VÕ THỊ “BẤT” HẢO



ĐÔNG LA
VÕ THỊ “BẤT” HẢO

Trước hết, xin tự khai, tôi đã “đạo” cái tên này trên trang trelang của bạn Vũ Hoàng Sơn.
Vừa rồi, nhân cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh, Võ Thị Hảo có viết bài “Nguyễn Bá Thanh- “Bào thai chết lưu” trong “bầu nước ối” chính trị tráo trở” đến quỷ cái cũng phải cúi đầu bái phục.
Thế là nước Nam ta có đến ba nhân sĩ mang tên Hảo mà bất hảo.
Thứ nhất là “ông anh” Trần Mạnh Hảo, một người mới biết mặt chữ, mù tri thức, nhưng vĩ cuồng, có tham vọng dạy dỗ thiên hạ từ phê bình văn học, lý luận văn học, triết học đến chính trị xã hội, nên rất “hay” là nói cái gì sai cái đó! Kỳ này tôi viết nhiều về Đạo Phật nên chỉ xin nhắc lại một ví dụ, Trần Mạnh Hảo từng viết ý: “Đức Phật mặc áo gai đi ăn mày vô minh nhân loại”. Đây là lối làm dáng chữ nghĩa mà Hảo ta thường dùng, chỉ làm hoa mắt người không hiểu, còn với người hiểu thì thấy thật buồn cười. Cần phải hiểu, đi ăn xin là một pháp tu của Đạo Phật, vừa gieo phúc cho người bố thí vừa xóa đi cái tôi kiêu mạn. Vậy Đức Phật ăn mày là ăn mày thật, ăn mày thực phẩm để sống chứ không phải “ăn mày vô minh nhân loại”. Cùng với việc ăn mày đó, ngài ngồi thiền, sau bao kiếp gieo nhân lành, có kiếp bố thí chính mạng sống của mình, ngài đã giác ngộ thành Phật, tức đã nhìn thấu cõi nhân gian. Từ đó cuộc đời của ngài là hành đạo, tức đi vén bức màn vô minh cho nhân loại, chứ không phải như cách hiểu ngược một cách ngu ngốc như Hảo ta là ngài “đi ăn mày vô minh nhân loại”!
Người bất hảo thứ hai là ông Chu Hảo, một cựu thứ trưởng lĩnh vực khoa học công nghệ. Ông này là giáo sư tiến sĩ nhưng cũng chỉ “biết chữ” trong chuyên môn của mình, ngoài ra rất nhiều lần ông ta cũng chứng tỏ mình nói ngược, không biết gì. Con một ông công an đời đầu nhưng ông ta lại cho công an thời nay làm nhiệm vụ dẹp loạn là “giặc”. Con một người tham gia cách mạng từ hồi tiền khởi nghĩa nhưng lại cho Huy Đức viết cuốn Bên thắng cuộc lộn ngược lịch sử là có “lương tâm trong sáng”; “có trách nhiệm” và “công minh lịch sử”. Một người từng chothay vì 2 vật tương tác với nhau, nếu cho 3 vật tương tác thì người ta “không thể kiểm soát mọi vấn đề”, nhưng ông lại đề nghị Hiến pháp bỏ Điều 4, ủng hộ đa nguyên đa đảng, tức ngược với cơ sở khoa học ông ta nói ở trên!
Còn người bất hảo thứ ba chính là Võ Thị Hảo, nhân vật của bài viết này, một Hội viên Hội Nhà Văn VN. Tôi đã viết, thật e ngại khi Hội Nhà Văn, một hội của nhà nước, hoạt động với kinh phí nhà nước, hưởng danh, hưởng lợi của nhà nước, nhưng mật độ chống phá nhà nước lại cao nhất, trong đó có những nhân vật hung hãn nhất như cặp đôi Mạnh Hảo –Thị Hảo chẳng hạn!
Với Võ Thị Hảo, từ lâu tôi đã loáng thoáng nghe ngo ngoe quấy rối nhưng tôi chưa quan tâm vì đến như Dương Thu Hương cũng rỗng tuếch thì liệu Võ Thị Hảo có gì? Với Nguyễn Thị Từ Huy trẻ hơn, ít nổi hơn nhưng tôi lại chú ý vì như giới diễn viên nói, viết về Từ Huy có liên quan tới Kant, tới Hiện tượng học của Husserl, tôi có “đất diễn” hơn. Kỳ này “thị Hảo” viết về cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh mà chuyện về ông Bá Thanh quá “hot” nên tôi mới chú ý.
Đọc “thị Hảo” viết xong mà rùng cả mình. Dường như “thị” cố gắng nanh nọc, điêu toa cho bằng được Dương Thu Hương, cố gắng du côn, vĩ cuồng cho bằng được “anh Hảo”.
Trước hết bạn đọc hiểu cho, viết bài phê phán Võ Thị Hảo, một người ca ngợi ông Nguyễn bá Thanh, nghĩa là tôi chống người chống tham nhũng. Tham nhũng đã là quốc nạn, là giặc nội xâm, tôi cũng như bất kỳ người có lương tri nào khác, không ai không căm ghét, mong nó bị tiêu diệt. Tôi sẵn sàng quỳ gối bái phục những ai thành tâm và có bản lĩnh chống được tham nhũng. Nhưng cần phải hiểu, chống tham nhũng là một việc rất khó, không chỉ với một cá nhân mà với cả một thể chế, một nhà nước. Bởi nó là một căn bệnh trầm tra, là hậu quả của lỗi hệ thống, hậu quả của sự yếu kém, thiếu sót của trình độ chính trị, trình độ quản trị xã hội, cũng như tất cả các lĩnh vực khác của xã hội chúng ta. Còn viết về tham nhũng cũng không đơn giản, trước hết người ta phải có tài. Chữ tài ở đây nhiều nghĩa, thứ nhất là tiền tài, người ta phải có tiền để sống mà không cần tham nhũng; tài thứ hai là tài năng; tài thứ ba là tài liệu. Tài liệu là chứng cớ, muốn có chứng cớ người ta phải bỏ công sức và phải có nghiệp vụ điều tra. Vì vậy chống tham nhũng với tư cách là một người cầm bút cũng rất khó. Ngoài có “tài” người viết còn phải có bản lĩnh, phải hơn hẳn bọn tham nhũng, muốn chỉ ra cái sai người khác mình phải giỏi hơn, muốn chỉ ra cái xấu của người khác mình phải tốt hơn. Như vụ Báo Người Cao tuổi, ai cũng khâm phục tinh thần chống tham nhũng, nhưng tiếc là chính báo cũng có sai phạm, và khi bị thanh tra, lại đi dùng tiền đút lót thì lại quá dở!
Còn Võ Thị Hảo? Võ Thị Hảo cũng như những người mang “gen” quấy rối và chống phá, tham nhũng cũng như tất cả những tệ nạn của chế độ chỉ là những cái cớ cho họ lợi dụng vì những động cơ, mục đích khác nhau. Như lũ kền kền, linh cẩu thích ăn xác thối, họ khoái chí bu vào những ung nhọt của thể chế. Chúng không ngần ngại phóng đại, xuyên tạc, kể cả bịa đặt, nhằm xóa bỏ, lật nhào tất cả, kể cả lịch sử. Tiếc là không ít người đồng tình với họ, đơn giản là vì những cái cớ mà họ dựa vào, những yếu kém và tệ nạn của xã hội, lại là có thật. Có điều nếu sự chống phá của họ thành công, đất nước chúng ta sẽ lại khốn nạn vì lại xâu xé, lại nồi xa xáo thịt, y như dân Ucraina ngày nào hăng hái xuống đường biểu tình để rồi cái có được hôm nay là chiến tranh, là loạn lạc!
Cụ thể, Võ Thị Hảo đã viết bài Nguyễn Bá Thanh- “Bào thai chết lưu” trong “bầu nước ối” chính trị tráo trở đăng trên Blog RFA, 20-02-2015, trong đó, “thị” viết, ông Nguyễn Bá Thanh Chết vinh khi được người dân “dán nhãn chất lượng”, người dân “chân thành khóc Nguyễn Bá Thanh. Thông tin trên mạng Internet về việc ông chết tức tưởi do bị đầu độc bởi một số “đồng chí tham nhũng kếch xù giết ông để “diệt khẩu” càng làm cho người VN bất bình thay cho ông và thêm tiếc thương”; “Nhiều người viết hoa từ Bác, Anh, Ông khi gọi Nguyễn Bá Thanh. Điều đó chỉ từng xẩy ra với Hồ Chí Minh”.
Về ông Nguyễn Bá Thanh, nếu có hứng tôi sẽ viết sau. Bài này tôi chỉ viết về cái chuyện so sánh của Võ Thị Hảo. Trước hết, việc ví von như trên vừa khập khễnh, vừa đần độn, vừa vô văn hóa vì tầm vóc hai con người khác nhau và bản chất vấn đế cũng khác nhau. Chưa dừng tại đó, Võ Thị Hảo còn cho người dân thương tiếc Nguyễn Bá Thanh bởi ông “thực tâm thương dân nghèo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm” còn “Hồ Chí Minh được đưa lên làm thần tượng của người VN trước đây, được gọi là Bác viết hoa là vì ông đã rất giỏi tự tô vẽ, được tô vẽ, thần thánh hóa bởi bộ máy tuyên truyền và quyền lực bất chấp sự thật với nguồn kinh phí khổng lồ, nhai đi nhai lại về công lao và đạo đức của ông trong gần một thế kỷ thì mới đạt đến độ ấy”.
Đây là nhận định của một kẻ hoàn toàn điên cuồng và mất trí. Bởi thực tế dân VN kính yêu, tôn thờ Bác Hồ vì công lao của Bác, vì tài đức của Bác, chứ không phải vì những lời mất dậy và láo lếu trên.
Hôm nay tôi chỉ sưu tập đôi nét mà nhiều tác giả viết trên các báo về một trong những thiên tài của Bác, đó là khả năng tiên tri, mà khi hiểu hơn về thế giới tâm linh, tôi thấy chỉ có những bậc thần thánh mới có khả năng như thế. Bác chính là một vị Bồ tát, vị thánh thị hiện giữa đời phàm với sứ mệnh cứu dân ta thoát khỏi vòng nô lệ và giành lại nền độc lập.
Có nhiều chuyện Bác nói trước rồi sau đó kết quả xảy ra đúng như vậy.
Trước hết, Bác cho rằng “Cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Năm 1942, ở Cao Bằng, khi viết cuốn “Lịch sử nước ta”, Bác đã tiên đoán: “1945 Việt Nam độc lập”. Thời chống Pháp, năm 1947, Bác đã nói với bộ đội và đồng bào các dân tộc Tây Bắc “Phải đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm trên đất Điện Biên Phủ”. Năm 1949, khi viết tác phẩm “Giấc ngủ 10 năm”, Bác cũng đã dự đoán “Điện Biên Phủ là trận cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp”; “hơn một vạn giặc chết và bị thương”. Theo Nhà thơ Tố Hữu: Chiều 7/5/1954, sau khi nhận tin vui chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng Bác lại nói với ông: “Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Không khéo ta phải đánh nhau với Mỹ còn lâu dài, gian khổ đấy!”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể về bức điện ông nhận được vào chiều ngày 5/5/1954 của Bác: “Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ bước đầu đấy!... Còn phải đánh Mỹ…”. Năm 1960, trong diễn văn bế mạc kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh 2/9, Bác đã tiên đoán: “Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định thống nhất”. Năm 1972, chúng ta đã làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", nó cũng chính là kết quả của tầm nhìn xa trông rộng của Bác. 1967, Bác đã nói với Tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng: “Sớm muộn gì, Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Chú phải nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Thủ đô Bình Nhưỡng. Chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Trước đó, 1962, Bác cũng đã nói với ông Phùng Thế Tài: “B52 bay cao hơn 10 km mà trong tay chú chỉ có cao xạ thôi” và nói với ông Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh B52. Ngày 7-2-1965, nhân dịp ông Kô-xư-ghin thăm nước ta, Bác đã yêu cầu Liên Xô giúp ta xây dựng lực lượng tên lửa phòng không. Cuối năm 1966, Mỹ bắt đầu dùng B52 đánh phá ác liệt vào Vĩnh Linh, Trung đoàn tên lửa 238  đã vào Quảng Bình để nghiên cứu cách đánh máy bay B52, tuân theo lời dạy của Bác: “ vào hang cọp mới bắt được cọp”.
Để trở thành lãnh tụ kính yêu của dân tộc với những công lao vĩ đại, ngoài thiên tài, Bác Hồ cũng có một cái Đức cao cả, một lòng nhân ái bao la. Chỉ như vậy Bác mới thu phục được nhân tâm của cả một dân tộc. Từ các nhà cách mạng, các tướng lĩnh, các nhân sĩ trí thức đến tất cả quần chúng lao động. Chỉ với hai ví dụ là GS Trần Đại Nghĩa và Tôn Thất Tùng, hai bậc trí thức, hai nhà khoa học hàng đầu VN, cũng đủ chứng tỏ nhân đức của Bác.

GS Trần Đại Nghĩa nhớ lại thời 1946: Vào một buổi tối, trên con tàu trở về nước, Bác hỏi:“Bây giờ ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu nổi không?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, tôi chịu nổi”. Bác hỏi tiếp: “Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có. Máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không?” Tôi nói: “Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị 11 năm rồi và tôi tin là sẽ làm được”. Sau khi về nước, kỹ sư Phạm Quang Lễ, với cái tên mới Trần Đại Nghĩa mà Bác Hồ đặt cho, đã đi vào lịch sử ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam. Từ bỏ công việc kỹ sư ở một hãng chế tạo máy bay lớn, Trần Đại Nghĩa đã từ bỏ mức lương tương đương với 20 lạng vàng 1 tháng để về Việt Nam theo cách mạng, được giao trực tiếp lên Thái Nguyên, nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu badôca của Mỹ, với hai viên đạn do GS Tạ Quang Bửu cung cấp.
Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng là một người nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới với phát minh “cắt gan có kế hoạch”, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học nhiều nước. Ngót một phần tư thế kỷ, ông đã sống, làm việc và trưởng thành dưới sự quan tâm ân cần của Bác. Khi nghe tin Bác mất ông đã viết những dòng vô cùng xúc động:
“Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”.

***
Việc khâm phục và kính trọng những bậc vĩ nhân có công với đất nước với dân tộc là lẽ tự nhiên với những người có lương tri và thiện tính. Người ta chỉ có thể lừa được một người, một nhóm người trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, không ai có thể lừa được cả một dân tộc, thậm chí cả thế giới, với thời gian là vĩnh cửu. Người dân VN yêu kính Bác Hồ trước hết vì sự đổi đời do thành quả cách mạng mang lại. Từ “Vạn niên là vạn niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân” thời nhà Nguyễn đến “Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng” thời thuộc Pháp, dân ta có được những ngày hôm nay đều khởi nguồn từ thiên tài lãnh đạo và đức thu phục nhân tâm của Bác. Điều này là hiện thực, với vô vàn nhân chứng, vật chứng, và sự việc chứ không phải là sự hư cấu, tô vẽ, tuyên truyền.
Với hai tài năng và nhân cách như GS Trần Đại Nghĩa và Tôn Thất Tùng, hai người hết mực kính yêu Bác Hồ, so với họ thì Võ Thị Hảo chỉ như bãi cứt trâu so với hai trái núi sừng sững. Vậy Võ Thị Hảo cho người dân VN yêu kính, tôn thờ Bác Hồ là do “tự tô vẽ, được tô vẽ, thần thánh hóa bởi bộ máy tuyên truyền và quyền lực bất chấp sự thật” thì chỉ có những kẻ mất trí, cuồng điên, mất nhân tính mới có suy nghĩ như vậy mà thôi.
Nếu còn hứng, rất có thể tôi sẽ viết tiếp về chuyện Võ Thị Hảo viết về ông Nguyễn Bá Thanh.
10-3-2015
ĐÔNG LA
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét