HÀ TÂY BÌNH ĐỊNH BAO XA

Hà Tây thì cứ là Hà Tây, nó hoành mọi nhẽ, bởi đấy là một vùng văn hóa, oách hơn cái thành phố trong sông nhiều, nhưng giờ nhiều người nhanh nhảu lắm, oạch phát thành Hà Nội, sửa ngay lý lich là Hà Nội dù cái giọng cất lên biết ngay Hà... nhì...

Mình tin là nếu ông Nguyễn Văn Chương còn sống, ổng vẫn hãnh diện ngẩng cao đầu: Tớ dân Hà Tây. Nhưng ông đi rồi, hôm qua đã chính thức về với đất, nằm tại Quy Nhơn, nơi ông đã thành nhà thơ.

Bài này mình viết khi ông Chương còn sống, tận năm 2008, ông ấy đã đọc và nhắn tin nói: Hùng ơi, mình... trả nhuận bút cho Hùng nhé, cho mình vui, mình gửi Hùng 500 được không? Thật thà đến thế là cùng. Tất nhiên là mình từ chối quyết liệt và ông cũng bỏ ý định ấy, hôm qua viếng ông xong, ngồi ăn trưa một lúc với anh em văn chương Bình Định, mình có kể chuyện này...

Mọi người đọc tí để biết thêm nhà thơ Nguyễn Văn Chương nhé.
--------

         
          Lâu lắm rồi, hôm ấy có một cái lễ hội gì đấy ở Pleiku, tôi đang lăng xăng chụp ảnh thì có một cái lưng to bè khoác áo mưa cứ chắn lổm nhổm trước mặt. Tôi ý tứ tránh hai ba lần nhưng đến lần thứ tư thứ năm gì đó thì tôi cáu, kéo áo, bảo ông phải cho người khác làm ăn với chứ- Thực ra thì tôi cũng chỉ chụp ảnh cho vui chứ làm ăn gì- cái lưng to bè quay lại nhoẻn cười, rút soạt cái card visite đưa tôi rồi lắc lư chụp tiếp. Trời ạ, name card mà... chia làm bốn ô. Trên cùng là cái tên Nguyễn Văn Chương, nhà thơ nhà báo, phía dưới chỉ còn tí hin đất được chia làm bốn ô ghi bốn tờ báo ông cộng tác. Tôi nhớ đâu như báo Tiền Phong, Tạp chí Lao động Công Đoàn và hai tờ nữa tôi quên. Thì ra ông này là Nguyễn Văn Chương, người mà tôi đã đọc trên báo khắp trong Nam ngoài Bắc với các bút danh Thôn Trang, Ngọc Hà, Ngọc Hải, Dao Inox... Ông còn một bút danh nữa là Thục Chương. Mãi sau mới biết, tiếp tục truyền thống đáng yêu hoành tráng của dòng nhà văn yêu... vợ, ông lấy tên Thục của vợ ghép vào tên mình thành ra cái bút danh nghe như thiếu nữ ấy.

          Hồi ấy tôi nghe anh em ở Quy Nhơn kể rằng, ông là người rất kỹ tính, viết và in ở rất nhiều báo nhưng đố mà báo nào "quên" được nhuận bút của ông. Ông có một cuốn sổ ghi rất kỹ bài nào gửi báo nào in số nào, nhuận bút bao nhiêu. Ông sống cần kiệm, sòng phẳng với phương châm "không nợ ai và cũng không để ai mắc nợ", vì vậy báo nào hay "quên" nhuận bút là ông viết thư đòi bằng được. Nghe rồi mỉm cười và cũng thấy hơi xôn xốn. Đấy là cái hồi bao cấp, nhuận bút như bèo, nhiều tờ báo coi việc cộng tác viên được in là vinh dự tự hào rồi, nhuận bút nhuận bẹo gì. Sau này khi báo chí phát triển thì té ra cái việc riết róng nhuận bút của ông Chương lại là tiên phong. Tôi bây giờ cũng... đố báo nào quên gửi nhuận bút. Bằng nhiều cách đòi bằng được, cách cuối cùng là... mua vé máy bay ra tòa soạn nhận. Nhắc chuyện ấy để kể chuyện này, ấy là cái hồi Hội Văn nghệ chỗ tôi làm đói quá, ông sếp tôi, nguyên là giám đốc sở Văn hóa, bảo: Mày kiếm mấy cái bản thảo, tao xuống Nghĩa Bình (hồi này đang còn Nghĩa Bình) xin giấy phép rồi vào Sài Gòn in (thực chất là bán giấy phép) lấy tiền làm quỹ cho cơ quan. Giám đốc sở ấy thân tao. Tôi kiếm hai cuốn sách dịch rồi đi cùng ông xuống Quy Nhơn. Được đãi cơm rượu rồi ông giám đốc văn hóa Nghĩa Bình giao hai ông cán bộ phòng văn nghệ là ông Chương và ông Hà Giao đọc thẩm định. Thường thì phải cả tuần, thế nhưng tôi tìm ông Chương và cả ông Hà Giao bảo: Bác phiên phiến giúp em, ở đây ngày nào em chết ngày ấy (vì tốn tiền). Chỉ trong một đêm hai cuốn sách đánh máy lem nhem trên giấy pơ luya mỏng dính, mỗi cuốn ba bốn trăm trang đã được đọc xong và nhận xét tốt, in được. Hai cuốn sách sau đó được... bán và có lãi. Tôi và ông sếp của tôi làm hai cái phong bì nhờ một nhà thơ trẻ chuyển cho hai ông, đấy là tiền biên tập, tên hai ông đều ghi sau cuốn sách.. Sau này tôi được biết  là nhà thơ trẻ ấy đã... tiêu hộ khoản tiền ấy mà không đưa và cũng không nói gì với hai ông. Chuyện này tôi chưa bao giờ kể với ông Chương và ông cũng không bao giờ hỏi, nhưng thi thoảng vẫn nhói lên cái cảm giác nhồn nhột, giống như mình quỵt của ông cái gì?...

Sinh ở làng Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thuộc vùng trũng sâu nhất tỉnh Hà Tây, chỉ cấy được 1 vụ chiêm nên làng xóm quanh năm thiếu đói. Nhưng bây giờ thì cái làng nghèo đói của ông ấy đã trở thành thủ đô hoành tráng rồi. Nó góp cho thủ đô Hà Nội một nét của đời sống dân dã với ao chuôm phân gio, trâu bò lợn gà bếp tranh lửa rạ khói lam chiều (khi tôi viết bài này thì mấy báo đưa tin: Chủ tịch thành phố Hà Nội đi thăm mấy xã mới nhập về Hà Nội, trong đấy có xã chưa có... điện và ông quyết đến tháng 10 phải có điện cho bà con ra người thủ đô, có xã chỉ có 50 hộ có máy điện thoại cố định. Ôi Hà Nội của ta...)... Có người hài hước bảo: thế mới xứng đáng là thủ đô của cả nước, chứ nếu Hà Nội như cũ thì chỉ đại diện cho dân thành phố ăn trắng mặc trơn thôi?

Lên 7 tuổi Nguyễn Văn Chương mồ côi cha. 12 tuổi mồ côi mẹ, phải đi làm con nuôi ở thị xã Hà Đông. Năm 1954 được mẹ đón về quê đi học, đến khi mẹ chết phải bỏ học 2 năm vì gia đình quá khó khăn. Đến năm học 1960-1961 đi học trở lại, nhưng vào cấp II (lớp 5) bị quá 2 tuổi, phải chữa lại từ sinh 1943 thành 1945 mới được học (vì số 3 chữa thành số 5 dễ hơn số khác). Tháng 6-1963, sau khi tốt nghiệp cấp II thì đi bộ đội. Khi học cấp II đã tập làm thơ, viết ca dao, viết báo in ở báo Tia Sáng của tỉnh và Ty Văn Hóa Hà Đông. Lớp 6, lớp 7 có thơ in ở báo Thiếu Niên Tiền Phong, báo Người Giáo Viên Nhân Dân (nay là Giáo Dục & Thời Đại). Là học sinh giỏi văn, đạt giải khuyến khích của tỉnh Hà Đông (năm học 1962-1963). Trước khi nhập ngũ đã "bợ" giải 3 cuộc thi thơ về đề tài trồng cây của tỉnh Hà Đông, do nhà thơ Trần Lê Văn làm chánh chủ khảo.

Thích đi bộ đội và theo con đường văn học là do tác động của những tác phẩm in trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Ông anh cả giữ thư viện của viện quân y 108, chủ nhật về thăm nhà, mang cho các em mấy cuốn tạp chí VNQĐ, đọc và thấy "mê" cuộc sống quân ngũ, mê văn chương, háo hức nhập ngũ. Vào bộ đội tiếp tục viết báo, làm thơ. Những năm 1964 - 1975 thường xuất hiện thơ, ca dao, bài báo trên báo QĐND, tạp chí VNQĐ và một số báo chí khác.

Sau đấy những bài thơ viết trong thời này được in chung 5 tác giả ở NXB QĐND năm 1985, tập "Nơi ta có mặt" (gồm Phạm Đức, Nguyễn Văn Chương, Trần Việt Dũng, Phan Cung Việt, Trần Trung Hiếu), cũng là lúc kết thúc khoá 2 Trường Viết Văn Nguyễn Du, mở ra một thời Nguyễn Văn Chương "mới".

Ở khoá 2 này, bạn bè đồng môn có Nguyễn Trác, Y Phương, Hà Đình Cẩn, Phùng Khắc Bắc, Kim Chuông, Nguyễn Thanh Kim, Trần Quang Quí, Văn Chinh, Lê Hoài Nam, Hoàng Phương Nhâm, Nguyễn Lập Em... Nguyễn Văn Chương là một trong số không nhiều những học viên một buổi học, còn một buổi đạp xe đến các báo "rải" bài vở, ăn học nhờ ngòi bút của mình. Cho đến bây giờ, Nguyễn Văn Chương cũng là người nổi tiếng với việc đi... bán sách. Sách in ra, ông chất lên xe máy, và... hành. Phải nói trong số các nhà thơ hiện nay, trừ Tạ Văn Sĩ là tay xe ôm chuyên nghiệp, Nguyễn Văn Chương là một tay xe máy đáng nể. Quy Nhơn Pleiku 200 cây số mà ông đi như đi chợ. Cứ thấy ông xuất hiện ở phòng tôi là tôi chào ngay: Bác lại mới in sách ạ? Chúc mừng bác. Mà nào có đi mình Pleiku. Ông còn đi Kon Tum, Đăk Lăk, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng... Có chuyến đi kéo dài hàng chục ngày, hết sách mới về. Về lại đóng gói sách đi tiếp. Nhiều cơ quan treo biển "Không tiếp người bán sách dạo" vì bị số người bán sách dạo, bán theo thư tay, theo giấy giới thiệu hành nhiều quá, ông vẫn cứ vào, vì "Tôi có bán sách dạo đâu, tôi bán tác phẩm của tôi mà". Phần lớn là ông vào thì người ta mua, chỗ ít một hai cuốn, chỗ nhiều mươi cuốn. Cái cuốn "Thơ Nguyễn Văn Chương" mà ông mới ra như sự sơ kết đời thơ in 800 cuốn, dầy 328 trang nặng trịch ông cũng đang đi bán như thế, và cũng sắp hết rồi. Ông bán giỏi đến mức, cô hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Đăk Đoa tỉnh Gia Lai đầu tiên không muốn mua, sau mua một cuốn và trước khi ông đứng dậy bắt tay thì... "Bác là nhà thơ mà phải tự đi bán thơ của mình, thương quá... Thôi em mua thêm cho bác cuốn nữa". Bán giỏi đến mức mà Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, nơi toàn người có sách bán (ế) cũng... mua hai cuốn. Ông cứ đi trên đường, thấy có cơ quan công sở là vào. Đi nhiều đến mức ông quen các nhà nghỉ, xin vào ở không mất tiền. Kể từ tập "Đêm huyền diệu" in năm 1988 đến tập "Thơ Nguyễn Văn Chương" năm 2008 là 9 tập ông phải... tự đi phát hành. Nhờ làm báo đi nhiều quen nhiều nên tập thơ nào cũng bán hết và có... lãi. "Đêm huyền diệu" in đến 5.000 cuốn. "Lục bát yêu" 2.000 cuốn nhưng bây giờ cũng chỉ còn 1-2 cuốn lưu. Đi bán thơ cũng lắm chuyện bi hài. Có ông giám đốc sẵn sàng mua 20 cuốn, 30 cuốn hỗ trợ nhà thơ (nhưng tôi đã gặp có những ông giám đốc mua cả bó thơ như thế xong bỏ nguyên trên nóc tủ. Hy vọng ông Chương không phải chịu cảnh như thế). Có ông mân mê cuốn sách mãi rồi móc tiền
túi mua một cuốn "Chả nhẽ anh đã đến tận đây...". Có ông thì lắc đầu "Dạo này công ty làm ăn thua lỗ, công nhân đói quá, anh thông cảm". Có ông vừa làm chủ tịch HĐQT vừa làm TGĐ công ty lớn mà cầm cuốn sách một lúc rồi bảo để hội ý lãnh đạo, xin ý kiến tập thể đã, làm như chi bạc tỉ không bằng. Thế là sách đã không bán được lại còn bị... mất toi một cuốn. Có ông hiệu trưởng một trường chuyên hệ phổ thông trung học thì hỏi một câu rất... hồn nhiên :"Mua thơ để làm gì?". Có ông thơ không mua nhưng lại mời nhà thơ đi...nhậu, vì "Mua thơ không thanh toán được, nhưng nhậu thì thanh toán cho...tiếp khách". Có người mua thơ, hồ hởi nắm chặt tay tác giả: Đọc anh đã lâu mà bây giờ mới được gặp... Tuy vất vả nhưng ông ông hể hả với những cú bắt tay như thế lắm...

 Tôi cứ ngẩn người ra mà xem và nghe ông kể chuyện đi bán sách. Bản thân tôi cũng có sách nhưng chưa bao giờ đủ can đảm đi bán như thế, thường chỉ gửi ra hiệu sách, có khi bán xong rồi chỉ đi lấy tiền mà cũng ngại. Lấy nhuận bút thì nhanh mà sao đi lấy tiền bán sách cứ ngài ngại thế nào?...

Lại nói chuyện đi, ngoài đi lẻ một mình (để bán sách), ông còn thích đi thực tế sáng tác cùng nhà thơ Từ Quốc Hoài. Hai người thường đi một xe máy (ngày xưa là xe cup, còn bây giờ là dream) từ Qui Nhơn ra Đà Nẵng, Huế ; từ Qui Nhơn lên Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắc. Năm 1995, cùng Từ Quốc Hoài phóng xe ra Huế và Nguyễn Văn Chương có 2 câu thơ nhiều người thích :"Mùa xuân tím biếc mùa xuân Huế/ Áo trắng qua cầu áo trắng bay".

Năm 1997, hai người lại đi xe máy, thay nhau cầm lái lên Tây Nguyên. Đang đi qua thị trấn Mang Yang thì bỗng nhiên cả xe và người lăn quay ra giữa đường. May buổi trưa, đường vắng xe cộ nhưng quần áo thì rách toạc, chân tay ròng ròng máu. Nguyễn Văn Chương cầm lái, thả hồn thơ thế nào đi chệch ra mép đường mới đổ nhựa lại, chênh nhau đến cả gang tay nên ngã. Đau, Nguyễn Văn Chương toan quay xe về nhưng Từ Quốc Hoài động viên và thay lái lại đi tiếp. Vào báo Gia Lai, mấy cô nhân viên trẻ của báo xuýt xoa thương các nhà thơ, vội lấy bông băng lau rửa vết thương và băng bó cho. Đến hội Văn Nghệ đúng lúc hội đang tổng kết, thế là hai ông lấm láp và băng bó được mời làm thượng khách, cũng kính thưa kính gửi rồi... nhậu. Thế mà rồi đi tiếp lên đến tận rừng Yok Đôn gặp gỡ Ama Kông, bà Elidabet Kemf để viết được hai bài thơ "Tiếng tù và săn voi" và "Bà Tây ở Yok Đôn"... Và còn nhiều chuyến đi nữa...

Quả là với tuổi ấy, sức ấy mà ông còn đi như thế thì đáng nể thật. Lứa trẻ hoặc là lứa như tôi bây giờ, cũng đi nhiều, nhưng phần lớn là chủ động mọi mặt, rủng rỉnh tiền nong đủ để thuê chỗ ở thì mới dám đi, và chủ yếu đi ô tô, chứ không "giang hồ" được như ông. Mới hôm kia, đi bán tập "Thơ Nguyễn Văn Chương", ông ngồi chỗ tôi một lúc rồi bảo: "Cái chỗ  nhà khách nó hay cho mình ngủ nhờ giờ bận rồi, chưa có chỗ nghỉ đây". Tôi vừa ngạc nhiên vừa thương ông. Nhà tôi ngày xưa thường xuyên có bạn bè văn chương báo chí đến ăn ngủ như một câu lạc bộ, nhưng dăm bảy năm nay bói không ra một mống, vì bây giờ họ đến khách sạn, ổn định xong xuôi mới gọi tôi, nhưng là gọi... đi nhậu ngoài quán chứ cương quyết không về nhà hành vợ con. Tôi bảo em chỉ cho bác một nhà khách cũng rẻ tiền, đến đấy mà nghỉ, ông ngồi im chả nói gì. Tôi cũng định mời ông về nhà mình nghỉ như ngày xưa nhưng lại sợ ông ngại (mà cũng có thể là tôi ngại), nên thôi... Sau mới biết ngay chiều ấy ông phóng xe về Quy Nhơn luôn, vì thơ đã bán hết, ở lại chả làm gì, ông không thích đàn đúm, không quen nhậu và cũng đang cao huyết áp, phải kiêng bia rượu...

Đến nay, Nguyễn Văn Chương đã có 9 tập thơ in riêng. Đáng chú ý là "Cỏ biếc" (Hội Nhà Văn, 1991), "Đoản khúc"(Văn hóa thông tin, 1995) "Lắng nghe nhịp sống" (Lao Động, 1996), "Cõi người" (Hội Nhà văn, 1999), "Đánh thức ban mai" (Hội Nhà văn, 2006) đến "Thơ Nguyễn Văn Chương" (Văn học, 2008) coi như "tổng kết" chặng đường thơ.

Viết cho thiếu nhi cũng là một đóng góp đáng kể của ông. Các tập thơ "Cây chăm làm" (Giáo Dục, 1998), "Hoa cúc quì" (Giáo Dục, 1999), "Tiếng gọi vịt" (Giáo Dục, 2000)... Các tập truyện "Hoa mai đỏ" (Kim Đồng, 2001), "Quà của bà" (Kim Đồng, 2003), "Tai dài tai bé" (Kim Đồng, 2006), "Phép lạ" (Giáo Dục, 2007) cùng nhiều tập thơ tranh, truyện tranh được NXB Giáo Dục tái bản nhiều lần.

Trường ca "Làng" của Nguyễn Văn Chương viết từ 1983, 20 năm sau, 2003 mới xuất hiện ở NXB QĐND. Đây là trường ca hơn 1200 câu thơ viết về cuộc chiến đấu ác liệt chống Mỹ của nhân dân xã Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) nơi liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm công tác và hy sinh. Trường ca được dư luận đánh giá là một thành công của tác giả, đạt giải B giải thưởng VHNT Đào Tấn - Xuân Diệu của UBND tỉnh Bình Định 5 năm lần thứ 3 ( 2001-2005) cùng một giải B nữa cho tập truyện "Hoa mai đỏ".

Văn xuôi ông còn có "Cảm nhận dọc hành trình" (tiểu luận, NXB Đà Nẵng, 2003), "Chuyện làng văn" (Thanh Niên, 2005).

Tập ký và truyện ngắn "Tia nắng cuối ngày" của ông đang được Nxb QĐND in, gồm 6 tuỳ bút, bút ký, truyện ký và hơn 20 truyện ngắn viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng cuộc sống hòa bình. Quả thật là chưa cần biết hay dở thế nào, chỉ nguyên việc liệt kê hết tên các tác phẩm của ông đã thấy nể phục rồi. Bằng con đường "tự sản tự tiêu" ông sống khá ổn bằng ngòi bút của mình.

Các nhà văn người Miền Bắc sống và sáng tác ở miền Trung cũng nhiều, nhưng có hai người đặc biệt, ấy là nhà văn Nguyễn Quang Hà ở Huế và Nguyễn Văn Chương ở Quy Nhơn. Hai ông này, một ông Bắc Ninh và một ông ở Hà Tây (à Hà Nội!) lọt vào hai vùng đất đầy bản sắc (ít nhất là về giọng nói) và nhận nơi ấy làm quê thứ hai của mình. Tức là số phận gắn các ông với vùng đất ấy và biến các ông thành người ở đấy, để nếu không tiếp xúc nghe các ông nói thì luôn nghĩ là các ông người Huế và Quy Nhơn.

Thì cứ thử hỏi người đọc mà xem, xứ thi ca Quy Nhơn hiện nay có những nhà văn nào, họ nhắc ngay : Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Lệ Thu, Lê Văn Ngăn, Văn Trọng Hùng, Mai Thìn, Lê Hoài Lương... và nguyễn Văn Chương...

Làm một nhà văn, hạnh phúc chính là điều ấy...

                                                                      V. C. H
Cùng các bạn Văn Quy Nhơn viếng anh Chương



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét