Văn hoá không chỉ là "Cờ đèn kèn trống" mà nó chính là toàn bộ đời sống của nhân dân, và vì thế nó đòi hỏi những người thực thi phải được đào tạo bài bản. Chỉ một ứng xử không đúng có thể làm lệch hướng cả một phong tục đẹp. Các buôn làng Tây Nguyên khi được định canh định cư, người ta làm theo thiết kế ô vuông như ở thành phố. Kết quả là được cái văn minh sạch đẹp nhưng hình như cái hồn, cái cốt của làng nó rơi vãi ở đâu hết, cái ấm cúng gần gũi của dân làng với nhau nó cũng biến đi đâu mất...
------------
Hiện nay ở các buôn làng Tây Nguyên đang có những chuyển dịch văn hoá rất khủng khiếp. Đời sống buôn làng có nhiều thay đổi, kéo theo nhiều thay đổi về tinh thần, về những giá trị tưởng như rất bền chặt nhưng té ra khi đối diện với cơn lốc thị trường nó lại vô cùng mong manh dễ vỡ.
Đưa văn minh hiện đại đến với đồng bào là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta, nhà nước ta. Nhưng về mặt nào đấy, sự văn minh ấy lại thách thức các giá trị văn hoá truyền thống. Điện về mang theo bao điều tốt đẹp và tiện dụng, nhưng nó sẽ giết chết các đêm kể khan, hơamon truyền thống. Các bộ chiêng không thể tiện dụng bằng ghi ta, organ, ngồi kỳ cạch dệt cả tháng trời được một tấm thổ cẩm trong khi các cửa hàng cửa hiệu bán đầy đồ may sẵn mà giá lại rẻ... thì rõ ràng các giá trị văn hoá truyền thống đang bị tấn công rất dữ dội.
Đấy là những thách thức mang tính khách quan mà bản thân nền văn hoá nào cũng phải trải qua, và, bản thân văn hoá nó cũng có khả năng điều tiết, thích nghi. Bên cạnh đấy còn có những thách thức mang yếu tố chủ quan của những người điều hành nhiều khi cũng làm tăng nhanh sự biến mất của văn hoá truyền thống. Ví dụ như việc chúng ta ồ ạt xây dựng các nhà rông văn hoá, mỗi cái hàng mấy trăm triệu là một sự lãng phí rất lớn, và nó khiến cho các nhà rông truyền thống hết... đất sống. Nhà rông chỉ gắn với từng làng cụ thể, nó là linh hồn của làng, là niềm tự hào, là sức mạnh của làng, là đời sống tâm linh của cộng đồng ấy, là ước mơ, khát vọng của nhân dân, là nơi cả làng quây quần tụ hội... Trong khi đó, các nhà rông văn hoá thường làm ở trung tâm xã, rất to và hiện đại, và không... ai lên cả. Nó có thể là một trụ sở, một thiết chế văn hoá, nhưng không thể thay thế cho các nhà rông truyền thống của từng làng. Và nếu chỉ dùng để làm trụ sở văn hoá cho xã thì có cần phải xây dựng to lớn hoành tráng đến thế? Theo khảo sát của chúng tôi thì phần lớn các nhà rông văn hóa, sau khi long trọng làm lễ khánh thành, bàn giao xong là… để đấy, nhiều cái xuống cấp hư hỏng, nhiều cái khóa chặt như… nhà kho…
Hiện đang có một thực tế là ai cũng có thể làm... ở ngành văn hoá được, từ cấp tỉnh chứ chả nói đến cấp huyện, cấp xã. Văn hoá không chỉ là "Cờ đèn kèn trống" mà nó chính là toàn bộ đời sống của nhân dân, và vì thế nó đòi hỏi những người thực thi phải được đào tạo bài bản. Chỉ một ứng xử không đúng có thể làm lệch hướng cả một phong tục đẹp. Các buôn làng Tây Nguyên khi được định canh định cư, người ta làm theo thiết kế ô vuông như ở thành phố. Kết quả là được cái văn minh sạch đẹp nhưng hình như cái hồn, cái cốt của làng nó rơi vãi ở đâu hết, cái ấm cúng gần gũi của dân làng với nhau nó cũng biến đi đâu mất... Đang có một hiện tượng là chúng ta áp đặt ý chí của những người thực thi vào một nền văn hoá khác. Người Kinh chúng ta thuộc hệ văn minh lúa nước, còn đồng bào dân tộc Tây Nguyên thuộc nền văn minh nương rẫy, có nhiều điểm chung và cũng có nhiều điều khác xa nhau, không thể áp đặt và cũng không thể đồng hoá. Lấy từ hiện tượng cồng chiêng ra mà ngẫm cũng thấy có nhiều điều lý thú. Chúng ta đều biết người dân tộc Tây Nguyên không làm được cồng chiêng, mà nó do người Kinh và người Lào làm, nhưng cồng chiêng lại gắn bó với người Tây Nguyên, trở thành đặc sản của riêng họ chứ người Kinh và người Lào không sử dụng chiêng thông dụng, bất quá nó chỉ là phèng la trong các đám ma. Người Tây Nguyên biến chiêng thành văn hoá của riêng mình. Không chỉ văn hoá tinh thần, chiêng còn là tài sản, là thước đo sự giàu nghèo hùng mạnh của từng gia đình, từng làng. Chiêng muốn sử dụng được, sau khi đúc xong phải chỉnh sửa âm thanh, "lên dây chiêng". Thì những người lên dây chiêng giỏi nhất, tài hoa nhất chính là người dân tộc Tây Nguyên chứ không phải là những người Kinh đúc chiêng ở làng Phước Kiều, Quảng Nam kia...
Tất cả các lễ hội dân gian đều xuất phát từ chính đời sống của cư dân ở cộng đồng ấy, nó gắn với cộng đồng, và những gì còn lại đến hôm nay là thứ tinh túy nhất, hữu ích nhất, dẫu có thể dưới con mắt đương đại nó lạc hậu, nhưng nó phải có một thứ gì đấy để dẫu người bây giờ thiên kinh vạn quyển nhưng vẫn phải tuân phục nó. Giờ chúng ta “thay mặt nhân dân” để tổ chức các lễ hội dân gian theo hướng sân khấu hóa, hiện đại hóa, có ban bệ có kính thưa kính gửi, có dự trù kinh phí và có kịch bản được duyệt. Nhiều kịch bản được viết ra bởi những người không hiểu biết vùng đất ấy, phong tục ấy, và cũng như thế với các đạo diễn chuyên nghiệp, cuối cùng các lễ hội dân gian biến thành những thứ tạp pí lù rất khó gọi tên bởi, cái cốt lõi của nó, cái làm nên hốn cốt của lễ hội, nó ở lại làng rồi, các nghệ nhân được đưa lên phố, họ trở thành những diễn viên bất đắc dĩ, họ diễn chính họ trong những cái xác không hồn, bởi tất cả xung quanh là vô cùng xa lạ với họ, bởi cái thế giới tâm linh mà họ tôn thờ trong tâm tưởng lại cứ bệch bạc ra dưới ánh đèn sân khấu, và bởi họ đang diễn cho người khác chứ không phải đang thành tâm hành lễ cho mình và dân làng…
Tóm lại là nó đụng đến chủ trương chính sách, và vai trò của những người thực thi văn hoá ở cơ sở là rất quan trọng, không thể hời hợt ai làm cũng được, mà phải được đào tạo, phải đam mê và có một cái tâm trong sáng, nâng niu quý trọng di sản của ông cha và tài sản do nhân dân lao động làm ra, chứ quyết không phải là thích gì làm nấy, lấy sự hiểu biết của mình áp đặt lên phong tục...
Tưởng dễ mà lại cũng rất khó…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét