Một bài báo cũ




                        Một nét thơ CLB Côn Sơn

Cái biển CÂU LẠC BỘ CÔN SƠN nền xanh chữ trắng ở phần nửa Khu trạm xá  thị trấn Sao Đỏ, xuất hiện cách đây vừa tròn 10 tháng. Hôm treo cái biển ấy lên có pháo nổ giòn giã, có những lời chúc tụng, và cố nhiên ngay lập tức có thơ.
Trong nhiều nhiều những bài thơ đọc ngày hôm ấy, bây giờ tôi còn nhớ và “thủ” được một câu:
Vui chơi theo đạo người già
Cho đời thêm đẹp cho nhà thêm xuân
                          Nguyễn Văn Nhiên
Nhận thức ấy, mong muốn ấy quả thực là khó quên.
Từ đó CLB đi vào hoạt động: có bóng bàn, có cờ tướng, có tổ tôm… và dĩ nhiên cũng có cả thơ.
Những bài thơ ấy “không cao lương mĩ vị” gì mà toàn là những “cây nhà lá vườn” cả, nhưng dễ ăn, dễ nuốt giống y như những nắm rau tập tàng hái quanh vườn nhà đem nấu canh cua bắt ở đồng quê vậy. Không ít những câu thơ mang cái “mầu mỡ vườn nhà” khá chân thực:
Tuổi dẫu mấy mươi vẫn chửa già
Việc dân việc nước thảy tham gia
Tu tâm rèn chí nêu gương sáng
Mái tóc nay dù sương nắng pha

Tuổi dẫu mấy mươi chửa chịu lùi
Tăng gia sản xuất tạo niềm vui
Lẽ đời vốn sống truyền con cháu
Nhớ lúc gian nguy lúc ngọt bùi…
                           Trần Phao
Ngẫm nghĩ ư ? Mong muốn ư ? Hay là hiện thực ? Cũng khó mà phân định. Nhưng có lẽ nó là tất cả. Một bài khác, bài CHIẾC ĐỒNG HỒ của bác Nguyễn Văn Lập thì chỉ tả thực thôi. Có đến nhà bác mới thấy nó cũ kỹ lắm rồi, cổ lỗ sĩ lắm rồi. Nhưng vào thơ nó vẫn thế này:
Boong boong nghe vẳng ở bên tai
Mấy tiếng mấy giờ đúng chẳng sai
Dãy số nhỏ to vòng khép lại
Hai kim dài ngắn chạy đua hoài
Báo cho người lớn khi làm việc
Nhắc nhở em thơ lúc học bài
Lúc lắc đêm ngày không phút nghỉ
Vừa đo vừa đếm tháng năm dài
Dường như bài thơ không nói gì cả vậy mà đọc qua bài thơ ta cứ phải dừng lại để ngẫm ngợi ?
Muốn thoải mái , khề khà chén rượu vui đời thì xin mời hãy đến thăm VƯỜN XUÂN của bác Cao Đức Lương:
Trải qua một vụ đông tàn
Ngày xuân lại đến nắng tràn vườn xuân
Đồng tiền tươi nở trước sân
Đầu nhà cây quéo tầng tấng trổ bông
Mít non ríu rít như sung
Bám đầy cành cội hay không hỡi bà…
Thế rồi hai ông bà cùng bàn bạc phát triển cây, con để  cải thiện. Và đây là những câu kết khá thú vị của bài thơ:
Lại thêm thả một đàn gà
Phần thu hoạch trứng còn là sinh sôi
Đón xuân gà béo hoa tươi
Chén mừng ngồi ngẫm vui đời là đây.
Có thể nói đến thăm vườn xuân nhà bác Lương  ta chỉ thấy có hoa tươi người đẹp và tâm hồn thì thật là mãn nguyện. Nhưng khá bất ngờ là trường hợp CÂY TÁO của bác Trần Đình Thung:
Táo ơi sao mày sai thế
Mỗi cành đều nặng trĩu quả vàng ong ?
Những cô gái tuổi trăng tròn
Nhìn thấy táo muốn vặt liền
Nhưng nể ông lão làm vườn
Các cô bảo nhau bỏ tiền mua táo
Ăn táo rung động làm sao
Chua chua ngọt ngọt ê ẩm cả người
Rồi các cô khác lớn lên
Đẹp giòn như những quả táo trên cành.
Đọc bài thơ tôi thấy có rất nhiều thú vị. Nhờ có những rung động thơ chân thực mà cây táo và các cô gái đã hiện ra rất hồn nhiên. Chính sự ngạc nhiên hứng thú của bác Thung  dường như đã làm cho cây táo “trĩu quả” hơn và mỗi quả táo cũng như “vàng ong” thêm vậy. Cũng chỉ bằng có ba chữ “muốn vặt liền”  mà cái “thèm” táo của các cô gái thành hồn nhiên như trẻ con. Nhất là cái cảm giác của các cô gái khi ăn táo thì thật lạ:
Ăn  táo rung động làm sao
Chua chua ngọt ngọt ê ẩm cả người
Những chữ “rung động” và “ê ẩm” sử dụng ở đây là rất mới lạ. Nó như là những chữ tự nhiên xuất thần ùa đến nên vừa tự nhiên  lại vừa lạ vừa hay.
Mối quan hệ giữa ông lão với các cô gái cũng thật đẹp. “Bon trẻ” thì đã biết “tự kiềm chế” không “vặt liền” trộm táo của ông già. Chúng mua bán rất song phẳng. Còn ông già ngược lại cùng nhìn “bọn trẻ” với một con mắt đầy tin yêu và gửi gắm rất nhiều hy vọng:
Rồi các cô khác lớn lên
Đẹp giòn như những quả táo trên cành.
Chỉ vài nét đó thôi nhưng phải chăng đó là cái “Đạo người già” đã được các cụ cảm nhận và tự mình biểu hiện bằng thơ ca vậy ?
               (Bài đăng báo HẢI DƯƠNG thứ bảy ngày 8/10/1994)
16/5/2014
Đỗ Đình Tuân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét