KỲ LẠ GIANG NAM


Ông kể mấy bạn già của ông, về già là đổi tính đổi nết, rất khổ. Có ông thì đuổi vợ con để sống một mình, ông đến thăm thấy thảm vô cùng tận mà không góp ý được. Có ông thì sáng nào cũng đi một vòng, gặp cái gì là nhặt, thích nhất là… bỉm trẻ con. Nhặt xong đến nhà ai có thùng thư là bỏ vào. Ông lại phải đến nhà nói khó với người ta...
-----------


 



          Nói luôn để bạn đọc khỏi ngơ ngác vì cái tít lạ, Giang Nam tôi nhắc ở đây là nhà thơ nổi tiếng, tác giả bài thơ “Quê hương” cũng rất nổi tiếng, liên tục có mặt trong sách giáo khoa nên hầu như mọi thế hệ học sinh đều thuộc.

          Tôi được quen với ông từ những năm 80 của thế kỷ trước, được ông coi là đàn em, là đồng nghiệp là một vinh dự, cứ nghĩ mình luôn đứng xa mà ngó, ai ngờ ông kêu lại hỏi chuyện, rồi mặn chuyện, tôi tếu táo dám đùa ông.

          Cách đây một tuần tôi ra Hà Nội dự liên hoan thơ Châu Á- Thái Bình Dương. Thế nào mà xe hội nhà văn lại đón cả ông và tôi trên một chuyến từ Nội Bài về. Thế là chuyện nổ như ngô rang.

          Tôi ở Pleiku, ông ở Nha Trang, thi thoảng cũng gặp nhau, bởi ông là người hay đi, tất cả các sự kiện do hội nhà văn hoặc các hội khu vực, tỉnh, tổ chức mà mời là ông đều có mặt. Nên trước đó tôi đã gặp ông ở Nha Trang, Đà Nẵng, rồi Thanh Hóa. Biết ông đã mổ phanh ngực ra để nối mạch máu, biết ông bây giờ vẫn làm vườn, làm nước mắm để bán, và bản thân tôi cũng đã có lần ghé nhà ông mua nước mắm…

          Nhưng, khi ngồi trên xe ngó sắc diện ông, thấy cái cách ông xách túi trèo lên xe, từ chối sự định giúp của tôi thì không ai nghĩ ông đã là một ông già gần 90 tuổi. 3 năm nữa là ông tròn 90 tuổi.

          Và ông già ấy mang trong mình một vết mổ dài phanh ngực, bất tỉnh nhân sự gần tuần lễ, rồi tỉnh dậy, và lại… khỏe hơn mười năm trước đó. Kỳ lạ là ở chỗ ấy.

          Ông bị tắc động mạch vành. Như người ta thì sẽ đặt Stent. Nhưng của ông tắc nặng quá, đặt thì phải đến mười mấy đoạn. Thế là một sáng kiến: mổ phanh ra, lấy mạch máu ở chân và tay nối vào, như thể cái hồi bao cấp ta măng sông xăm xe ấy. Trước đấy đích thân mấy bác sĩ người Pháp khám cho ông, và họ… lắc đầu. Bởi ông tuổi cao, trên 70 là không mổ nữa, trong y văn dạy thế, mà ông lại còn yếu.

          Đằng nào cũng… chết. Khi có ai đó đề nghị phương án mổ phanh nối trực tiếp, ông đồng ý ngay. Và cuộc mổ ấy đã thành công ngoài mong đợi. Nghe nói mấy ông giáo sư Pháp lại vẫn… lắc đầu vì không thể nào hiểu nổi. Giờ ông rất khỏe và minh mẫn. Người bình thường đến tuổi ấy là đã lẫn rồi, huống gì ông lại là nhà thơ. Người ta hay dè bỉu các nhà thơ lẩm cẩm lắm, có vấn đề về tâm thần lắm. Nhưng ông không “vấn đề”, vì ông từng làm phó chủ tịch tỉnh Phú Khánh, từng là chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật nữa, trước đấy có thời kỳ làm tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn. Và hiện nay, ông hoàn toàn tỉnh táo, hành xử mạch lạc, đi lại thẳng thớm, nói đùa cũng đầy umua, cười rất sảng khoái, thậm chí nói cả chuyện… đàn bà con gái nữa.

          Hỏi ông bí quyết, ông bảo: đơn giản, phải lao động, cả tay chân và trí óc. Ông không tắm biển buổi sáng như mọi người Nha Trang khác, mà dậy là chăm cây, và sau đó là ngồi vào bàn đọc và viết. Mỗi ngày 3 tiếng chân tay, 3 tiếng trí óc. Ông kể một người bạn ông khoe với ông: sướng quá, giờ chả phải viết lách suy nghĩ gì, chỉ chơi thôi. Ông nói lại ngay: chết, phải làm, có lười đến mấy cũng phải đọc và viết được mấy tiếng một ngày. Dẫu biết giờ mình viết không hay nữa, nhưng giờ viết là để… thể dục chứ không phải sáng tác như ngày xưa. Nói thế nhưng thi thoảng tôi vẫn đọc thấy thơ ông trên báo, vẫn thấy ông trả lời phỏng vấn truyền hình rất ngon lành. Ông kể mấy bạn già của ông, về già là đổi tính đổi nết, rất khổ. Có ông thì đuổi vợ con để sống một mình, ông đến thăm thấy thảm vô cùng tận mà không góp ý được. Có ông thì sáng nào cũng đi một vòng, gặp cái gì là nhặt, thích nhất là… bỉm trẻ con. Nhặt xong đến nhà ai có thùng thư là bỏ vào. Ông lại phải đến nhà nói khó với người ta. Ông bảo, mình cố gắng để không sa vào cảnh ấy. Vợ ông, cái cô du kích ngày nào trong bài thơ “quê hương” cũng mới bỏ ông mà đi. Bà đi rất thanh thản, đang chơi với cháu và lặng lẽ đi, không phiền ông và con cháu chút nào. Ông bảo mình cũng mong được thế. Muốn thế thì phải biết sống hòa hợp với tuổi già. Quả là nói chuyện với ông, nhìn ông, không ai nghĩ ông đã 87 tuổi.

          Ông chỉ ở Hà Nội dự ngày khai mạc hội nghị quảng bá Văn học, không theo xuống Quảng Ninh dự liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương được dù ông là khách VIP của hội Nhà Văn, bởi ngay ngày hôm sau ông bay vào Phú Quốc dự một sự kiện mà ông là nhân vật chủ chốt. Trước đó, ông bảo, mình vừa từ Sa Pa về 2 ngày thì ra Hà Nội. Và nghe ông kể thì lịch di chuyển năm nay còn đến mấy cuộc xa nữa. Lẽ ra thì với tuổi ấy tôi phải gọi ông bằng chú. Tôi  thấy có mấy người hơn tuổi tôi gọi ông bằng chú. Nhưng đã gọi ông bằng anh từ hồi nào, nên lúc trên ô tô, tôi “trình bày” lại, ông cười khà khà: Cứ anh cho thoải mái. Tôi bảo: thôi anh sống thêm 13 năm nữa là ổn rồi, 100 tuổi, anh phải để cho đàn em bọn em theo với. Lại khà khà cười rồi đọc số di động cho tôi nói thi thoảng gọi anh em nói chuyện chơi. Tôi hỏi anh có email không, ông đọc luôn, nhưng nói đây là email của cháu, có gì nó thông báo lại cho ông…

          Tuổi ấy, sức ấy, tôi thấy ông quả là người kỳ lạ…
                                                                  
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét