Năm nay mùa đông kéo dài và rét hơn mọi năm. Gió tơi bời quật vào đêm, quật tơi tả những buổi chiều xám chì nặng nề như trôi rất chậm. Sương giăng như nước mắt đèn đường và ở núi xa, nó như dao sắc, như những ký ức mịt mù lan toả trong một buổi chiều dồn tụ những nỗi niềm, những hồi vọng và lớp lớp trùng trùng kỷ niệm...
Mùa đông ba và con |
Thuở ấy, hoa bèo tím như mắt người con gái bên kia bờ dậu. Mùa đông dài như hàng mi cong ngợp của em. Lũ con trai lộc ngộc chúng tôi đi chặt những cành cây có tổ kiến để đốt. Bọn kiến đen làm tổ bằng phân bò nên đốt cháy âm ỉ rất lâu. Cứ kéo những cành cây nghi ngút khói như thế trên đường đi học, vừa để sưởi, vừa nhặt trứng kiến ăn và cũng là một trò nghịch của tuổi học trò. Tôi nhóm cho em một cành vì phát hiện em chỉ mặc mỗi một chiếc áo gụ nâu cổ tròn. Da cứ hồng lên nhưng môi thì tái ngắt và dáng thì co ro đến phát tội. Mong manh và liêu xiêu trên bờ đê đẫm gió, em trở thành ám ảnh của tôi về mùa đông và mỗi khi cái lạnh tràn về. Vào miền Nam sống, mùa đông xứ Bắc lùi dần vào ký ức. Những cơn rét Tây Nguyên không giống như rét Bắc. Rét Tây Nguyên nồng hơn, nhưng lại mỏng mảnh hơn bởi một ngày nó có tới 4 mùa. Rét Bắc thăm thẳm miên man hơn, sâu hơn và có vẻ có đất để "tâm trạng" hơn, lãng mạn hơn dù nó cũng khắc nghiệt hơn nhiều.
Thế mà bây giờ, Gialai đã gần noel mà những cơn lạnh vẫn còn vương rất đặc trưng rét bắc. Căm căm và hun hút, ngọt và sắc, lạnh đến héo gan cắt ruột nhưng lại rất muốn khăn ấm áo lạnh lênh khênh ngược gió, để mà run, mà cảm, mà thương cái cây xoan già đang mốc meo trong một mùa đông khốc liệt. Thực ra trông xoan già xù xì thế nhưng nó đang ấp ủ những mầm những măng những non tơ để chuẩn bị bung ra ngỡ ngàng cái màu tím rưng rưng xa xót đến miên man đến ngây dại để cho con người khắc khoải trong những hồi tưởng dịu ngọt của những ngày cuối đông mà tràn đầy gió. Ở đó, quê nhà đau đáu hoài cảm với rặng tre, giếng nước, cây đa đầu làng, và những rặng hoa cải vàng run rẩy chạy dọc triền đê... Ở đó, những mẻ ngô rang, bỏng rang, những củ khoai củ sắn vùi trong tro, những cái miệng nhọ nhem, những bàn tay rụt rè run bắn khi bốc ngô cho nhau vô tình chạm vào nhau mà rồi cứ bâng khuâng mãi khiến những buổi chiều đông tái ngắt huy hoàng như cổ tích thổn thức đi theo ta đến hết cuộc đời...
Rồi mỗi người mỗi ngả. Em đã mãi mãi nằm lại ở một nơi nào đó trong thăm thẳm đại ngàn Trường Sơn kia. Em nằm xuống khi đang khoác trên mình bộ quần áo thanh niên xung phong và đang bỏ dở năm học cuối cấp với lời hẹn "Bao giờ hết giặc về em học tiếp". Tôi cũng chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai của mình. Công việc bộn bề, nhưng cứ mỗi khi đông về, mỗi khi gió tơi bời quật vào chiều, tôi lại như tê đi trong một nỗi buồn vô cớ. Mà cũng chả vô cớ đâu. Không ai có thể dửng dưng với tuổi thơ của mình, mà tuổi thơ nào cũng đầy dịu ngọt và cũng khốc liệt. Thế nên cái dáng liêu xiêu mỏng manh đến thắt ruột kia cứ ám ảnh tôi đến thế. Và cả cái màu vàng màu tím ngu ngơ thuở ấy cũng cứ dằng dặc theo tôi suốt mấy chục năm trường. Và cái tin em vẫn còn nằm đâu đó giữa rừng Trường Sơn kia, không gương không lược, không bồ kết, không tiếng cười, không những buổi chiều hun hút gió quê nhà, có chăng chỉ còn miên man hoa dại an ủi em trong những ngày đông tê người này khiến tôi cứ nhon nhót như người có lỗi, khiến tôi không yên khi bất chợt bình yên ngắm hoa quỳ dại mà tưởng về những vồng hoa cải triền sông và cái áo nâu cổ tròn thuở ấy...
Mùa đông, không chỉ là mùa đông, nó còn là ký ức, là cả những dịu ngọt và khổ đau một thời, và trong ấy có cả tuổi mười tám của em, mãi mãi tuổi mười tám...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét