BÀI TOÁN TÍNH GÀ VÀ TƯ DUY MINH TRIẾT
Nhắc lại bài toán tính gà:
Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà?
Với các phương án:
A. 4x8=32
B. 8x4=32
C. 4+8=12
D. 8:4=2
Phương án đúng được cho là B (8x4=32), học sinh lựa chọn đáp án A (4x8=32) bị giáo viên cho là sai!
Xem lại việc biện minh cho việc chấm điểm sai của “đằng mình”, một cô giáo viết về chuyện “bài toán tính gà”: “Một câu hỏi đố, không chỉ đơn giản là phép tính nhân thông thường”.
Đúng vậy, bài toán trên không chỉ là những con số vô tri mà là “số chuồng”, “số gà mỗi chuồng”, câu hỏi là“tổng số gà”. Vậy mà bị khuôn theo quy ước của sách giáo khoa, của tập huấn,…, các giáo viên chỉ cho 8x4 mới đúng, nghĩa là cho 8 (con gà) nhân 4 lần thì mới cho ra 32 con gà, còn 4 x8 là sai, vì 4 chuồng nhân với 8 sẽ cho ra số 32 không phải con gà. Có điều như vậy cái cô này đã quên cái câu của chính mình “Một câu hỏi đố, không chỉ đơn giản là phép tính nhân thông thường”. Vì số 8 là 8 con gà chứ không phải chỉ là số 8, nên 4x8 con gà thì cũng sẽ phải bằng 32 con gà chứ không thể cái gì khác. Như vậy em học trò làm đúng chứ không sai. Cháu bị dốt oan do chính cô giáo và nền giáo dục của VN dốt!
Còn ý cho rằng cần phải hiểu vấn đề theo giai đoạn, theo tiến trình đào tạo, cách hiểu lớp 2 khác lớp 4, đến lớp 4 thì chuyện 4x8 con gà mới đúng! Ý này hoàn toàn là phản khoa học và phản giáo dục, bởi đã là khoa học, là tri thức thì phải thống nhất, không thể tri thức theo lớp 2 thì sai mà đến lớp 4 thì đúng được!
Một tác giả viết: “Nếu câu hỏi “Nhà Lan có bao nhiêu con gà”, đương nhiên cả A và B đều đúng vì kết quả là 32 con. Nếu hỏi cách nhân nào đúng thì B là lựa chọn đúng”. Cái dở chính là việc cho phép nhân như thế mới đúng. Điều này do cảm giác phân biệt số lần nhân gà khác với số gà nhân mấy lần trong khi đều là phép nhân cả! Quy ước của những người soạn sách cũng bắt phải ghi chữ số chỉ đơn vị trước, làm như 8 con gà nhân với 4 chuồng thì mới cho ra 32 con gà còn 4 chuồng nhân với 8 con gà thì sẽ cho ra 32 chuồng hay cái gì đấy? Hoàn toàn không có chuyện như vậy vì ra cái gì phải phụ thuộc vào nội dung câu đố. Còn về mặt toán học nói chung, cái chuyện vị trí của yếu tố “đơn vị” đâu chỉ có duy nhất là ở vị trí ở phía trước. Các phép toán phức tạp, nhất là trong vật lý, thì đơn vị còn ở trước, sau, trên, dưới nữa. Kết quả tính cũng không chỉ có kết quả các con số mà còn có kết quả của đơn vị. Như m chia cho m thì kết quả không còn đơn vị m nữa, trái lại m x m lại bằng m2, m x m x m=m3.
Vào một trang cá nhân thấy kể chuyện:
“Nhớ hồi cu Luck đi học vỡ lòng bên Mỹ, cô giáo ra bài, hãy vẽ cầu vồng. Ở thành phố biết cái cầu tròn méo như thế nào, cu con vẽ luôn hai trụ, một vạch nối ở giữa và đề “Cầu Vồng”. Cô vẫn chấm điểm “good – 8”. Nghĩ là giáo dục Mỹ bị “hóc xương gà”, lão bố lầm bầm, tưởng Mỹ giỏi và hiện đại, hóa ra cũng…dốt”.
Nếu hiểu một cách máy móc thì thấy ông bố VN đúng quá, còn nếu hiểu vấn đề một cách “minh triết” thì lại thấy cái cô giáo Mỹ thật tuyệt quá, hiểu đời, hiểu người, hiểu trò quá!
Cũng ở trang đó:
“có bài toán đố với dữ liệu 4×4=61, 5×5=52, 7×7=94 và câu hỏi là 9×9 bằng bao nhiêu, chắc nhiều bạn sẽ ngỡ ngàng”.
Với tư duy máy móc thì đúng là ngỡ ngàng thật, vì 4x4=16 chứ sao 61? Nhưng lại nhìn một cách “minh triết” thì sẽ thấy bài toán không hỏi kết quả tính đúng sai mà hỏi kết quả logic. Vậy kết quả bài toán “vô lý” ở trên 9x9 sẽ bằng 18!
Tóm lại, bài toán tính gà là bài toán rất nhỏ nhưng lại chỉ ra cái sai rất lớn của nền giáo dục VN. Đó là nền giáo dục cứng nhắc, khuôn mẫu nhưng lại lạc hướng. Học trò bị buộc phải tốn nhiều sức cho nhiều cái vô tích sự, tuân theo những quy ước “chết tiệt” mà các “chiên ra” ăn hại tạo ra! Trong khi hiểu biết và sử dụng sự hiểu biết để làm việc, để sáng tạo mới là đích đến của nền giáo dục cũng như của mỗi người.
10-9-2014
ĐÔNG LA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét