NGHĨ VỀ SỰ YÊN ỔN



Tôi từng có những tháng ngày vô cùng gian nan khi đang ở nhà tập thể rồi bị đòi lại, hai bàn tay trắng, nháo nhào kiếm đất làm nhà, nợ chồng chất, đầm đìa. Và cũng phải nói luôn, với chính sách đất đai nhà cửa của chúng ta, rất nhiều người đã trúng đậm khi được thanh lý hoặc hóa giá, đền bù. Nhưng cái sự may mắn không bao giờ dàn đều, có người may mắn thì có kẻ bất hạnh. Hiểu điều ấy để mà bình thản sống…
 -----------------



          Nhà xã hội là một đặc điểm ưu việt của chế độ vì con người, cụ thể là vì người nghèo. Nhớ thời bao cấp, đói khổ vất vả thế nhưng vấn đề nhà ở có vẻ lại được quan tâm. Cán bộ công nhân viên, đối tượng được coi là nghèo nhất thời ấy, thời mà ra chợ trả giá là bị cạnh khóe “Cán bộ không có tiền mà bày đặt đi chợ” thì có nhà tập thể ở không mất tiền. Dẫu rất xập xệ nhưng nó vẫn là chỗ chui ra chui vào. Chưa có gia đình thì ba bốn người một căn, có gia đình rồi thì thưng ra, khá giả thì gạch xi măng, nghèo hơn thì ri đô, cót ép. Rồi cũng xong, những đứa trẻ vẫn ra đời, và lại nối tiếp bố mẹ chúng, sống và làm việc…

          Nhưng đến thời kinh tế thị trường thì lại khác. Tưởng rằng mọi thứ có thể rạch ròi, nhưng lại có những vấn đề không thể, ví dụ như nhà ở. Nếu cứ đằng thằng tính lương ra, một cán bộ tốt nghiệp đại học hưởng lương từ 3 đến 5 triệu đồng tháng, thì đến lúc nào mới có thể tiết kiệm được đủ để mua một căn nhà giá xấp xỉ 1 tỉ đồng như hiện nay. Nếu không ăn không tiêu gì, với lương 3 triệu thì phải ba mươi năm mới đủ để mua căn nhà cỡ trung bình ấy. Thế mà, với giả cả bây giờ, ai cũng thấy 3 triệu thì không đủ sống một mình chứ đừng nói tiết kiệm được để mua nhà.

          Nhà xã hội là một cách để giải quyết giúp người nghèo khoản nhà ở ấy.

          Hiện trên nước ta đã có nhiều dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp. Là nói thế, chứ thực ra với cái giá đã đưa ra thì chả người có thu nhập thấp nào mua được nhà như thế. Rồi lại những ông có tiền, bằng cách này hay cách khác, mua rồi găm đấy, hoặc là bán lại, hoặc là cho thuê. Với người nghèo, biết là thuê sẽ đắt hơn mua gọn, nhưng vì không có tiền một lúc nên phương án thuê lại có vẻ rẻ hơn. Và đây cũng là cách các cán bộ công nhân viên trẻ hay ứng dụng.



          Tôi từng có những tháng ngày vô cùng gian nan khi đang ở nhà tập thể rồi bị đòi lại, hai bàn tay trắng, nháo nhào kiếm đất làm nhà, nợ chồng chất, đầm đìa. Và cũng phải nói luôn, với chính sách đất đai nhà cửa của chúng ta, rất nhiều người đã trúng đậm khi được thanh lý hoặc hóa giá, đền bù. Nhưng cái sự may mắn không bao giờ dàn đều, có người may mắn thì có kẻ bất hạnh. Hiểu điều ấy để mà bình thản sống…


          Gia Lai, theo tôi biết, chưa có nhà xã hội, nhà dành cho người có thu nhập thấp. Rất nhiều người đang phải vật lộn với việc kiếm một chỗ chui ra chui vào. Đành là kinh tế thị trường, đành là rồi cuối cùng từng người vẫn có thể tự thu xếp cho mình được trong khả năng có thể, bởi khả năng vĩ đại nhất của con người là khả năng thích nghi. Nhưng giá như thời gian, công sức, chất xám… dành cho việc vật lộn vì cái chỗ chui ra chui vào ấy, ta có thể dành cho việc khác, lớn hơn, rộng hơn, có ý nghĩa hơn (tất nhiên ý nghĩa nhất vẫn là  nơi ăn chốn ở ổn định), thì xã hội sẽ có thêm nhiều sự tốt đẹp, nhiều sự tham gia có ích hơn.

          Vả, chúng ta đã xác định, nền kinh tế thị trường của chúng ta là thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, mà xã hội chủ nghĩa là gì nếu không phải là “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”… Cơm ăn áo mặc, hàm nghĩa trong ấy là sự yên ổn của một chỗ ở, dẫu nó cao cấp hay bình dân…
   
Ảnh của Hòa Carol
                                                              
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét