BÁO ĐỘNG VÌ… GIỎI QUÁ



Thi tốt nghiệp của chúng ta cũng đang có vấn đề, dù chúng ta cố gắng cải cách theo hướng chạm vào thực chất hơn. Nhưng thi, cuối cùng chỉ để chọn ra một vài phần trăm không đỗ thì, như nhiều người đã phải thốt lên, thi làm gì cho tốn kém hàng ngàn tỉ đồng, mà khổ cho cả giáo viên, học sinh, phụ huynh, và cả xã hội cũng phải liên lụy trong những ngày nắng nóng này.
------------






          Các trường học trên toàn quốc vừa bế giảng năm học, và, như mọi năm, tỉ lệ học sinh giỏi và khá đều cao ngất ngưởng.

          Tưởng đã thoát chủ nghĩa thành tích trong giáo dục, té ra, nó vẫn còn, và có vẻ còn trầm trọng hơn.

          Mà không chỉ người ngoài thấy, ngay cả các thầy cô giáo, và cả phụ huynh đều rất bức xúc với nạn thành tích này.

          Rất nhiều trường tiểu học kết thúc với tỉ lệ suất sắc, giỏi, khá rất ngọt ngào, đến… không tin nổi.

          Mừng cho các cháu học giỏi, nhưng lại lo cho nền giáo dục. Học mà ai cũng giỏi, ai cũng đậu tốt nghiệp thì là... nguy chứ không phải vui mừng. Mấy chục năm trước học cũng giỏi nhiều như thế, sau bao đợt cải cách, đến giờ, học vẫn như thế và giỏi cũng vẫn như thế. Học mà điểm của ai cũng cao chót vót thì sẽ tạo ra một thứ hư danh rất kinh, nó đánh quỵ sự ham muốn học của các cháu, các cháu sẽ thấy rằng, học thế mà vẫn được giỏi thì học làm gì, mỗi cháu sẽ đội trên đầu mình một quả bóng bay rất lớn, quả bóng hư danh. Từ các cháu sống trong hào quang hư danh, đến các thầy cô, nhà trường, phụ huynh và xã hội... cũng hư danh.



Cái hư danh ấy làm hỏng các cháu và cả phụ huynh các cháu nữa. Mà chả phải mình phụ huynh, cả dân tộc ta sẽ rồ lên: chúng ta vừa hiếu học, vừa học giỏi. Và thế là có những cuộc chạy đua để… học giỏi. Từ dạy thêm học thêm, đến phong bao phong bì, đến nâng điểm, ra nghị quyết tỉ lệ khá giỏi. Chống hư danh nhưng lại ra nghị quyết về tỉ lệ khá giỏi, tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp phải đạt… thì làm sao mà chạm được chất lượng thực. Cuối cùng tất cả chúng ta lao vào một cái guồng do chính chúng ta tạo ra, guồng thành tích ảo, đến mức phải nói dối. Và như thế, sự trung thực, một trong những cái đích của giáo dục, bị chúng ta lướt qua.

Trong khi đó, thực sự bằng cấp của chúng ta như thế nào, khả năng thực của con cái chúng ta ra sao... bình tĩnh suy xét thì biết ngay thôi...

 Thi tốt nghiệp của chúng ta cũng đang có vấn đề, dù chúng ta cố gắng cải cách theo hướng chạm vào thực chất hơn. Nhưng thi, cuối cùng chỉ để chọn ra một vài phần trăm không đỗ thì, như nhiều người đã phải thốt lên, thi làm gì cho tốn kém hàng ngàn tỉ đồng, mà khổ cho cả giáo viên, học sinh, phụ huynh, và cả xã hội cũng phải liên lụy trong những ngày nắng nóng này.


          Ngay trong các trường đại học cũng thế, trong trào lưu rất nhiều đại học được mở ra như hiện nay, các trường cạnh tranh nhau bằng tỉ lệ tốt nghiệp khá giỏi cao để sinh viên dễ xin việc, cào bằng các trường, các hệ đào tạo với nhau…
 
Có một điều nguy hiểm là, rất nhiều thầy cô giáo, rất nhiều phụ huynh, nhiều nhà quản lý biết rõ thực trạng, nhưng rồi, ai cũng hân hoan khi cuối năm học sinh của mình nhiều người khá giỏi, nhiều người đậu tốt nghiệp…

Căn bệnh này không thể chữa được nếu cứ tiếp tục hô hào lớt phớt như lâu nay, nhưng ai sẽ là người thực sự xắn tay vào, hay cứ để nó lao không phanh như thế…

                                                                  

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét