NGHE DÂN

Mình gõ bài này trưa hôm qua theo lời đặt của TBT báo Khám Phá. Gõ vừa xong thì trên tivi đọc thông báo của UBND thành phố Hà Nội lệnh dừng việc chặt cây, không bàn cãi. Người ký thông báo lệnh của chủ tịch Nguyễn Thế Thảo là ông chánh văn phòng Nguyễn Thịnh THành. Ông Thành là người trước đấy một ngày tuyên bố: người dân ủng hộ việc chặt cây. Thương nhất là có một số báo của Hà Nội cũng phải cố in mấy bài: Người dân đồng thuận, đây là việc làm đúng đắn... Và tất nhiên cũng các báo này ngay ngày hôm qua lại phải đăng lệnh dừng việc chặt cây.

Mình sướng là, ngay khi thấy TV vừa đọc thì điện ngay cho báo ấy, nói đăng ngay đi, và thế là gần như bài này lên ngay khi lệnh công bố. Chiều qua thì có một bác, khá nhớn, điện cho mình, nói đã đọc bài này trên khampha.vn, hoan hô và cám ơn, hehe...
-----------------




          Hôm qua có một việc mà có thể gọi là… xưa nay hiếm. Phó thủ tướng quyết định… đính chính một nghị định.

          Nói là hiếm bởi lâu nay, để sửa hay đính chính được một cái nghị định hay nghị quyết là khó vô cùng. Là người cũng nằm trong bộ máy, tôi hiểu rất rõ điều ấy, và vì thế, mà vừa ngạc nhiên vừa vui khi nghe thông tin trên.

          Ấy là việc nghị định mới ban hành của chính phủ về nhuận bút đã vấp ngay phải phản ứng của anh chị em văn nghệ sĩ khi họ cho rằng như thế thì nghệ sĩ “hít khí trời để sống”. Gần như ngay lập tức, phó thủ tướng Vũ Đức Đam triệu tập cuộc làm việc với Bộ VHTTDL và một số hội nghề nghiệp để “nghe lại” ý kiến của họ. Và khi nghe họ trình bày lại ý kiến (Thực ra thì cũng phải nói thật, anh em văn nghệ sĩ cũng lơ mơ, khi được hỏi ý kiến thì đọc loáng thoáng, đến lúc rành rẽ ra mới giật mình), phó thủ tướng chỉ đạo: “Bộ VHTT&DL, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng, đảm bảo Nghị định ban hành, thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ quyền lợi của các nghệ sỹ; khuyến khích, tôn vinh tính sáng tạo nghệ thuật để có nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật nước nhà”...

 

           Rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ vui vì tin này. Vui không chỉ vì nhuận bút sẽ không còn là một thứ gì đó vô hình vô lượng, mà vui còn là vì, ý kiến của mình, trong một cuộc họp báo cách đấy không xa, đã được phó thủ tướng lắng nghe và xử lý ngay. Một cách ứng xử rất hợp tình hợp lý.


          Cũng như thế, mấy ngày nay, gần như dân cả nước sôi lên với việc Hà Nội đồng loạt chặt hạ cây xanh trên mấy tuyến đường. Sở dĩ không chỉ dân Hà Nội bức xúc mà dân cả nước bức xúc bởi vì, Hà Nội là thủ đô của họ, từ lâu đã được gắn với những hình ảnh trở thành ý niệm như hồ, như chùa, và cây xanh…

          Giờ đốn đi khác nào xóa hết những ý niệm đẹp ấy trong họ. Cây xanh bây giờ không chỉ còn là cái cây vật chất nữa, mà nó trở thành tâm hồn, thành ký ức, thành nỗi nhớ của từng người…

          Ào ào ý kiến, dày đặc trên mặt báo và mạng xã hội. Trên hiện trường, rất nhiều biểu ngữ, khẩu hiệu được dán vào cây, đề nghị không chặt.

          Cũng phải nói cho rõ, việc chặt, tỉa cây xanh là việc làm thường xuyên của các cơ quan chuyên môn, chả ai phản đối.  Nhưng cùng một lúc triệt hạ cây xanh của cả một dãy phố, dẫu là được trồng lại ngay, vẫn gây những cú sốc cho dân. Nên họ phản đối là việc cũng đúng.

          Và cái cách Hà Nội ứng xử cũng… đúng.

          Ấy là sau mấy ngày lắng nghe thì thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức họp báo riêng về vụ cây này, rồi sau đấy là tạm dừng để lắng nghe.

          Tôi không rõ lắm cái ý của ông Long ban tuyên giáo Hà Nội nói thế nào, nhưng đúng là không phải việc gì chính quyền làm cũng phải mang ra hỏi dân, bởi dân đã bầu ra một cơ quan thay mặt mình để giám sát. Nhưng khi dân, chưa nói tuyệt đại đa số, mà chỉ cần “một bộ phận không nhỏ” có ý kiến thì rõ ràng là chính quyền phải lắng nghe và hồi đáp một cách có lý có tình, phải bằng lý lẽ khoa học và thực tế chứng minh cho dân rằng chủ trương ấy là đúng. Lắng nghe dân không bao giờ là sai, bởi gọi chung là dân, nhưng trong ấy có tất cả các thành phần xã hội, từ các chuyên gia sâu đến những người có vốn sống thực tế. Họ sẽ có những kiến giải mà chính quyền nên lắng nghe, bởi, sự cầu thị không bao giờ là thừa.

          Có thể rồi sau đó, cây trên  các con đường ở thủ đô cũng sẽ lần lượt được thay, nhưng cái cách Hà Nội họp báo rồi dừng việc chặt đồng loạt cây xanh trên các tuyến phố là một việc hợp lòng dân. Mà lòng dân đã hợp, thì chả có khó khăn nào ngăn được những ý định và việc làm tốt đẹp của chính quyền…

          Thì ra chịu nghe dân, và trọng thị ý kiến của dân luôn luôn là cách đúng nhất, tốt nhất để chính quyền thực thi công việc của mình…
                                                                   

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét