Nói gì thì nói, ngày khai giảng năm nay không còn thiêng liêng như các năm trước nữa.
Làm gì có sự thiêng liêng khi mà trước đó cả nửa tháng trời, các cháu học sinh đã đến lớp, đã học như đã từng học rồi.
Làm gì có sự thiêng liêng khi những gì diễn ra ở lễ khai giảng chỉ là diễn, chỉ để đón quan khách, để đọc những bài viết sẵn dài lê thê, tức học sinh không phải là chủ thể vì chúng rất ít nghe những bài như thế. Đã từng là học sinh, tôi chắc chắn điều ấy…----------
Nói gì thì nói, ngày khai giảng năm nay không còn thiêng liêng như các năm trước nữa.
Làm gì có sự thiêng liêng khi mà trước đó cả nửa tháng trời, các cháu học sinh đã đến lớp, đã học như đã từng học rồi.
Làm gì có sự thiêng liêng khi những gì diễn ra ở lễ khai giảng chỉ là diễn, chỉ để đón quan khách, để đọc những bài viết sẵn dài lê thê, tức học sinh không phải là chủ thể vì chúng rất ít nghe những bài như thế. Đã từng là học sinh, tôi chắc chắn điều ấy…
Tất cả, từ mẫu giáo cho đến lớp cuối cùng của bậc phổ thông đều đã học trước, nên cái rạo rực, xốn xang, cái bâng khuâng bỡ ngỡ, cái rụt rè e lệ, thậm chí tí tự ti e ấp… đã không còn. Thay vào đấy là nghĩa vụ. Cứng qoeo và lý tính, bổn phận và thực thi…
Mùa thu thì vẫn dịu dàng thế, vẫn trong veo và quyến rũ thế. Tiếng trống trường vẫn thế. Nhưng tâm trạng thì đã khác.
Từ trước ngày khai giảng cả nửa tháng, trên facebook các ông bố bà mẹ đã đưa tràn ngập hình ảnh con mình đi nhận lớp. Bao giờ cũng thế, xúc động nhất, thiêng liêng nhất và cũng hồn nhiên vô tư nhất, cũng có thể là “tâm trạng” nhất, là các cháu vào lớp một. Các bố các mẹ đóng bộ đồng phục cho “tân sinh viên” rồi chụp ảnh ở mọi tư thế, mọi góc, bày lên mạng xã hội. Hãnh diện và tự hào, những đôi mắt trong veo, những đôi má bụ bẫm… Bố mẹ tươi cười nhưng cũng không thoáng chút lo âu khi nhìn dằng dặc quãng đường trước mặt, từ “sinh viên lớp một” đến sinh viên thứ thiệt…
Rất nhiều ông bố bà mẹ, sau khi đã “qua cầu” sự học của con ngồi nghĩ lại đoạn trường, thảng thốt không hiểu sao mình lại có thể nuôi con ăn học một cách “hoành tráng” đến thế. Ngày xưa học có vẻ đơn giản hơn bây giờ, không tốn tiền và cả lao tâm khổ tứ như bây giờ. Ngày xưa làm gì có học thêm, hoặc có thì nó cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Giờ con vừa vào học chính là đã lao xao hỏi thăm tìm thầy cô cho con học thêm. Mà lạ là thời gian học thêm có khi lại nhiều hơn học chính. Và cái tiền học thêm ấy, cũng là gánh nặng rất nặng với nhiều gia đình. Nhưng như là cái cống cuồn cuộn nước, đã lọt vào cái lỗ cống ấy là cứ thế mà trôi đi, trôi một cách không cưỡng lại được. Thế là cái điệp khúc tiền học thêm hàng tháng là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều gia đình nghèo, hoặc không nghèo nhưng thu nhập thấp.
Ngay trước thềm năm học mới này, một thành phố lớn có “sáng kiến” định trang bị máy tính bảng cho học sinh tiểu học. Nếu đề án này được thông qua thì ngân sách ở đấy phải bỏ ra 4 nghìn tỉ đồng để “trang bị vòng ngoài”, phụ huynh phải bỏ ra từ 3 đến 5 triệu đồng để mua máy tính bảng cho 327 nghìn học sinh trong độ tuổi. Một cơn bức xúc từ báo chí và các mạng xã hội khiến dự án này có cơ không thực hiện được.
Có thể nói không một quốc gia nào mà cả người dân và nhà nước cùng lo cho giáo dục một cách triệt để như Việt Nam ta. Chỉ nói riêng người dân, thì hầu như trách nhiệm và vai trò, cũng như toàn bộ nhân lực vật lực của nhà, việc đầu tiên, trước mắt, và cũng là lâu dài, chiến lược, là đổ tất cả cho việc học của con. Mẫu giáo đã chạy, chạy trường gần nhà, trường nổi tiếng. Phổ thông càng chạy, cứ như đèn cù. Có nhà có hẳn một nhân lực chỉ chuyên chở con đi học thêm. Nỗi lo con học đằng đẵng ít nhất mười hai năm phổ thông, ai có “vinh dự” thì thêm bốn năm đại học nữa. Đến nỗi có người chi li ngồi tính, tiền chi cho con học một tháng nhiều hơn lương một tháng của nó sau này nếu may mắn được tuyển vào cơ quan nhà nước. Thế mà toàn dân ta vẫn trằn lưng ra lo cho con cháu đi học thì quả là nước ta có một tiềm lực tuyệt vời để thực hiện xã hội học tập.
Thế nhưng cũng phải thấy được tâm trạng bất an của phụ huynh và cả học sinh, ấy là sự nghiệp cải cách giáo dục của chúng ta vẫn thấy còn dài quá, mỗi năm lại một đổi, chả cứ học sinh với phụ huynh mà ngay cả giáo viên nhiều khi cũng trở tay không kịp.
Khi đang ngồi viết bài này thì có một cô hiệu trưởng một trường mầm non vào nhờ tôi chuyển một… phong bì. Thì ra một người quen của vợ tôi, nhờ cô ấy xin cho con vào học mẫu giáo ở trường cô hiệu trưởng, và sau khi đã xong thì gia đình này mang quà cám ơn. Trong quà có… phong bì. Cô hiệu trưởng đã nhờ tôi chuyển lại với một thái độ rất ôn hòa và từ tốn. Và người xấu hổ bây giờ lại là… tôi. Khổ quá, thì cũng lo cho con mà ra thế thôi, rồi cứ đồn nhau, rằng phải thế này thế kia. Chả biết từ bao giờ, xã hội chúng ta lại cứ đối xử với nhau bằng… phong bì, lấy phong bì đánh giá sự tận tâm. Phong bì (tiền) là rất quý, chả thể sống mà không có nó được, nhưng nó chỉ giá trị khi minh bạch. Ở ta sự minh bạch của tiền rất ít, như đã diễn bài hát thì phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ, thế mà cái sự kiện ban tổ chức mời ca sĩ Khánh Ly về hát vừa rồi quỵt tiền bản quyền lại nổi hơn sự việc chị hát như thế nào? Người ta ngượng hoặc phũ phàng với tiền minh bạch, nhưng lại rất rộn ràng với phong bì- tức tiền không minh bạch.
Nhưng cái việc trả lại phong bì của cô hiệu trưởng lại khiến tôi vui. Vì 2 nhẽ. Một là phụ huynh rất tự nguyện lo cho con, vì cháu đã vào học rồi thì gia đình này mới đi cám ơn cô. Tất nhiên sự tự nguyện này là sự tự nguyện tốn kém, và đau đớn nữa. Và hai là, cô giáo hiệu trưởng đã rất minh bạch. Thì cũng để cho lương tâm nó thanh thản. Cả người đưa và người trả phong bì đều muốn cho lương tâm mình thanh thản…
Nghĩ cho cùng, một nền giáo dục tiên tiến và nhân văn là phải dạy được cho con người cách sống một cách đàng hoàng, cao thượng, và lương tâm thanh thản…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét