Sử gia Robert Conquest, người qua đời ở tuổi 98, được nhiều người ghi nhận là người đầu tiên tiết lộ mức độ khủng khiếp của chế độ Joseph Stalin. Những cuốn sách của ông đã có hiệu ứng mạnh mẽ đối với những người cộng sản phương Tây.
Nếu bạn lớn lên trong một gia đình cộng sản, các cuốn sách của Robert Conquest quả là một tiết lộ thực sự.
Trong trường hợp của tôi, hai trong số ông bà nội ngoại của mình đều là Đảng viên (như người ta vẫn luôn gọi như vậy mà không bao giờ cần phải nói đảng nào). Ông nội tôi gia nhập đảng chẳng bao lâu sau cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và trung thành với đảng (từ chính xác trong trường hợp này) qua các cuộc xâm chiếm Hungary và Tiệp Khắc, và không hề lung lay trước bất cứ khám phá hay một sự phản cách mạng nào.
Tại bàn ăn của ông nội tôi ở Bedlinog, phía nam xứ Wales , tranh luận thật gay gắt nhưng vô ích. Nó giống như là tranh cãi với những tín đồ tôn giáo thành tín nhất. Bất cứ điều gì được đưa ra như một đường lối trên tờ Tuần báo Soviet (Soviet Weekly) hay tờ Sao Mai (Morning Star) thì đều có giá trị như kinh Phúc âm.
Edgar Evans, hình chụp vào năm 1975, tay cầm những số báo Sao Mai
Ông tôi có sưu tập các tác phẩm của Stalin đầy trên kệ sách của mình (không có vẻ gì rõ ràng là đã sờn vì đọc cả). Khi bà tôi lên tiếng tại bàn ăn bữa tối rằng ít nhất phải có tội phạm gì đó ở Liên Xô chứ, thì ông mắng bà "hãy ngưng nói dối kiểu xấu miệng đi ngay".
Còn cha tôi thì nhớ cảm giác hồi còn nhỏ khi còn là một cậu bé sống ở làng với đông người làm nghề thợ mỏ.
Ông như được giải thoát khi Hitler quay sang tấn công Stalin vào năm 1941 và xâm chiếm đất nước từng là tòng phạm của mình.
Trước đó, cả gia đình lo sợ sẽ bị bắt giữ. Nhưng giờ thì Hồng Quân lại thành đồng minh của Anh Quốc và những người cộng sản trở thành nhóm lớn tiếng nhất vì sự nghiệp chung.
Theo cha tôi kể thì ông nội tôi, một ủy viên hội đồng địa phương có thẻ đảng viên cộng sản còn được nhận thêm phần xăng để đi xe tới vùng nông thôn và đồi núi xứ Wales huy động sự hỗ trợ cho cuộc chiến.
Bầu không khí giống như tôn giáo này tiếp tục, và đó là điều khá điển hình thời Chiến tranh Lạnh. Bất cứ ngờ vực nào đối với những thành tựu của Liên Xô chỉ đơn giản bị gạt bỏ và coi là "tuyên truyền Chiến tranh Lạnh".
Khi một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng bị giam cầm trong một bệnh viện tâm thần, thì người ta nhìn nhận rằng ông ta hẳn là bị điên nếu lại đi nghi ngờ những giá trị của chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô.
Vì vậy, đối với những người có những ngờ vực trong chúng tôi thì cuốn sách của Robert Conquest “The Terror Great: Stalin’s Purge of the Thirties” (tạm dịch: Đại Kinh hoàng: Cuộc thanh trừng của Stalin trong thập niên 1930) là một tác phẩm phi thường.
Đó là một cuốn sách đã làm thay đổi suy nghĩ và xua tan những ngờ vực (trong đó có suy nghĩ tôi) khi nó được xuất bản vào năm 1968, năm Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc để đè bẹp Mùa Xuân Praha muốn giải phóng Tiệp khỏi vòng kiểm tỏa của Liên Xô.
Cuốn sách liệt kê sự thật không tô điểm vì thế tự chúng nói lên tất cả. Nó vạch ra bằng ngôn ngữ rất rõ ràng từng chi tiết các cuộc thanh trừng và hành quyết. Những người bạn đồng hành của Liên Xô cười nhạo - và có lẽ vẫn còn cười nhạo - nhưng họ không thể tìm được sai sót thực tế nào vì những nghiên cứu của Conquest là rất tỉ mỉ và chính xác.
* Được đặt tên Iosif (Joseph) Vissarionovich Dzhugashvili khi ra đời nhưng ông chọn lấy tên Stalin, có nghĩa là "con người thép"
* Ông học để trở thành một thầy tu nhưng rời bỏ trường dòng sau khi không tới dự kỳ thi.
* Sau cái chết của Lenin ông đã tìm cách tiến thân một cách tàn bạo và trở thành nhà độc tài của Liên Xô
* Trong thời kỳ đại khủng bố do Stalin cầm quyền khoảng 750.000 người đã bị giết hại không qua xét xử
* Stalin đóng vai trò quyết định trong việc đánh tại phát xít Đức tại Đại chiến Thế giới 2
Anh hùng hay tên đồ tể?
Khi cuối cùng kho lưu trữ của Liên Xô được mở ra, những mô tả của Conquest vẫn không hề bị suy yếu đi. Có thể có những tranh luận về các con số - con số chính xác hàng triệu nạn nhân của Stalin - nhưng không phải về số lượng lớn các dữ kiện và sự thật đã được đưa ra.
Thậm chí vào những năm 1960, dường như đối với nhiều người có một trận chiến về ý tưởng bình đẳng. Nhưng sau đó đã xuất hiện miêu tả của Robert Conquest về thực tại ở Liên Xô.
Chúng tôi được cho biết rất rõ ràng hàng trăm ngàn người đã bị cảnh sát mật của Liên Xô bắn như thế nào chỉ trong một vài tháng vào năm 1937 và năm 1938. Chúng tôi được biết về những cuộc thanh trừng khốc liệt các sĩ quan, những cuộc thanh trừng do một Stalin bị hoang tưởng thực hiện.
Nó khốc liệt tới mức khiến khả năng chiến đấu của Hồng quân bị hủy hoại.
Conquest mô tả chỉ trong một ngày, ngày 12 tháng Chín năm 1937, Stalin và trợ thủ của ông ta, Molotov, đã đích thân phê chuẩn án tử hình đối với 3.167 người – rồi sau đó đi đến rạp chiếu phim.
Chi tiết đó không thể bác bỏ được.
Và rồi Conquest đã một lần nữa làm như vậy với cuốn “The Harvest of Sorrow: Soviet Collectivization and the Terror-Famine” (Vụ mùa của Những Nỗi buồn: Tập thể hóa kiểu Liên Xô và Nạn đói Kinh hoàng) về nạn đói tại Ukraine năm 1932-33, gây ra bởi một chính sách nông nghiệp ngu ngốc và đầy thù oán, vượt cả ra ngoài sự tàn phá, một chính sách do Stalin đưa ra.
Conquest đã bình tĩnh ghi lại những gì xảy ra tại từng ngôi làng. Ông mô tả tình trạng ăn thịt người và cảnh chết đói.
Vào thời kỳ trước chiến tranh, nhà báo lớn người xứ Wales, Gareth Jones, đã đi qua nhiều nơi ở Ukraine và chứng kiến sự thật về nạn đói, và đã đăng các các bài báo vào năm 1933. Nhưng những tiếng nói lớn hơn đã chống lại ông, như phóng viên tờ New York Times tại Moscow, Walter Duranty, người lặp lại như vẹt những tuyên truyền của Stalin.
Trẻ em kiếm khoai tây ngoài đồng để ăn thời kỳ Nạn đói Ukraine , 1934
Duranty viết trên số báo ra vào tháng Tám rằng không có Nạn đói: "Điều kiện sống là xấu, nhưng không có nạn đói". Và về chính sách của Stalin, ông viện dẫn câu nói nổi tiếng: "Không đập trứng được thì không thể làm rán trứng."
Khi sách của Robert Conquest ra đời, không ai có thể tranh cãi rằng Duranty đã sai và Jones đã đúng.
Có yếu tố trung thành với Chiến tranh Lạnh – những người cộng sản vỡ mộng nói chuyện về vị Thượng đế của họ nay đã chết.
Nhưng với những tín đồ mê muội (nguyên văn: siêu trung thành), thì không có nỗi nghi ngờ nào có thể làm sứt mẻ niềm tin của họ ngay cả khi một núi bằng chứng được đặt trước mắt chính họ.
Khi Stalin cuối cùng bị Nikita Khrushchev vạch mặt phê phán vào năm 1956, ông nội tôi bị ốm vì một bệnh thần kinh. Các tác phẩm của Stalin đã chuyển ra xếp đằng sau máy truyền hình.
Ông nội tôi qua đời ngay khi Liên Xô sụp đổ. Ông quá lẫn vì tuổi già để nhận ra rằng Chúa Trời của ông đã chết. Ông chưa từng đọc những cuốn sách của Robert Conquest - ông có lẽ đã coi chúng như những tuyên truyền Chiến tranh Lạnh đê hèn nhất.
Người ta nói rằng nhà văn Mexico Octavio Paz đã nói các cuốn sách của Conquest "khép lại các cuộc tranh luận" về chủ nghĩa Stalin. Chúng chấm dứt mọi tranh cãi. Điều đó không đúng. Nỗi buồn dành cho con quái vật vẫn còn đó, có lẽ ngay ở chính nước Nga ngày nay.
Nhưng những cuốn sách của Conquest đã mở mắt của những người có suy nghĩ cởi mở. Tôi biết và tôi nhớ.
Stephen Evans
0 nhận xét:
Đăng nhận xét