NHÀ SÁCH KHÔNG BÁN SÁCH VÀ CẤM CHỤP ẢNH

Mình từng có một bài viết ca ngợi Pleiku là thành phố yêu sách. Ít nhất thì nó có khá nhiều siêu thị sách tính trên đầu dân, chưa kể các quầy sách be bé của tư nhân. Nhưng đi sâu vào thì mới thấy, nó có rất nhiều điều lạ, mà lạ nhất là nó... không bán sách và cấm chụp ảnh quầy sách.

Vẫn biết hiện nay việc bán sách nó không dễ ăn gì, nhưng anh mở siêu thị ra thì phải bán chứ, chả lẽ lại để bán... ma túy à. Nhưng việc không bán sách đã xảy ra, không chỉ một lần.

Mỗi khi mình ra sách, giờ chán ở đây đến mức, mình toàn gửi ra tỉnh ngoài bán, rất nhiều bạn đọc hỏi sao không mua được sách của mình ở đây, mình kể 2 chuyện sau:

Lần ấy mình ra tập "Gõ chiều vào bàn phím", sau khi rao bán trên mạng và gửi ra Hà Nội bán thì rủ một cô cháu làm cùng đi ký gửi ở các siêu thị sách Pleiku. Có tất cả 4 siêu thị trong vòng bán kính chưa đầy cây số vuông trung tâm thành phố thì cũng kinh. 6 tháng sau, mình nhờ cô bé kia đi thanh toán. 3 quầy bán hết. Có một cái quầy trên đường PBC thì... còn nguyên dây buộc, và đặt nằm đúng trong chỗ 6 tháng trước cô nhân viên nhận sách và bỏ vào đấy. Tức là mấy chục cuốn sách của mình không hề được mở ra, không hề được bày lên, họ nhận xong cất vào tủ và... trả lại. Ơ bán buôn kiểu gì lạ thế?

Lần sau, mình ra tập "Đêm không màu", lại ôm đi ký gửi. Đến cái cửa hàng của Fahasa trên đường HVT, cửa hàng liên quan đến câu chuyện của nhà văn Hà Phạm Phú phía sau, thì người này chỉ người kia, đi một vòng toát mồ hôi dù trong nhà máy lạnh thì đến người cuối cùng. Câu trả lời là: chú phải mang sách vào Sài Gòn gửi rồi họ nhận trong ấy, rồi họ gửi ra đây, rồi chúng cháu mới bán, rồi 6 tháng sau chú đến thanh toán, rồi rồi rồi các loại...

Suýt văng tục, nhưng kìm lại được. Mình là nhà thơ, ai lại chửi tục. Và cũng khoe tí, nhiều thì không bán được chứ trăm cuốn thơ của mình ở thành phố này thì bán được, vì ít nhất ở đây cũng có... vài trăm người thích mua thơ mình. Và sau đấy thì mình không thèm nhờ cái hệ thống quái gở này nữa, mà tự bán. Tập "Vòm trời khác" mình tổ chức ra sách tại một quán cà phê, bán được một... mớ, rồi bán trên mạng, mớ nữa, chả mất phát hành phí, chả phải cười duyên với "đứa" nào. Mình đi gửi sách, nó bán nó hưởng mấy chục phần trăm hoa hồng mà mình cứ như đứa chịu ơn...

Lẽ ra chả nhắc tới làm gì, nhưng sáng nay đang họp thì nhận được tin nhắn của nhà văn Hà Phạm Phú, ông đang ở Pleiku mấy hôm nay: "Sáng mình đến nhà sách Gia Lai thấy  quầy sách Văn học định chụp mấy tấm ảnh thì bị ngăn cấm. Tại sao vậy hả nhà thơ?". Bác hỏi em em biết hỏi ai hở bác Phú ơi, vì đến như em, nhà thơ sở tại, mà còn bị thế thì bác dân vãng lai, là cái đinh gỉ nhé.

Vừa đến cơ quan thí thấy bác Hà Phạm Phú đưa đưa lên facebook câu chuyện sáng nay của bác ấy, xấu hổ vô cùng nhưng cũng vẫn phải cop đưa lên đây:

"Sáng nay mình hăm hở đến nhà sách Gia Lai, định bụng chiêm ngưỡng gương mặt văn hóa Pleiku mà mình yêu mến. Đi qua những gian bán văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em, mình vào gian bày bán sách văn học. Ngoài sách dịch văn học Âu Mỹ, còn có sách dịch văn học tiếng Hoa, cả cổ điển như Thủy Hử, Đông Chu Liệt Quốc, Hồng Lâu Mộng cả kiếm hiệp giải trí. Sách trình bày rối rắm, lòe loẹt nhưng vào loại đắt sắt ra miếng. Mình lấy điện thoại ra chụp mấy quyển sách với ý định sẽ minh họa cho một bài viết nào đó, thì lập tức có một nhân viên nam xuất hiện, ngăn lại. Chú không được chụp. Mình ngơ ngác, sao lại không được chụp? Một là không có biển cấm, hai toàn là sản phẩm văn hóa được bày bán công khai, chẳng có gì bí mật. Hay đây là đặc sản địa phương? Anh chàng nhân viên mặc đồng phục xanh trứng sáo- xanh đen cương quyết, nếu chú muốn chụp chú phải làm việc với lãnh đạo. Oách hả? Thì gặp lãnh đạo. Lãnh đạo đang ngồi ôm vi tính, ngẩng lên, chú có việc gì? Mình bảo, muốn chụp ảnh gian sách, nhưng bị cấm. Sao địa phương lại có luật lệ không giống ai vậy? Lãnh đạo vươn người đứng dậy, một vóc dáng cao lớn hùng dũng, nhưng hiền khô, nói không có cấm chú ơi. Chú chứ chụp. Mình dẫn lãnh đạo ra gặp cậu nhân viên, để chứng những điều mình nói là sự thật. Hóa ra như các cụ ta đã đúc kết từ thời bao cấp, mà thời kinh tế thị trường vẫn đúng: Thủ kho to hơn thủ trưởng. Nhưng mình không muốn chụp gian sách văn học nữa. Mình chụp một góc cái biển hiệu nhà sách để lưu lại."...

Những ai dân Gia Lai có thấy đáng lên án và tẩy chay mấy nhà sách này không ạ?

Nó đây, bác Phú chụp 1 góc cái hiệu sách, và đây chính là cái chỗ đã từng bảo mình mang sách vào Sài Gòn gửi rồi trong ấy sẽ chuyển ra cho nó bán đây. Buôn bán thế mà lãi mới lạ:


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét