Nguyên nhân gây ung thư

Chẩn đoán ung thư

Khi nghi ngờ mắc bệnh ung thư thực hiện các bài kiểm tra y tế là cần thiết. Thông thường áp dụng các phương pháp chẩn đoán sau:
1. Các phương pháp chẩn đoán ung thư thông thường:

*Khám lâm sàng
Chẩn đoán xác định bệnh ung thư là bước đầu tiên quan trọng nhất khi bệnh nhân ung thư đến với thầy thuốc. Khám lâm sàng là phương pháp lâu đời được áp dụng rộng rãi nhất. Một khi bệnh nhân tự mình đến khám bệnh là đã có một số hiện tượng mà thầy thuốc phải xem xét để đưa ra chẩn đoán. Thầy thuốc cần phải biết rõ những triệu chứng ban đầu chính yếu của các loại ung thư khác nhau. Người thầy thuốc đầu tiên khám bệnh là người có trách nhiệm quan trọng trong việc chẩn đoán sớm để bệnh nhân có nhiều nhất hy vọng được chữa khỏi. Cần khai thác tỉ mỉ tiền sử của bệnh nhân, xác định những người có nguy cơ cao mắc ung thư.

Tiền sử gia đình mà tính chất bẩm sinh về ung thư không phải là yếu tố di truyền, nhưng lại tồn tại rõ rệt trong một số gia đình. Điều kiện kinh tế xã hội là quan trọng. Đối với phụ nữ, tỉ lệ ung thư cổ tử cung cao ở những quần thể điều kiện kinh tế - xã hội thấp. Tiền sử hôn nhân và giới tính cũng quan trọng. Số lần sinh đẻ và quá trình cho con bú có ảnh hưởng đến tỉ lệ ung thư vú, cũng như sinh hoạt tình dục sớm có liên quan đến tỉ lệ tăng cao ung thư cổ tử cung.

Những tập quán cá nhân như hút thuốc lá làm tăng tỉ lệ ung thư phế quản, nhai thuốc hay hút thuốc bằng tẩu làm tăng tỉ lệ ung thư vòm họng.

Đối với nghề nghiệp của bệnh nhân: thợ nạo ống khói được ghi nhận có nhiều ung thư da; thợ sơn mặt đồng hồ tiếp xúc với chất phóng xạ qua bút lông cho vào miệng có tỉ lệ cao ung thư xương; thợ nhuộm dùng hoá chất Anilin có thể gây ung thư bàng quang, trong khi thợ tiếp xúc với A-mi-ăng có tỉ lệ tăng cao ung thư trung biểu mô ở phổi.

Khai thác tiền sử rất quan trọng. Chiếu xạ vào cổ hay tuyến ức lúc còn nhỏ tuổi có thể gây ra ung thư tuyến giáp. Đặt Radium tại chỗ hay các loại xạ trị khác có thể làm cho những vùng bị ảnh hưởng của chiếu xạ ung thư hoá. Người ta còn tìm carcinôm màng đệm ở những người chửa trứng hay sẩy, nạo thai nhiều lần; ung thư dương vật ở những người bị hẹp bao quy đầu; ung thư gan ở những người viêm gan mạn, xơ gan; ung thư dạ dày ở những người loét dạ dày đã nhiều năm hoặc có viêm vô toan, giảm acid ; ung thư đại trực tràng ở những người viêm đại tràng mạn hoặc có tiền sử pôlíp...

Trên thực tế, những người thuộc diện có nguy cơ cao với ung thư như trên chưa hẳn mắc ung thư

Trong việc hỏi bệnh và khám xét thực thể cần lưu ý đến những biểu hiện ung thư sau :
- Thay đổi thói quen của ruột, bàng quang như ỉa chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, đái dắt, đái khó kéo dài...
- Vết lở loét kéo dài không khỏi với các thuốc điều trị thông thường.
- Chảy máu, tiết dịch bất thường.
- Một u ở vú hoặc ở bất kì chỗ nào trên cơ thể, có khi chỉ là chỗ dày lên.
- Khó nuốt, rối loạn tiêu hoá kéo dài.
- Nốt ruồi thay đổi kích thước, màu sắc, nhất là chảy máu.
- Ho dai dẳng, khàn tiếng kéo dài.
Ai cũng có thể bị ung thư. Một người thầy thuốc thận trọng phải có ý thức nhận ra những thay đổi về triệu chứng hay phát hiện qua khám xét để từ đó gợi ý thăm khám sâu thêm. Những ung thư ở giai đoạn muộn thường dễ chẩn đoán, còn ở giai đoạn sớm thì khó khăn hơn nhiều. Nhà lâm sàng bắt buộc phải dựa thêm vào các phương pháp cận lâm sàng.

* Thăm dò cận lâm sàng
- X-quang
Chụp X-quang phổi thông thường được chỉ định cho những bệnh nhân có triệu chứng ung thư phổi hay những ung thư ở những vị trí khác có thể di căn vào phổi. Chụp X-quang kết hợp chất cản quang để phát hiện ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng. Chụp đối quang kép có thể tìm ra những pôlíp nhỏ khó thấy khi ta khám xét bằng các phương pháp thông thường. 

Phương pháp X-quang thông thường khó phát hiện được các u nhỏ và không cho phép chẩn đoán chính xác các loại u, thậm chí tỉ lệ âm tính giả và dương tính giả còn cao.

- Chụp nhiệt:
Chủ yếu dùng cho các khối u ở nông hoặc dưới da như ung thư vú, ung thư hắc tố, ung thư giáp trạng.

- Chụp nhấp nháy:
+ Đồng vị phóng xạ: được sử dụng để chẩn đoán ung thư và tỏ ra rất có lợi vì một số đồng vị phóng xạ chỉ tập trung vào các vùng đặc hiệu. Thường được dùng để phát hiện các di căn xương, gan ; xác định các nhân lạnh ở giáp trạng...
+ Siêu âm:
Được áp dụng nhiều để phát hiện các tổn thương u ở sâu hay ở trong các cơ quan nội tạng. Phương pháp này được dùng rộng rãi để dẫn đường cho các kỹ thuật sinh thiết hoặc chọc hút bằng kim nhỏ.
+ Chụp cắt lớp vi tính (CT):
Chụp cắt lớp vi tính hiện nay được ứng dụng một cách phổ biến, ngày càng chứng tỏ khả năng phục vụ tốt trong chẩn đoán ung thư. Nó có khả năng phát hiện các khối u đường kính xấp xỉ 1cm trong nhiều cơ quan, kể cả các cơ quan nằm sâu trong cơ thể khó với tới như : não, thận và tuỵ tạng.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI):
Trái với những hình ảnh của chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ có thể cho một hình cắt dọc ở bất cứ một bình diện nào chứ không phải là chỉ ở một diện trục. Cộng hưởng từ hạt nhân phụ thuộc vào từ học của tế bào, nhất là ở độ tập trung của iôn hydrô. Do đó, nó có thể cho phép phân biệt được một số tổn thương tuỳ theo mức độ cộng hưởng từ trường của hạt nhân. Đây là "tiếng nói phân tử" vì diễn đạt cấu trúc hoá học của tổn thương ung thư.

- Chụp hình qua kháng thể đơn dòng: 
Kháng thể đơn dòng là loại kháng thể chỉ phản ứng đặc hiệu với riêng một loại kháng nguyên nhất định. Khoảng mười năm trở lại đây, việc gắn các nguyên tử đồng vị phóng xạ vào các kháng thể đơn dòng đã mở ra một chân trời đầy hứa hẹn cho việc chẩn đoán sớm các ung thư. Khi được tiêm vào cơ thể người bệnh ung thư, các kháng thể đơn dòng sẽ tìm đúng đối tượng là các kháng nguyên đặc hiệu nằm trên bề mặt các tế bào ung thư. Lượng đồng vị phóng xạ gắn trên kháng thể đơn dòng sẽ được đo bằng máy Gamma và như vậy sẽ làm hiện hình khối u với vị trí và kích thước rõ ràng .

- Chụp cắt lớp đồng vị phóng xạ phát Positron (PET):
Các hình ảnh của PET có thể được sử dụng kết hợp với hình ảnh của CT hoặc MRI để xem xét về mặt giải phẫu và chức năng của tổn thương ung thư. PET có thể cho thấy rõ những biến đổi đặc trưng của bệnh trước CT hoặc MRI, do vậy, rất có ý nghĩa trong việc chẩn đoán sớm các khối u còn nhỏ và các ổ di căn li ti mà các phương pháp hiện hình khác còn chưa phát hiện được. Tuy nhiên, hệ thống PET đắt tiền, các dược chất phóng xạ phát Positron có thời gian bán huỷ rất ngắn đòi hỏi phải có một hệ thống gia tốc sản xuất dược chất phóng xạ tại chỗ kèm theo nên giá thành chụp quá cao so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Do vậy, ở nước ta phương pháp chẩn đoán này còn xa mới trở thành thông dụng.

- Những chất chỉ điểm sinh học:
Là những chất được các tế bào ung thư tổng hợp ra và thường thì không thấy hoặc thấy với số lượng rất thấp ở các tế bào lành mạnh. Hiện nay, người ta tìm được khoảng năm chục chất chỉ điểm sinh học của ung thư, nhưng chỉ có khoảng chừng mươi loại được dùng để phát hiện sớm ung thư hoặc để theo dõi quá trình điều trị. Kháng nguyên AFP (Alpha-fetoprotein) tăng cao trong ung thư gan hoặc ung thư tinh hoàn. Kháng nguyên CEA (Carcinoembryonic Antigen) cho phép nghĩ đến các ung thư ống tiêu hoá hoặc ung thư vú.

Kháng nguyên VCA(Viral Capside Antigen) được thấy trong ung thư vòm họng. Việc đo HCG (Human Chorionic Gonadotropin) được dùng để theo dõi các trường hợp thai trứng cũng như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị carcinôm màng đệm. Xác định DOPA (Dihydroxyphenylalanin),dopamin trong u hắc tố ác tính. Tìm protein Bence-Jones trong bệnh u tương bào. Xác định Photphataza acid trong ung thư tiền liệt tuyến. Mức độ photphataza kiềm tăng trong huyết thanh thường thấy ở các di căn xương. Gần đây, có một số chất chỉ điểm sinh học mới tìm ra, trong đó CA-125 (Cancer Antigen-125) là có giá trị ở ung thư buồng trứng vì 80% phụ nữ bị bệnh này có chất đó ở mức độ cao.

- Phương pháp nội soi: 
Nội soi giữ một vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư. Nhờ có những phương tiện quang học mà có thể nhìn thấy, chụp ảnh những tổn thương tiền ung thư và lấy đi để làm xét nghiệm mô bệnh học. Trong những năm 1960, người ta đã sử dụng rộng rãi ống nội soi cứng để soi các lỗ hay các hốc tự nhiên trong cơ thể. Ngày nay, đã có ống nội soi mềm dùng ánh sáng lạnh phổ biến ở các nước phát triển để khám xét phần lớn các cơ quan nội tạng. Nhờ sử dụng ánh sáng lạnh cao thế mà ta nhìn thấy những hình ảnh rõ nhất và những hình ảnh đó lại có thể được truyền ra màn hình hoặc máy quay phim video để ghi nhận lại.

- Chẩn đoán tế bào học: 
Năm 1943, sự ra đời của cuốn sách nhan đề : "Chẩn đoán ung thư cổ tử cung bằng phiến đồ âm đạo" do Papanicolaou và Traut biên soạn đã mở đầu cho một thời kì phát triển mạnh chuyên khoa tế bào học. Giới y học đều biết đến phân loại nổi tiếng của Papanicolaou:
Loại 1 : Phiến đồ bình thường.
Loại 2 : Phiến đồ bất thường nhưng chỉ là viêm.
Loại 3 : Phiến đồ nghi ngờ ác tính.
Loại 4 : Phiến đồ ung thư, tế bào ác tính chưa nhiều.
Loại 5 : Phiến đồ chắc chắn ung thư, dày đặc tế bào ác tính.
Từ kỹ thuật tế bào bong tới các kỹ thuật áp, quệt, phết các mảnh bệnh phẩm các loại, ngày nay, người ta có thể với tới hầu hết các tổn thương trong cơ thể, kể cả các tạng sâu với kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ.
Nói chung, tế bào học bong đảm nhận vai trò hàng đầu trong phát hiện bệnh hàng loạt, còn tế bào học qua chọc hút bằng kim nhỏ chủ yếu áp dụng khi tế bào học bong không tiếp cận được tổn thương.
Thực tế, đã khẳng định rằng chỉ có phương pháp tế bào học mới đáp ứng đầy đủ nhất cả 5 yêu cầu : đơn giản, nhậy, tin cậy, hiệu suất và tiết kiệm.

- Các xét nghiệm huyết học: 
Chủ yếu để chẩn đoán một số ung thư thuộc hệ tạo máu, thực chất là chẩn đoán tế bào học.
Huyết đồ cho phép xác định ung thư bạch cầu. Một số tác giả thấy tế bào ung thư trong máu ngoại vi, đương nhiên là ở trong các trường hợp ung thư giai đoạn muộn có di căn ồ ạt. Tủy đồ cho phép xác chẩn các ung thư bạch cầu, có giá trị hơn so với huyết đồ. Trong một số trường hợp như bệnh Hodgkin, u limphô ác không Hodgkin, tủy đồ giúp đánh giá sự lan tràn của bệnh vào tủy xương.

- Chẩn đoán mô bệnh học: 
Chẩn đoán mô bệnh học ung thư là phương pháp tối quan trọng. Không bao giờ thầy thuốc chỉ dừng lại ở chỗ xác định có khả năng ung thư. Phải xác định được loại ung thư (típ vi thể hay típ mô học), vì việc điều trị, nhất là hoá trị và xạ trị hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả này. Nói chung, không điều trị ung thư khi bệnh nhân chưa được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm mô bệnh học.

Chẩn đoán mô bệnh học không những có ý nghĩa xác chẩn cho phát hiện tế bào học mà còn có thể kiểm tra mọi kết quả chẩn đoán của các phương pháp khác và vì thế nó mang ý nghĩa khẳng định chẩn đoán hay như các chuyên gia ung thư vẫn thừa nhận: "mô bệnh học là tiếng nói cuối cùng".

Việc sử dụng kỹ thuật hóa mô miễn dịch và kính hiển điện tử đã mở rộng việc đánh giá các tổn thương vi thể bao gồm các đặc điểm về sinh hóa và siêu cấu trúc của tế bào góp phần cho chẩn đoán mô bệnh học chính xác hơn.
Gần đây sự phân tích tế bào học di truyền của DNA và các nghiên cứu di truyền học phân tử đã bổ sung cho kính hiển vi quang học như là các xét nghiệm có giá trị trong chẩn đoán ung thư.

2. Sinh thiết
Để chẩn đoán xác định độ ác tính thì phải cần đến khám nghiệm vi thể tế bào ung thư của các nhà giải phẫu bệnh. Thủ thuật để lấy được tế bào và/hoặc các mẫu bệnh phẩm, và khám nghiệm chúng được gọi là sinh thiết. 

Chẩn đoán mô học sẽ xác định loại tế bào ung thư đang tiến triển, mức độ ác tính (mức độ loạn sản), sự lan tràn và kích thước của chúng. Di truyền học tế bào và hóa mô miễn dịch có thể cung cấp các thông tin về xu hướng phát triển sau này của ung thư (tiên lượng) và phương pháp điều trị tốt nhất.

Tất cả ung thư đều có thể được chữa trị nếu như khối u được cắt bỏ hoàn toàn, và đôi khi điều này có thể thực hiện bởi sinh thiết. Nếu ung thư lan tràn đến vị trí khác của cơ thể (di căn), phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn là không thể. Bản chất của sinh thiết phụ thuộc vào cơ quan khám nghiệm. Nhiều sinh thiết (như là sinh thiết da, vú hay gan) có thể thực hiện ngoại trú.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét