”, biến cái không thuận lợi thành ra thuận lợi. Chỉ trong một thời gian ngắn, những người trí thức tâm huyết vẫn giữ được truyền thống văn hóa cổ truyền và tiếp thu tinh hoa nền văn hóa mới Hy-La, quảng bá chữ Quốc ngữ để mau nâng cao dân trí. Các nhà văn hóa của nước Việt Nam mới đã chế ra cách phát âm các từ theo đúng âm ngữ người Việt: a, bờ (b), cờ (c), dờ (d), đờ (đ), gờ (g), nhờ (nh), ngờ (ng), khờ (kh), thờ (th)… mà những ông tây thứ thiệt rất khó học nhưng những người bình dân Việt Nam cảm thấy rất dễ nhận diện, ghép vần, nhập tâm. Cũng nhờ đấy mà chữ Quốc ngữ được phổ cập nhanh chóng. Sau khi đuổi được giặc Pháp, năm 1960, “Hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ” lại được tổ chức tại Hà Nội. Chữ Quốc ngữ được nâng cấp, phát triển toàn diện, đáp ứng được trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ sinh hoạt, tình cảm, trí tuệ, tâm linh tới các bộ môn khoa học xã hội và tự nhiên hiện đại rất phức tạp, là ngôn ngữ chính thống giảng dạy trong các trường từ mầm non đến đại học. Cụ Hồ và những lãnh tụ cách mạng đồng thời là những nhà văn hóa lớn rất quan tâm và nêu gương trong việc làm trong sáng tiếng Việt cả trong cách nói và cách viết.
Vĩ thanh:
Ngày nay khi phân tích lý giải về các vấn đề xã hội người ta thường đưa ra những yếu tố kinh tế, chính trị để giải thích sự biến động của tình cảm, đạo đức, nhân tâm… chưa hẳn đã là đầy đủ!
Tuy nhiên, thời nay chỉ người điên mới đòi bỏ đi chữ Quốc ngữ. Nhưng nếu xếp xó lại chữ Hán-Nôm coi như đồ bỏ, khác chi để mất một báu vật gia truyền?! Giống như con rắn thần mù không biết trên đầu mình có viên ngọc quý. “Tổ quốc ta là rắn khác gì đâu!” (R.Tagor). Tại sao sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong chương trình cải cách giáo dục của nhà nước Việt Nam độc lập, học sinh hệ Đệ nhị cấp (tương đương Trung học cơ sở hiện nay) mỗi tuần vẫn được học vài giờ chữ Hán-Nôm. Bây giờ ta luôn nói coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc mà trong chương trình giáo dục từ Cấp Hai, các nhà cải cách không thể mạnh dạn bỏ đi những tiết học vô bổ hoặc cắt xén những chương trình lê thê đặng thêm vào vài tiết học chữ Hán-Nôm cho lớp trẻ? Đó chẳng phải là một cách làm mạo hiểm hao công tốn của như đã từng diễn ra từ các chương trình thử nghiệm cải cách giáo dục bấy lâu nay. Ít ra thì cũng tránh được cái họa viết những câu vô nghĩa, ngớ ngẩn, hành văn bất thành cú… của không ít học sinh cuối cấp Phổ thông, là bước chuẩn bị cho các cháu tiếp cận với nguồn cội văn hóa dân tộc. Bởi nó rất hợp lẽ tự nhiên giống như “cây thuốc phương Nam trị người nước Nam” mà cha ông ta đã làm và rất thành công.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/5/2014
Địa chỉ:
NGUYỄN VĂN THỊNH
ĐT: 08/38943279 – 01278505858
0 nhận xét:
Đăng nhận xét