ĐÔNG LA
SAU 30-4
Mọi bữa tiệc đều tàn, lễ hội nào rồi cũng qua đi, cuộc sống lại trở lại với nhịp điệu bình thường.
Nhớ lại ngày 30 - 4 40 năm về trước, tôi là một binh nhất của một trung đoàn lính kiểng mới được thành lập trực thuộc Quân khu Miền Đông để tham gia tổng tấn công, hướng Định Quán - Long Khánh – Sài Gòn. Giờ xem phim ảnh tái hiện cảnh tiến công ào ạt, tôi chỉ nhớ trong cái không khí hừng hực như thế, mình chỉ như một giọt nước bị cuốn theo dòng thác lũ mà thôi. Chưa bao giờ bộ đội lại đông như thế, chúng tôi phải bám ba-lô nhau để không lạc sang đơn vị khác. Tôi không có may mắn được đến tận đích cuối cùng của cuộc chiến, để được tận mắt chứng kiến thời khắc lịch sử, thời khắc toàn thắng của cuộc chiến giành lại nền độc lập kéo dài hơn 100 năm của đất nước. Đến trưa 30 - 4, khi đơn vị tôi chiếm khu Kỹ nghệBiên Hòa, thì chúng tôi biết đượctin “Miền Nam hoàn toàn giải phóng”! Trong lòng mỗi người lính, niềm tự hào về chiến thắng trộn lẫn với niềm vui “thoát chết” thành một cảm xúc sung sướng không thể nào diễn tả được.
Hồi ấy trẻ măng, da trắng bóc, hình như trông cũng “dễ thương” hay sao ấy, một chiều sau phiên gác tôi về nơi đóng quân là một xưởng làm quạt điện trong khu kỹ nghệ; tôi ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ trung niên dẫn theo cô con gái, xách một túi đồ hộp, nói với đồng đội của tôi là “cho cái chú bộ đội trăng trắng gác hồi nãy đó”.
(Tiến, Duyệt, Nhẽ, Lộc, Hùng (Đông La))
Có lẽ chị ấy làm ở nhà máy đồ hộp gần đó. Xưởng làm quạt nơi chúng tôi đóng quân thì ở sát bên một nhà máy cà-phê. Chúng tôi đã sang lục soát. Từ rừng núi, giường nằm là võng, nhà là mái tăng, chúng tôi ai nấy đều choáng ngợp khi trông thấy phòng làm việc và phòng ngủ của “ông chủ”: bộ sa-lông sang trọng; giường ngủ nệm bọc vải trắng muốt, phẳng căng:
-Mẹ kiếp, mấy thằng tư bản quả là sướng thật!
Sau này được biết hình như chủ nhà máy cà phê ấy chính là cái nhà ông Alan Phan bây giờ!
Rồi tôi đã được chuyển lên trung đoàn bộ, ở ban tham mưu làm lính vẽ bản đồ, đóng tại Biên Hòa. Ban bệ cho có thôi chứ hòa bình rồi đâu còn cần vẽ bản đồ tác chiến nữa. Tôi được ông tham mưu trưởng tên là Đinh Ngọc Thập rất quý nên chỉ là binh nhất thôi nhưng được ăn ở cùng với ông. Mấy ngày đầu sau Giải phóng hàng hóa còn nhiều nên sinh hoạt sung sướng hơn hồi ở rừng rất nhiều. Nhưng tôi đúng là khác người ngay từ hồi đó, tôi không có trong đội quân đi lùng radio-caset, khung xe đạp và búp bê, trong đầu chỉ muốn được về đi học thôi. Mỗi lần đi qua Trường cấp III Ngô Quyền, thấy học trò đông vui, tôi nhớ vô cùng những ngày mình còn đi học. Một hôm tôi vô cùng sung sướng khi biết tin: tất cả những ai có bằng tốt nghiệp phổ thông đều được tập trung trong trường văn hóa của quân khu để ôn thi vào đại học. Nhưng thật oái oăm, ông tham mưu trưởng đang thương tôi như em út, khi thấy tôi muốn đi ôn thi, đã rất giận tôi. Chắc ông không muốn xa tôi? Thế là, thay vì cho tôi đi tập trung ôn thi, ông lại bắt tôi đi phát rẫy ở bên sông Đồng Nai. Tôi ức đến trào nước mắt nhưng biết làm sao được! Trước đó tôi đã viết thư về cho cha tôi nói ông kiếm rồi gởi sách giáo khoa toán, lý, hóa cấp III cho tôi. Người mang sách vào cho tôi chính là người anh họ tên là Lưu, cũng là bộ đội đã được về phép trước tôi. Tiếc là anh mới mất cách đây vài năm vì ung thư. Còn tôi hồi ấy chỉ biết ôm đống sách về rừng, sau những buổi phát rẫy máu tóe ở hai bàn tay, người thì đau ê ẩm, tôi vẫn lao vào ôn tập. Tôi tự soạn chương trình cho mình, học thuộc tất cả các công thức, các định lý, giải các bài toán mẫu. Tôi cũng kiếm sách luyện thi trong Nam , tìm hiểu các đề thi vào đại học, các đề thi học sinh giỏi. Cứ thế, cái tự tin trong thằng bé học sinh bướng bỉnh ngày nào lại dần dần trở về trong tôi.
Tôi cũng quan tâm đến việc lựa chọn một hướng đi phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Nhớ lại chuyện năm lớp 9 tôi đã đoạt giải “kiện tướng nhớ từ” ở trường cấp III Thanh Miện mà cô giáo dạy tiếng Trung tên là Đức đã tổ chức kỳ thi. Giải thưởng là một cuốn sách viết về cuộc đời của các nhà bác học. Đọc sách tôi đã vô cùng khâm phục các nhà bác học và thầm ước ao được như họ, chính vì thế mà cuốn sách đã ảnh hưởng nhiều đến thiên hướng của tôi. Trong hai trường đại học Tổng hợp và Bách khoa, tôi thấy Trường Bách khoa là trường kỹ thuật thực hành, rất nhiều học sinh ham thích, nhưng tôi lại thích công việc nghiên cứu, công việc tìm kiếm những cái chưa biết hơn, vì thế tôi thích trường Tổng hợp. Mỗi khi xem ti vi thấy những cán bộ nghiên cứu mặc áo choàng trắng say mê bên những dàn dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh trong suốt, lòng tôi luôn dậy lên một niềm rạo rực. Phải chăng với những kiểu lựa chọn như thế mà người ta sau này đã gọi tôi là “hâm” chăng? Sau này với thằng con trai thì tôi đã chọn cho nó ngược lại, là Bách Khoa chứ không phải Tổng hợp. Để chắc ăn nó thi đậu vào ngành công nghệ thông tin lấy điểm cao nhất, tôi đã “xắn tay” luyện thi cho nó môn lý luôn! Nó chỉ phải học thêm môn toán còn môn hóa thì không.
Thấy chuyện ôn thi đã khơ khớ, tôi đã làm hồ sơ dự thi. Nhưng vẫn còn nguyên đó cái rắc rối là ông tham mưu trưởng lại không muốn cho tôi đi thi! Tôi mới trổ tài văn chương, tìm cách thuyết phục ông tham mưu trưởng, dù hồi đó chưa sáng tác được một chữ nào. Biết ổng rất quý tôi, tôi mới giở một cái mẹo là phải đánh vào tình cảm của ông ấy. Tôi viết một lá thư rất dài, kể chuyện đi phát rẫy khổ lắm, nắng cháy da, khát nước vô cùng, gần đó người ta lại bán kem ngon quá mà tôi không có tiền mua, “anh cho em tiền mua kem ăn đi!” Không ngờ mẹo của tôi thành công, vừa được tiền mua kem ăn vừa được ông ấy đồng ý cho về đi Sài Gòn nộp hồ sơ dự thi!
***
Hồi ấy, các khoa tự nhiên của trường ĐH Tổng hợp còn là Trường Đại học Khoa học. Lần đầu đến Sài Gòn, đến trước cổng trường có hàng chữ to tướng “Khoa Học đại học đường”, tôi bỡ ngỡ vô cùng. Nhìn bộ quân phục còn vương bụi đỏ và khét mùi khói rẫy, tôi cảm thấy rất ngượng ngùng trước khung cảnh trăm hoa đua sắc của sinh viên đại học. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng nộp được hồ sơ cho phòng tổ chức.
Rồi ngày thi đã đến. Tôi được xếp thi tại trường Phan Sào Nam , ngã Bảy. Vì chưa đi trọ bao giờ, cũng chưa biết ai là thân thích, nên tôi chưa biết tính sao. Cùng lắm cứ ở ngay cổng trường, mấy năm đánh nhau ngủ rừng gian khổ thế còn chịu được huống chi có vài đêm ở hè phố! Đâu có ngờ, sau này mới biết, cách chỗ tôi thi có mấy trăm mét có nhà bà chị họ gọi mẹ tôi bằng dì di cư vào Nam 1954. Nhưng rồi như có Trời Phật phù hộ, một anh chàng tên là Hoan, cũng bộ đội đi thi, đã rủ tôi về ở cùng chỗ trọ của anh chàng ở trên đường Lý Thái Tổ gần đó! Đêm trước ngày thi tôi và Hoan thi nhau giải toán, Hoan là dân chuyên toán nên khiến tôi phải vì nể. Nhưng rồi cuối cùng Hoan lại không đậu vì còn phải thi lý, hóa nữa; mấy năm trong quân ngũ, kiến thức của Hoan chắc rơi rụng đi nhiều. Từ đó đến nay tôi không gặp lại vị ân nhân này nữa.
Nhớ lại hôm thi, khi trời sáng, học sinh từ các ngả lũ lượt đổ vào trường thi. Dù rất tự tin nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp khi thấy những đối thủ học sinh phổ thông dân Sài Gòn của mình, mặt còn non choẹt, đã xệ trên đôi mắt những cặp kính cận dầy cộp. Tôi đã bước vào phòng thi với hai mươi tư thằng khác đều tên là Hùng!
Chúng tôi thi môn toán đầu tiên. Mới hết ba phần tư giờ, bỗng có một chuyện làm tôi vô cùng hoảng hốt: tất cả học sinh trong phòng tôi đã nộp bài hết, phòng thi chỉ còn trơ lại một mình tôi. Tôi luống cuống như một kẻ bị rượt đuổi sắp bị bắt. (Sau đó tôi mới biết chương trình hệ 12 năm trong Nam trước đây học toán rất cao). Đến giờ nộp bài, tôi chỉ làm được khoảng 80% đề thi, đúng sai còn chưa biết. Tôi nghĩ, so với những đấu thủ tài giỏi như vậy thì chắc chắn mình sẽ bị thua mất thôi.
Đến chiều chúng tôi thi lý. Tôi đã nộp bài cùng với các thí sinh khác, làm bài cũng hơn môn toán chút ít. Tôi đã thất vọng. Còn môn hóa cuối cùng, liệu tôi có làm tốt hơn không? Nếu tôi thất bại thì còn mặt mũi đâu mà gặp lại ông tham mưu trưởng được nữa. Tôi đã tự xỉ vả mình: “Học hành như vậy mà cũng đòi đi thi !”
Rồi buổi sáng hôm sau môn thi hóa bắt đầu. Khi thầy giáo mới đọc lướt đề thi, tôi đã phấn chấn vô cùng. Mới hết có nửa thời gian tôi đã làm gần xong đề thi. Chỉ còn lại phần đòi hỏi sự sáng tạo của mỗi thí sinh, tôi cắn bút suy nghĩ, rồi mạnh dạn viết vào bài làm của mình. Xong xuôi, tôi xin phép ra ngoài rửa mặt mũi, tay chân, rồi trở lại chỗ ngồi ung dung xem lại bài. Thấy lạ, người cán bộ coi thi, sau tôi biết là sinh viên khoa Địa chất năm cuối, đã đến bên tôi kiểm tra ngăn bàn xem có “phao” gì không, và tất nhiên là không có. Tôi đã nộp bài thi trước sự ngạc nhiên của cả cán bộ coi thi lẫn các thí sinh trong phòng. Khi tôi ra về, người giám thị đã tiễn tôi ra cửa và nói:
-Tôi rất mong và tin là sẽ được gặp lại anh trong Trường Đại học Khoa học của chúng tôi.
Điều đó đúng là đã trở thành sự thật.
***
Tôi đã trở về đơn vị với vẻ mặt hốc hác sau một kỳ thi đầy căng thẳng. Khi tính toán lại bài thi, không biết có được cộng điểm ưu tiên gì không, nhưng tôi tin là mình sẽ đậu.
Sau đó tôi đã được về phép gặp lại quê hương thân yêu của mình. Tôi đã mang theo về một niềm tự hào của một người đã vượt qua được những thử thách, thử thách ác liệt trong chiến tranh và thử thách về trí tuệ của một kỳ thi. Dù chưa có kết quả nhưng tôi đã nói với thầy, mẹ tôi là chắc chắn tôi sẽ đậu. Tôi đã được gặp lại cha, mẹ và anh em. Ông nội tôi đã mất, nhưng tôi tin là mình đã làm hài lòng ông. Đến giờ ngẫm lại chuyện ông nội tôi nói về số mệnh của tôi, ông bảo năm sinh, tháng sinh của tôi cùng là một con vật (niên cốt, nguyệt bì), tức là vừa khít, là hiếm có, rồi tôi sẽ khác người! Vậy hôm nay tôi thành “Nhà văn Đông La”, “cái gì cũng biết” thì không biết tôi có đúng là “khác người” như ông nội tôi đã tiên tri không?
Sau kỳ phép đầu, tôi vào đơn vị. Quả đúng là tôi đã đậu. Trung đoàn tôi có 5 người dự thi, nhưng những người được tập trung có thầy dạy ôn thi thì không ai đậu, chỉ mình tôi tự ôn thi thì lại đậu. Một hôm, tôi thấy trên trang tư của tờ Sài Gòn giải phóng đã đăng tên và số báo danh của tôi trong danh sách thí sinh trúng tuyển vào đại học Khoa Học. Tôi đã mua tờ báo ấy với một niềm vui không kém bất cứ niềm vui nào mà tôi đã được trải qua.
***
Hôm nay, một ngày 30 - 4 nữa lại đến, ngẫm lại thấy ngay từ ngày vào đời ấy, chuyện đi thi thôi, tôi cũng đã gặp chuyện bất công rồi. Sau này còn cả một chuỗi như vậy nữa. Dường như số tôi là thế. Nhưng thú vị ở chỗ tất cả những bài toán mà số mệnh đặt ra trước tôi, tôi đều giải được! Cũng vì thế mà tôi không có thù hận, cay cú chuyện được mất cái gì cả. Tôi luôn hiểu hòa bình là điều quý giá nhất. Tôi lại thấy cuộc đời tôi sóng gió như thế hóa ra lại hay hơn nếu nó chỉ bằng phẳng và nhạt nhẽo!
Có lần nói điện thoại với cô Hòa :
-Cô Hòa ơi, sao em tài 1000 không được hưởng 1, có người tài 1 lại được hưởng 1000. Ông Trời cũng bất công quá!
-Em còn muốn anh khổ hơn nữa cơ. Cõi tạm mà anh chấp làm gì. Anh ơi những người đang hưởng phúc cứ nghĩ là sẽ hưởng đời đời kiếp kiếp, nhưng không gieo nhân tiếp, bóc ngắn cắn dài, rồi sau này còn được hưởng gì?
Biết lời cô là vàng ngọc, nhưng mấy khi được sống trên cõi phàm này, cuộc đời mỗi người vẫn thật quý giá. Vì thế làm sao mà vừa làm được tốt đời lại vừa giữ được đẹp đạo sẽ là hay nhất !
4-5-2015
ĐÔNG LA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét