Nhân loại đã thay đổi trong vòng một thế kỷ rưỡi qua. Dân số toàn cầu tăng từ một tỷ người lên hơn bảy tỷ người. Ở những nước phát triển, tuổi thọ trung bình đã tăng vọt từ khoảng 45 tuổi vào giữa thế kỷ 19 lên đến khoảng 80 tuổi ngày nay.
Và chúng ta cũng đã thay đổi về mặt về mặt thể chất: phần đông nhân loại giờ đây đã cao hơn trước đây.
Vô địch về chiều cao
Robert Wadlow được ghi nhận là người cao nhất từ trước tới nay, với chiều cao tới 2,72m
Chiều cao trung bình của nhân loại đã tăng ở các quốc gia phát triển – từ Anh quốc cho đến Hoa Kỳ và Nhật Bản – với mức trung bình là cao thêm 10cm.
Nhưng nói về sự tăng chiều cao trong vòng 150 qua, có một quốc gia vượt hơn hẳn các nước còn lại.
Ngày nay, thanh niên Hà Lan có chiều cao trung bình vào khoảng 184 đối với nam và 170cm đối với nữ, và đều cao hơn tổ tiên của họ vào giữa thế kỷ 19 khoảng 19cm. “Đó là một con số gây ấn tượng," John Komlos, giáo sư danh dự về lịch sử kinh tế tại Đại học Munich nói.
Vậy thì tại sao nhân loại nói chung và người dân Hà Lan nói riêng lại cao hơn? Liệu xu thế cao hơn này có dấu hiệu tiếp diễn hay không và khi nào thì nó sẽ dừng lại?
Zhang Juncai, một trong những người đàn ông cao nhất Trung Cộng, chìa bàn tay so sánh với tay của một bé trai bảy tuổi hồi 2004
Những câu hỏi như thế này đã tạo cảm hứng cho Komlos vào những năm 1980 khi ông đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử chiều cao con người. Lĩnh vực này tìm hiểu về chiều cao của một dân tộc nào đó thay đổi như thế nào theo điều kiện kinh tế xã hội.
Komlos đã tìm hiểu, nghiên cứu dữ liệu của các quân đội vốn có ghi chép chiều cao của binh lính.
Ăn uống và bệnh tật
Nghiên cứu này đã cho thấy sự biến đổi về chiều cao con người liên hệ chặt chẽ với sự thay đổi của hai yếu tố: ăn uống và bệnh tật, đặc biệt là trong giai đoạn thơ ấu.
Nếu trẻ em không ăn uống đủ chất hay không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng do bệnh tiêu chảy chẳng hạn thì khả năng chúng phát triển chiều cao tối đa bị giảm đi rất nhiều.
“Điều kết luận là,” William Leonard, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Tây Bắc ở Illinois, nói, “yếu tố đằng sau sự tăng trưởng chiều cao ở con người là dinh dưỡng, sức khỏe và cuộc sống tốt hơn.”
Yếu tố lịch sử ảnh hưởng thêm cho mối liên hệ giữa chiều cao và sức khoẻ này.
Ở Tây Âu vào cuối kỳ Trung cổ, sau khi nạn dịch Cái chết Đen đã hủy diệt gần 60% dân số, những người sống sót lại có thực phẩm dồi dào và điều kiện sống không chen chúc – hai yếu tố này đã ngăn chặn sự lan truyền dịch bệnh.
Do đó mà con người đã cao thêm tương đối, chẳng hạn như người Anh vào thời đó chỉ thấp hơn 4cm so với ngày nay.
Giai đoạn khó khăn
Nhưng ở châu Âu vào thế kỷ 17, con người đạt chiều cao ở mức thấp. Người Pháp trung bình vào lúc đó không cao quá 162cm.
Mùa đông khắc nghiệt đã làm giảm đáng kể sản lượng mùa màng. Chiến tranh bùng phát liên tục, từ cuộc Nội chiến ở Anh cho đến các cuộc chiến của Vua Louis XIV ở Pháp và cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ở vùng mà ngày nay là nước Đức. “Châu Âu gần như suy sụp ở thế kỷ 17,” Komlos nói.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp vào thế kỷ 18 khiến người dân chen chúc vào những khu ổ chuột ở các thành phố vốn là nguồn gốc gây dịch bệnh cũng đã gây tác động tương tự.
Tuy nhiên, vào nửa sau thế kỷ 19, những biến động xã hội đã đem đến kết quả là sản xuất nông nghiệp tăng cao, nước máy và vệ sinh đô thị cũng như sự thịnh vượng kinh tế ngày càng tăng. Người dân Tây Âu đã tăng vọt về chiều cao và tiếp tục cao thêm trong hàng chục năm sau đó.
Mối liên hệ giữa chiều cao và sức khỏe vẫn thể hiện một cách rõ rệt trong cuộc sống ngày nay. Một minh chứng là hai miền bắc và nam Triều Tiên.
Người dân Bắc Hàn xếp hạng 188 trong tổng số 195 nước về chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc (HDI) vốn là chỉ số về tuổi thọ, thu nhập và giáo dục. Nam giới trưởng thành ở Bắc Hàn thấp hơn người Nam Hàn từ 3cm đến 8cm. Hàn Quốc đứng thứ 15 về chỉ số HDI trong năm 2014.
Chiều cao người Mỹ
Tuy nhiên ở một số nước công nghiệp hóa, nhất là ở Mỹ, sự tăng trưởng chiều cao kể từ thế kỷ 19 tới nay trên thực tế đã bão hòa.
Từ cuộc Chiến tranh Cách mạng trong thế kỷ 18 cho đến Đệ nhị Thế chiến vào giữa thế kỷ 20, người Mỹ cao hơn người dân các nước công nghiệp phát triển khác.
Tuy nhiên ngày nay, người Mỹ cao trung bình là 176cm ở nam giới và 163cm ở phụ nữ Mỹ – gần như là cao như chiều cao trung bình của người dân Mỹ 45 năm trước và thấp hơn người Hà Lan ngày nay nhiều.
Làm thế nào mà người dân Bắc Âu vượt lên? Komlos tin rằng sự tiếp cận không đồng đều về dinh dưỡng và chăm sóc y tế ở Mỹ so với hệ thống mang tính xã hội hóa cao hơn nhiều ở các nước châu Âu phát triển chính là nhân tố dẫn đến sự khác biệt này.
Hàng triệu người dân Mỹ không có bảo hiểm y tế và không đi bác sỹ thường xuyên.
Phụ nữ có thai không được hỗ trợ nhiều ở Mỹ. Trong khi ở Hà Lan, họ được các y tá đến thăm khám hoàn toàn miễn phí, Komlos cho biết.
Thêm vào đó, một phần ba dân số Mỹ bị béo phì, một phần là do ăn quá nhiều đồ ăn vặt. Thực phẩm chế biến quá nhiều calorie có thể khiến người Mỹ giảm chiều cao mà nguyên nhân là các vấn đề phát triển và trao đổi chất.
“Nói đơn giản thì Coca-Cola, bánh kẹp, đồ ăn McDonald không thể khiến người Mỹ cao được như người Hà Lan,” Komlos nói.
Yếu tố di truyền
Cơ chế di truyền cũng có vai trò rất quan trọng trong việc tăng chiều cao. Bố mẹ cao gần như luôn sinh ra con cái cao. Nhưng ngay cả khi như thế, việc tăng chiều cao trong cuộc sống ngày nay ở một số đất nước không thể được xem là do sự tiến hóa khiến gien cao hơn được chọn lọc.
Thật ra, trái ngược với thuyết tiến hóa của Darwin rằng những sinh vật thích nghi tốt hơn sẽ sinh sản nhiều hơn, những gia đình nghèo, sức khỏe kém lại thường có nhiều con hơn những gia đình giàu có.
Mỗi phụ nữ ở quốc gia này thường sinh hơn bảy người con. “Nhìn trên toàn cầu thì đại đa số sự khác biệt về chiều cao là do sự khác biệt về điều kiện kinh tế xã hội và thực phẩm dinh dưỡng,” Leonard cho biết.
“Điều quan trọng rút ra là,” Komlos nói, “môi trường sống cũng có tác động đến thể chất con người chứ không phải là yếu tố di truyền.”
Cao kiếm tiền nhiều hơn?
Một điều đáng lưu ý là chiều cao đồng nghĩa với sự hấp dẫn trong nhiều nền văn hóa.
Chiều cao cũng là một thước đo đáng tin cậy đến kinh ngạc về khả năng kiếm tiền. Một nghiên cứu hồi năm 2004 cho thấy với mỗi inch (2,5cm) cao hơn mức trung bình thì người đó có thể kiếm được thêm từ 789 đô la trở lên một năm, mà nếu quy đổi ra giá trị hiện thời là khaongr 976 đô la.
Thế nhưng lợi ích của chiều cao đem lại cũng có điểm dừng. Chiều cao rõ ràng không có mối quan hệ tương quan với sự giàu có ngoại trừ các vận động viên hay người mẫu nổi tiếng. Những giám đốc triệu phú không phải ai cũng cao kều.
Theo Komlos thì chiều cao lại trở thành bất lợi nếu cao quá 190cm.
Người cao lêu nghêu phải cúi xuống khi bước qua cửa hay cố mà ngồi vào xe ô tô. Những người cao cũng có khả năng mắc một số chứng bệnh hơn những người bình thương chẳng hạn như các chứng bệnh về khớp và bệnh tim mạch.
Robert Wadlow, người đàn ông cao nhất thế giới từng được biết đến, là một ví dụ điển hình. Sự bất thường ở tuyến yên đã khiến anh cao đến 2,72m. Anh đã phải đeo nạng ở chân mới bước đi được, và một vết phồng rộp bị nhiễm trùng do nạng chân gây ra đã khiến Wadlow ra đi ở tuổi 22.
Với những yếu tố trên đây và lịch sử về sự phát triển chiều cao gần đây, Komlos nghĩ rằng nhân loại có lẽ đã đạt đỉnh về chiều cao. “Người Hà Lan đối với tôi là mức chiều cao tối đa của nhân loại,”
Komlos nói. “Họ cao đến mức độ mà con người có thể đạt được trong những điều kiện tối ưu.”
Adam Hadhazy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét