NHỮNG DẤU VẾT KHÔNG PHAI (TIẾP THEO)

Có thằng rắn rết nào đó comment gởi cho tôi một bài thơ tặng Trần Mạnh Hảo tác giả là ĐÔNG LA và cho biết đang lan truyền trên mạng. Xem chừng đang nổi tiếng, giờ “anh” Hảo lại giúp mình nổi thêm đây! Cám ơn “anh” Hảo nhé! Chuyện tôi từng làm thơ tặng THM hồi mới chập chững vào làng văn là có thực. Nhưng cụ thể thơ như thế nào thì tôi không còn nhớ. Nhưng xem giọng điệu bài này thì có thể đúng là của tôi thật. Rất cảm ơn “đồng chí” rắn rết nào đó nhé. Vì đọc bài thơ tôi lại nhớ về cả một trời kỷ niệm, tôi nhớ đến sự quan tâm của Chế Lan Viên, trong đó có chuyện bảo tôi “chơi” với TMH. TMH hồi đó thật đẹp, rồi cả Hoàng Hưng, Nguyễn Quốc Chánh nữa, v.v… Có thể tôi sẽ viết ngay, hoặc sau ít ngày, bài NHỚ TRẦM MẠNH HẢO, về cái thời đói rách, nghèo khổ, nhưng mọi thứ đều rất trong sáng, rất đẹp đó! “Anh” Hảo ráng đợi đọc nhé!

ĐÔNG LA

Gởi tác giả (ĐÔNG LA):
"Hiện tại mình đang giảng dạy tại trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật Tp.HCM. Trong chương trình cao học của mình tại ngành văn hóa học, trường ĐH KHXH & N Tp.HCM. Có học phần về Văn học văn hóa, qua thông tin với bạn bè & tham khảo tài liệu, mình được biết tác phẩm này của tác giả. Vì học phần tiểu luận cần làm phương pháp so sánh giữa những tác phẩm nên mình có chọn tác phẩm của anh & một số tác phẩm khác. ... Nhưng ở tác phẩm của anh, thật sự mình nhờ người kiếm & đã liên hệ thư viện Tp & nhờ cả bạn ở Hà Nội tìm nhưng cũng không có. Tuy tác phẩm không xa lắm, của NX Trẻ nhưng thật sự rất khó kiếm.
Mong anh giúp giùm, nếu những thông tin trên vẫn chưa đủ về mình, anh có thể hỏi giùm. Mình sẽ liên hệ, cám ơn anh đã hồi âm. Chúc anh sức khỏe & thành công"
Đó là cuốn NHỮNG DẤU VẾT KHÔNG PHAI (NXB TRẺ 1988, 1995) của tôi mà tôi đã giới thiệu trên blog này trước đây ít lâu. Hồi ấy cho anh Hoài Anh ở nhờ căn phòng ở khu tập thể, thấy ổng ra cuốn sách thiếu nhi Đầu Gió, mình mới "tức mình", có mấy ngày viết xong cả một cuốn sách. Không ngờ được điểm là bét-seo-lơ, có cô bé trong hội thảo ở thư viện ngoài Hà Nội bảo sao người ta lại có thể viết ra những câu chuyện hay quá như thế, cả nhà văn hàng đầu Nguyễn Khải cũng bảo đọc đi đọc lại, còn được lên ti vi cùng thằng Nguyễn Nhật Ánh nữa. Nay có dịp một bạn "xin" văn mình, xin giới thiệu thêm 2 truyện, ai thích thì coi, Võ Khánh Linh và Nhật Lệ nhớ vào coi xem cảnh quê có giống quê mình o nhé, cùng Hải Hưng mà. (ĐL)

ĐÔNG LA
TRẬN GIAO HỮU

Trong đời học sinh, có lẽ những ngày hè là những ngày hội vui nhất đối với lũ con trai chúng tôi. Những cánh đồng đầy cá, đầy cua chờ đợi chúng tôi. Chúng tôi sẽ dầm mình trong nắng lửa của trưa hè cho da đen sắt lại, cho tóc đỏ quạch, khét nắng. Chúng tôi sẽ trèo lên những cây cổ thụ sum sê cao tít, bắt những con chim, rồi nhốt chúng trong những chiếc lồng xinh đẹp. Và, kỳ diệu hơn tất cả là, trong nắng chiều vàng ruộm như mật, trên những bãi cỏ có dầy cỏ mật, cỏ chỉ, chúng tôi đá bóng. Những trái bóng cao su có ma lực kỳ lạ đã nhiều lần làm chúng tôi quên hết cả những lời dặn dò của thầy cô; tận đến năm học mới mà còn chưa thèm sờ tới sách vở.
Như tôi đã kể, trẻ con làng tôi thường đá bóng trên bãi Bố Rem. Nhưng ban đầu chúng tôi mới chỉ đá với nhau thôi, chứ chưa đá với các làng khác. Đến tận kỳ hè ấy, một lần, không hiểu thằng Công nó nói thế nào mà bọn trẻ con làng bên cạnh (quê ngoại nó) đã đồng ý đá với chúng tôi. Trong các trận đá bóng, tôi vốn nổi tiếng là chạy nhanh và lừa bóng khéo, nên luôn luôn được đá ở vị trí trung phong. Tôi chính là linh hồn của đội bóng trẻ con ở làng. Hôm ấy, chúng tôi đã quyết tâm với nhau là sẽ chiến thắng bằng được. Đá trên sân nhà mà thua thì ê mặt lắm.
Nhưng thật không may, đúng lúc chúng tôi chuẩn bị ra quân thì mẹ tôi ở trong bếp lại gọi:
- Huy ơi, vào trông cho mẹ nồi nước. Mẹ vào trong xóm lấy đạm về rắc lúa, người ta đã chia từ hồi nãy rồi đấy. Mẹ đi một tí là về ngay thôi.
Lấy đạm rắc lúa là một việc quan trọng, không coi bếp để cháy nhà cũng là điều hệ trọng không kém, nên tôi không thể không nghe lời mẹ. Tôi đành phụng phịu vào trong bếp. Mẹ tôi thường nấu cơm bằng cái bếp đốt vỏ trấu. Ngồi cạnh bếp lửa, tôi thấy lòng tôi cũng nóng như lửa đốt. Chắc bọn bạn lại chửi um lên vì thấy tôi chưa ra. Tôi bốc những nắm trấu ném vào ngọn lửa cho nó cháy đùng đùng. Nồi nước lại to chứ ! Mẹ tôi vừa đun nước uống vừa luộc rau mà. Khi nồi nước bắt đầu reo o o, chuẩn bị sôi, thì lũ bạn chợt ùa vào bếp, kêu la ỏm tỏi.
- Mày định bỏ chúng tao đấy à, Huy!
- Đào ngũ hay sao vậy mày !
- Ra sân thôi, Huy ơi ! …
Tôi nói với bọn nó là đợi một lát, nước sắp sôi rồi.
Khi nước sôi, tôi vội vàng lấy cái lót tay bắc nồi nước, đổ vào trà cho ông nội nhưng do hấp tấp tôi đã làm nồi nước đang sôi sùng sục đổ suốt từ đầu gối xuống bàn chân trái mình. Bọn bạn thấy vậy kêu lên:
- Thằng Huy bị bỏng !
Tôi vội chạy ra sân nói:
- Nhưng sao không thấy rát gì hết, chúng bay !
Tôi đã lầm. Mà cũng lạ thật ! Lúc đầu tôi không thấy rát một chút nào cả. Nhưng khi đến được đầu hè ngồi xuống, thì trời ơi, tôi thấy nóng rát vô cùng ! Một thằng bạn nói:
- Lấy nước cà muối đổ vào chân nó để không bị phồng. Tao thấy mẹ tao đã làm như thế.
Mấy thằng bạn liền chạy đi lấy thau, đổ hết nước vại cà nhà tôi ra, rồi nhúng chân tôi vào. Một thằng cầm ca dội từ đầu gối xuống. Quả thực, mỗi khi nước cà đổ vào chân, tôi có thấy đỡ rát hơn. Thằng bạn tôi lại ra lệnh tiếp:
- Dội nước cà như vậy là đủ rồi, chúng bay bê thùng gạo ra đây.
Bọn bạn ngạc nhiên, nhưng lúc khẩn cấp không thể bàn cãi được. Mấy thằng liền xộc vào buồng, gạo còn lại quá ít, mẹ tôi chưa xay giã. Chúng nó liền bê ra một thúng cám, rồi ấn chân tôi vào. Lúc này tôi thấy nóng rát không chịu nổi. Có lẽ do nước lạnh nên làm tôi đỡ rát hơn. Thường thường, tôi hay tỏ ra dũng cảm đối với lũ bạn. Nhưng lúc này thì tôi không tài nào tỏ ra dũng cảm được nữa. Tôi vừa khóc vừa suýt xoa kêu rên.
Mẹ tôi đi lấy đạm về, bà ngạc nhiên khi thấy lũ bạn xúm lại quanh tôi:
- Bọn bay làm cái trò gì thế ?
Nhưng khi đã hiểu ra, bà kêu lên:
- Trời ơi ! Làm sao lại để đến nông nỗi này hả con !
Thấy tôi kêu rát quá, bà cuống lên, không biết làm thế nào, bà đành lấy chiếc quạt nan quạt chân cho tôi. Tôi cũng cảm thấy đỡ rát vì quạt đã phả vào chân những luồng gió mát. Chợt mọi người vui mừng, khi thấy cha tôi từ ngoài ngõ xộc vào. Thằng Ngừng, nhà ở cạnh nhà tôi, đã nhanh chóng lấy xe đạp sang trạm y tế gọi ông về. Ông kêu lên:
- Sao chân con lại dính đầy cám thế này ?
Ông vào ngay trong bếp, bưng rổ trứng gà ra, đập lấy lòng trắng rồi vừa gạt lớp cám vừa xoa lên vết bỏng của tôi.
Đúng lúc đó, thằng Công, “nhà ngoại giao” của chúng tôi chạy vào, kêu lớn:
- Ra sân thôi chúng bay ! Bọn nó sang rồi…
Nhưng rồi nó im bặt. Một lát sau mới kêu lên:
- Ớ… Ờ… Sao thế Huy!... Sao…
Thế là trận giao hữu đầu tiên của chúng tôi đã không thành. Còn tôi thì suốt một tháng đầu của năm học mới không đi học được. Cái chân bị bỏng cứ mọng nước. Tôi luôn phải để chân gác lên một cái ghế, nếu không, máu dồn xuống làm vết thương đau tức không chịu được. Tôi phải bôi hết mấy ống thuốc mỡ đau mắt mới khỏi được.
Ít ngày sau đó, khi biết tôi bị bỏng, cô giáo chủ nhiệm lớp đã đến thăm. Gặp cô, tôi ân hận và ngượng vô cùng. Nhưng tôi chỉ thấy trong mắt cô ánh lên một niềm thương yêu, trìu mến.

KỲ THI TUYỂN

Câu chuyện trước tôi đã kể với các bạn là, đối với môn văn tôi chỉ được hai điểm mười (mà một lại do copy), nhưng với môn toán thì hầu hết các năm học phổ thông tôi đều đạt được điểm tổng kết tối đa. Thầy, cô và bạn bè đều cho tôi là có năng khiếu về toán. Đến lớp, tôi chỉ nghe qua lời thầy giảng, rồi về nhà đọc lại sách giáo khoa, thế là tôi có thể giải được nhiều bài tập hóc búa. Có khi trong lớp tôi cũng chẳng ghi chép gì hết, mà vở toán lại mang vẽ nào là xe tăng, nào là máy bay… rồi các ông tướng ngực đầy huân chương, cầu vai đầy sao nữa.
Tuy vậy, tôi vẫn không phải là thần đồng. Có lẽ, tôi có một chút thông minh gì đấy nên thường giải được những bài toán cần có sự suy luận, còn những bài đòi hỏi sự chịu khó, học thuộc các quy tắc dài dặc, thì có khi tôi lại không làm được. Chính vì vậy đã có một câu chuyện xảy ra làm tôi phải nhớ đời, nó như là một cái tát giáng thẳng vào lòng kiêu hãnh trẻ thơ của tôi.
Khoảng giữa năm học lớp 7, một hôm thầy Lộc dạy toán nói với tôi:
- Huy ạ, trên huyện sắp có kỳ thi tuyển học sinh giỏi toán để đi thi cấp tỉnh. Trước mắt trường ta cũng tổ chức thi để chọn lấy hai em đi thi huyện. Các thầy cô đều thấy em rất có triển vọng, nên em hãy chịu khó ôn tập đi.
Trước mặt thầy thì tôi vâng vâng dạ dạ, nhưng trong bụng thì lại cười thầm: “Mình mà phải thi đấu với mấy con bé cùng lớp và bọn thằng Huy lớp 7B hay sao?”. Thực tế, những đứa được coi là giỏi toán của lớp tôi vẫn thường phải nhờ tôi chỉ cho những bài khó.
Sau buổi đó, tôi thấy Lan, cô bạn cùng xóm, đêm nào cũng học khuya lắm. Cô bé cũng được chọn dự thi mà. Nhiều khi bí, Lan lại chạy sang hỏi tôi. Hứng lên thì tôi chỉ, không hứng thì thôi, có khi tôi lại còn diễu nữa chứ: “Hơi một tý là đã hỏi, thế mà cũng đòi đi thi học sinh giỏi !”. Mỗi lần tôi nói vậy, mặt cô bé lại đỏ dừ, tự ái, thế nhưng không bao giờ Lan giận mà vẫn đi hỏi bài tôi. Công nhận cô nàng chịu khó và kiên trì thật. Chứ không như tôi, vừa lười, lại vừa động một tý là cóc cần ngay. Lan kém tôi có mấy tháng tuổi mà trông đã ra dáng người lớn lắm. Bọn con trai chúng tôi thì lạ thật, đứa nào đứa nấy cao tồng ngồng mà trông lại cứ tồ tồ thế nào ấy. Dù có kiêu căng đến mấy, tôi cũng không thể không thừa nhận một sự thật là Lan rất chi là xinh! Da cô bé cứ trắng như trứng gà bóc, mái tóc thì đen ơi là đen, còn khuôn mặt trái xoan thì trông rất hiền dịu, duyên dáng. Không biết tôi có “để ý” đến cô nàng hay không mà đã biết đến từng cái áo của cô mặc: chiếc áo gụ may kiểu bà ba có hai cái túi bé tẹo ở hai vạt áo này, chiếc áo sơ mi màu xanh lá mạ này, rồi chiếc áo màu hồng nữa,… Lan mặc chiếc áo nào trông cũng đẹp… Mỗi lần được lũ bạn trai ngỗ ngược ghép đôi, tôi cũng thấy khoai khoái, nhưng trên nét mặt lại luôn tỏ ra là không thèm để ý tới. Mà hồi nhỏ, tôi cũng thích cái tài giỏi hơn cái đẹp thật.
Buổi tối trước hôm thi tuyển ở trường, tôi đi ngang qua nhà Lan thì thấy Lan chạy ra:
- Anh Huy, vào chỉ cho Lan phép khai phương đi ! Sao có bài Lan làm được, có bài lại không mới tức chứ !
Tôi từ chối:
- Thi học sinh giỏi không ai ra phép khai phương đâu, nó chỉ cần thuộc quy tắc là làm được, có gì mà phải thi. Chắc chắn là thầy phải ra những bài đòi hỏi sự suy luận.
Giằng co một lúc, Lan không thuyết phục được tôi, đành ấm ức vào nhà. Còn tôi thì cười hơ hớ, chạy đến nhà thằng Công. Nó đang ngồi khâu giày đá bóng. Thấy tôi, nó hỏi:
- Mai mày thi học sinh giỏi mà không học hành gì à?
Tôi mỉm cười:
- Thi với bọn con Lan, con Thu và mấy đứa lớp 7B mà mày bảo tao cũng phải học à ?
Sau đó, tôi rủ thằng Công và mấy đứa bạn khác nữa ra ruộng 5% nhà tôi cấu thóc nếp về làm cốm ăn. Cả buổi tối hôm ấy chúng tôi xì xụp xay, giã. Chúng nó nói là liên hoan để tiễn tôi đi thi giành giải Trạng Nguyên. Tôi cảm thấy tự hào vì luôn thấy mình được là nhân vật trung tâm của lũ bạn.
Sáng hôm sau tôi vênh vang vào phòng thi, không thèm để ý đến sự giận dỗi của cô bạn cùng xóm xinh đẹp. Chúng tôi có năm đứa dự thi là: Tôi, Lan, Thu và hai đứa lớp 7B. Trong đó chỉ được chọn hai đứa. Khi thầy Lộc chép đề thi lên bảng , tôi hoảng hốt khi thấy trong năm bài có một bài toán về phép khai phương: Khai căn một con số dài dằng dặc, thầy lại cho bài này cao điểm nhất nữa chứ! Khai phương không phải là loại toán khó đối với tôi, nhưng khổ nỗi, như các bạn biết đó, tôi lại không thuộc các quy tắc. Thế là đến tận lúc nộp bài, tôi chỉ làm hoàn thiện được có bốn bài. Tôi hỏi Lan thì được biết Lan cũng làm được bốn bài, nhưng trong đó có bài khai phương. Như vậy, chắc chắn điểm thi của Lan sẽ cao hơn tôi. Điệu này thì còn mặt mũi đâu mà gặp lại mọi người nữa cơ chứ !
Ngay sáng hôm sau thầy giáo đã công bố kết quả: Tôi và Lan đã được chọn đi thi huyện. Nhưng kết quả của tôi vẫn kém của Lan. Tôi ngượng đến chín cả mặt, khi thấy điểm cuả mình lại kém điểm một người bạn mà thường vẫn phải nhờ mình chỉ bài. Tơi chỉ muốn ẩn kín vào đâu đó để không phải gặp ai nữa. Nhưng không, ngay sau đó, thầy Lộc lại gọi tôi ra một chỗ và nói với tôi:
- Vừa rồi chính Lan đã nói với thầy về cách học tập của em, nên thầy đã ra một bài toán khai phương và tính điểm cao nhất. Thấy muốn em phải rút kinh nghiệm. Còn đối với Lan, em cũng đừng giận bạn ấy. Bạn ấy chỉ muốn em đạt kết quả tốt trong kỳ thi huyện sắp tới, nên mới hành động như thế. Để tiến cao, tiến sâu trong toán học, chỉ có sự thông minh thôi thì chưa đủ, mà còn phải chịu khó, phải kiên trì rèn luyện mới được.
Tôi ra về, trong lòng không còn một chút ngượng nghịu nào nữa mà chỉ thấy dâng lên một niềm cảm phục vô bờ đối với người bạn gái. Đúng thực, Lan không chỉ trưởng thành hơn tôi về dáng vẻ bề ngoài, mà trong suy nghĩ, Lan cũng chín chắn hơn tôi nhiều lắm.
Phú Nhuận
1986


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét