HUỲNH VĂN NGHỆ: DŨNG TƯỚNG-THI NHÂN
(Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh: 02/2/1914 – 02/2/2014)
Nguyễn Văn Thịnh
Nửa sau thập niên 1950, ở Hà Nội, lớp trẻ chúng tôi được nghe giai thoại từ mấy anh bộ đội miền Nam tập kết kể về ông Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp như sau: Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tái xâm lược nước ta, các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ lúc đó rất phân tán, mỗi phe phái đều “xưng hùng xưng bá” nghênh ngang một cõi biên thùy. Được giao nhiệm vụ tập hợp các lực lượng về một mối, ông Huỳnh Văn Nghệ một người một ngựa thâm nhập vào tận hang ổ Rừng Sác của phái Bình Xuyên. Trước khi vào cuộc bàn đàm, thủ lĩnh Bình Xuyên là Bảy Viễn ngông nghênh “ra đòn” trấn áp đối phương: Tay tung chiếc nón lên cao, tay rút súng ngắn bắn trúng phóc ngay chiếc nón trước sự trầm trồ thán phục của những tay anh chị đàn em! Trái lại, đối thủ là ông Tám Nghệ lại thản nhiên lắc đầu coi như trò trẻ: “Tôi có thể tung đồng xu lên trời cho rơi xuống đất và bắn trúng ngay lỗ đồng xu!”. Trước sự ngỡ ngàng kinh ngạc của đám người háo thắng, ông Tám nói rồi làm liền: Tung đồng xu lên, khi rơi chạm đất, ông rút súng dí vào lỗ đồng xu bóp cò! Tất nhiên là đối phương bị thuyết phục bởi thái độ cứng cỏi và tài ứng biến của ông. Cuộc hội đàm đã thành công, lôi kéo được một lực lượng vũ trang quan trọng lúc bấy giờ cùng tham gia kháng chiến.
Khi đó ở phía Bắc chưa mấy người biết ông Huỳnh Văn Nghệ nổi tiếng là vị tướng mưu lược và cũng là một thi nhân. Tình cờ đọc bài thơ “Dòng sông xanh” tôi nhận ra một nhà thơ có chỗ đứng rất riêng: “Bờ sông xanh hôm nay buộc ngựa/ Kiếm gối đầu theo gió thổi hồn cao/ Thơ tôi đây cũng hoa bướm muôn màu/ Lòng tôi đây cũng vui sầu như bạn/ Tôi cũng biết nhớ thương tơ tưởng/ Nào chỉ là võ tướng hay thi nhân/ Tôi chỉ là người lăn lóc trên đường trần/ Không phân biệt lúc mài gươm múa bút/ Đời chiến sỹ máu hòa lệ mực/ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi/ Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi/ Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác/ Có chiến đấu thơ mới thêm huyền diệu/ Càng hát ca gươm càng sắc bén thêm/ Nợ kiếm cung nghiên bút biết sao đền/ Nếu không biết vừa làm thơ giết giặc”. Thơ ông hòa với đời ông – cuộc đời một kẻ sỹ mang nặng mối hận “quốc phá gia vong”. Dù chứa chan tâm hồn thi sỹ nhưng vốn là người mạnh mẽ, vị chiến tướng anh hùng ấy không thể chỉ dùng bút “đâm mấy thằng gian”, chí của ông là phải mang cả cung kiếm lẫn bút nghiên xông pha nơi chiến trận “đền nợ nước”.
Khi theo đoàn quân Nam tiến vượt Trường sơn tham gia kháng chiến chống Mỹ, tôi mới hiểu rằng miền Đông Nam bộ là địa bàn chiến lược quan trọng hàng đầu trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ ở phía Nam. Tôi đã thấm thía thế nào là miền Đông “gian lao và anh dũng” và cùng chia sẻ, lại càng cảm phục vị chỉ huy tài ba thao lược ngay từ buổi đầu đã chọn căn cứ Đất Cuốc - Tân Uyên xây dựng thành “Chiến khu Đ đi dễ khó về/ Quân đi mất mạng, quan về mất lon” và sau này được mở rộng và phổ biến dưới một từ “R” đầy bí ẩn mà thân thương chứa chan hy vọng với những người yêu nước và cũng là nỗi khiếp nhược với quân thù.
Cơn bão lũ năm Thìn (1952) vẫn còn ám ảnh trong ký ức đồng bào Nam Bộ đặc biệt là nỗi kinh hoàng với bà con ở miệt miền Đông được ông ghi thành thơ như những dòng nhật ký sống động trong gian khổ vẫn bao la tình người: “Suối ngập thành sông, sông tràn thành biển/ Mênh mông sóng vỗ chân trời/ Những nóc nhà trôi/ Những thân cây đổ/ Voi cũng trôi tận Cù lao Phố/ Mấy con trâu vướng cột cầu Gành/ Thôi hết rồi, hết lúa, hết khoai/ Chiến khu Đ lại đói!/ Con gặm củ mài, cha nhơi củ chuối/ Ướt mắt chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai/ Đứt ruột mẹ tiếng con thơ đòi bú/ Trút cả hũ còn không đầy nắm muối/ Cho ngày ăn cả đại đội Lam Sơn/ Ba người chia một vắt cơm/ Tạm đỡ dạ cả tiểu đoàn chủ lực/ Chèo chống ngày đêm vớt của vớt người/ Lênh đênh trên mặt nước thân trần dầu dãi dưới mưa/ Tiếng cười vẫn nô đùa trong gió/ Đồn Rạch Đông nước ngập sắp trôi/ Lính ngụy lên nóc đồn kêu cầu cứu:/ “Huyện đội Vĩnh Cửu ơi… Vĩnh Cửu/ Cứu chúng em ơn trả nghĩa đền!”/ Chiến sỹ ta hò reo lên/ Nghe lệnh đồng chí chính trị viên:/ “Chèo ghe nhanh lên cứu chúng nó!”/ Nhưng giặc Pháp muốn thừa cơ trận bão/ Đánh chiến khu một trận cho tiêu tan/ Dồn sức tấn công, lừa bịp, chiêu hàng/ Tăng cường truyền đơn và bom pháo” (Chiến khu Đ chống bão).
Từ những ngày thiếu thốn gian khổ ấy, bài thơ “Tiếng hát giữa rừng” của ông vẫn làm người đọc day dứt bồn chồn cứ như có điều gì thôi thúc mãi trong lòng: “Ngựa hồng dừng chân/ Bên quân y viện/ Giật mình nghe tiếng Quốc ca vang/ Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng/ Hay hội nghị cơ quan?/ Sao chỉ có một người cất giọng?/ Anh hát đi hát lại nhiều lần/ Xuống ngựa buộc cương/ Hỏi ra mới biết/ Bác sỹ đang cưa chân/ Một thương binh bằng cưa thợ mộc!/ Bác sỹ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương nước mắt tràn trề/ Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre/ Người chiến sỹ vẫn mê mải hát/ Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi từng giọt đỏ bông/ Hai tay anh xiết chặt đôi hông/ Dồn đôi phổi vào trong tiếng hát/ “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc…”/ Đã hát đi hát lại bao lần/ Vẫn chưa đứt xương chân/ Vẫn chưa ngừng máu đỏ/ Trở lên yên ngựa đi từng bước nhỏ/ Cúi đầu nặng nỗi đau thương/ Nhưng lửa căm hờn/ Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy/ Cả núi rừng/ Như còn vẳng nghe lời ca chiến sỹ/ “Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên cùng tiến lên!...”/ Và vang trời ngựa hý/ Chí phục thù nóng bỏng tay cương…”. Đã nặng lòng yêu nước thương dân lại chất chứa một hồn thơ lai láng, Huỳnh Văn Nghệ rất nhạy cảm trước những nỗi bất hạnh của người đời. Từ bước đi tất tưởi của “Bà mẹ bán cau”: “Trên đường cát xa thăm thẳm ấy/ Bà bán cau gánh nặng trên vai oằn/ Vội vàng đi dưới chân cát trắng/ Nón, dù đâu? Nắng đốt chiếc khăn rằn!”, đến nỗi đau tận cùng của một “Đám ma nghèo”: “Đám ma ai giữa mưa dầm gió lạnh?/ Bốn người khiêng lắc lẻo chiếc quan tài/ Người vợ kêu trời khan cả giọng/ Ẵm con thơ lần bước giữa mưa rơi/ Sau góa phụ còn hai con trẻ dại/ Dắt díu nhau nheo nhóc khóc không thôi/ Và sau nữa… không còn ai nữa hết/ Bầy chó theo sủa mãi đám ma côi!”. Tôi giật mình nhớ tới Xecgây Êxênhin tả tình cảnh một con chó mẹ bị ông chủ đem bán đi bầy con của nó: “Chó mẹ chạy nhào trong tuyết/ Cuống cuồng tất tả chạy theo/ Để nước dưới những hào rãnh/ Vẫn còn run rẩy bao lâu/ Khi nó lê mình trở lại/ Mồ hôi ướt đẫm bên sườn/ Mặt trăng nằm trên mái rạ/ Tựa hồ một chú chó con/ Nó ngẩng nhìn vào trời thẳm/ Rồi sủa gọi lên bầu không/ Mặt trăng mỏng manh bình thản/ Lặn xuống đồi hoang bên đồng” (Bài ca về con chó). Tấm lòng thi nhân muôn thuở dù ở góc biển chân trời nào cũng như sợi dây đàn rung lên trước mọi nỗi đớn đau. Ngay cả lúc “Hành quân” đi đánh giặc, vị tướng chỉ huy không chỉ nghĩ tới chiến thắng mà miên man suy nghĩ sẻ chia với sự chịu đựng vất vả nhọc nhằn của từng đồng đội: “Thương đồng chí anh nuôi cặp mắt mơ màng/ Chiếc nồi đồng há miệng thênh thang/ Như buồn ngủ ngáp dài vô tận/ Thương anh trinh-liên suốt ngày lận đận/ Chạy như thoi gác trước canh sau/ Thương chị cứu thương mũ chẳng vừa đầu/ Vì tiếc mãi chưa “hy sinh” búi tóc/ Đường gập ghềnh quanh co hố dốc/ Thương anh công binh lo từng bước cho đoàn/ Nối cây rừng thành cầu dọc, cầu ngang/ Lưỡi rựa bén chưa bao giờ được nghỉ/ Thương đoàn ngựa thồ vừa đi vừa thở/ Lưng nặng oằn chân bước mãi không than/ Thương cả đoàn quân đi dưới nắng mưa/ Áo ướt rồi khô, khô rồi lại ướt/ Nước lắt ống tre, muối mè cơm vắt/ Nương áo nhau lần bước đêm rừng/ Mệt rã rời, mỏi cả tay chân/ Cũng có người vừa đi vừa mớ/ Nhưng cả đoàn quân chung một giấc mơ/ Xung phong ra đường vung cao mã tấu”. Ngay cả với kẻ thù chiến bại ông vẫn giữ tinh thần thượng võ: “Giặc quỳ xuống lạy xin tha thứ:/ “Cho em về kẻo tội nghiệp vợ con”/ “Nhưng thôi đừng đi lính nữa nghe không!”.
Thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, bà má để cho con tự đốt ngôi nhà của mình: “Nhưng mà má chỉ tiếc/ Cái ống ngoáy trầu thôi/ Bằng đồng chùi sáng dói/ Bỏ quên trong lúc chạy/ Bây giờ đồng cũng chảy!” (Mẹ buồn). Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ có biết bao nhiêu hình ảnh quen thuộc thân thương thể hiện tính chất bình dị mà cao cả của bà má Nam Bộ trong rất nhiều tình huống: “Ra mặt trận chen chân trai lẫn gái/ Mang trầu cau mẹ bám gót dân quân” (Mất Tân Uyên). Mẹ nào con nấy, các thế hệ con bà tuy hoàn cảnh mỗi lúc khác nhau nhưng thời nào người chiến sỹ miền Đông cũng âm thầm chịu đựng muôn nỗi vất vả hy sinh: “Đêm thao thức bên lò lựu đạn/ Ngày say xưa bên máy tiện máy bào/ Quá sức ốm đau/ Chén thuốc rễ cây rừng không cứu được/ Lòng anh em xót xa từng nhịp cuốc/ Chôn anh chiếu rách bó thân gầy” (Nấm mồ giữa rừng).
Thơ Huỳnh Văn Nghệ không nhiều nhưng đặc biệt là những bài thơ lúc ông tay gươm tay bút đậm chất anh hùng ca có sức hấp dẫn khó bài thơ nào sánh được: “Em vẫn rõ anh là thân chiến mã/ Nợ kiếm cung oằn oại gánh yên cương/ Tiếng non sông giục bước ra sa trường” (Trả lời thư Lan). “Trên lưng ngựa múa gươm vừa ca hát/ Lòng ta say chiến trận đã thành thơ/ Máu quân thù chảy đỏ quê hương ta/ Còn vần thơ nào hay hơn nữa?” (Dòng sông xanh). Thật khó phân định ranh giới giữa người thơ và người chiến sỹ. Đấy là hình ảnh người lính tay gươm tay bút làm thơ giữa lúc đang hăng say chiến đấu chống quân thù.
Đồng bào chiến sỹ Nam Bộ không thể nào quên “Kế hoạch De Latoure” của giặc ngày ấy đã gây bao nhiêu khó khăn cho kháng chiến: “Mất cả bờ sông xanh/ Mất luôn con đường đá đỏ/ Thôi hết rồi nước ngọt/ Thôi hết rồi gió mát bờ tre/ Hàng tháp canh như chó dữ nhe răng/ Dây kẽm gai rối nuồi đường bến cũ/ Từng loạt súng dọa ánh trăng dòng nước/ Tàu há mồm chuyến xuôi chuyến ngược/ Mất bờ sông là mất nửa chiến khu/ Thuyền tiếp tế lúa khoai chìm đáy nước/ Đường giao thông liên lạc đứt đôi bờ/ Vườn xơ xác gốc trầu buồn ủ rũ/ Mắc cỡ tây chụp phủ bãi rau lang” (Bờ sông giặc chiếm). Lòng chiến sỹ bồn chồn nung nấu một lời thề: “Mỗi sáng chào cờ nhìn về phía ấy/ Thề lấy lại những gì đã mất/ Máu xâm lăng phải tưới đỏ quê hương/ Giải phóng đồng bào trăm nhớ ngàn thương” (Bức thư nhà). Và tướng quân Huỳnh Văn Nghệ là người có công rất lớn trong việc làm phá sản ý đồ của giặc: “Trận Tân Uyên cuối mùa Đông năm ấy/ Lần đầu tiên giặc Pháp nếm chua cay/ Lần đầu tiên đạo viễn chinh lừng lẫy/ Phải lui về bỏ lại mấy trăm thây!” (Mất Tân Uyên).
Đã nhiều đời sinh cơ lập nghiệp trên đất lục tỉnh nhưng lòng những người con tha hương luôn đau đáu nhớ về nguồn cội: “Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương/ Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long/” (Nhớ Bắc). Và tấm lòng người dân Nam Bộ với biểu tượng của cuộc kháng chiến không chỉ là “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Bảo Định Giang) mà được thể hiện bằng hành động cụ thể rất là sâu sắc: “Nhớ ngày đầu kháng chiến/ Giữa thành phố Sài Gòn/ Một chiến sỹ bị thương/ Lấy máu mình đang chảy/ Tô lên tường năm chữ/ “Thành phố HỒ CHÍ MINH”/ Rồi mới đành lòng tắt thở/ Cuộc kháng chiến bắt đầu từ đó/” (Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ).
Ông sinh ra ở miệt rừng, sống nhờ nương rãy của rừng lại dựa vào rừng mà chiến đấu nên với Huỳnh thi tướng thì: “Rừng đẹp như một bài thơ cổ/ Cành cao vượn hú/ Ríu rít tổ chim/ Bờ suối đỏ hoa sim/ Thảm cỏ xanh điểm vàng quả bứa/ Đêm trăng một người một ngựa/ Lỏng cương cho gió ráo mồ hôi/ Hội nghị giữa trời/ Chim, lá cũng góp lời góp ý/ Mắc võng cây này qua cây ấy/ Củi khô lửa cháy ấm đêm đông” (Rừng đẹp). Như là duyên nghiệp, rời “tay cương yên ngựa” ông vẫn gắn bó với rừng trong trọng trách là Trưởng ban căn cứ R. Và những năm cuối đời trong cương vị Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, ông còn “dính chặt” hơn vào nhiệm vụ bảo vệ rừng – không chỉ một cánh rừng miền Đông quê ông, còn là trùng điệp những cánh rừng từ miền biên viễn phía tây xuống miền duyên hải phía Đông dọc dài từ Nam ra Bắc. Trước họa phá rừng, ông hóa thân thành cây thông già thủ thỉ những điều hơn thiệt với lớp hậu sinh: “Dưới bóng cây thông già/ Anh thợ rừng nghỉ trưa/ Gác đầu trên cán búa/ Nghe chim hát vu vơ/ Mơ thấy thông thành người/ Một lão già râu bạc/ Ngồi kể lể chuyện đời/ Lời ôn tồn tha thiết:/ “Lưỡi búa anh bén quá/ Chặt tôi đành sao anh/ Chúng mình nào xa lạ/ Cùng khổ trong chiến tranh/ Cả họ rừng tôi đây/ Con sóc đến cây cầy/ Không một người theo Tây/ Không một ai theo Mỹ/ Chúng tôi quyết bám rễ/ Đứng giữ mảnh đất này/ Dù đội bom chịu lửa/ Một bước chẳng hề lui/ Rừng ta che bộ đội/ Rừng ta vây quân thù/ Tuy rừng chưa biết nói/ Chuyện rừng đã nên thơ/ Quân thù đã phá hủy/ Hai triệu mẫu rừng xanh/ Mối thù này phải trả/ Hỡi loài người văn minh/ Đất rừng còn nhức nhối/ Hố bom khoét thân mình/ Cây dầu còn rỉ máu/ Vết đạn vẫn chưa lành/ Rừng đang kêu cấp cứu/ Ú ớ chẳng nên lời/ Tiếng rừng nào ai hiểu/ Chỉ gió thổi, thông reo/ Anh hãy thương rừng với/ Chặt nhẹ búa mà thôi/ Để núi rừng đâm chồi/ Sống cho đời thêm đẹp/ Vì lợi ích cả nước/ Trước mắt và lâu dài/ Nghĩ kỹ mới ra tay/ Kẻo ngày mai ân hận/ Lời Bác Hồ căn dặn/ “Phải trồng cây, gây rừng”/ Khó khăn cùng ráng chịu/ Tiêu diệt rừng sao đang/ Rừng chết dễ như chơi/ Vừa ngã xuống, vừa cười/ Thương đời không bóng mát/ Ai che đất, che trời/ Chim thú không chỗ sống/ Bước lưu vong ngậm ngùi/ Mất rừng tan tổ ấm/ Của tổ tiên loài người/ Dân mình còn gian khổ/ Hòa bình chưa ăn mừng/ Lo thiếu gạo, thiếu gỗ/ Nhưng phải bảo vệ rừng/ Ngày mai rừng tươi lại/ Cho người đỡ nắng mưa/ Thêm lúa thơm, gỗ quý/ Suối trong veo, bốn mùa...” (Cây thông già và anh thợ rừng).
Bằng những lời thơ tâm huyết như lời di huấn của một vị tướng tài văn võ song toàn đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp độc lập của tổ quốc, tự do cho đồng bào và thống nhất non sông – Nghe danh thì quân thù bạt vía kinh hồn mà đồng bào thì cảm phục mến yêu, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ nhắn nhủ không chỉ với hôm nay mà với cả muôn sau điều cần ghi nhớ: “Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỷ/ Gót Cà Mau đầu tận Ải Nam Quan/ Cửu Long giang buông dài dòng sóng tóc/ Dựa Trường Sơn đứng gác Thái Bình Dương/ Con trung hiếu trai khôn và gái đẹp/ Cùng mẹ hiền lo xây dựng non sông/ Có biển rộng sông dài rừng núi đẹp/ Đồng phì nhiêu lúa, mía ngập mênh mang/ Và âm thầm bao nhiêu vàng, than, thép/ Dưới mỏ sâu chờ đợi bến vinh quang/ Giặc cướp nước đánh hơi từ bốn phía/ Kéo về đây thực hiện mộng tham tàn/ Tên núi tên sông trở thành tên chiến địa/ Chống xâm lăng thành truyền thống nhân dân/ Gặp thời loạn mẹ phất cờ khởi nghĩa/ Bầy con ngoan đứng dậy diệt quân thù/ Lũ cướp nước đã bao phen khiếp vía/ Trở về quê không rửa kịp máu đầu/ Rồi Việt Nam của rừng vàng biển bạc/ Của bình yên sáng lạn tiếng chim quyên/ Sẽ nguyên vẹn mẹ nghe chăng khúc hát/ Khải hoàn ca từng nhịp đã vang lên” (Mẹ Việt Nam).
Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Số 290 Thứ năm ngày 27 tháng 02 năm 2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét