Có một câu châm ngôn hay cái gì đại loại thế, tôi rất kém phân biệt các thể loại, từ thời nào, của ông nào ở nước nào đấy cũng quên nốt, nói rằng, không có gì giấu được dưới mặt trời, hoặc là dịch ra tương đương thế, là không có bí mật nào bí mật được dưới vòm trời vĩ đại kia...
Là từ xửa xưa đã thế, huống gì bây giờ, thế giới phẳng, mỗi người dân đều là một nhà báo, lúc nào cũng có thể tác nghiệp, in tơ view ngay, có khi còn nhanh nhạy hơn nhà báo chuyên nghiệp.
Mà thật, trong ba lô tôi đeo lúc nào cũng có đầy đủ phương tiện, nhưng nhiều khi gặp sự gì đấy thì mình lại cứ đứng ngẩn ra trong khi những người dân thì rút ngay điện thoại và... tác chiến.
Nhớ cái hồi nào, lâu rồi, ở thành phố Pleiku có một vụ nổ rất lớn, sát một khách sạn, chả ai hiểu chuyện gì, nhưng rất đông khách ở ks ấy túa ra quay phim chụp ảnh, hồi ấy còn là máy chụp phim, và cũng không nhiều người có. Các phóng viên của báo đài địa phương cũng túa ra. ĐC lãnh đạo công an thời ấy có mặt và ra lệnh: thu máy quay phim, chụp ảnh của mấy PV.
Hôm sau thì biết: cái xe chở thuốc nổ của 1 đại gia làm đường, trên xe chở thêm công nhân, và công nhân hút thuốc, nó cháy, lái xe trút ben xuống rồi đánh xe về nhà... trùm chăn trốn, kệ nó nổ thế nào thì nổ. Và cũng hôm sau thì máy móc được trả kèm lời xin lỗi: cũng làm nhiệm vụ mà.
Cái hồi 2001 ở Tây Nguyên ấy, ban đầu là cấm báo chí đưa tin. Tôi thấy chả việc gì phải cấm thế, ngược lại còn phải thông tin rộng rãi cho bà con trong nước và quốc tế biết cụ thể tình hình để đấu tranh. Mình đúng thì sợ gì thằng nào. Thế là dẫn thêm mấy ông nhà báo xuống làng. Bị phát hiện, bị phê bình. Nhưng sau đấy chỉ vài tuần thì rầm rộ mời các báo vào... đấu tranh. Lúc này thì cả thế giới đã nghe "phía bên kia" mệt nghỉ rồi, mình nói thêm cũng chả được bao nhiêu.
Cũng có một phiên tòa xử mấy ông gây rối ấy. Thì nó tội rành rành ra mới bị ra tòa, thì mình mời báo chí nó "nhân điển hình" lên thì hay biết mấy. Đằng này xét duyệt từng chú nhà báo. Báo ít người đọc thì được vào, báo đông thì không được. Và sau đấy 1 thời gian thì lại cũng... thả cửa mời nhà báo đưa tin. Mà tất cả các vụ ấy hầu như đài nước ngoài họ tường thuật tại chỗ...
Mấy hôm nay cũng thế. Trong khi trên mạng các loại, tin tức (cũng các loại) ở Bình Dương, Hà Tĩnh... ầm ầm, dân rất hoang mang thì thông tin chính thống từ nhà nước rất ít, nên người trong cuộc hầu như không hiểu gì, cứ cắm cúi làm theo bản năng mách bảo. Hôm qua xem clip thấy ông chủ tịch Vũng Tàu chặn đầu đoàn biểu tình phát biểu, thấy thú vị phết. Ông này cũng biến thành một cổ động viên biểu tình, phát biểu vừa động viên vừa định hướng, vừa khuyến khích vừa răn đe... hay hơn hẳn ngồi họp ở đâu đó thi thoảng ban ra 1 lệnh có khi đã lỗi thời rồi...
Mạng xã hội cũng là một kênh thông tin cực nhạy nếu anh biết lọc, biết đọc, biết phân tích, mà sự việc phó thủ tướng Vũ Đức Đam đọc fb của 1 bác sĩ biết bệnh sởi đang vượt quá tầm kiểm soát của bộ Y tế và trực tiếp xuống BV kiểm tra trước cả bộ trưởng bộ Y Tế là một ví dụ.
Đến trưa nay thì thông tin Vũng Áng đã được minh bạch khi VTV1 phỏng vấn phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh và ông này cho biết có 1 người chết, hơn 100 người bị thương, dẫu không biết là ai và người ở đâu, thì cũng, ít nhất đánh tan các tin đồn rằng, chết đến mấy chục người.
Và thêm nữa, thủ tướng cũng công điện yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi như hôm qua và hôm kia. Đấy cũng là một cách minh bạch thông tin để một mặt là dân bớt hoang mang, bớt đồn thổi, và mặt nữa, chính thức dằn mặt, cảnh cáo bọn định làm loạn.
Chao ơi, minh bạch thông tin hay thế cơ mà...
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét