Trong khi bao nhiêu các trường thành phố khai giảng, học trò xúng xính váy áo đồng phục, đẹp rạng ngời, các thầy cô đa phần đi xe đắt tiền, một số đi ô tô đến trường khai giảng, tíu tít và sang trọng, ở đây các thầy cô, với học trò, dép tổ ong với những bàn chân đầy chai, các thầy cô ăn vội bữa sáng tự nấu, cơm với nước mắm, rồi ra đón học trò khai giảng...
Nguyễn Ngân, một phóng viên rất trẻ và giỏi của thời sự VTV1 hôm qua đã làm người xem rớt nước mắt khi chị làm một phóng sự về học sinh Trạm Tấu khai giảng.
Đấy là một huyện vùng sâu và xa của tỉnh Yên Bái, chủ yếu là người Mông, rất nghèo và rất khó. Rớt nước mắt bởi cảnh các cháu hồ hởi múa hát đón ngày khai giảng. Rớt nước mắt bởi ống kính đặc tả đôi chân đi dép tổ ong của một cháu. Và tôi, còn để ý đến một khuôn hình chỉ thoáng qua thôi, vì phóng sự làm về học trò, đấy là khuôn mặt của một thầy giáo. Khuôn mặt rất lạ, khắc khổ nhưng mãn nguyện, có gì đấy vừa như chịu đựng vừa như kiêu hãnh.
Đúng, các thầy các cô xứng đáng để kiêu hãnh.
Trong khi bao nhiêu các trường thành phố khai giảng, học trò xúng xính váy áo đồng phục, đẹp rạng ngời, các thầy cô đa phần đi xe đắt tiền, một số đi ô tô đến trường khai giảng, tíu tít và sang trọng, ở đây các thầy cô, với học trò, dép tổ ong với những bàn chân đầy chai, các thầy cô ăn vội bữa sáng tự nấu, cơm với nước mắm, rồi ra đón học trò khai giảng.
May mà bây giờ có tivi, có các phóng viên như Nguyễn Ngân chịu khó lội về tận đấy, không thì ta chỉ được thấy khai giảng với rờm rợp cờ hoa, với xe cộ, với nhưng nhức thơm tho không khí thị thành…
Giáo làng, giáo cắm bản, chính họ, đã làm nên sự diệu kỳ của giáo dục.
Năm nay thôi, thống kê trên các báo thì số học sinh thủ khoa vào các trường đại học rơi vào con nông dân nghèo khá nhiều. Có ai trong ngành tự tìm hiểu lý do không nhỉ? Những học sinh nghèo ở nông thôn ấy, họ được học với những giáo làng, giáo cắm bản, những người thiệt thòi đủ bề, không hoa ngày 20/11, nếu có thì cũng là hoa rừng học trò hái vội chứ không phải những bó hoa tiền trăm tiền triệu như họ sinh thành phố, không phong bì, không dạy thêm để cải thiện thu nhập. Họ chỉ có lòng yêu nghề, yêu học trò, và sự nhẫn nại chịu đựng. Và rồi họ thành công, họ không trở thành những cái tên HOT để học trò tìm đến học thêm, họ cũng không có điều kiện như các giáo viên thành phố tìm hiểu học hỏi thêm chuyên môn. Nhưng họ có lòng tự hào và tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp để rút ruột sống cùng học trò, cho học trò kiến thức, một cách tận tụy, vậy nên những gì học trò tiếp thu ở họ, cũng là sự tận tụy và biết ơn, chứ không phải là “trao tay” như kiểu bỏ tiền học thêm. Phải thế chăng mà học sinh nông thôn hay đạt thủ khoa?
Tôi vụt nhớ hồi nhỏ, học vỡ lòng tại một làng ở Thanh Hóa khi tôi theo nhà máy của mẹ về sơ tán ở đấy. Học tại nhà một ông giáo già, râu dài, quần nâu buông lá tọa nhưng nổi tiếng nghiêm khắc. Ngồi bệt dưới đất, kê vở lên cái ghế. Lơ mơ là chúng tôi phải úp tay xuống bàn ăn thước kẻ, chả từ ai. Và chúng tôi lớn lên, trưởng thành từ những thanh thước kẻ ấy. Cấp một thì học dưới hầm, với mũ rơm và đèn hoa kỳ bỏ trong ống luồng. Những cô giáo không chỉ là cô giáo mà là những người mẹ, hơn cả mẹ, các cô trước khi dạy phải học cách bảo vệ chúng tôi. Tôi nhớ chúng tôi được đánh số hầm, đứa nào ở hầm nào phải nhớ, mỗi lần báo động là vào đúng ngách hầm ấy, cô giáo là người đi kiểm tra, nếu có chuyện gì cô sẽ là người chịu trước.
Bây giờ đường xá thuận tiện rồi, nhưng vào những vùng sâu vùng xa, ta vẫn gặp những thầy cô giáo cắm bản “đánh vật” với học sinh, với những con đường lầy lội mùa mưa và bụi mù mùa khô. Bụi đến mức mùa khô nắng chang chang mà phải quấn áo mưa chạy xe máy. Vẫn sẽ bắt gặp những thầy cô giáo bỏ tiền túi mua kẹo, mì tôm… “dụ” học sinh đi học. Vậy nên cái chương trình “cơm có thịt” do anh Trần Đăng Tuấn phát động nó mới ý nghĩa làm sao với học trò vùng cao. Phải nói thật là, rất nhiều đứa học trò lít nhít chịu khó đến lớp là vì miếng thịt của chương trình này. May mắn, dù là một chương trình tự phát, ban đầu từ của một nhóm người, giờ nó phát triển khá sâu rộng, vào đến cả các miền khác.
Chả ai kêu, có kêu là kêu cho học trò, giáo viên làng là thế. Ngày khai giảng này, cũng không nhiều hoa nhiều quan khách nhiều quà. Niềm vui của họ là học trò có mặt đầy đủ, mặc sáng hơn mọi ngày, cười tươi hơn, phụ huynh quan tâm hơn, đưa được con đến trường thì tốt, không thì họ sẽ tự đi đón học trò…
Và, té ra, chính họ, những giáo viên ở làng, ở vùng sâu vùng xa ấy, sẽ là những người mang lại sự công bằng cho sự nghiệp trồng người. Với tôi, là sự công bằng về cống hiến, lòng yêu nghề, về lương tâm, trách nhiệm, và cả tầm nhìn của mình về một tương lai cho giáo dục Việt Nam…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét