Xem bài ĐÒ LÊN THẠCH HÃN ... TÊN ĐỤC BỎ của anh thấy mà buồn cho những kẻ văn hóa lùn quá. Chiều tối hôm 30/4/2014, tôi cùng CLB Khúc tráng ca Thành cổ Quảng Trị 1972 của T.p Hà Nội có đến thả Đài hoa 3 tầng và hát cho các đồng đội nằm dưới đáy sông Thạch Hãn. Ngày hôm sau đi tiếp NT Đường 9, NT Khe Sanh, đêm 1/5 cùng UBND và Hội CCB huyện Hướng Hóa tổ chức Đêm "Hát cho đồng đội tôi nghe".
Trong đêm hát cho đồng đội tôi có chụp được vài tấm ảnh kỳ lạ và nảy tứ thơ, gửi anh nếu có thể xin được góp vốn bạn bè. Bài viết gửi file kèm theo.
Chúc anh khỏe.
------------
Đêm 1/5/2014, lúc đó khoảng 23g, tôi chụp những bức ảnh cuối cùng tại Khu B Nghĩa trang Khe Sanh. Vềnhà xem lại thật kỳ lạ: những ngọn nến cháy lên theo hình dấu HỎI, mặc dù cùng khu vực đó, thời khắc đó ảnh khác lại bình thường. Kết hợp với vài trường hợp linh hồn liệt sĩ dẫn mấy đồng đội nữ đi và tâm linh giao cảm, chợt nảy tứ thơ:
NỖI ĐAU LỚN NHẤT
Chúng tôi về Khe Sanh,
Thắp nến, cắm hoa trong “Đêm hát tri ân đồng đội”
Đứng trước mộ các anh,
Những liệt sĩ vô danh,
“Những linh hồn không tuổi”(*)
Những ngọn nến cháy lên lại mang hình dấu hỏi:
“Tên chúng tôi là gì?”
“Hãy trả lại tên để chúng tôi tìm về quê mẹ!”
Chị em tôi nghẹn ngào nhòa lệ
Chỉ có thể nguyện cầu
Chiến tranh qua lâu rồi, còn để lại vạn nỗi thương đau,
Nhưng LIỆT SĨ CHƯA BIẾT TÊN – là nỗi đau lớn nhất.
Khe Sanh, Quảng Trị 2/5/2014 Đại tá CCB Lương Phúc
(*) lời trong bài hát “Linh Thiêng Việt Nam” sáng tác Lê Quang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét