VŨ ĐẠI CA...

Bận quá, chuyện con cái thôi, nên đêm nay mới tịnh tâm ngồi nhớ về ông, một người mà tôi kính trọng. Ông là cụ Vũ Ngọc Liễn, ngoài đời tôi gọi bằng chú,có lúc cơn liều lên, tôi gọi bằng anh...

Năm 1994 của thế kỷ trước, tôi gặp ông lần đầu tiên. Hồi ấy tôi xuống Quy Nhơn đi cùng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng ra Hà Nội dự hội nghị văn trẻ lần thứ 4. Mừng dẫn tôi đến gặp ông. Ngồi uống với nhau mấy ly ông bảo: Mày nhà thơ mà tao chưa bao giờ biết tên tức là... không nổi tiếng. Chắc là vì ở Tây Nguyên nên họ ưu tiên, chứ thằng Mừng đây, nó là thi sĩ thứ thiệt, là người rất xứng đáng để đi... Lạ là nghe một người lần đầu gặp nói một cách phũ như thế mà tôi hoàn toàn không tự ái, chỉ cười.

Nhưng từ ấy thì tôi quan tâm đến cái tên Vũ Ngọc Liễn, cái tên mà cũng thú thật là trước đấy tôi chưa biết, bởi ông là nhà "tuồng học" mà tôi thì rất ngu về tuồng. Cũng như thế, tôi chơi với ông Văn Trọng Hùng, cũng là 1 tác giả kịch bản tuồng nổi tiếng, nhưng vẫn mù tịt về tuồng.

Quan tâm thì mới biết ông là một người chơi rất đáng nể, và được anh em ở Bình Định, anh em trong giới rất nể. Hơn chín chục tuổi mà ông hơ hơ như thanh niên suốt ngày. Bấm và gọi điện thoại rất chính xác, chứ không như nhiều ông trung niên bây giờ, đến bấm tìm tên để gọi mà cũng loay hoay mãi.

Nghe nói ông cũng hay... dỗi. Lê Hoài Lương bảo: sáng sáng phải đến ngồi đối ẩm với ông, không thì ông giận. Vợ chồng nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ và anh Hoánh cùng hay đến, ngoài ra còn Mai Thìn, Trần Quang Khanh, Văn Trọng Hùng vân vân. Ngồi với ông một lúc thì bày ra... nhậu. Ông uống tốt, và quan trong là rượu của ông rất ngon. Cũng là Bàu Đá nhưng Bàu Đá của ông nấu bằng đậu xanh, và tại Bàu Đá thứ thiệt, nó là cái thứ cứ lênh chênh ở giữa, không nặng để chìm xuống những cũng không quá mỏng để bay mất. Nó quẩn quanh lãng đãng ở môi ở cổ ở họng ở mắt ở mũi ở con tì con vị. Nó không làm cho người ta ngất ngư mà khiến người uống thăng hoa trong nỗi hào sảng tinh túy như một cảm giác tận cùng khoái cảm, thấy mình trong veo và tinh khiết, thấy mình không bụi bặm không nặng nợ không sân si, chỉ còn vô ưu trong một cõi bồng bềnh trong ngần, ở đó, mọi ý nghĩ đều thánh thiện, mọi ước muốn đều cao thượng...

Thi thoảng ông chơi một cú điện thoại gọi tôi, Nói mấy câu rất ngắn. Có khi là từ điện thoại của ông khi ông ngồi một mình, có lúc là điện thoại của một đệ tử nào đó. Mà đệ tử của ông ở Quy Nhơn thì vô thiên lủng. Lần tôi xuống làm giám khảo cái cuộc liên hoan trình diễn thơ ở Quy Nhơn, Mai Thìn chở tôi đến nhà ông trước khi đi nhậu. Đến và không dứt ra được, vì rượu ông ngon, vì ông quý khách, và cũng vì trong nhà ông đang có khách. Lần sau tôi xuống tổ chức hội thảo khoa học Hàn Mặc Tử, ông cầm hẳn một be rượu Bàu Đá đến tim tôi ở Khách sạn, rồi ôm be ấy xuống nhà ăn bù khú với chúng tôi...

Không ai nghĩ là ông đã già. Cái quyển sách ông mới tặng tôi ấy, nó dày và nặng một cách khủng khiếp. Anh em Bình Định gọi ông bằng khá nhiều tên, trong đó tôi thích 2 cái tên- mà thấy ông cũng thích, là Yamaha- tức Già mà ham, và Vũ đại ca- bạn lái lại đi, dân miền trung lái giỏi nổi tiếng đấy.

Ông ra đi cũng rất thanh thản. Nghe nhà văn Lê Hoài Lương bảo, cũng đều đặn như mọi khi, sáng sau cữ cà phê, anh lại chạy đến "hầu"  Vũ đại ca. Đến trưa thì ông ngủ, và chìm luôn vào giấc ngủ. Thanh thản đến thế là cùng, nhẹ nhàng đến vô ưu.

Vĩnh biệt ông, người bạn lớn của tôi. Mấy tấm ảnh sau chụp tại nhà ông:

Trái sang: Mai Thìn, Vũ đại ca, Lê Hoài Lương, anh Hoánh, Trần Ninh Hồ, VCH, Trần Quang Khanh






Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét