GIA LAI CÀ KÊ 15

Mình nhớ cái lần mình đeo ba lô lơ ngơ xuống bến xe Pleiku để vào Ty Văn hóa nhận công tác hồi cuối năm 1981. Bến xe rợp cây cổ thụ, xe khách ẩn mình dưới các tán cây ấy. Nắng xiên lỗ đỗ xuống nền đất, những cái quán ẩn mình dưới các gốc cây. Chiều buồn như rượu đổ trong lòng cái thằng tôi khi 1 thân 1 mình xung phong lên đây, nhưng lại tạo cảm giác thân thiện đến kỳ lạ. Tôi xốc ba lô đi theo 1 cô gái vào phố, con dốc Hùng Vương Phù Đổng nhấp nhô theo mái tóc xõa gió của người con gái Pleiku lần đầu tiên tôi gặp mà hoàn toàn không dám nhìn xem má có hồng không vì tôi chỉ lặng lẽ đi sau...

Đường Hoàng Diệu trước giải phóng, giờ là đường Hùng Vương


Bến xe ấy giờ là cái khách sạn Hoàng Anh bề thế.

1  con đường cũ ở Pleiku thời chưa giải phóng

Sau khi bỏ ba lô vào khách sạn Pleiku, tôi đi bộ mấy vòng thị xã liền, trong đấy có tam giác: ngã ba Diệp Kính chỗ có khách sạn tôi ở, ngược Lê Lợi lên Hoa Lư, vòng về Trần Hưng Đạo, rẽ Quang Trung, lại về Diệp Kính. Ấn tượng trong tôi là cây xanh và bướm vàng. Đang đỉnh điểm mùa khô nên thêm gió và bụi nữa. Nhưng bướm vàng bay từng thảm trong cái rợp xanh của các tàn cây cổ thụ giao nhau qua đường khiến tôi rất thích. Mở rộng vòng lên Hai Bà Trưng, sang Phan Đình Phùng cũng thế. Những dãy nhà là khu gia binh cũ dựa vào cây ẩn ẩn hiện hiện, quần áo giăng trên dây, những giàn hoa giấy, những cô gái mặc áo dài đến nhà thờ buổi chiều... tạo ấn tượng rất mạnh.

Đường Lê Lợi đoạn nhà tôi ở bây giờ là một thung lũng, đi trên đường ngó xuống rất nhiều cây cổ thụ, chủ yếu là thông hàng trăm năm tuổi, trụ sở Ty Công nghiệp ẩn trong ấy, rất đẹp. Phía bên kia là trụ sở Ty Văn Hóa, cũng thế, thông đầy sân. Có căn nhà người ta làm bọc lấy thân cây thông, thông chui ra từ mái nhà. "Bọn" tư bản "thối nát" nhưng rất có ý thức bảo vệ cây và chăm sóc cây.

Sau này vào ở trong tập thể Ty Văn hóa, nhiều đêm mùa khô lạnh, mấy ông cán bộ ra đốt cả... thân cây thông để sưởi. Cây thông đang tươi tốt thế, mấy người ôm thế, khoét 1 lỗ ở thân cây cho nhựa ứ ra rồi... đốt. Cháy âm ỉ cả đêm, người đứng xung quanh sưởi, lúc nào đi ngủ thì dập, nhưng có hôm quên nó cháy cả đêm. Cái lỗ ấy cứ to dần to dần lóm vào như cái thúng. Mà cây vẫn không chết, lạ thât.


 
Rồi người ta bắt đầu chặt cây để phát triển thành phố. Mình nhớ mãi cái vụ đường Trần Hưng Đạo.

Đấy là con đường đẹp nhất thị xã Pleiku thời ấy. Và là con đường duy nhất thời ấy không dốc, nó bằng một cách kỳ lạ giữa những con dốc kỷ hà làm nên đặc trưng Pleiku. Chính vì duy nhất nó bằng nên nó độc giữa nhấp nhô dốc. Và nó ngắn, chỉ từ ngã ba Hoa Lư đến bưu điện, chưa được 500 mét. Hai bên đường cây cổ thụ, toàn hơn trăm tuổi, đã giao nhau, chiều chiều đi bộ ở đấy đẹp và trữ tình mê hồn. Mình đã làm bài thơ "Gặp Huế trên cao nguyên" ở đấy. 2 bên vỉa hè, nhỏ thôi nhưng rất cổ kính...

Người ta quyết định phải mở rộng con đường này. Điều nay là chính xác, bởi sự phát triển thành phố. Tất nhiên không phải là không có phương án khác, ví dụ giữ con đường này làm đường đi bộ, mở 1 con đường khác song song. Nhưng thời ấy người ta chưa nghĩ ra phương án ấy, mà chỉ là mở to ra, cho oách.

Vấn đề là có 2 cách mở.

Một là mở cả về 2 phía, thì phải chặt toàn bộ cây, và giải tỏa cả 2 phía. Một phía toàn công sở nhà nước thì dễ rồi, 1 phía có nhà dân thì phải đền bù.

Hai là giữ nguyên con đường, mở thêm 1 đường về phía toàn công sở, có giải phân cách thành đường đôi, như thế sẽ giữ nguyên được con đường cũ có 2 hàng cây cổ thụ tuyệt vời kia.


 
Và, người ta đã chọn phương án... 1. Mở cả ra 2 phía. Để có con đường như bây giờ. Mình nhớ mình có hỏi 1 bác quan thành phố: Chú ơi sao không mở 1 phía làm đường đôi, nó vừa giữ được cây vừa hiện đại, mở ra cả 2 phía rồi mấy năm sau lại phải mở tiếp, đến giờ là mấy lần rồi đấy. Ông ấy bảo: Hồi ấy chúng tao ở rừng ra, ở rừng toàn cây rồi  chả lẽ ra phố cũng toàn cây, nên quyết chặt hết cho nó thoáng.

Và Pleiku đã... thoáng như bây giờ.


 
Nói cho công bằng, sau đấy người ta có trồng cây. Ví dụ đường Trần Hưng Đạo sau khi mở người ta trồng... bàng. Nghe nói khá nhiều tiền. Chưa đầy chục năm, bàng lớn như thổi, và thổi bay luôn các vỉa hè vì rễ của của nó ăn nổi, dù mình cũng đã có làm thơ về rễ bàng rất thổn thức: Đấy là gốc bàng già/ tháng năm đi qua bám vào rễ cây từng chùm ký ức... Thế là lại chi tiền đốn Bàng, thay thứ khác... đến giờ là mấy lần thay rồi. Lần mới nhất là thay bằng thông, nhưng là thông di thực, không có rễ cọc. Nghe nói nó sẽ sống nhưng nếu cứ để thì gió phơ phất phát nó sẽ... trốc gốc. Lại nhớ hôm qua Hà Nội cây đổ đè vào tắc xi, một tài xê chết ngay trên ghế lái. Rùng mình phát.

Hồi ấy mình có làm bài thơ "gửi những cây thông thời quá khứ", có in ở báo tỉnh, nghe nói TBT thời ấy bị chủ tịch tỉnh kêu lên... uống  nước (mình có kể trong 1 kỳ nào đấy rồi). Vấn đề là bài thơ giờ tìm không ra nữa, chỉ nhớ câu cuối cùng: "Để thị xã mình tiến kịp miền xuôi"- là nói cái sự tiến về bản sắc ấy ạ.

Ở đây lâu, mình có cảm giác, thành phố không có 1 quy hoạch tổng thể, mà cứ hứng gì làm nấy, nên nó cứ tréo ngoe và nhiều lúc buồn cười...


Thôi thế đã, làm việc khác. Kỳ sau sẽ tán về... nhà hộp, sản phẩm của 1 thời và hệ lụy đến bây giờ...
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét