Hôm nọ bác Châu La Việt ngồi ở Hội Nhà Văn gọi cho mình, là đang ngồi thì thấy bác Đỗ Chu vào, bèn gọi rồi đưa máy cho bác Đỗ Chu nói chuyện với mình. Té ra cái chuyện mình đưa cái thư của ông lên blog ông có biết, ông nói đại ý chú cũng... lưu manh nhỉ, đưa lên để... giải quyết khâu oai cho chú, hihi... Ở ĐÂY
Lại nhớ lần ông vào Huế dự cuộc gặp nhà văn Việt Mỹ. Vừa xuống xe thấy mình, ông bảo mày đưa anh đến thăm Trần Vàng Sao, có người gửi quà cho nó. Mình mượn xe đưa ông đến nhà Trần Vàng Sao, ngoài quà của bạn ông TVS gửi thì ông móc túi biếu ông Sao 200.000, sau đó lại đưa ông sang thăm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Về khách sạn Điện Biên ông mới tắm, trước khi tắm ông bảo: Hùng lên đây, anh mang theo 3 tập sách trọn bộ, tặng mày 1 bộ vì một là tao gặp mày đầu tiên, 2 là mày có công đưa tao đi... bộ sách nặng trịch, thế mà ông mang theo từ Hà Nội vào... Trông ông cứ có vẻ lớt phớt, té ra không cái gì lọt qua mắt ông. Và ông cẩn thận đến từng chi tiết trong ứng xử...
Thì tối qua ngồi đọc bài này của ông trên Vanvn.net. Chắc chắn bài này là bài đặt, và ông cũng viết để in vào ngày lễ trọng, dân trong nghề gọi là bài "cúng cụ" thế mà đọc vẫn rất hay, rất sướng... Mới hay vấn đề là không phải mình viết về cái gì, mà mình dùng chữ như thế nào, tung tẩy như thế nào?...
-------
VÀ CHỢT THU
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Đỗ Chu và nhà thơ Trần Vàng Sao tại nhà nhà thơ NKĐ |
Ở tuổi tôi, ông giời cho sống thêm ngày nào là hay ngày ấy. Nghĩ cho cùng cái vui cái buồn một kiếp thế cũng là quá đủ. Nhiều chuyện tưởng động trời vậy mà đến tai lại thấy chưa lấy gì làm lạ. Cái có thể thấy hình như thấy cả rồi, cái không thể thì mong làm gì cho thêm buồn. Một ông nhà văn Pháp đã thốt lên, không có gì chóng cũ bằng chính cái mới. Người đã bảy mươi sống theo mình, thấy thế nào là phải thì cứ thế mà làm. Thời gian đi như bóng câu qua cửa, xuân thu đắp đổi ngoài sông nước trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại chóng vánh đời người... Nếu còn gì phải lo nghĩ chính là lo nghĩ về một hướng đi cho đám con trẻ. Tưởng vậy chứ cũng nặng nề lắm, nhiều lúc nó đặt ta vào một tình thế lưỡng nan, lương thiện hay thiếu lương thiện. Đừng tưởng lương thiện là chuyện dễ làm, nhiều khi thiếu lương thiện lại an toàn hơn.
Lúc làm Di chúc, Bác Hồ có lấy một câu của thi hào Đỗ Phủ, nhân sinh thất thập cổ lai hy. Muôn vàn cái đáng trích dẫn sao Người lại tìm câu này, vậy ở đây ý tứ là sao? Ta thường dặn nhau phải học Bác, nhưng việc tìm cho đến ngọn nguồn câu này xem thử Bác có còn định dặn gì ta thì hình như chưa phải ai cũng đã có dịp làm. Ông Đỗ Phủ có ba bài Giang đầu, câu thơ Bác chọn nằm ở Giang đầu một. Ngày nào cũng thế, hồi triều là ôm áo tìm ra đầu sông gán rượu, uống cho tận say mới về, nợ rượu chuyện vặt đâu chả có, chỉ tuổi bảy mươi của con người ta là hiếm xưa nay, kìa chuồn chuồn đang đạp nước, bươm bướm đang luồn hoa, nghĩ thấu lẽ đời lại lấy làm vui, hà cớ gì phải chạy theo cái danh hão cho bẩn tấm thân. Cái ý tứ sâu xa là nằm ở hai câu kết. Nguyên văn thế này, Tế suy vật lý tu hành lạc, hà dụng phù danh bạn thử thân.
Dạo này tự dưng ít muốn ra ngoài, thích ngồi nhà để nhớ lại, để chiêm nghiệm như người ta vẫn thường nói. Loanh quanh tu sửa những gì đã viết, đọc thiên hạ chẳng được là bao, âu cũng là cách thu vén sớm, đợi một ngày chào anh em lên đường.
Thằng con tôi nó nói, nhà nước trao tặng ông đủ thứ giải thưởng, thế là có ý đề nghị ông lùi vào tuyến sau nghỉ ngơi, những gì chưa làm nổi để con cháu chúng nó lo, mình nên chắp tay sau đít đi đi lại lại, thấy trống trải thì vòng ra đường làm một cuốc xe ôm nhìn thiên hạ sống ra làm sao. Dấu hiệu của một tài năng còn là ở chỗ biết đến lúc nào thì nên dừng bút. Phàm cái gì đã làm mãi mà vẫn không thành, biết không thành mà vẫn cứ làm mãi đấy là đã sa vào một thảm cảnh.
Tôi quát, thằng này ăn nói phải ý tứ, còn mấy trang trong mớ bài Đầy vơi năm tháng nữa là tao ung dung rồi. Lúc ấy tha hồ chơi thơ chơi họa. Về già con người ta có quyền lẫn, quên những gì mình từng làm, chả nhớ mình là ai, cái thú nhất là được làm một anh thi sĩ nghiệp dư, một anh họa sĩ nghiệp dư, hay dở không bàn, xem sự nổi tiếng ở đời như bong bóng trên mặt sân vôi ngày mưa.
Ngày lại ngày tôi lặng lẽ lội vào ngôi đền thơ kia nhặt những câu ai bỏ quên, những câu thơ phảng phất buồn trong góc khuất vẫn tự mình tỏa sáng. Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. áo bào thay chiếu anh về đất. Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em. Vạc chút bờ cong cua mất quê rau đay làm lẽ buổi anh về... Hình như lẫn trong cái buồn ta dễ tìm thấy sự sang trọng.
Và chợt thu tôi bất chợt đầy vơi năm tháng...
*
Sau làng tôi có một cái ấp, ông anh họ ngoài ấp thuở nhỏ không được đến trường, năm cách mạng đã mười bốn mười lăm mà vẫn không biết đọc biết viết. Có một anh giáo được huyện cử về làng làm chiến sĩ diệt dốt, anh giáo xui mang vôi trắng ra để anh ấy viết chữ lên mông con trâu đực, mỗi hôm hai chữ, mười hôm hai mươi chữ. Còn chữ cuối cùng trong bảng chữ cái anh chưa kịp học nốt vì anh giáo có lệnh gọi vào bộ đội. Hai năm sau đủ cân đủ lạng anh cũng xung phong tòng quân, vào bộ đội huyện lại gặp anh giáo lúc ấy đã là trung đội trưởng. Gặp nhau anh giáo hỏi luôn, chú thuộc đủ hai mốt chữ cái chưa? Anh đáp, báo cáo chỉ huy em đã biết đọc biết viết rồi. Vậy chú lấy gạch viết đại mấy chữ lên tường tao xem. Anh cầm mẩu gạch non viết vèo mấy chữ cu tí sờ ti cái tít. Anh giáo gật đầu, khá, thằng này nhanh trí cho làm liên lạc. Làm liên lạc ngày nào anh cũng phải cầm lệnh chạy tứ tung khắp huyện, mấy lần qua làng bác gái nghe tin choàng ra tìm nhưng đều mất hút nên mẹ con không gặp nhau.
Đời anh tôi là một đời ôm súng đuổi giặc, muốn đuổi giặc phải biết chạy nhanh chạy bền hơn chúng. Chạy ở lòng chảo Điện Biên, chạy dọc Trường Sơn xuống những cồn cát khu năm khu sáu, rồi chạy vào Đồng Tháp, chạy tuốt Mũi Cà Mau, chân đạp lên những ngọn sóng cao lừng lững, ra biển ra đảo. Đến khi về, đã là ba chục năm có lẻ, vai đeo lon tướng, vào Quốc hội. Lại gặp anh giáo giờ đã làm gì to lắm ở Trung ương, một hôm nghe anh tôi đứng lên báo cáo gì đó trên diễn đàn, ra uống nước ngoài hành lang hội trường, anh giáo ghé tai bảo, quê mình có cái tật nói ngọng e nờ e lờ, phải chịu khó sửa mới được, như thế vẫn là chưa xong hai mốt chữ cái đâu đấy. Từ đấy anh tôi thường đun đẩy để người khác lên nói, còn mình thì ngồi dưới lắng nghe. Một lần anh tôi về thăm quê, tôi kể ngoài Hà Nội không biết nghĩ thế nào mà người ta lại cho hạ bức tượng đồng tưởng niệm ông Alexandre de Rhodes, là người đã có công làm cho dân ta cái chữ Quốc ngữ. Anh tôi lắc đầu lầm bầm. Nói có chú, anh là thằng chạy dọc chạy ngang khắp Đông Dương, chạy từ lúc tóc còn xanh đến lúc tóc râu bạc trắng, chạy hết đời mới chợt hiểu con đường mình vượt qua cũng chưa phải đã dài, dài đến vô cùng phải là con đường học vấn, càng được học hành càng thấy mình dốt, sống làm người sự học là khó trên mọi thứ khó. Nếu như anh được cử làm Chủ tịch thành phố thì cái lệnh đầu tiên sẽ là cho dựng lại tượng đài Alexandre de Rhodes. Bức tượng ấy đặt ở bên hông đền Bà Kiệu anh cũng biết. Có mấy người dắt dân ta đi học đấy là ông ấy, là cụ Nguyễn Văn Tố, là Bác Hồ. Một lần ngồi với anh giáo anh cũng đã nói như thế, anh giáo gật đầu khen, chú nghĩ phải, biết nhớ ơn là một phẩm hạnh của con người trên khắp thế gian.
Có những bất cập trong xã hội ta, nó làm cho đời sống tinh thần ngày một xuống, người đông thêm nhưng chất lượng nhân phẩm sa sút, thừa thãi ý thức đấu tranh mà lại nghèo tính trung thực, nghèo lòng trắc ẩn. Khổ vậy đấy. Bao giờ ngắt được căn bệnh này thì xã hội lại phát triển lành mạnh. Trẻ sẽ bớt nông nổi, già sẽ bớt nông cạn. Giấc ngủ thường đêm ít mê thấy quỉ nhập miếu.
*
Cách mạng Tháng Tám là bước ngoặt trọng đại trong tiến trình lịch sử nước nhà.
Một chân trời mới mở ra với nền Cộng hòa non trẻ. Đứng đầu nhà nước này là một vị Chủ tịch giàu cốt cách gánh vác, dường như ở đây đã có sự chuẩn bị mang ý nghĩa cơ trời vận đất.
Đây là những ngày tháng đẹp nhất trong những ngày tháng đẹp, để hôm nay ngoảnh lại mỗi người trong chúng ta còn chưa hết rưng rưng. Hãy hình dung, từ vũng bùn nô lệ một đám đông khổng lồ bật dậy với hai bàn tay trắng và quả tim nóng, gọi nhau đứng quanh Người, gọi nhau làm một cuộc lên đường rất dài và rất nhiều chông gai, dám sống và dám chết cho nền tự do, độc lập của dân tộc, trong đó có chính mình. Từ buổi đầu Bác đã trang trọng nói trước toàn thể đồng bào, “Tự do cho một dân tộc mà không có tự do cho mỗi người thì cái tự do ấy liệu để làm gì”!
Thân phận mỗi người dân nước Việt đã được Người nhìn nhận bằng một tầm nhìn mang khát vọng nhân quyền ở một xã hội có đẳng cấp. Người trở về Tổ quốc như một huyền thoại, như một giấc mơ mà lại cũng hết sức gần gụi. Người ra đồng cùng bà con tát nước chống hạn, cùng các cụ già trồng cây, bón cơm mớm cháo cho trẻ thơ và làm thơ gửi cả nước mỗi bận xuân về.
Đầu tháng chín năm ấy Người đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình. Bản tuyên ngôn tự tay Người thảo bằng nội lực giống nòi, bằng hồn thiêng núi sông, bằng khí phách toàn dân tộc.
Vài hôm sau Người cho gọi mấy đồng chí phụ trách Nha Công an Bắc Việt lên làm việc, lúc chia tay Người dặn dò, sinh ra các chú là phải có bắt bớ, vậy Bác tặng các chú mấy câu để mang theo trên đường công tác lâu dài, “Hay bắt không bằng bắt hay, bắt hay không bằng không hay bắt”.
Phương Tây có câu người mạnh là người biết nói đùa. Lại có câu mọi việc nghiêm chỉnh đều giấu dưới nụ cười. Càng đau càng phải biết cười, cho nên Bác mới hay cười. Thiết nghĩ sau nụ cười hôm ấy của Bác còn có mênh mông một tình yêu thương con người. Nhà văn Xôviết Menđenxtam từng nói: nụ cười Nguyễn ái Quốc có mang ánh sáng văn hóa của một nhân loại tương lai.
Khoan hòa mà lẫm liệt, Người đã thực hiện một cuộc lên đường đầy tinh thần minh triết giữa một nhân loại đang vỡ ra biết bao biến cố khôn lường. Đó là một chuyến đi dài ba chục năm, mỗi chặng đường một cái tên. Những cái tên khiến đồng chí đồng bào ngóng đợi mà kẻ thù thì ngần ngại. Con người nhân ái là thế lại có thể cũng là một nỗi ám ảnh khiếp hãi đối với các thế lực thực dân cũ và mới.
Là kẻ hành khất rách rưới không quê hương Tổ quốc? Vâng, quả có thế. Là kẻ bị săn đuổi, ruồng bỏ? Vâng, quả có thế... Nhưng thưa, không hẳn chỉ có thế. Đây còn là người một mai sẽ nhảy xuống sông mở đập, áo vải phong phanh mà trí lự nuốt ngưu, là người lĩnh xướng, người chỉ huy, nhà kiến tạo, nhà tổ chức xuất sắc của một nhân dân xuất sắc.
Người ấy đã từng khóc thầm trong đêm vắng Paris ngồi đọc Luận cương Lênin bàn về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, đã từng kể trong những năm tháng bôn ba, chỉ thấy có dạo ở Mỹ nghe chừng dễ chịu hơn cả, bước ra đường người ta còn muốn chuyện trò với mình. Đã từng ghi vào tâm khảm câu nói hay của thổ dân da đỏ, “một người vì mọi người, mọi người vì một người” và đọc Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776, say mê luôn Thomas Jefferson, một chính khách lỗi lạc, cha đẻ của bản tuyên ngôn đó, khen ông này có nhân cách liêm chính, tầm mắt rộng, yêu con người.
Suốt bốn mươi năm hoạt động Thomas Jefferson đã từng ở các cương vị Chủ tịch Đảng Dân chủ, Thống đốc bang, Ngoại trưởng rồi Tổng thống. Ông từng để lại những câu nói nổi tiếng: minh triết cần phải lớn lên cùng quyền lực của chúng ta. Minh triết dạy chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực càng lớn!
Hồ Chí Minh ra đời sau Thomas Jefferson gần hai thế kỷ, ở hai miền xa lạ vậy mà cả hai đã cùng yêu, và đều là hiện thân của minh triết. Họ đã gặp nhau trong cách tiếp cận xem xét sự vật, lắng nghe được cả những tiếng gọi xa vời của thực tiễn, và cả hai đều nhún vai trước tất cả những gì gọi là giáo điều thô bạo, với đủ mọi biểu hiện thê thảm của nó và tất nhiên, sẵn sàng giẫm lên nó mà đi tới.
Còn có một điểm chung giữa họ nghĩ thật rất lạ lùng, cả hai người ấy sinh khác ngày nhưng lại đều biết chọn ngày Quốc khánh nước mình để qua đời.
Thomas Jefferson mất ngày 4 tháng 7 năm 1815 còn Hồ Chí Minh mất ngày 2 tháng 9 năm 1969. Một trùng hợp ngẫu nhiên không thể giải thích, chỉ có một điều không hề ngẫu nhiên, đấy là Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã trân trọng dẫn những lời hào sảng mang tinh thần nhân quyền cao mà Thomas Jefferson đã đưa vào Tuyên ngôn Độc lập Mỹ như một thông điệp gửi đến nhân loại.
*
Một lần tôi tạt vào làng Đường Lâm thăm nhà người bạn văn làm việc ở báo Văn nghệ, anh tên là Hà Nguyên Huyến. Hôm ấy anh Huyến đi đâu vắng, chỉ có người vợ nguyên là bà giáo giờ kiêm luôn cả công việc làm tương là đang ở nhà. Đường Lâm có hai sản phẩm nức tiếng đấy là bánh tẻ và tương. Trong căn nhà cổ năm gian treo bức hoành phi chữ đẹp, tôi ngắm chữ và hỏi, phải đọc thế nào đây? Chủ nhà mau mắn trả lời, đấy là ba chữ các cụ nhà em để lại, Cửu tắc trưng, nghĩa là chìm tất nổi.
Ngồi nhà anh Huyến hồi lâu tôi lại theo anh Phan Kế Hoàng, cháu nội cụ Phan Kế Toại, sang thăm ngôi nhà thờ của gia đình anh. Một nếp nhà nhỏ đồ đạc chẳng có gì đáng kể nhưng trên bức tường thanh bạch lại có treo một bức ảnh quý, cụ Hồ đứng với cụ Phan tay cầm tay cười vui lắm. Cả hai cùng mặc đại cán, tóc bạc phơ. Râu mép cụ Phan rậm, râu cụ Hồ ba chòm phơ phất. Nghe kể hai cụ đánh bạn với nhau từ thuở thơ dại trong kinh thành Huế. Tiếng cùng là con nhà quan mà lớn lên mỗi người một phận. Người làm đến Kinh lược xứ Bắc kỳ, người lại lang bạt phong trần, tứ cố vô thân, gia đình tan nát. Ngoài hai mươi tuổi cụ Phan đậu cử nhân Hán học, người Pháp đến nhà bảo anh tội gì vội ra làm quan, nên qua Paris học thêm mấy năm Cao đẳng hành chính rồi về cũng chưa muộn. Chuyến ấy cụ Phan cùng với cụ Phó bảng Bùi Kỷ ngồi trong khoang VIP con tàu khách lênh đênh trên biển, vừa ngắm trời ngắm nước vừa làm thơ. Còn chuyến đi của cụ Hồ qua bên đó là một con tàu cũ nát sắp đưa về cảng làm đống sắt bảo tàng, trên tàu cụ giữ chân phụ bếp, bỏ than. Một sáng kéo sọt khoai trên sàn tàu suýt bị sóng lôi xuống biển.
Vào mùa đông đầu tiên lên Việt Bắc kháng chiến, trên đường lội rừng đi họp Chính phủ, cụ Phan ôm khư khư trong tay một gói bọc giấy báo bên trong là cái chân giò sống được ngâm vào chum tương đủ một năm. Sau buổi họp cụ Phan mang cái bọc đó tới đặt nhẹ vào tay cụ Hồ nói khẽ bằng một câu tiếng Pháp, thưa cụ đây là quà năm mới bà nhà tôi làm nhờ tôi chuyển lên. Năm sau lại cuối đông, họp Chính phủ xong cụ Hồ đến bên cụ Phan ân cần hỏi, cũng bằng một câu tiếng Pháp, bà nhà dạo này có khỏe không thưa cụ, nhờ cụ nhắn giùm là cũng lại sắp Tết rồi, tôi vẫn có ý đợi quà của bà ấy.
Mới hiểu thế nào là Cửu tắc trưng. Hình như quy luật ấy đúng với mỗi người trong chúng ta chứ chẳng riêng gì ai.
Chìm nổi vốn là chuyện thường thấy với mỗi người cũng như với cả một dân tộc. Điều đáng nói là cần phải biết hy vọng, vững vàng niềm tin, vững vàng nghị lực để vượt lên, chìm mãi rồi có lúc cũng phải nổi.
Hà Nội, tháng 8/2013
(Văn nghệ số 35 – 35/2013- bản word của vanvn.net)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét