Ông Georgy Yefremov nói chuyện với BBC tiếng Nga
Các chuyên gia quân sự Nga đóng góp vai trò đáng kể giúp tăng cường sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến Việt Nam.
Theo một thống kê của Liên Xô, từ 1965 đến 1974 đã có “6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam”.
Đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam (1975-2015), ban tiếng Nga của BBC đã phỏng vấn một người Nga phục vụ tại Việt Nam từ 1966 đến 1967.
Theo đại tá về hưu Georgy Yefremov, sứ vụ của đoàn Liên Xô đến Việt Nam là bí mật. Vì vậy ngày nay ông không được chính quyền Nga cấp cho chứng nhận “cựu chiến binh tham gia chiến tranh”, vốn dành cho những người trở về từ chiến trận.
Georgy Yefremov, có mặt tại Việt Nam từ 1966 đến 1967:
Tháng 12 năm 1965, tôi được cử đi Việt Nam cùng 200 chuyên gia.
Khi đến nơi, chúng tôi ở trong rừng, đào tạo bộ đội Việt Nam trong ba tháng để điều khiển hệ thống hỏa tiễn đối không S-75.
Sau đó chúng tôi chuyển ra vị trí phòng không, cách Hà Nội 30 cây số. Vào tháng Sáu 1966, mưa nhiều lắm, không làm gì được, nên phải 10 ngày sau chúng tôi mới bắt đầu chiến đấu.
Chúng tôi có mặt ở đoàn Cao xạ Tam Đảo. Máy bay Mỹ bắt đầu xuất hiện và đánh bom Hà Nội.
Sư đoàn S-75 của chúng tôi có 32 tên lửa đối không. Khi chúng tôi vào vị trí, ba máy bay Mỹ quần thảo trên đầu. Chúng tôi bắn rơi một máy bay, nó phát nổ cách chúng tôi 400 mét.
Tay phi công Mỹ đi ra, làm bị thương hai chiến sĩ Việt Nam . Họ đánh gục hắn, và cho vào trại giam ở Hà Nội.
Sau mỗi phiên chiến đấu, chúng tôi phải thay đổi vị trí vì vào hôm sau, người Mỹ sẽ bay đến và đánh bom chỗ cũ.
Ông Georgy Yefremov và một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1966
Không lâu sau, chúng tôi chuyển vào vùng núi gần Thái Lan. Tại đó, chúng tôi bắn rơi hai máy bay “Con ma” F-4 của Mỹ.
Chúng tôi trông thấy bốn phi công Mỹ bị bắn rơi, và định đánh chúng. Nhưng chúng tôi không được phép tiếp xúc với người Mỹ. Chỉ có người Việt được phép thôi.
Chúng tôi có nguyên tắc: nếu các học viên người Việt chiến đấu thành công ba lần, thì chúng tôi tin tưởng cho họ điều khiển thiết bị.
Sau khi bộ đội Việt Nam hoàn tất kỳ thi, chúng tôi điều khiển tên lửa chiến đấu trong ba lần để họ xem, rồi đổi cho họ. Khi họ đã bắn được máy bay, chúng tôi chuyển sang vai trò chuyên gia mà thôi.
Chúng tôi đóng vai trò quan trọng. Đằng sau hậu trường, người ta bảo các đơn vị tên lửa của chúng tôi đã bắn rơi khoảng 6000 máy bay, mặc dù chính thức thì họ chỉ nói là 1.500 thôi.
Người ta chỉ gọi đây là hỗ trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở Liên Xô thời đó, và cả Nga bây giờ, người ta không gọi là chiến tranh.
Tôi đã tới kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng vì tôi muốn có chứng nhận “Cựu chiến binh tham gia chiến tranh”. Nhưng họ bảo, “Ông đâu có tham gia đánh nhau.” Chính thức thì chả có ghi chép ở đâu cả. Chỉ là “hỗ trợ” thôi.
Khi đi Việt Nam , chúng tôi được trả tiền khá lắm. Vợ tôi sống ở thành phố Bryansk vì tôi thuộc trung đoàn Bryansk . Bà ấy được nhận 220 rúp, còn khi ở Việt Nam , tôi nhận 470 rúp.
Khi đi Việt Nam , tôi mới là đại úy. Khi về, tôi được đưa về trụ sở đơn vị phòng không của Moscow .
Khi Sài Gòn sụp đổ, tôi đọc tin trên báo chí Liên Xô. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là tôi đã giúp cho việc thống nhất Việt Nam , có đóng góp của tôi.
Việt Nam vẫn là đất nước thân thiện. Từ ngày đó, tôi đã đến sứ quán Việt Nam 48 lần cho dịp chiêu đãi, nơi tôi gặp lại một số đồng chí.
Nhờ chúng tôi giúp đỡ, Sài Gòn đã thống nhất với Hà Nội, miền Nam thống nhất với miền Bắc. Liên Xô đã cứu Việt Nam, và ngày nay, Việt Nam đang phát triển, thậm chí còn hơn cả Nga.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét