GIỖ Ở QUÊ

Nhoáy cái mẹ mình đi đã được 1 năm. Thứ 7 ngày 21/9 dương giỗ đầu mẹ. Vợ chồng mình về quê giỗ mẹ. Thực ra thì vợ chồng chú em lo hết, mình chỉ về cho... có về, huhu.



Ở quê, khi nhà có việc thì bà con anh em cắt cử nhau đến. Thường thì phụ nữ đến giúp nấu ăn, nam đến khiêng bàn ghế, dựng rạp. Giờ bàn ghế với rạp (nếu cần) thì thuê, người ta chở đến tận nhà, nên chỉ còn nấu ăn. Mà nấu ăn giờ cũng tiện, là có một số món đặt sẵn, đúng giờ người ta mang đến, mình chỉ việc bày ra mâm. Nhưng cũng có nhiều món nấu lấy, làm lấy...
Làm cỗ

Chờ cỗ

Buổi sáng ông em ruột phải đi dự một cái lễ hội khỏe phù đổng gì đấy nên làm giỗ buổi chiều. Từ tối hôm trước biết tin có ông anh ở xa- là tôi- về, bà con đã đến thăm, một số ôm theo... vịt. Người một cặp, người một con. Sáng sau đến giúp thì ôm tiếp nếu như tối trước chưa ôm đến. Đấy là vịt nuôi, đang nhởn nhơ bơi lội, béo mẫm, loại vịt lai vịt Bắc Kinh, rất ngon. Nhiều người về làng tôi ăn vịt đều khen là ngon một cách rất lạ. Nó không xác xơ như những con vịt cỏ màu xám bán hàng lồng trong chợ. Nó màu trắng điểm nâu, lông rất mượt, cổ to và dài, mình tròn lẳn. Trong thực đơn cỗ không có món vịt nên cô em dâu lên cầu cứu tôi: Anh xử lý lũ vịt ấy trưa nay đi, tiết canh nhé. Tài của bác thì hãi rồi. Huhu nhưng chiều giỗ, mời hơn chục mâm khách, trưa oánh phát tiết canh rồi ngủ luôn à? Thôi em làm thịt, nấu cháo ăn buổi trưa, ai có mặt làm thì ăn, ai không có mặt cũng điện thoại kêu họ tới, ăn nháp, hihi...

Đúng 12 giờ trưa thì mình và em trai làm lễ rước mẹ sang bàn thờ chung. Trước đó mình mẹ một bàn thờ ở gian bên, bàn thờ dựng ngay ở nơi mẹ nằm ngày xưa. Đủ năm thì mới rước sang bàn thờ chung. Em trai đã chuẩn bị khung ảnh chung cả ông và bà, nhưng bịt kín. Mấy đứa em họ đến đòi mở ra xem trước đều không được. Sau khi khấn thì mình bê bát hương qua, chú em trịnh trọng mở khung ảnh ra, 2 ông bà chung trong một khung, cái ảnh cũ cất vào tủ. Trong vòng 5 phút, nơi để cái bàn thờ cũ đã được kê vào 1 cái tủ. Thế là ông bà đã ngồi chung nhau trên bàn thờ. Tất nhiên trên mộ, 2 ông bà cũng nằm bên nhau ở một nơi cực đẹp, dốc thoai thoải, phía dưới là hồ nước, trước mặt là con đường...

Ở quê mình ăn gì cúng nấy, nên khi cúng bày tất cả những món sẽ ăn lên bàn, chứ không như mình cúng trên này, ăn là ăn cúng là cúng. Thường chỉ cúng xôi gà, còn các món khác chỉ dọn lên khi đã cúng xong, lúc ấy ngồi chén thôi.

Và cũng không chỉ bày cỗ cúng ở 1 bàn, mà có tới... 7 bàn. 2 mâm trên bàn thờ. 3 mâm trong nhà trên 3 cái bàn giăng ngang trước bàn thờ. 1 mâm ngoài hè và 1 mâm ngoài am (ngoài vườn).


Mọi việc lâu nay trong nhà toàn do ông em đảm nhiệm, giờ có mình về, nó giao cho mình, ấy là cúng, còn nó đứng cạnh phụ họa. Mình phải mặc áo chế, làm đúng thủ tục chứ không đứng vái vái mấy cái như lâu nay mình làm trên nhà mình. Nói của đáng tội, mấy năm trước thì nó phải nhắc từng động tác, nhưng lần này, mới đám tang mẹ nên còn nhớ, qùy lạy ngon ơ.



Cái lứa em mình, con các cô mình ấy giờ toàn đã lên lão cả rồi, mọi khi về ngồi với chúng. Giờ mình triệu tập các con chúng, sai 1 thằng cu giáo viên gọi mình bằng bác: Cháu triệu tập tất cả đứa nào gọi tao bằng bác, cậu (tức tôi là anh mẹ chúng) biết uống đến ngồi với bác một trận. Trận ấy chúng trẻ khỏe, mình lử đử lừ đừ...

Cu em mình có một tủ rượu. Nó không uống rượu nên mình tỏ vẻ... coi thường cái tủ ấy. Mấy lần về toàn uống bia hoặc nút lá chuối. Lần này nó buột miệng: anh uống rượu Tây không? bảo: rượu chú toàn rượu đểu, nhìn qua là biết. Nó bảo: bậy nào, toàn học trò cũ xách tay về tặng đấy. Huhu mình sáng mắt ngay. Cu em mình từng là hiệu trưởng trường cấp 3, có gần 30 năm gắn với cái trường cấp 3 ấy, học trò cả ngàn. Trước những năm 80 dân Huế vượt biên như... đi hội. Sau lứa thứ nhất vượt biên thì đến lứa H.O. Sau H.O thì là bảo lãnh, sau bão lãnh thì là du học... tất cả giờ thành Việt kiều yêu nước. Rất nhiều đứa học trò như thế khi về xách theo chai rượu biếu thầy. Ui da, mình có mắt như mù. Rượu  xách tay trước mắt mà không biết. Tội này đáng chém. Thế là mấy hôm ở nhà toàn tu rượu xách tay với đồ biển. Nó không uống rượu, chỉ uống bia, nhưng lần này chiều mình, nó cũng tu rượu như tu bia. Khi lên nó còn gói bỏ trong va ly cho 3 chai, hihi, chỉ còn thiếu mồi và bạn hiền...

Ăn cỗ quê vui lắm. Cơm mang lên đầu tiên. Xúc cơm và... ăn. Rồi mới uống. Thức ăn rất nhiều. Cỗ Huế rất nhiều món, toàn đơm vào đĩa nhỏ, gắp hết đĩa này, bỏ ra, lại lòi đĩa khác bên dưới, cứ thế tuần tự. Giờ cũng cải tiến, đơm vào đĩa to, mỗi món 2 đĩa, chứ ngày xưa có món đơm đến... 4 đĩa. Có lẽ nhờ ăn thế mà họ khỏe. Như mình ních bia đẫy bụng, chả ăn được gì, nửa đêm dậy anh ách nước, cứ lăn qua trở lại rồi... ân hận, lần sau không uống nữa...

Cỗ xong bác về, áo và khăn cởi ra cho vào túi, giương ô lên và hùng dũng tiến...

Phong tục là 3 năm mới xả tang. Giờ người ta tìm cách rút ngắn, ví như qua năm là một năm, nên tính tháng mới 3 tháng nhưng đã được tính là 2 năm rồi. Con gái mình tháng 12 này cưới. Cháu nội gái, hồi còn sống bà mong các cháu có vợ có chồng như gì. Ba mẹ mình đẻ có 2 ông con là mình và em mình. Mình đẻ 2 con gái. Ông em mình đẻ 2 thằng con trai, cao to ngời ngời. Ước vọng của cả 2 ông bà là đều muốn thấy cháu có gia đình, thế nhưng đến khi mất mà chúng vẫn cứ nồng nỗng. Hôm mẹ mình mất, cu bạn trai con gái- giờ là rể ấy, có về. Mình về xin ý kiến các bác, ông em và đều bảo là xả tang được rồi. Thế là sáng sớm hôm sau cả nhà lên mộ làm lễ xả tang. Mình xin xong hương cháy đùng đùng, điện thoại cho con gái nói bà không chỉ đồng ý mà còn hoan nghênh nhiệt liệt nữa, hihi...








Cháu trai út

Xả tang, thiêu quần áo chế sau khi đã làm lễ xin phép


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét