Chỉ có sự xếp đặt của số phận, tôi, một anh chàng nuôi mộng thành nhà phát minh, đi học khoa học tự nhiên, lại được gặp nhà thơ lớn Chế Lan Viên, rồi được ông ưu ái, quan tâm. Ông đã đề nghị trao giải thơ cho tôi, đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn TPHCM, xin cho tôi đi làm báo, đến tận báo Văn Nghệ gởi gắm. Ngược lại chính tôi cũng là chứng nhân giai đoạn cuối cùng của cuộc đời ông. Tôi đã đi xin giấy giới thiệu cho ông đi an dưỡng tại BV Chợ Rẫy thì ở đấy người ta lại phát hiện ông bị u phổi. Tôi đã tận mắt chứng kiến ông được đẩy ra sau một ca đại phẫu từ phòng mổ, chứng kiến cái chết của ông, chứng kiến người ta liệm xác ông, chứng kiến giây phút ngọn lửa trùm lên quan tài ông ở lò thiêu. Tôi đã luôn coi Chế Lan Viên như cha mình. Vì vậy, ai viết về ông tôi đều đọc cả, đặc biệt là những người cùng thời ông, mà tôi hậu sinh thì không sao có thể biết được. Thật thú vị là Trần Đĩnh trong cuốn “Đèn cù” đã có những chi tiết như vậy. Về cuốn “Đèn cù” chắc tôi sẽ còn viết kỹ, nay chỉ nhắc đến những chi tiết liên quan đến Chế lan Viên. Theo Trần Đĩnh “Chế và Gia Ninh thề với nhau không bao giờ vào đảng”. Khi phụ trách văn nghệ báo Nhân dân, báo đảng, Trần Đĩnh được dặn không đăng bài, đưa tin và nói đến Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên. Trần Đĩnh cho biết có lần Chế Lan Viên nổi cáu với Như Phong, vì ông này hay bắt bẻ, “theo cách mạng từng ấy năm, mặt chúng tôi ít ra cũng nở được vài bông hoa chứ”, sao không thừa nhận mà lại cứ đi săm soi những chỗ bẩn thỉu xem có uế tạp không? Nhưng rồi giữa năm 1963, trang văn nghệ của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đăng một bài ca ngợi Chế Lan Viên và tập thơ “Ánh sáng và phù sa”, Trần Đĩnh đã đưa tin lên trang chủ nhật báo Nhân Dân. Tên tuổi Chế Lan Viên thế là được xuất hiện trên báo Đảng. Rồi “Chế trở thành cộng tác viên thượng đẳng của báo đảng, của Nhà xuất bản Văn Học do Như Phong làm giám đốc. Như Phong đã thấy hoa nở trên người Chế còn hơn cả trên bản thân. Lúc này người ta lại tránh Chế. Anh khinh mạn vì nay đầy hào quang”. Không thể phủ nhận công lăng xê của Trần Đĩnh nhưng được như trên, cái chính là do tài năng của CLV sáng tác được “Ánh sáng và phù sa”. Và quan trọng hơn nữa, cũng theo trần Đĩnh: “Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu vừa làm một bữa chiêu đãi mấy nhà văn nhà thơ Khu 5 trong có Chế Lan Viên … Hai vị nêu rõ nguy cơ chủ nghĩa xét lại làm mất cách mạng, kêu gọi văn nghệ sĩ góp sức cùng với đảng dẹp chủ nghĩa xét lại nếu như còn có tâm huyết đánh đổ Đế Quốc Mỹ, thống nhất đất nước… Dĩ nhiên Chế cảm động vì đảng coi mình nhiều tâm huyết”. Như vậy Trần Đĩnh từ một hạt giống đỏ, vì sai lầm, cố chấp, đã tự giam cầm mình trong tù ngục của chính cái tôi của mình. Đến bây giờ vẫn cho mình đúng khi theo đuôi Khơrútsốp, cho giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước là sai, thì có lẽ ông nên đổi tên cuốn “Đèn cù” thành “Cù lần”, không phải viết về những chuyện ông cho là xấu xa mà tự kiểm về chính cái đầu của mình thì đúng hơn. Còn Chế Lan Viên xuất phát từ cậu bé làm thơ rền rĩ, đau khổ, khóc thay cho dân Chàm, thuộc thành phần “thơ tiền chiến”, nhưng rồi chính bằng tài năng và tâm sáng, ông đã kiên trì phấn đấu, hướng về phía ánh sáng, đồng hành cùng bước đi của lịch sử, của dân tộc, và cuối cùng ông đã thành một nhà thơ lớn, được đặt tên đường, trở thành một danh nhân của đất nước. Nhân chuyện Trần Đĩnh viết vài chi tiết về CLV trong “Đèn cù” rất dễ làm cho mọi người hiểu sai lạc, không toàn diện về CLV, hôm nay tôi đăng lại bài tôi viết về ông này: |
CHẾ LAN VIÊN
TRONG HỒI QUANG CỦA KÝ ỨC
Đây là bài tôi viết sau cái chết của nhà thơ lớn Chế Lan Viên 8 năm, người mà định mệnh đã ưu ái cho tôi được gần cận ông mấy năm cuối đời, chứng kiến toàn bộ “cuộc ra đi” về cõi vĩnh hằng của ông. Bài đã được in trong cuốn “Biên độ của trí tưởng tượng”. Gần đây, cập nhật những thông tin mới về ông, tôi có viết thêm ít dòng, những mong góp phần làm sáng rõ thêm chút nào đó về một tài năng và nhân cách lớn của nền văn chương hiện đại Việt Nam – Đông La.
Vào một buổi sáng cách đây tám năm, khi đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên, tôi thấy ông mừng như chưa bao giờ mừng như thế. Ông nói với tôi:
- Hú vía, cứ tưởng bị bệnh gì nặng lắm nào ngờ bác sĩ ở Bệnh viện Thống Nhất lại hỏi mình đã tẩy giun chưa?
Ông cười thật khoái chí. Ông mới đi khám bệnh hôm trước. Nhưng rồi cả ông, cả gia đình, và tôi cũng không ngờ rằng, đó chính là niềm vui trọn vẹn cuối cùng của ông ở cõi đời này. Bởi sau đó sẽ lại là bệnh viện, là tràn ngập thất vọng xen lẫn những hy vọng mong manh; sẽ là mổ xẻ, là di căn; rồi cuối cùng ông đã đi về “xứ không mầu”, về “Bầu trời khác cũng đầy hoa”…
Ông không bị bệnh đơn giản như thế. Sau đó vài ngày, tôi đã cầm thư tay của ông đến văn phòng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh xin giấy giới thiệu để ông đi an dưỡng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có Bác sĩ Dinh, chồng nhà thơ Anh Thơ, bạn ông. Lúc tôi đi, ông còn nói với theo: “Ông nhớ nói nó ghi tôi chuyên viên 8 nhé”. Và rồi chính ở Bệnh viện Chợ Rẫy, người ta đã phát hiện ra khối u ác trong phổi ông.
Thoắt cái đã tám năm trôi qua rồi. Thân thể ông đã biến thành một bọc tro than rải xuống sông Sài Gòn và một bình tro xương đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm. Nhưng tinh thần ông, tư tưởng ông, thơ ca ông thì vẫn vẹn nguyên, vẫn sống động như thuở nào.
Như một quà tặng của số mệnh, với khoảng cách 35 năm tuổi và đỉnh cao của một tên tuổi lừng danh, tôi đâu có ngờ, sau khi đọc chùm thơ mà tôi dự thi ở cuộc thi thơ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 1986, ông đã dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Hôm đó, tôi đã nhờ cô Thường đưa thơ của tôi cho ông coi. Bà nói với ông:
-Anh Hoan (tên ông) ơi, cậu này cũng có làm thơ, cậu ấy có chùm dự thi đây này, anh coi giúp xem.
- Ông (ông thường gọi tôi vậy, còn tôi gọi ông là “chú” xưng “cháu”) cũng có làm thơ à? - Rồi sau khi đọc xong, ông reo lên - Ô, ông làm được đấy, ông sẽ được giải đấy!
Tôi ngạc nhiên đến độ không còn biết đến vui mừng nữa vì không hiểu “được giải” nghĩa là thế nào? Sao ông lại cho giải ngay tại nhà ông? Rồi ông tiếp: “Tôi có thể cho ông giải cao nhất cũng được, nhưng ông chưa có lực khéo người ta giết ông đấy! Thôi, tôi cho ông đứng đầu giải ba!”. Ông nói xong, tôi còn ngạc nhiên hơn khi thấy ông vào trong buồng, bê ra một chồng vở khổ lớn ra khoe với tôi một cách hồn nhiên như khoe một người bạn tâm giao vậy:
- Ông biết tôi làm thơ như thế nào không? Khi nào nghĩ ra được một câu hay tôi chép vào quyển đầu này, khi nào có tứ sẽ phác thảo vào cuốn thứ hai, tôi đánh mục lục đàng hoàng để hoàn thiện dần.
Bấy giờ Vàng Anh còn nhỏ có thể không để ý đến “chuyện riêng” của tôi với cha cô; còn cô Thường có thể cô không nhớ, mà cô nhớ làm gì chuyện một người làm thơ trẻ đến gặp ông, vì người ta từng đến quá đông. Nhưng với tôi thì ngược lại, một người tập tọe làm thơ lại được chính Chế Lan Viên khen, còn cho giải nữa, thì không thể là chuyện bình thường được. Tuy nhiên, đang là cán bộ nghiên cứu của một Viện Dược, tôi cũng không đến nỗi quá phởn chí bỏ hết các thứ để lao vào thơ ca, không dễ ngây ngô bỏ mồi bắt bóng. Nhưng quả thực tôi vẫn muốn được Chế Lan Viên xác nhận lại khả năng của mình một lần nữa để tôi còn “liệu” cho tương lai của mình, nhưng tôi ngại không dám hỏi. Phải đến lần ông nói với tôi:
- Ông nên có một chỗ sinh hoạt. Để tôi bảo Nguyễn Quang Sáng ghi tên vào Hội thành phố trước đã, - ngẫm nghĩ một lát ông tiếp - Thôi, bây giờ ông lên văn phòng xin một bộ hồ sơ rồi nói với anh Chim Trắng là tôi nhờ anh ấy cùng tôi đứng tên giới thiệu ông vào Hội.
Tôi quá ngạc nhiên và quá xúc động, quả thực đời tôi chưa có một người dưng nào lại quan tâm tới mình như thế, lúc ấy tôi cảm thấy ông như cha của mình vậy và nhanh trí thừa dịp hỏi luôn:
- Thế… cháu làm thơ có được không chú?
Ông cáu, nhưng sự phật ý này của ông đã mang lại đời tôi một trong những niềm vui lớn nhất, ông trả lời tôi hơi gắt:
- Ông tưởng tôi cho ông giải vì tình cảm riêng hở! Ông nên nhớ, trước ông đến nhà tôi đã có hàng vạn người rồi, nếu vì tình cảm mà cho giải thì bao nhiêu cho đủ?!
Từ đó, sau chính câu nói này của ông, tôi không còn băn khoăn đến điều mình có khả năng hay không nữa và xác định một thái độ nghiêm túc đối với việc viết lách, và noi gương ông, trước khi đặt bút viết, tôi phải tự trả lời được câu hỏi: “tại sao lại viết thế?”, nên đã tiếp cận sâu vào lý luận. Tôi có tham vọng muốn đến được tận cùng cái nguyên lý mà từ đó người ta đã xây nên những quan điểm về cái hay, cái đẹp, cái giá trị của tác phẩm nghệ thuật.
Tôi đã mở được cánh cửa đến với “Không gian Chế Lan Viên” là như thế. Từ đó tôi đã thành người thân của gia đình, được nghe ông nói nhiều về thơ, về những điều rất tinh tế, rất cao sâu. Ông không răn dạy mà thường chỉ bộc bạch, giãi bầy những suy tư trăn trở. Với những thành tựu đã đạt được, người khác chắc không ai đắn đo như ông: “Tôi đi giữa nét vằn và dáng ngựa/ Phối hợp hai cực hai đằng dễ đẻ ra văn”; ông cũng từng viết mà tôi chỉ nhớ ý: “Chỗ này sâu ư?/ Không phải, chỉ vì nước đục!/ Chỗ này nông ư?/ Không phải, vì nước trong nên ta nhìn thấy đáy./ Cái sâu cạn trong thơ là thế đấy!”. Ông cũng nói rất cụ thể với tôi:
- Thế nào là thơ hay? Thơ hay bắt đầu từ chữ hay, rồi đến câu hay, đoạn hay, toàn bài hay. Nhưng thế nào là hay? Cái hay là sự sáng tạo ra cái mới lạ, cái độc đáo, là ở độ khó để làm ra chúng. Nhưng tất cả những cái đó lại phải có ý nghĩa, có giá trị.
Rồi ông đọc hai câu ca dao: “Tay trồng cây cửu lý hương/ Ba năm hai lá người thương dịt đầu”. Ông bảo phải trồng đến ba năm mới được hai lá để dành cho người thương quả là kỳ công thật, đúng là yêu nhau thật!
Giờ ngồi nhớ lại mối quan hệ với một nhà thơ lớn mà cứ như nhớ về một giấc mơ, một câu chuyện cổ tích. Sau khi đề nghị trao giải cho tôi, giới thiệu tôi vào Hội, ông còn đến báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh gởi gắm tôi, rồi còn xin cho tôi đi làm ở một tờ báo… Quả thật, ông đã quan tâm đến tôi như sự quan tâm của một người cha.
Hồi nhỏ, tôi vốn học khá những môn tự nhiên, luôn có ước mơ trở thành một nhà phát minh, nên thần tượng không phải là những nhà văn nhà thơ mà là những nhà bác học trán dồ và râu dài. Tôi không một mảy may quan tâm đến văn chương. Thế mà không hiểu sao tôi lại nhớ thơ Chế Lan Viên. Năm 1974, năm đầu vào chiến trường, một đêm dưới mái lá trung quân, tòng teng trên cánh võng, trong tiếng rì rầm của sóng sông Đồng Nai vỗ nhẹ vào bờ đá, tôi đã hứng chí đọc bài “Người đi tìm hình của nước” của ông, mà tôi được học trong sách giáo khoa, cho đồng đội nghe với một sự đắc ý về sự hiểu biết của mình.
Nhà thơ Anh Thơ một lần đã tặng tôi một tuyển tập thơ, trong đó tôi lại rất thích những bài: Con cò; Tình ca ban mai; Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể của Chế Lan Viên. Thế là lần thứ hai, từ sự hồn nhiên, tôi đã yêu mến thơ ông. Riêng bài Con cò, khi quen ông, tôi còn dám bình trước ông nữa, không sợ gì chuyện múa rìu qua mắt thợ cả:
- Cháu rất thích hai câu: “Con ngủ yên thì cò cũng ngủ/ Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”. Lấy cánh cò thực đắp cho đứa bé đã là lạ rồi. Còn cánh cò ở đây lại ở tận trong lời ru cơ!
Nghe xong, ông có vẻ xúc động, ông bảo:
- Con Thắm đấy, con Thắm đấy!
Với bài Con cò, ông đã thể hiện được một phần quan trọng trong đời sống tình cảm của mình. Bên cạnh những mối quan tâm lớn lao đến thi ca, đến mọi mặt cuộc sống, ông luôn có đam mê chăm sóc con cái bằng những việc li ti thường nhật. Còn hai bài: Tình ca ban mai và Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể, tôi thấy là hai bài điển hình cho hai phong cách ngôn ngữ của thơ ông: ngôn ngữ có yếu tố tượng trưng và ngôn ngữ có yếu tố siêu thực.
Lối tư duy bằng hình tượng, diễn tả ý tưởng bằng những hình ảnh tượng trưng là một thao tác được ông dùng thường xuyên. Khác với nhiều tác giả khác làm thơ tình, thơ lãng mạn, với sự giãi bầy, thổ lộ, kể lể, tán dụng… quá chi li cụ thể, gây cho người đọc thông minh một sự ngán do cái rõ ràng thừa mứa. Tình ca ban mai không thế. Chế Lan Viên đã để chừa một khoảng im lặng cho độc giả tự xúc cảm. Bài thơ đã được thiết kế một bộ khung thơ lãng mạn, các yếu tố tượng trưng được đính lên đó để thể hiện những ý tưởng, cảm xúc. Như vậy nó không lãnh đạm như tượng trưng của chủ nghĩa Tượng trưng, người đọc phải xúc cảm thông qua những ám thị trước những hình ảnh, mà tình cảm đã chan hòa ở tất cả các dòng thơ. Thế nhưng ý tứ cụ thể thế nào thì ông diễn tả theo đúng như Mallarmé, một trong những ông tổ của thơ Tượng trưng, từng nói: “Từng bước gọi ra một vật thể, và như thế phơi bầy một tình cảm”. Tất cả những sự chia ly, gặp gỡ, nỗi buồn, niềm vui… đều được ông thể hiện bằng những hình ảnh chiều đi, chim vườn, mai về, rừng non, trời trưa, nắng sáng…
Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc…
Ta thử phân tích một câu đầu. Ở đây sự xa cách, nỗi buồn đã được thể hiện bằng hình ảnh chiều đi. Chiều đi là hoàng hôn về, rồi đêm xuống, tắt nắng, vắng lặng, rồi buồn, rồi cô đơn… Như vậy, từ hình ảnh gốc, nếu sử dụng đắc địa, phù hợp, nó sẽ có khả năng gợi mở, tạo ra một chuỗi những liên tưởng, giống như sự bắn phá của hạt nơtron sơ cấp vào một hạt nhân, sẽ tạo ra vô vàn hạt thứ cấp và các mảnh vỡ, dẫn đến hình thành một năng lượng khổng lồ. Có lẽ, sự thưởng thức, rung động trước một tác phẩm thi ca cũng từa tựa như thế.
Về yếu tố siêu thực trong thơ Chế Lan Viên, còn rất ít sự phân tích. Việc nhận dạng tính siêu thực trong hội họa, trong văn chương cũng đã nói nhiều, nhưng còn mù mờ và mâu thuẫn nhau, kể cả những nhân vật có tiếng tăm. Người thì cho siêu thực là cao siêu, người thì cho là mờ ảo… Thực ra siêu thực là một quan niệm sáng tác, có cơ sở lý luận riêng, đã trở thành một chủ nghĩa trong văn học nghệ thuật, đặc biệt là trong Hội họa và Thơ ca. Riêng Chế Lan Viên đã sớm viết về nó. Ông từng viết: “Siêu thực là gì: là romantisme jusq’au bout (lãng mạn đến tột cùng)… Người Trung Quốc gọi là kỳ, tân là mới thì chưa đủ, sau tân còn phải kỳ (lạ) nữa…”. Khi bàn về cái lạ của ngôn ngữ thơ ca, ông từng trích những câu: “Mái nhà dài như một tiếng chiêng” (Trường ca Đam San); rồi “Anh về mua lụa bọc trời” (Ca dao);…
Như vậy, tính siêu thực của ngôn ngữ thơ ca chính là tính bất thường khi thể hiện những sự vật, hiện tượng bình thường, với một sự tưởng tượng, liên tưởng cao nhất, để thấy một hiện thực khác trong tâm tưởng, nó phong phú, kỳ lạ, ấn tượng hơn với những ví von, ghán ghép đầy bất ngờ, tạo ra những chiều kích, hình dạng và những tính chất khác mà bản thân hiện thực tĩnh không có.
Chế Lan Viên không chấp nhận và không làm thơ siêu thực thuần túy, ông không chấp nhận quan điểm thơ “đứng ngoài mọi thiên kiến thẩm mỹ hay đạo đức” của Chủ nghĩa Siêu thực; không chấp nhận thơ ca quá xa lạ với bản năng thích cái hay, cái đẹp hồn nhiên của con người. Thơ ông không có những hình ảnh siêu thực kỳ dị theo đúng tính chất ngẫu nhiên, sự gán ghép kỳ lạ của nó: “Đẹp như một cuộc gặp tình cờ của một cái máy may với một cây dù trên bàn mổ” (Lautréamont); hay như Breton mô tả hình dáng người đàn bà vừa như đồng hồ cát lại như con rái cá: “Vợ tôi… có vóc hình của đồng hồ cát… có vóc hình con rái cá trong hàm răng con hổ” (Tự do kết hợp - Quỳnh Thư Hiên dịch). Ông chỉ chấp nhận tính kỳ lạ trong thơ mà hình như ông là người đầu tiên gọi là “yếu tố siêu thực” bởi ít nhiều nó có nét tương đồng. Ông coi nó như một chuyện tất nhiên trong sáng tạo, như một phần rượu trong một bữa cơm, là cách để “tăng năng suất ý”. Ông viết bài Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể:
Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
Một đắp cho mình ở phía không em.
Đây là bài thơ đã gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh. Chính tính bất thường của ngôn ngữ đã gây ra cái ấn tượng ấy. Chỉ một tấm chăn thôi mà đã đắp cho mình rồi còn đắp được cho người yêu tận nơi chân trời góc bể nữa. Cũng lạ như thế, hai câu trong bài Con cò mà tôi đã nói:
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi
Khi viết về Côn Sơn, ông đã thấy mùi hoa đại thơm từ tận thời của Nguyễn Trãi:
Côn Sơn thơm mùi hoa đại
Thơm từ thời Nguyễn Trãi đến thời ta
Và khi đến với thiên nhiên, ông cũng nhận ra được một tính chất khác, một khả năng khác của nó:
Mỗi lần đau anh lại đến Tây Hồ
Chữa lành anh là bông súng tím
Trong tập Điêu tàn mà ông viết từ thuở thiếu thời, tôi không chú ý lắm đến những đầu lâu, xương cốt, tháp Chàm lở lói… bởi chúng là những cái lạ lồ lộ, ai cũng thấy. Tôi lại chú ý đến những câu ông có cách diễn đạt lạ nhiều hơn:
Ta cùng nàng nhìn nhau không tiếng nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm thâu
Một động tác (lời than) lại có thể lay đổ được cả thời gian (đêm thâu). Lạ lùng biết bao nhưng cũng có lý biết bao! Khi người ta quá yêu nhau, đòi hỏi một sự hoàn thiện; khi trái tim quá nhạy cảm thì chỉ cần một dấu vết của sự không hoàn thiện thôi cũng có thể dẫn đến sự đổ vỡ, một lời than có thể làm hỏng mất cả cái đêm yêu đương huyền diệu kia. Đọc những câu thơ của ông, ta thấy được cái im lặng vô cùng của không gian, nhưng lại là cái im lặng trước một cơn bão, trước cái khoảnh khắc mà những dòng nham thạch của ngọn núi lửa đang lịm ngủ, chuẩn bị trào sôi!
Thế đó, tôi đã yêu thơ Chế Lan Viên từ khi chưa có mảy may nào bận tâm về văn chương, chưa từng biết mặt ông. Có lẽ vì người ta thường đồng cảm với những gì gần gũi với mình. Sau này làm thơ rồi khi xem kỹ thơ mình, tôi ngạc nhiên thấy mình cũng có khá nhiều câu thơ ngồ ngộ, ví dụ như: “Anh xa em gần nửa vòng trái đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa cầu”; rồi: “Con lại đến với ngôi trường sơ tán/ bốn bờ tường như bốn ụ đất lom khom/ Cô vá lại cho con cái ước mơ rách nát”… Khi cầm bút viết phê bình, tôi nhận ra những câu thơ lạ đó không phải là độc quyền của riêng ai mà chúng chính là sản phẩm của trí tưởng tượng, tức “hồn thơ” của mỗi thi sĩ. Chính trí tưởng tượng của nhà thơ đã tạo ra sự lạ hóa cách thức biểu đạt, từ đó mới tạo ra được những sắc thái biểu cảm mới, Lưu Quang Vũ tả mái tóc người yêu: “Tóc em dài như một ngày mỏi mệt”; và Phùng Khắc Bắc: “Con số 8 như vòng tròn vặn mình/ Giống như người đang quay ngoái lại”…
Từ khi được quen thân với Chế Lan Viên, tôi đọc ông kỹ hơn, những tác phẩm chính tay ông đề tặng, gia đình ông đề tặng, và tôi cũng tự đi tìm kiếm, tôi đã đồng cảm với ông rất nhiều. Tôi nhớ một lần ông nói: “Tôi muốn làm được loại thơ có thể đọc được từ trên xuống, cũng có thể đọc được từ dưới lên”. Tôi nhận thấy thơ ông gần như đã bao trùm hết cả. Từ những ngõ ngách, tầng cao, tầng thấp của cuộc sống tinh thần con người, đến những mối liên hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, giữa con người với tự nhiên. Và ông quan tâm nhiều đến sứ mệnh của thơ; ông làm nhiều thơ về thơ, muốn khám phá cái cơ sở triết lý hình thành nên thơ ca và sự tồn tại của nó theo thời gian.
Cùng là những người yêu thơ ông, nhưng người ta yêu cũng khác nhau, người thích bài này, người thích bài kia; người đánh giá giai đoạn này cao hơn giai đoạn kia… Còn tôi, giống như số đông, tôi thích tập Ánh sáng và phù sa. Có giai đoạn thơ ông nghiêng về tính chính luận, tính thời sự; giai đoạn cuối (phần di cảo) thơ ông nghiêng nhiều hơn về tính suy tư, về cái tôi. Ánh sáng và Phù sa đã hòa quyện tất cả những gì ông có. Nó có tất cả vẻ đẹp của thơ. Ông đã viết nên nó ở giai đoạn chín nhất, sung sức nhất của khả năng tư duy (khi ông 35- 40 tuổi). Ở đấy sự thông minh đã hòa tan vào tình cảm; mỗi trang thơ đều thấm đẫm cảnh sắc của thiên nhiên nguyên thủy, có hổn hển hơi thở ấm áp và nhịp đập rạo rực của cuộc sống. Ở đó có những bài thơ rất nổi tiếng, là những bài thơ tiêu biểu cho cả một giai đoạn văn chương: Người đi tìm hình của nước; Tiếng hát con tàu; Giữa tết trồng cây; Tình ca ban mai… Có những câu thơ được thuộc nằm lòng trong các thế hệ độc giả:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
(Tiếng hát con tàu)
Nếu ai đã từng xa Tổ quốc, thấy mình thành dân thiểu số ở xứ người, khi cái tôi bị nhấn chìm trong sự xa lạ, sẽ rất thấm thía câu thơ của ông:
Tổ quốc thân yêu như quả tim thầm
Ở giữa lòng ta nào ta có biết
Trong xa cách bỗng à ơi giọng Việt
Ru lòng tôi qua ngàn dặm quê xuân
(Ý nghĩ mùa xuân)
Còn đây là tình cảm của ông đối với Đảng - Người đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông; từ một chú bé chỉ thấy những điêu tàn đổ vỡ, đến mùa xuân cũng chẳng thiết: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” (Xuân), lại trở thành một chiến sĩ cách mạng, đầm mình trong gian khổ, rồi làm thơ yêu đến rưng rưng từng gốc cây, ngọn cỏ:
Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác
Những vật vô tri cũng làm rưng rưng nước mắt
Đá sỏi, cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng
(Kết nạp Đảng trên quê mẹ)
Còn đây là những câu thơ tả cảnh tuyệt đẹp của ông:
Tôi muốn đến chỗ nước trời lẫn sắc
Nơi bốn mùa đã hóa thành thu
Nơi đáy bể những rừng san hô vờ thức ngủ
Những rừng rong tóc xõa lược trăng cài (Cành phong lan bể)
Và đây là những câu thơ ông viết về tình yêu cuộc sống:
Cởi giày ra cho chân anh giẫm lên cỏ xanh non
Có phải đất này từ lúc nhân dân tôi làm chủ
Cái sống ngọt ngào trong từng ngọn cỏ
Một cành hoa cũng muốn giục môi hôn
(Tàu đến)
Quả thực, nếu ai chưa trải qua đắng cay, sẽ khó thấy hết ý nghĩa của ngọt bùi, Chế Lan Viên từng phải vượt qua những thách đố lớn của cuộc sống, những con đèo hiểm trở chắn ngang đường đời ông. Hiểu được cuộc đời lắm gian truân của ông, ta mới thấy tình yêu thơ ca của ông lớn biết bao nhiêu! Mới thấy hết cái nghị lực phi thường ở thi sĩ ấy:
Ta lấn từng nỗi đau như mùa chiêm lấn vành
đai trắng
Lấn bệnh tật mà đi, máu đỏ lấn da xanh
Rồi:
Tôi nhặt từng hạt vàng sức khỏe rơi đi
Như mẹ già nhặt hạt thóc vàng đã đổ
Nhặt từng hạt máu mặt trời vứt bỏ
Từng giọt thi tài rơi vãi dưới chân đi
Có một phần rất quan trọng làm nên tính cách Chế Lan Viên mà hồi đó trước ông, vì ở một thế hệ khác, tôi giống như một đứa con ngoan ít khi để ý những chuyện rắc rối của bậc cha mẹ, ngay cả khi ông dặn tôi câu sau mà tôi cũng không chú ý lắm: “Đi đâu ông đừng nói thân với tôi nhá, người ta sẽ ghét ông lắm đó!”. Khi biết tôi quen Chế Lan Viên, một số người từng biết ông giai đoạn trước bảo, ngày xưa còn quyền lực ông “ác” lắm; ông có lối đối đáp truy sát không cho người đối thoại “ngóc đầu dậy” được. Như chuyện một nhà thơ từng bị ông loại thơ thế nào ấy nói: “Anh cậy có quyền dìm tôi”; Chế Lan Viên trả lời ngay: “Anh có nổi bao giờ đâu mà tôi phải dìm!”. Tôi cũng được nghe một số người kể chuyện ông Phan Quang vào Hội Nhà văn; Ban Chấp hành họp xem có nên duyệt không, đợi ý Chế Lan Viên, nhưng ông còn bận đi đái, đái xong vào ông bảo: “Thằng Thép Mới còn được ở Ban Chấp Hành xét người ta thì thằng Phan Quang làm gì không được vào Hội!”. Chuyện này cũng có trong Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, đoạn viết về Nguyễn Khải; theo Nguyễn Khải: “Chế Lan Viên một thời dựa thế Tố Hữu cũng hách lắm… Họp Ban chấp hành ý Chế Lan Viên là quyết định… Không thể đối đáp kịp mồm Chế Lan Viên… Ai cũng gọi là thằng tuốt, thằng Nguyễn Đình Thi, thằng Tô Hoài”. Riêng chuyện gọi “thằng” này thì quả thực khi có ý giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, ông bảo: “Để tôi nói thằng Nguyễn Quang Sáng nó ghi tên vào Hội”, nhưng khi kể lại tôi đã sửa cho “mềm” đi. Cũng theo Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, Tô Hoài gọi Chế Lan Viên là “thằng nặc nô của Đảng”…
Tôi cho rằng những điều trên đây có thể có thật và đúng về Chế Lan Viên, ở gần ông, cũng có lần tôi chứng kiến ông cáu với người thân. Có điều, tất cả những “nết” vừa kể trên đây, tôi không cho là ghê ghớm, chúng không phải là những cái xấu, cái ác thực sự như cướp của, giết người, gian manh, đểu cáng, vu oan giá họa… mà chỉ là những cái tật thường tình của mỗi con người. Loài người từ trước tới nay có được mấy người toàn thiện, toàn mỹ? Trong một tính cách mãnh liệt của một tài năng lớn, cái “tài” thường kèm theo cái “tật”. Còn những tham vọng, những đấu đá, tranh đoạt của ông, nếu có cũng là sản phẩm tất yếu của một thời bao cấp, người ta chỉ có một con đuờng phấn đấu duy nhất là làm cán bộ, có ai nằm ngoài được cái vòng xoáy ấy đâu. Trong cuộc tranh đoạt ấy, tất có người thành công, kẻ thất bại; và người thành công sẽ hể hả, còn người thất bại sẽ cay cú. Có nhiều sự cay cú, bản chất là tầm thường, nhưng sau này lại được sơn phết một cách có chủ ý một lớp sơn sang trọng là: đấu tranh cho dân chủ và tiến bộ. Còn Chế Lan Viên, có thể nói ông thuộc phe thành công, nhưng tôi thấy với tài năng của ông, ông hoàn toàn xứng đáng có được những vị trí đã có, thậm chí còn phải cao hơn nhiều nữa, vì thực tế sau ông có những người tài còn kém ông xa, đã leo lên được những chức cao hơn ông rất nhiều!
Cuộc đời ai cũng có mặt tốt mặt xấu, Chế Lan Viên cũng vậy, nhưng những thành tựu ông đạt được trong văn chương đủ sức trùm lấp lên những điều vặt vãnh. Thật tiếc là ở ta đã xuất hiện một số cuốn hồi ký viết theo phương pháp “ngồi lê đôi mách”, mà chủ nhân của những câu chuyện chỉ dám nói nhỏ với những người “cùng giuộc”, chứ có cho “ăn kẹo” cũng không dám viết công khai. Vậy mà đã có những người mang danh nhà văn, giáo sư văn học này nọ, chỉ tách riêng những nét không hay dựng lên chân dung những nhân vật tên tuổi, trong đó có Chế Lan Viên. Việc lấy toàn những chuyện người ta tếu táo với nhau lúc trà dư tửu hậu, những lời nhận xét chê bai nhau đầy cảm tính ích kỷ, đầy thành kiến méo mó, đầy đố kỵ nhỏ nhen… thành tác phẩm để đời, thật là một hành động phi khoa học và vô văn hóa!
Còn được gần Chế Lan Viên, tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận thấy ở ông có một tấm lòng nhân hậu đến hồn nhiên. Ông bảo vì quý Yến Lan nên ông đã đặt bút danh mình có chữ Lan. Là một nhà thơ lớn nhưng ông không khụng khiệng kiểu cách mà giản dị như những người bình thường, ông làm tất cả các việc vặt, từ đun nước tắm cho con, tưới cây, cho gà, cho lợn ăn, đào ao thả cá… Đặc biệt ông rất chung thủy, yêu thương và lo cho sự nghiệp của bạn bè, ông lo viết tựa giới thiệu thơ cho người này người nọ (hồi tôi gặp, ông viết cho Hàn Mặc Tử, Hoàng Trung Thông và Trần Nhật Thu…). Ông lo in tuyển tập cho người bạn thơ ông rất quý là Hàn Mặc Tử, chính tôi đã chở ông bằng xe đạp đến nhà thi sĩ Mộng Tuyết ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Tân Bình để chép tập Gái quê đưa vào tuyển tập. Hôm ấy ngồi chép, tôi rất cảm động khi nhìn Mộng Tuyết và Chế Lan Viên ngồi uống trà đàm đạo, để được vậy, tình bạn thơ của họ đã vượt qua cả một khoảng thời gian mấy chục năm và qua cả một cuộc chiến đầy máu lửa. Ông cũng là người rất trân trọng người viết trẻ, những cái mới. Hồi ấy ông quý tôi và anh Nguyễn Thái Sơn về thơ, ông quý Nhật Chiêu dịch thơ Hai-cu Nhật, quý người bạn cũ là Khổng Đức dịch Từ Tống và những người khác mà tôi không biết.
Một điều nữa về Chế Lan Viên cũng cần phải nói đến, đó là gần đây những người chống chế độ đã nhân việc Chế Lan Viên làm mấy bài: Bánh vẽ; Trừ đi; Ai? Tôi? đã cho ông là sám hối, quay lại chống Đảng, chống Nhà nước. Thơ ca vốn đa nghĩa, nhất là thơ của một trí tuệ cỡ Chế Lan Viên, lại viết bằng ngôn ngữ tượng trưng, không nói cụ thể điều gì mà chỉ gợi. Nên việc lái ý thơ Chế Lan Viên thành chống đối không khó. Có điều, việc làm trên đã không chỉ hạ thấp nhân cách mà còn hạ thấp cả văn chương Chế Lan Viên. Bởi một thi sĩ lớn như ông nói riêng và những nhà sáng tác chân chính nói chung, người ta viết vì một sứ mệnh lớn lao mang tính nhân bản, nhân văn và vì sự tiến bộ của loài người nói chung, chứ đâu có lại biến tác phẩm của mình thành thứ công cụ xỏ xiên tầm thường! Có kẻ, ở ngay “phe ta”, còn định đôn cô con gái cưng của ông, nhà văn Vàng Anh, thành “ngọn cờ đổi mới”, chống lại chính ông nữa. Riêng tôi, đọc những bài thơ “chống đối” trên, lại thấy yêu mến ông trọn vẹn hơn, thấy ông đúng là một thi sĩ chân chính, đã không viết một chiều, không tô son trát phấn cho những sai trái, những mục ruỗng mà cuộc sống của con người, vì không phải là Thiên Đường, nên không thể không có. Ở đó vẫn còn có những lời nói chưa đi đôi với việc làm, có những tư duy mà ngôn từ chính trị đã tự phê là "duy ý chí " (Bánh vẽ) ; Ở đó vẫn còn có đây đó những người lính từng quên mình xông pha trong trận mạc trở về sau chiến tranh chưa được xã hội quan tâm đúng mức (Ai? Tôi?) ; và như một lời bộc bạch, ông đã tâm sự rằng có một thời, vì cái chung lớn lao hơn cả văn chương là sự thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến, thế hệ ông chưa thể viết được một cách trọn vẹn về cuộc sống (Trừ đi).
Nói chung về thơ Chế Lan Viên, mỗi giai đoạn ông đều có những bài đỉnh điểm. Ngoài những bài đã nhắc trong Ánh sáng và phù sa còn có Sao chiến thắng; Con cò; Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?; Ngày vĩ đại; Thần chiến thắng… và giai đoạn sau ông có Từ thế chi ca.
Nói đến cái chết của ông, trong tôi lại hiện về biết bao tình cảm. Những lời nói, những hình ảnh của ông trở thành những kỷ niệm không bao giờ quên. Ông thường bảo tôi đi dự những buổi ông nói chuyện, khi ở Trường Tổng hợp, khi ở Phát hành sách… Trong đêm thơ của ông ở nhà Văn hóa Phú Nhuận, khi Thúy Vinh ngâm xong bài Con cò, mọi người vỗ tay như sấm, ông nói nhỏ với tôi: “Thì ra mấy người nổi tiếng lại ngâm không hay bằng cô này”. Trong đám cưới Thắm, con gái ông, ông mời không nhiều, vậy mà ông cũng mời vợ chồng tôi; còn tôi thì coi như người nhà có nhiệm vụ khuân bia hơi từ ngoài đường vào nơi làm đám cưới ở Thư viện Thành phố Hồ Chí Minh. Một lần chở nhà thơ Anh Thơ lên thăm ông, thấy ông đang cởi trần bắt cá ở cái ao nhỏ sắp cạn trong vườn. Ông chỉ bắt được những con đã ngắc ngoải hoặc đã chết. Tôi liền xuống bắt cá cùng ông. Hai chú cháu một hồi bắt sạch cả ao cá…
Thế rồi sau cái buổi sáng ông đi an dưỡng ở Bệnh viện Chợ Rẫy đó, tôi đã đau đớn chứng kiến toàn bộ bao nỗi hy vọng thất vọng đan xen nhau, bóp nghẹt tim ông, làm âu lo và buốt đau bao trái tim những người thân yêu, những đồng nghiệp, và những độc giả. Tôi đã được chứng kiến giây phút người ta đưa ông ra khỏi phòng mổ, sau một một cuộc đại phẫu, ông nằm bất động, mặt sưng vù, nặng nhọc thở với phần phổi còn lại. Tôi cũng chứng kiến chứng di căn quái ác đã gặm mòn cơ thể, làm méo dần và cuối cùng làm mất hẳn tư duy ông. Câu cuối cùng tôi được nghe ông nói với tôi là về chuyện bắt cá: “Tôi vẫn nhớ tôi với ông cùng bắt cóc (ý ông nói bắt cá). Tôi đã làm cho ông một hũ mắm mà ông không lấy”. Khi ấy tôi đang làm chủ nhiệm đề tài chiết xuất thuốc chống ung thư, biết bệnh ông đã ở giai đoạn không thuốc nào chữa được, nhưng tôi vẫn lấy trộm một chai dịch chiết thuốc đưa cho cô Thường. Người ta còn mách cô cho ông uống phương thuốc bột than xác một loại rắn. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Lần cuối cùng tôi chở anh Hoài Anh lên thăm ông. Lúc này, từ đỉnh cao thông minh, ông đã thành người vô thức. Ông ngồi, hai tay giơ trước mặt trong tư thế đọc báo ngày xưa. Vàng Anh nhét vào tay ông tờ báo. Ông ngơ ngác đọc theo phản xạ mà không đọc gì cả. Rồi đến một chiều, đang ăn cơm, tôi chợt thấy hình ông trên màn hình ti-vi, bát cơm trên tay tôi rơi xuống, tôi nói với vợ cái tin hệ trọng: “Chú Chế Lan Viên mất rồi!”. Trong ngày liệm, tôi vội vàng đến phòng tang lễ Bệnh viện Thống Nhất để nhìn mặt ông lần cuối. Khi người ta mang thi thể ông ra khỏi ngăn lạnh, tôi thấy mặt ông quắt lại như già đi cả ngàn tuổi. Người ta đã trải cho ông một tấm nệm rất dầy, rất êm bằng trà và bông gòn trong chiếc quan tài tốt. Ông nằm trong quan tài mà như nằm trong mây ở tận chín tầng trời. Nhìn ông, tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ của Hàn Mặc Tử mà ông đã trích dẫn, mở đầu cho bài tựa mà ông đã viết:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Tôi chưa được thấy những câu thơ viết về cái chết lại đẹp đẽ sang trọng như thế bao giờ!
Lúc này tôi thấy những hạt nước đóng băng trên trán ông đã chảy ra trông như những giọt mồ hôi, những giọt mồ hôi của cả một đời lao lực. Để viết nên những câu thơ đẹp nhất, ông đã một đời tha hương, vượt qua nỗi buồn, qua máu lửa, qua gian khó, qua bệnh tật, qua những mối quan hệ lắm rắc rối của người đời. Tôi đã vĩnh biệt ông bằng cách lau đi trên trán ông những giọt lao lực ấy!
Trong lễ hỏa táng, tôi đứng trước cửa lò, bên phải là Thắm đang lom khom coi và kêu lên khi thấy lò bên cạnh rừng rực lửa. Còn bên này tôi cũng thấy ngọn lửa trùm lên quan tài ông. Tôi như thấy linh hồn ông bay lên theo ngọn lửa, vĩnh biệt cái cõi thế có lắm đam mê, lắm niềm vui, nhưng cũng nhiều đau khổ và cực nhọc này!
Bình Thạnh, 1998
Viết thêm, 31-12-2008
0 nhận xét:
Đăng nhận xét