CÒN KHÔNG CÁI THUỞ OAI HÙNG ẤY



Tất nhiên là lại bắt tay bắt chân rồi ông đi vào vấn đề ngay, mặt rất nghiêm trọng: thế này Hùng với Huy ạ, 2 thằng này nó ghé Đà Nẵng có 2 tiếng thôi, rồi bay tiếp, mình kiếm chỗ nào ngồi uống bia nói chuyện, và nhanh nhanh lên, không uống nước ở đây nữa. Đà Linh- Đức Hùng: Dồi dồi xong ngay, Huy đâu, viết cái giấy ứng…
-----------



          Lần đầu tiên tôi biết đến Nhà xuất bản Đà Nẵng là lần tôi từ Pleiku về Huế thăm nhà. Ghé nhà anh Nguyễn Trọng Tạo khi này đang ở đầu đường Nguyễn Huệ chơi, trong lúc lai rai mấy ly chợt anh nhớ ra, à một tiếng rồi bảo: chú có bài thơ nào hay chép ngay cho anh mấy bài. NXB Đà Nẵng nó đang làm thơ Miền Trung thế kỷ XX, nó mời anh tham gia chọn thơ cho nó.

          Tôi ngồi chép ngay mấy bài tại nhà anh Tạo rồi… nhậu tiếp. Bẵng đi thấy sách xuất bản, rồi có thơ mình thật. Hồi ấy một NXB địa phương in 1 tuyển hoành tráng như thế, với 1 đội ngũ biên tập toàn tên tuổi lừng danh thế, là một chuyện hiếm. Nó oách đến mức, tôi nhớ, ngay sau đấy trong mục lí lịch sáng tác, tôi cẩn thận thêm vào: “ Có thơ in trong tuyển thơ Miền Trung thế kỷ XX”. Khỏi phải nói, mặt tôi vênh đến như thế nào khi có ai đó vào nhà lật quyển thơ dầy cộp bìa cứng khổ lớn tôi “vô tình” để trên bàn, sợi dây màu đỏ đang ở đúng trang có thơ tôi…

          Sau đấy thì chơi thân với đội ngũ từ quan tới lính ở đây, trong đấy có cả bạn học cùng lớp đại học là Trầm My, rồi mấy bạn cùng khoa cũng trường nữa. Nhưng chơi kỹ nhất là với Đà Linh, Trần Kỳ Trung và Nguyễn Kim Huy. Giờ thì Trần Kỳ Trung về hưu rồi, Đà Linh đã mất, còn mỗi Nguyễn Kim Huy.

          Nói thật, trước khi có thơ in ở tuyển thơ Miền Trung thế kỷ XX tôi chưa biết NXB này, bởi khi ấy tôi làm ở phòng văn nghệ xuất bản sở Văn hóa Thông tin Gia Lai, có in gì thì tôi… tự cấp giấy phép rồi mang in, hoặc ai trong tỉnh in tôi cũng cấp phép nhất thời được, chứ chả quan tâm đến Nhà Xuất bản làm gì. Vậy nên sau tôi mới nghiệm ra, cú in 2 tuyển thơ và văn Miền Trung thế kỷ XX ấy là cú PR cho NXB rất oách, dù tôi biết in nó lỗ chỏng gọng, nhưng giới viết lách chả cứ ở MTTN mà cả nước bắt đầu biết  và nể phục 1 NXB ở Miền Trung dám chơi với văn chương, vì văn chương và cả… hy sinh vì văn chương…

          Thời ấy NXB Đà Nẵng là mạnh thường quân của anh em văn nghệ Đà Nẵng và các nơi ghé qua Đà Nẵng. Bao nhiêu văn nhân nổi tiếng đã đến và có sách in ở đây. In sách thường là phải tự mình bỏ tiền in, tự hết tất cả, kể cả phí giấy phép. Thế mà rất nhiều người được NXB, với sự chịu chơi đến… liều mạng của Đà Linh Nguyễn Đức Hùng, đã bỏ tiền in cho tác giả, lại còn có nhuận bút nữa. Ấy là các ông nhà văn tài năng, và tôi chỉ nghe kể. Còn mình, tôi chỉ được… nhậu ké.

          Ấy là mấy lần bay từ Hà Nội về Pleiku hoặc Pleiku Hà Nội, thời ấy còn phải transit ở Đà Nẵng, có khi đến bốn năm tiếng đồng hồ, có khi qua ngày hôm sau. Thường thì tôi hay bay với nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Lúc ngồi chờ transit chúng tôi rủ nhau vào Hội VHNT thành phố Đà Nẵng chơi, biết đâu lại có bữa bia. Nhà thơ Thanh Quế khi thấy chúng tôi xuất hiện thì sau cái bắt tay rất chặt, sau mấy tràng cười đầy sảng khoái nhưng vẫn đượm nỗi… lo toan thì chụp bere lên đầu bảo chúng mày theo tao. Thế là ông kêu 1 cái xích lô, 2 thằng trẻ là tôi với Mừng ngồi trên ấy còn ông nhấp nhô đạp xe đi cạnh nói chuyện oang oang. Đích đến là… Nhà xuất bản.

          Tất nhiên là lại bắt tay bắt chân rồi ông đi vào vấn đề ngay, mặt rất nghiêm trọng: thế này Hùng với Huy ạ, 2 thằng này nó ghé Đà Nẵng có 2 tiếng thôi, rồi bay tiếp, mình kiếm chỗ nào ngồi uống bia nói chuyện, và nhanh nhanh lên, không uống nước ở đây nữa. Đà Linh- Đức Hùng: Dồi dồixong ngay, Huy đâu, viết cái giấy ứng…

          Thế là chúng tôi đi, ra quán nhậu tưng bừng, nói tiếu lâm tưng bừng, cười tưng bừng, chọc nhau tưng bừng, nổ tưng bừng… có lần ra đến sân bay thấy nhà ga hàng không đang réo tên inh ỏi, tức mình là hành khách cuối cùng. Và rồi tôi cũng không biết Huy và Hùng sẽ thanh toán những phiếu ứng ấy ra sao, nhưng những cuộc ngồi có tôi ấy không dưới chục bận, mà nào có phải mình tôi, tôi chỉ là “nhân vật phụ” thôi, NXB có nhiều khách VIP lắm. Sau này thân rồi, thì tôi biết, cả Đà Linh, Nguyễn Kim Huy hay Trần Kỳ Trung thường móc tiền túi đãi anh em, chứ NXB có tiền tấn mà suốt ngày khách văn ghé qua réo gọi thì cũng sập.

          Tất nhiên thì tôi cũng là người biết nghĩ, không đến nỗi bắt tay xong là quên, bằng chứng là tôi đã in đến mấy đầu sách ở NXB Đà Nẵng, nhưng điều ấy chưa quan trọng bằng, tôi đã giới thiệu khá nhiều bạn bè tôi có nhu cầu in sách cho Nhà xuất bản.  Cơ quan tôi mà in thì tôi cũng vẫn… NXB Đà Nẵng.

          Bây giờ đang là thời suy của ngành xuất bản. Cái thời in sách ba bốn chục ngàn bản, sách chưa ra các nhà phát hành đã xếp hàng để lấy, in lịch hàng triệu tờ mà vẫn như tôm tươi qua rồi. Giờ là phải chạy ăn lần hồi, xuất bản cầm chừng, điêu đứng, phập phù liên kết xuất bản, ký giấy phép xuất bản giao cho đối tác rồi ngồi… lo, thế mà NXB Đà Nẵng vẫn đứng vững, lại còn tổ chức được kỷ niệm 30 năm thành lập thì quả là đáng nể.

          Bởi so với 2 đầu đất nước, thì Đà Nẵng vẫn là địa phương lẻ, dẫu là trung tâm của vùng. Đầu ra là một vấn đề nhưng kể cả đầu vào là khai thác tác phẩm cũng không phải là đơn giản. Kiếm được sách vừa hay vừa dễ bán là bài toán không hề dễ với tất cả các NXB thế thế giới, huống gì một NXB của 1 thành phố. Đã thế nó lại còn bị cạnh tranh. Tôi nhớ thời trước chỉ mình NXB Đà Nẵng tung hoành, giờ có thêm 1 loạt NXB mở chi nhánh tại đây như NXB Hội Nhà Văn, Văn học, Thanh Niên, Kim Đồng, Giáo dục… Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã từng in những sách rất oách, về mọi nhẽ, nhưng bây giờ cũng khó rồi, đến sách được Nobel kia in xong một thời gian rồi cũng cân ký. Nhưng tôi tin, với uy tín chuyên môn đã từng, NXB sẽ vẫn có đất để làm ăn, bạn đọc sẽ vẫn có sách hay để đọc, cán bộ công nhân viên vẫn hào hứng đắm say với công việc, và cái loại ất ơ như chúng tôi thi thoảng lại ghé NXB tra tấn cả quan lẫn lính một cách hào sảng và vô tư mà mặt chủ nhà vẫn… tươi hơn hớn…

          Thì tại sao lại không hy vọng, khi người ta đã 30 tuổi, cái tuổi chín chắn nhưng vẫn còn đầy sức trẻ. Và cũng cần phải liều một tí nữa, như một thời đã từng liều để làm nên thương hiệu NXB Đà Nẵng…

(He he bài viết cho cái tập sách của NXB ĐN nhân 30 năm thành lập, Nguyễn Kim Huy chủ biên. Hắn đặt mình viết bài xong nhắn: NXB sẽ mời mình về dự kỷ niệm 30 năm thành lập nếu mình... tự túc được vé tàu xe máy bay và tự túc ăn ở ở ĐN).
                                                                
 

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét