Nguyễn Văn Thịnh: LANG TỬ DÃ TÂM!

LANG TỬ DÃ TÂM!
Nguyễn Văn Thịnh

Sách có câu: “Lang tử dã tâm” chỉ con người có lòng ác như lang sói.
Thế giới thuở sơ khai là chốn sơn lâm hoang dã với muôn loài muông thú. Người Pháp vốn lãng mạn “galant” lịch thiệp tự hào như con gà trống cất vang tiếng gáy báo hiệu buổi bình minh của nhân loại. Người Anh tự hào với hình ảnh mãnh sư chúa tể của muôn loài trên giải đất không bao giờ tắt ánh mặt trời. Người Nga tự hào với hình ảnh con “gấu bắc cực” đầy sức mạnh mà chỉ “nổi sùng” lên với ai hại nó dù có bị chê là ngờ nghệch! Có quốc gia lấy hình tượng con chim ưng đứng đầu các loài chim và là nỗi khiếp sợ của các loài cầm thú trên trời dưới đất.

Văn hóa Á đông tiêu biểu là văn hóa Trung Hoa không quen ví người như con vật. Người do Trời sinh ra. Dưới Trời là “thiên hạ” mà chỉ một giống người Hoa Hạ là “thiên tử”, được giao việc trông coi bách tính (muôn dân). Trung Quốc ở trung tâm vũ trụ. Bốn phương là những hạng người hèn kém như: Bắc địch, Nam man, Tây nhung, Đông di… có bổn phận phải thần phục con Trời.
Sau gần ba ngàn năm chiến tranh giữa vô vàn nước nhỏ tranh giành bờ cõi thôn tính lẫn nhau, từ hàng ngàn tới hàng trăm, hàng chục, đến thời Chiến quốc còn bảy nước Tần-Sở-Tề-Triệu-Hàn-Ngụy-Yên tranh hùng, gom lại một nhà Tần thâu tóm đất Trung nguyên, sau qua tay nhà Hán. Để củng cố uy quyền Hoàng đế, quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của Khổng-Mạnh được coi là giáo lý căn bản để giữ gìn kỷ cương xã hội. Mẫu người quân tử “trị quốc–bình thiên hạ” là cốt lõi trong hệ thống tư tưởng Trung Hoa. Với tham vọng “bá quyền”, “bình thiên hạ” là mục tiêu xuyên suốt của người “trị quốc”. Thiên hạ khắp bốn phương tám hướng không hề bị giới hạn về không gian dù là đồng bằng phì nhiêu, sa mạc hoang vắng, núi rừng hiểm trở hay biển cả bao la. Chỉ khi gặp biến nó tạm thời chịu nén lại, đến khi thoát họa, hưng nghiệp lên nó khởi phát lại tùy theo thời thế. Nó đối lập hoàn toàn với tinh thần “Tự do–Bình đẳng–Bác ái” trên cơ sở “thượng tôn pháp luật” của văn hóa phương Tây. Ở Trung Quốc có một thời Khổng giáo bị bài xích, coi như “con chó giữ nhà” của chế độ phong kiến tập quyền. Nhưng thực chất thì tư tưởng Đại Hán vẫn chi phối mọi mối bang giao nhất là với các nước lân bang, đặc biệt là khi nước Trung Hoa cố vươn lên địa vị cường quốc hàng đầu.
Mấy ngàn năm ông cha ta hiểu thâm căn cố đế gan ruột của “người láng giềng vĩ đại không thể không chơi” và mỗi khi lỡ xơ xẩy lơ là cảnh giác ta đều bị nếm đòn! Khốn thay chọn người láng giềng dù khó nhưng còn có thể, chớ với quốc gia láng giềng thì “Đất nước Nam vua nước Nam ở / Rành rành định phận tại sách trời” (Lý Thường Kiệt). Nên khi “lũ giặc tới xâm phạm” tất phải “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh” (Trần Hưng Đạo) “cho chúng biết nước Nam này là có chủ” (Quang Trung) thì mới giữ yên được bờ cõi, bảo vệ được giống nòi.                                                                                         
Dân gian dù ở Á hay Âu đều có những chuyện cổ tích, ngụ ngôn về một loài vật đặc biệt mà người người đều khinh bỉ không ai muốn dây dưa. Người lớn thì luôn cảnh giác đề phòng mà trẻ con thì luôn khiếp hãi. Đó là một loại chó rừng sống hoang dã, mang rất nhiều cái tên nghe tới ai ai cũng muốn lánh xa bởi sự độc ác, dã tâm, mưu mẹo, quay quắt, tráo trở của nó. Đó chính là con sói, con lang, con cáo hay con hồ ly đều cùng một họ. Tính quỷ quyệt, độc ác, tham lam, là bản năng của nó! “Lang tử dã tâm” – con người đã có lòng dạ độc ác như lang sói luôn kiếm chuyện hại người, gây tai họa cho xã hội không sao lường được.
Ông La Fontaine có nhiều chuyện ngụ ngôn về loại sói rừng này. Có lúc nó bộc lộ ngay dã tâm chẳng cần che dấu như chuyện “Chó sói và chiên”: Một hôm sói lảng vảng bên bờ suối tìm mồi. Vớ ngay được chú chiên đang uống nước. Sói lớn giọng nạt nộ: “Sao mày dám cả gan vục mõm / Làm đục ngầu nước uống của ta?”. Chiên hiền lành cung khiêm giãi bày: “Nơi tôi uống nước quả là / Hơn hai chục bước cách xa dưới này / Đã biết thân mọn này đâu dám / Khuấy nước ngài uống phía nguồn trên!”. Sói lại gầm lên: “Chính mày khuấy nước, ai quên đâu là! / Mày còn nói xấu ta năm ngoái!”. Chiên thanh minh: “Nói xấu ngài… Khuấy nước năm xưa? / Khi tôi chưa kịp ra đời!”. Kẻ ác xiết tội, người ngay giải trình: “Không phải mày thì anh mày đó!” – “Quả tình tôi chẳng có anh em!” – “Thế thì một mống nhà chiên? Lũ bay có đứa nào kiềng sói đâu!”. Mới hay “Kẻ mạnh cái lẽ vốn già!”. Suối là dòng nước thiên nhiên ban tặng cho muôn loài muôn vật để bảo đảm sự sinh tồn, không ai được quyền chiếm làm của riêng mình. Vậy mà quen thói “hạ mục vô nhân”, sói tự cho mình được quyền thao túng! Xem ra người, vật chẳng khác chi nhau. Giữa lúc quan hệ Việt-Trung “vừa là đồng chí vừa là anh em”, cho dù có sự bất đồng thì người Việt ta vẫn giữ chữ tình, chỉ dùng lời lẽ khiêm nhường  để người anh em hiểu rằng trong tham vọng của anh, tôi chỉ chấp nhận một điều hợp lý thôi. Cụ thể trong công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rõ là chỉ công nhận “Quyết định về hải phận của Trung Quốc” và “sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mối quan hệ với nước CHNDTH trên mặt bể”. Tuyệt nhiên không có một câu từ nào thừa nhận và tán thành lãnh thổ Tây sa (Hoàng sa) và Nam sa (Trường sa) thuộc về Trung Quốc! Nếu nói thẳng ra thì chẳng lẽ anh em một nhà lại “vạch áo cho người xem lưng” sao! Người anh em hiểu đấy nhưng khi đã có mưu gian thì dù có hay không có công hàm ấy họ cũng bằng mọi mưu mô toan tính tìm cớ giàng buộc người ngay giống như con sói bức ép con chiên!
Theo các nhà khảo cổ học, ở nước Trung Hoa cũng như ở nước Việt Nam ta, đều để lại những di tích của con người từ thưở sơ khai. Người Hoa Hạ ở Trung nguyên sống nhờ vào ruộng đồng sông nước, núi non trùng điệp, biển khơi xa vời vợi chưa là điều thiết thân với họ. Trái lại, người Nam Việt ở dọc ven bờ biển Đông, sống nhờ vào tài nguyên trên rừng dưới biển nên mới nhận ra và gắn bó với  “rừng vàng biển bạc”. Từ xa xưa, hải đảo chỉ là nơi tạm lánh của tàu thuyền ra khơi đánh bắt sản vật hoặc là nơi tạm lánh của các tàu bè gặp nạn hoặc là các tàu thương khách hải hồ. Từ thời trung cận đại, nhà nước Việt Nam đã là chủ nhân cai quản các hải đảo tiền tiêu cửa ngõ của mình với những  bằng chứng pháp lý không thể phủ nhận được. Rõ ràng cả về tình và lý đó mới là “quyền lợi cốt lõi” của một quốc gia có chủ quyền chính đáng. “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển” (UNCLOC) năm 1982 là cơ sở luật pháp quốc tế đương nhiên thừa nhận. Cớ sao chỉ một chuyến đi vụng trộm của viên tướng hải quân Tàu qua vùng biển của người ta rồi về nhà thầy tớ ngồi vẽ ra “cái lưỡi bò” 11 đoạn gom tất tật những hải đảo và vùng biển rộng lớn là nguồn sống truyền đời của hàng trăm triệu ngư dân các nước Việt Nam, Philippine, Malaxia, Inđônêxia, Brunei?!
Bây giờ nhà cầm quyền Trung Hoa lu loa rằng họ làm chủ biển Đông từ hơn hai ngàn năm trước với những bằng chứng vu vơ! Là người lãnh đạo quốc gia mà họ nói xằng không sợ hổ ngươi với truyền thống của một dân tộc từng có nền văn hiến tiêu biểu ở phương Đông. Họ cố tình quên đi lịch sử của dân tộc họ! Từ nhà Hán về sau, đất Trung nguyên từng trải bao nhiêu biến động thăng trầm. Thời Tam quốc: Ngụy-Thục-Ngô thì ai làm chủ? Thời Nam-Bắc triều (Ngụy-Tề-Chu/Tống-Lương-Trần) thì ai làm chủ? Thời Ngũ triều (những là hậu: Lương-Đường-Tấn-Hán-Chu) thì ai làm chủ? Rồi đến triều đại ngoại nhân Nguyên (người Mông), Thanh (người Mãn) thì giới hạn đất đai của người Hán đến đâu và họ có thật sự được làm chủ tổ quốc của mình? Lịch sử cận và hiện đại từ khi chủ nghĩa tư bản phương tây bành trướng, nước Trung Hoa bị xâu xé, để lọt vào tay người những nhượng địa Hồng Kông, Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu, Ma Cao, vùng Đông-bắc rộng lớn… Người Hán đâu còn thật sự làm chủ hoàn toàn đất Trung nguyên! Để kích động tinh thần dân tộc, ông trùm ở Trung Nam Hải nói rằng: “Những kẻ hiếu chiến đã hàng trăm lần phá vỡ tuyến phòng thủ trên biển và trên đất liền, đẩy Trung Quốc xuống vực thẳm tai ương” là nói về giai đoạn lịch sử đen tối ấy chớ không thể lẫn lộn mập mờ vu vạ để người dân lương thiện Trung Hoa hướng hận thù sang người hàng xóm “cùng tắm hai bờ một dòng sông, sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng” ở phương Nam này.
Trong một hoàn cảnh khác, nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine lại cho đời thêm bài học về con vật quen thói lừa đảo xấu xa trong truyện “Quạ và cáo” như sau: “Thầy Quạ đậu trên cây / Mỏ ngậm miếng pho mát / Thầy Cáo thấy thơm ngát / Bèn lại tán thế này: / “Kính chào tôn ông Quạ / Khôi ngô và phong nhã! / Tôi trông đẹp nhất ngài! / Lại dám đâu nói sai: / Nếu giọng ngài bẻ bai / Như lông ngài hào nhoáng / Thì ngài quả xứng đáng / Là chúa phượng lâm sơn!” / Quạ nghe nói sướng rơn / Muốn tỏ mình tốt giọng / Mở toang cái mỏ rộng / Để rơi quách miếng mồi! Cáo cuỗm phắt ngỏ lời: / Cảm ơn tôn ông Quạ!” (Tú Mỡ dịch). Thì ra kẻ nịnh hót xằng chỉ sống bám vào người nhẹ dạ!
Người viết bài này từng có người anh cùng với nhà văn Thôi Hữu hy sinh ở “Thập vạn đại sơn” trên đất Trung Hoa trong khi giúp bạn tham gia tiễu tàn quân thổ phỉ Quốc Dân Đảng vào những năm đầu nước CHNDTH mới ra đời. Ở tuổi thiếu niên người viết từng được sang học ở Khu học xá Quế Lâm. Lúc ấy nước bạn rất nghèo và nhân dân khổ lắm mà chúng tôi vẫn được ăn no mặc ấm. Ngày về nước, lũ trẻ chúng tôi còn được dự buổi mít tinh khánh thành “Hữu nghị quan” chớ không gọi là “Ải” hay là “Mục” Nam quan nữa bởi quan hệ giữa hai dân tộc đã sang trang sử mới. Tại cái “cửa quan” lịch sử nơi ngày nào cha con Nguyễn Phi Khanh–Nguyễn Trãi đầm đìa nước mắt rời tay nhau vĩnh biệt kẻ Bắc người Nam thì lúc này là hình ảnh Bác Hồ với Bác Chu Ân Lai tươi cười tay trong tay giơ cao lên trước sự vui mừng hớn hở không sao kể xiết của người dân vùng hai bên biên giới. Thế nhưng khi xây cột mốc biên giới mới thì cái “quan hữu nghị” năm xưa đã thành “phế tích” nằm sâu hàng trăm mét trên đất nước người bởi dựa vào cái mốc qui ước là “khúc nối đường sắt” giữa hai quốc gia do ông bạn giúp ta thiết kế và xây dựng! Cũng như thác Bản Giốc trước kia hoàn toàn nằm trong địa hạt tỉnh Cao Bằng. Nhưng vì tình bạn thương nhau, bát cơm manh áo cùng chia sẻ, ta cứ để cho người láng giềng nghèo khổ qua xin đất hoang làm nương rẫy. Lúc đầu là ngày qua, tối lại về đất bạn, sau là dựng lán tạm trú nắng mưa khuya sớm nhưng dần dà quây tụ thành làng xóm. Khi phân chia ranh giới thì cứ theo thỏa thuận lấy nguyên canh nguyên cư làm cơ sở. Thế là một cái thác tự nhiên đẹp nổi tiếng ở Đông Nam Á thì ông bạn chiếm nửa phần trên, còn chủ nhân thật sự chỉ được nửa phần dưới thác! Nghĩ mà đau nhưng vì mọi sự đã rồi! Bà con ta ngậm ngùi than thở: “Kết tình bạn với người ta / Giúp nhau thì ít hại nhau thì nhiều!”.
Thế mà ông trùm ở Trung Nam Hải nói ráo hoảnh rằng: “Người Trung Quốc không có gien xâm lược nước khác hay thống trị thế giới bằng máu”. Hẳn ông ta vẫn biết người thầy vĩ đại của cách mạng Trung Hoa từng căn dặn những người lính “giải phóng quân” Trung Quốc khi được cử sang giúp nhân dân Việt Nam kháng chiến chống sự xâm lược từ phương tây rằng: “Các đồng chí qua nước bạn lúc này là dịp để trả những món nợ lớn mà ông cha ta đã gây ra ở Việt Nam!”. Đúng là “người dân Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình” như bao nhiêu dân tộc khác trên thế gian này. Nhưng với những người đã lọt vào ngồi ở Trung Nam Hải thì hoàn toàn không phải là “Trung Quốc sẵn sàng sống hòa thuận với tất cả người dân trên thế giới trong một sự phát triển hài hòa!”. Những sự kiện đang xảy ra trên biển Đông và với các quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc đã không thể đánh lừa được ai. Đến nay các dân tộc trên thế giới nghe ông Tập Cận Bình rêu rao: “Trung Quốc không chấp nhận một logic rằng một quốc gia mạnh cứ phải là bá chủ!” đều thừa hiểu chỉ là điều ba xạo!
Trong giáo lý của đạo Khổng có nói một điều muôn thuở vẫn đậm tính nhân văn nhân bản là: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người). Điều đó thật dễ thực hành mà sao các thế hệ cầm quyền ở đất Trung Nguyên chưa bao giờ làm được?!

Thành phố Hồ Chí Minh  
          Ngày 10 tháng 7 năm 2014


  














Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét