Mình làm bài thơ "Gặp Huế trên Cao Nguyên" là từ một buổi chiều đang lững thững trên đường, bỗng đột ngột hiện ra một tà áo dài trắng, một mái tóc thả ngang lưng, và tiếng guốc cập kênh trên đường. Thời này cả nước đói, Pleiku đói hơn. Các lề đường được lật tung để trồng khoai lang, susu chống đói. Áo dài được sửa thành áo cụt để mặc, gội đầu bằng xà phòng 72 của Liên Xô... thế mà lại có một cái áo dài trắng phất phơ như thế. Tôi lập cập đi theo, cứ nửa nhởn nhớ nửa lập cập, và đích là... nhà thờ Thăng Thiên. Về cứ thẫn thờ không ngủ, rồi gần sáng vùng dậy viết, thay cái cô gái đi nhà thờ ấy thành một cô giáo người Huế, thành bài thơ.
Nhưng mình không nói về bài thơ ấy, ai thích đọc nó, vào hỏi cụ Gúc, "Gặp Huế trên cao nguyên- Văn Công Hùng", chắc có đấy.
Mà mình nói về cái chiến dịch triệt hạ cây xanh đường phố để... mở đường.
Ví dụ con đường đẹp nhất Pleiku là đường Trần Hưng Đạo, người ta mở rộng nó bằng cách chặt hết hàng cây cổ thụ hàng trăm năm giao tán, thay vì giữ nguyên, mở thêm một con đường phía bên các công sở nhà nước, vừa giữ được cả 2 hàng cây, vừa không phải đền bù vì toàn bộ bên kia là cơ quan nhà nước. Nhưng người ta lại chọn phương án chặt cây để mở cả 2 phía đường, và sau đó thì trồng... bàng thay thế. Con đường đẹp thứ nhì là đường Lê Lợi cũng cùng chung số phận. Con đường này còn có những thảm thông cổ thụ, người ta phá đi để cấp đất xây nhà, kiểu nhà ống 15 mét chiều dài, 4,5 mét chiều rộng, như đồng phục thế...
Pleiku thời chưa chặt cây |
Hồi ấy có lần mình đi công tác, ở cùng một bác lãnh đạo thành phố. Mình chứng kiến ông này đi... tè, và khi vào tè thì cái xí bệt nhưng bác cứ để nguyên cái nắp giữa mà đứng tương vào, nước của bác ấy vàng khè văng tung tóe lên nắp và hình dung một em xinh đẹp nào đấy lại... ngồi vào đấy. Về mình nói với bạn bè, nếu có quyền, tao sẽ chọn lãnh đạo thành phố, trước hết là phải biết ị biết đái một cách văn minh và vệ sinh. Chứ đây các bác mang phong thái nếp sống kiểu cách sinh hoạt nông thôn áp vào thành phố là toi thanh phố rồi, là lôi thành phố thành nông thôn rồi, mang cách tắm ao ỉa ruộng lên thành phố là xong rồi...
Mình xót hơn ghẻ gặp nước muối khi chứng kiến những hàng cổ thụ đẹp thế bị chặt. Nhưng thấp cổ bé họng, biết nói vào đâu, với ai, bèn làm... thơ. Bài thơ tên là "Gửi những cây thông thời quá khứ", đến giờ không nhớ hết nữa, vì viết tay nên đã thất lạc, kể chịu khó tìm thì cũng ra, nhưng giữa hàng vạn số báo, biết nó ở số nào. Hồi ấy mình đang cộng tác ruột cho bản tin Ngân hàng Gia Lai, hàng tháng có thêm khoản phụ lương từ tờ này. Ông giám đốc kiêm tổng biên tập rất thân. Thằng biên tập chính thì cật ruột. Nó rất khoái bài thơ của mình, bảo để tôi in. Nhưng tay giám đốc TBT kia tưởng lơ mơ nhưng y tinh lắm, y gọi cho mình: sợ thì tao chả sợ, nhưng chủ tịch tỉnh mới lên, in bài này như mắng lão à, thôi mày gửi đi đâu đi, tao xin lỗi vì không in được. Không in bài này như một cách tao ủng hộ ông ấy làm việc.
Xin cảm ơn thành phố có em |
Mình lại gửi cho... Báo Gia Lai dù trong bụng vẫn nghĩ nó sẽ không dám in. Cái thời này kinh lắm, hở ra tí là ăn đòn, là kêu lên gọi xuống. Thế mà không ngờ, báo GL in. Thế mới oách, dù nó nằm khiêm tốn ở 1 góc rất nhỏ, ai không để ý sẽ không thấy. Đại loại bài thơ nói về những cây thông cổ thụ, đã hàng trăm năm chứng kiến vật đổi sao giời, nhưng giờ vì sự tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc để bằng... miền xuôi mà nó đành hy sinh, đành để cho ai đến Pleiku giờ chỉ còn thấy thông trong quá khứ, và bài thơ này cũng là 1 bức thư gửi những cây thông thời quá khứ, thời Pleiku từng có thông. Nhớ mỗi câu cuối rất đểu: "để thị xã mình tiến kịp miền xuôi". Nghe nói sau đó báo này bị chủ tịch gọi điện. Ông chủ tịch này, sau, trong một vụ khác, kêu mình lên trước rất nhiều quan chức khác tại phòng làm việc của ông ấy hỏi mình học lớp mấy, trong khi mình đang rất tự hào là hồi ấy, mình trong số hiếm hoi người tốt nghiệp đại học chính quy lên đây. Mình đã không run sợ mà nói ngay: thưa anh đủ chữ để làm việc. Thằng bạn mình cục phó cục thống kê có mặt hôm ấy ra ngoài cứ thì thào: mày gan thế, nguy rồi đấy Hùng ơi (chuyện này mình sẽ kể sau, ở cà kê khác).
Con dốc đổ cồn cào nỗi nhớ/ Dáng Huế trong em phố núi sau mưa- Gặp Huế trên cao nguyên |
Bây giờ về cơ bản Pleiku đã gần hết cây cổ thụ. Người ta liên tục trồng cây rồi thay cây, tức chặt bỏ cây đã trồng, có khi đã được chục năm, trồng cây mới. Hiện tại thấy trồng nhiều cây Viết, không biết có phải loại cuối cùng được trồng hay lại một bác nào đó, một hôm cao hứng nào đó, lại lệnh nhổ đi trồng cây khác...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét