Về lá Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN

Lại một lá thư của các cựu quan chức, trí thức hàng đầu, từng vào Đảng, làm rung chuyển thành trì của chế độ đang do ĐCSVN lãnh đạo. Tôi không phải là đảng viên và từng bỏ công chức, vì vậy nếu ý của họ được thực hiện và kết quả xảy ra theo đúng ý họ thì tốt quá! Tiếc là thực tế sẽ xảy ra theo quy luật khách quan chứ không theo suy nghĩ chủ quan của ai cả. Những giải pháp phù hợp với đất nước sẽ như toa thuốc đúng giúp đất nước như một cơ thể khỏi bệnh và phát triển. Còn ảo tưởng viển vông, theo những hình mẫu dù lung linh đến mấy mà không phù hợp thì sẽ đưa đất nước đến vực thẳm chứ không phải thiên đường. I rắc, Lybi,…, hôm qua, rồi Ucraina hôm nay là những bài học nhãn tiền!
Tôi đã viết nhiều bài phân tích, chi tiết những sai trái cụ thể về tài, về đức của một số nhân vật cụ thể dưới đây, nên chắc chắn tôi không thể đồng tình với lá thư lần này của họ. Có điều không phải ai cũng như ai, với mỗi cá nhân cũng không phải đã sai là sai hết. Đa phần những tệ nạn và sai trái đã và đang diễn ra trên đất nước họ viết là đúng, còn giải pháp khắc phục của họ là đúng hay sai mới cần phải phân tích. Chắc chắn họ cũng có những ý đúng và có trách nhiệm vì không phải ai cũng dốt và đều là phản động cả.  Lúc này tôi thấy đã đến lúc các nhà lý luận có trọng trách, các cây viết chính luận có tên tuổi của chế độ cần “ra tay”. Với phép xử thế ngoài đời cũng như nghi lễ ngoại giao, chức danh và tên tuổi cũng cần có sự tương ứng thì sự đối đáp sẽ có trọng lượng hơn.
Thực tế thời gian qua gần 1000 tờ báo của thể chế xem chừng lại “tác chiến” kém lực lượng “dư luận viên” với các nickname chủ các blog. Trên mặt báo, các bài chính luận thường công thức, chung chung, không dám phản bác, chỉ mặt, gọi tên những người sai, ý sai, nhất là với các vị nổi tiếng. Trái lại có báo điện tử hàng đầu lại đăng tải quảng bá những tư tưởng sai trái của họ. Như VietNamNet từng đăng ý ông Nguyên Ngọc cho không nên ca ngợi các bà mẹ VN anh hùng quá vì sẽ làm đau lòng các bà mẹ lính VNCH chẳng hạn! Có người có tí danh tiếng thì khi đăng bài tranh luận về vụ việc nào đó, phản bác ai đó cũng lại đổi tên vì sợ đụng chạm. Đáng ngại hơn là có khi đúng sai, tốt xấu lại ù xọe, như Hồng Thanh Quang từng tôn trọng Phạm Xuân Nguyên!
Vì vậy, thật tiếc, Phạm Chí Dũng xem chừng lại đúng khi nhận xét: “lực lượng phản tuyên truyền đã xuất hiện dấu hiệu “mỏng” dần rồi đến tình trạng nguồn nhân lực phản tuyên truyền của đảng đã gần như cạn kiệt … ngành tuyên giáo, bắt buộc phải tích cực “nhân bản” đối tượng tuyên truyền viên và dư luận viên, trong đó đặc biệt quan tâm “bồi dưỡng” những cây viết phản tuyên truyền được xem là “cao cấp””.
 Riêng tôi thì đã viết phê bình, chính luận từ hơn 10 năm về trước trên Văn nghệ QĐ, trên Talawas, nên không biết gì cái lực lượng “dư luận viên”, chưa được dự lớp “bồi dưỡng” nào bao giờ, nhưng bị chửi là “dư luận chúa” thì không ít.
Thực tế tôi chỉ là người cầm bút muốn viết ra những gì mà tôi thấy là có ích cho đất nước mà tôi thấy đang ở tình trạng quá loạn chuẩn này!
Trong lá thư mà tôi trích dưới đây, những người ký tên có viết: “Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình của đất nước”. Vì vậy tôi mong các vị hãy hành động trước hết bằng cách từ bỏ hết danh vị, quyền lợi, chế độ hưu… mà các vị từng vào Đảng để phấn đấu mà có đi đã, tôi sẽ rất khâm phục các vị:

 

Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN

Ngày 28 tháng 07 năm 2014

Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm, giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc… bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện…
Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.
Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:
ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Ngay từ bây giờ, cần thảo luận thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông…
Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của đại hội…
DANH SÁCH CÁC ĐẢNG VIÊN KÝ THƯ NGỎ GỬI BCH TW VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc.
Đào Xuân Sâm, , nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.
Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.
Lê Duy Mật, Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988.
Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Hoàng Tụy, Giáo sư Toán học.
Nguyên Ngọc, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam.
Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học.
Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Trung, vào Đảng năm 1965, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan.
Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Bùi Đức Lại, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội.
Nguyễn Thị Kim Chi, vào Đảng năm 1971, Nghệ sĩ ưu tú.
Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975.
Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.
Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
Trần Đình Sử, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét