Té ra ông này yêu Tây Nguyên và văn hóa Tây nguyên đến kinh ngạc. Hiện quán cà phê nhà ông là một bảo tàng về Tây nguyên đã đành, bản thân ông cũng là một nhân chứng văn hóa. Tự học tiếng Bahnar để có thể nói chuyện với người Bahnar như người Bahnar, ông còn tự học tiếng Anh để làm… guide. Thế là cứ lầm lũi một mình suốt ngày trong làng dân tộc, có khi ông dùng xe máy chở mỗi một ông tây ba lô luồn rừng vào làng ở cả tuần. Có vẻ như việc kinh doanh chỉ là phụ, bởi ông hoàn toàn không biết đã bỏ ra bao nhiêu tiền để đầu tư, chỉ cười hơ hơ nói nhiều lắm không biết, hỏi vợ ấy, nhưng ông lại biết rất rõ làng nào có lễ ăn trâu, có samok, có pơ thi, có cúng bến nước, có đám cưới đám ma để mò vào, khi một mình, khi cõng thêm vài anh tây ba lô, cũng ăn cũng uống cũng bốc bải, cũng ngủ nghê cũng chơi y như dân làng…
------------
Đến Kon Tum có một quán cà phê không thể không đến, ấy là cà phê Ê Va, và có một con người không thể không gặp, đấy là họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn, chủ quán cà phê này.
Tây Nguyên là thủ phủ cà phê, ai cũng biết thế. Và các quán cà phê thì ngàn ngạt ngoài đường trong hẻm, ai cũng thấy thế. Số người ghiền cà phê sành cà phê cũng thuộc loại kỷ lục. Thế nên có quán cà phê nào đó nổi lên, có trong trí nhớ của dân ghiền sở tại và trong sổ tay của khách du lịch thì phải thuộc hàng độc đáo. Có nhiều cách độc đáo. Từ chất lượng phin cà phê. Cà phê ngon kiểu Việt là phải pha bằng phin, giọt sánh, thơm và đủ vị đắng chát mặn và… cay… Nên gọi là cà phê Tây Nguyên nhưng gu mỗi quán mỗi khác, và đấy là bí quyết rang và trộn của từng quán, để giữ khách. Đến cách trang trí quán. Thôi thì muôn hình vạn trạng, từ lập thể, cấu trúc, siêu hình đến tre nứa chuối cọ, từ tơi, thừng, đay, chão tới sỏi, cuội, cát, đá… đủ kiểu để hút khách. Rồi đội ngũ tiếp viên phải tinh nhuệ. Khách chỉ vào một lần là đã biết gu khách, lần sau khách chỉ mới quăng mình xuống ghế là đã một bình trà kèm ly đưa tới (khác cà phê ngoài Bắc chỉ cà phê, cà phê trong Nam được khuyến mãi trà, uống thoải mái, trà pha trong ấm hẳn hoi chứ không phải pha đại trà trong xô) và một nụ cười: Như cũ thưa chú? (bác, anh, chị). Hỏi còn sảng khoái nào hơn khi cái gu của mình được quán nó nâng niu đến như thế, vai trò thượng đế của mình nó ngời ngời lên như thế? Tất nhiên ai cũng hiểu cà phê ngon nó không chỉ ở chất lượng ly cà phê, mà còn phụ thuộc vào gu khách uống, vào không gian, văn hóa, không khí, thói quen... bởi nếu chỉ cần chất lượng, thì rất nhiều người dư khả năng bỏ chục triệu bạc mua nửa cân cà phê chồn hảo hạng về tự pha. Thế mà số người làm thế rất ít, nếu không muốn nói là không có. Cà phê nó không chỉ là cà phê, mà nó còn là văn hóa, là triết lý, là một cái gì đó bí ẩn trong cái khắc khoải nhớ thèm không cắt nghĩa được, cứ mang mang, cứ thắc thỏm, cứ bất an... nếu như mỗi ngày vì lý do gì đó chưa có một cữ ngồi cà phê. Cũng nói luôn, với tư cách là một người nghiện cà phê sáng hơn một phần tư thế kỷ nay, tôi nghi ngờ cái gọi là cà phê chồn mà các quán thi thoảng trưng ra. Tất nhiên là có, nhưng không nhiều đến mức đi đâu cũng có, quán nào cũng giới thiệu trong menu. Theo Wikipedia mà tôi vừa mò vào đọc thì mỗi năm cả thế giới chỉ có chừng hai trăm ki lô gam cà phê chui qua đít chồn trở thành đặc sản cho con người, khiến cho con người có thể vênh mặt khoe với bạn cái thú chơi cầu kỳ quái đản nhưng chưa chắc đã ngon (vì đã mấy ai được uống đâu?). Lại nhớ cụ Nguyễn Tuân sáng chế ra loại rau muống cạn bằng cách cắt sát đất đi rồi lấy cái vỏ ốc nhồi úp lên để khi nó lên thì cứ non nhểu trắng hếu cuộn tròn trong vỏ ốc. Thì cụ nghĩ ra thế, tả ra thế, viết ra thế, chứ những người sành ăn nói ngay rằng nó không ngon, nó không còn là rau muống nữa, nhưng vẫn phục sự tưởng tượng của cụ, thế thôi.
Cạnh tranh nhau quyết liệt, có những con phố ngắn mà san sát quán cà phê, và thường là khách nào đã uống quán nào là đóng đinh ở đấy, ít khi di chuyển, trừ cánh trẻ đi đông chiều nhau mà chuyển nay chỗ này mai chỗ khác. Rất khó để mà độc tôn, chính xác mỗi thành phố thường chỉ có một vài quán. Hàng ngàn quán cà phê, nhưng chỉ chừng nửa số ấy là có văn hóa cà phê, triết lý cà phê, họ nâng việc pha chế, phục vụ, bán cà phê... thành nghệ thuật, một thứ nghệ thuật vô lượng vô hình mà chỉ ai thật sành, thật tinh tế mới cảm nhận được. Họ pha cà phê như một sự ngưỡng thánh, như tự mình dâng hiến, đắm say và sáng tạo, bí ẩn và thiêng liêng.
Ở Kon Tum có quán cà phê Ê Va của ông họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn.
Té ra ông này yêu Tây Nguyên và văn hóa Tây nguyên đến kinh ngạc. Hiện quán cà phê nhà ông là một bảo tàng về Tây nguyên đã đành, bản thân ông cũng là một nhân chứng văn hóa. Tự học tiếng Bahnar để có thể nói chuyện với người Bahnar như người Bahnar, ông còn tự học tiếng Anh để làm… guide. Thế là cứ lầm lũi một mình suốt ngày trong làng dân tộc, có khi ông dùng xe máy chở mỗi một ông tây ba lô luồn rừng vào làng ở cả tuần. Có vẻ như việc kinh doanh chỉ là phụ, bởi ông hoàn toàn không biết đã bỏ ra bao nhiêu tiền để đầu tư, chỉ cười hơ hơ nói nhiều lắm không biết, hỏi vợ ấy, nhưng ông lại biết rất rõ làng nào có lễ ăn trâu, có samok, có pơ thi, có cúng bến nước, có đám cưới đám ma để mò vào, khi một mình, khi cõng thêm vài anh tây ba lô, cũng ăn cũng uống cũng bốc bải, cũng ngủ nghê cũng chơi y như dân làng…
Vốn dĩ là một nhân viên nhà nước, một “cán bộ vẽ pa nô áp phích” sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, anh này bỏ việc nhà nước về, đổ tất cả của cải, vốn liếng của... vợ và gia đình vợ vào quán cà phê Ê Va này. Nó nổi tiếng không phải chỉ do cà phê ngon mà bởi kiến trúc khá quái dị và những gì mà ông chủ bày biện trong ấy. Đấy là hệ thống tượng gỗ và các sản phẩm mỹ nghệ Tây Nguyên mà anh này bỏ công sức vốn liếng sưu tập được trong suốt bao nhiêu năm qua và tượng, các tác phẩm mỹ thuật của chính ông chủ giăng hàng trong quán. Ông này cũng có tài nuôi chim và các loại súc vật như chó, mèo, trăn, rắn, chồn, cáo... Hàng chục loại chim biết nói suốt ngày liến thoắng giọng nữ mát rượi: Ẩn ơi, có khách. Em chào khách ạ... Mỗi khi ông chủ đi đâu về, chó mèo trăn rắn chồn cáo và chim ào ạt ra đón như nghênh tiếp nguyên thủ. Điều lạ là ở nhà này, mèo và chim thân nhau như bạn bè, chứ không phải thông lệ là mèo rình chim sơ hở là... vồ ngay. Nhìn những con chim bạc triệu nhởn nhơ trước mắt mèo mà cứ... thon thót vì kinh ngạc. (Mở ngoặc đơn phát, đoạn chim cò chó mèo trăn rắn... này giờ ông bỏ rồi, ngày xưa thì có).
Không giống như các loại đồ uống khác, chức năng chính của cà phê không phải là giải khát, mặc dù người dân Mỹ uống nó như thức uống giải khát. Nhiều người uống nó với mục đích tạo cảm giác hưng phấn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2005 của nhà hoá học Mỹ Joe Vinson thuộc Đại học Scranton thì cà phê là một nguồn quan trọng cung cấp các chất chống ôxi hóa (antioxidant) cho cơ thể, vai trò mà trước đây người ta chỉ thấy ở hoa quả và rau xanh. Những chất này cũng gián tiếp làm giảm nguy cơ bị ung thưở người.
Trở lại chuyện ông họa sĩ kiêm chủ quán cà phê Ê Va, đến Kon Tum muốn gặp ông này là phải hẹn trước, không thì ông đang lang thang trong làng. Có cảm giác, nhà ông là quán trọ, còn những ngôi làng đồng bào Tây Nguyên mờ xa phía núi xanh kia mới chính là cái đích của ông. Nể ông này một, nể vợ ông ta mười, bởi đã chịu được một ông chồng như thế, lại còn dám đổ vốn ra cho ông thỏa chí tang bồng, chứ khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật ông chỉ có 2 bàn tay trắng với cái ý tưởng ngông cuồng ấy. Ý tưởng ấy giờ vẫn cháy, và có vẻ như, qua cách nói chuyện với ông, nó vẫn sẽ ngùn ngụt mãi…
Một số ảnh quán cà phê và ông Ẩn, một số ký họa chân dung của Ẩn. Một số ảnh là Ẩn gửi, một số ảnh phải nhờ họa sĩ Phùng Sơn chụp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét