-----------
Thực ra thì tôi được sống với quê rất ít.
Học xong cấp 3 thì thống nhất đất nước, như phần lớn những gia đình tập kết khác, tôi từ Thanh Hóa theo ba mẹ về quê. Mới học xong cấp 3, lại là dân mê văn, quê trong tôi nó lung linh như là… quê vậy, dù thật sự hồi ấy, cả nước đói kinh người, quê tôi còn đói hơn. Thế mà trong tôi, quê cứ rười rượi như nước mội, cứ phau phau như những cồn cát sau làng. Mà làng thì cứ ngàn ngạt mùi nhang, cứ nồng nã tình cảm cô cháu anh em mấy chục năm gặp lại.
Vì thế, cả nhà tôi không ở Huế mà về quê, làng Thế Chí Tây, xã Phong Phú (lý lịch tôi hồi ấy đều ghi tên xã như thế, sau này mới đổi thành Điền Hòa), huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Nhưng tôi lên Huế học đại học ngay, tháng đôi lần đạp xe về nhà, thăm ba mẹ nhưng mục đích chính là… nạp năng lượng cho cái dạ dày đang tuổi suốt ngày réo và nhận.. lương.
Làng vợi đi nhiều lắm. Phía sau, cách dăm cây là biển. Dân biển ngoài ấy vượt biên. Dân làng cũng vượt biên. Có chuyến tôi không đạp xe mà đi đò từ nhà lên Huế, gặp mấy anh biên phòng áp giải mấy người vượt biên bị bắt, bị trói thành dây ngồi trên tàu. Tôi vấn thuốc mồi lửa cho họ, thuốc rê và giấy bổi sẵn trong túi họ, tôi chỉ việc lấy ra rồi vấn sâu kèn. Tôi vấn không quen, điếu thuốc bở ra như bọng tre gặp lửa, vừa rít cái đã cháy vèo.
Rồi tôi ra trường, đi làm, thời gian về ít hơn, năm có năm không. Có năm tôi về thấy mẹ than: đi chợ giờ rất khó, dân biển vào làng mua cá (một sự lạ vì cá do dân biển làm và mang vào làng bán), toàn mua cá khúc và không thèm trả giá.
Hồi này những người vượt biên bắt đầu gửi tiền về. Ngày xưa những người đói nhất làng thì phải vượt biên. Giờ những nhà có người vượt biên bắt đầu giàu lên vì bên kia gửi tiền về, những người khá giả khi xưa đảo vị trí. Bữa ăn chỉ có khoai lang luộc với canh hến nấu rau khoai lang…
Tôi đã đi gần như khắp đất nước, lùng sục đến nhiều địa danh tưởng như tít mù tắp, nhưng phải nói thật điều này: Tôi đã chưa đi hết huyện Phong Điền quê tôi. Là nói trên thực địa chứ tôi thấy chưa bao giờ mình gắn bó với quê như bây giờ. Bởi nhất cử nhất động của quê tôi đều biết, và ngược lại, cũng có khá nhiều người ở quê đọc tôi, biết tôi là ai. Có lần tôi nói đùa với một ông bạn là quan hàng tỉnh của Gia Lai: Ông chức to hơn tôi nhưng về quê ở Bình Định (cán bộ lãnh đạo Gia Lai chủ yếu quê Bình Định) vào ủy ban huyện có khi bị hỏi giấy. Còn tôi về đấy như về nhà, chỉ sợ không có sức… nhậu.
Đấy là một huyện có sông có biển có núi. Nhà tôi ở một doi cát lớn kéo dài gần hết Miền Trung, phía sau lưng là biển, trước mặt là sông, theo phong thủy là rất đẹp, rất phát. Có lẽ cái phát đến thời bây giờ mới bắt đầu. Vùng Ngũ điền này ngày xưa là nghèo nhất tỉnh, nói đến nó ai cũng lắc đầu, nhưng giờ thì khá sầm uất. Chả thế mà ông em ruột tôi, đang làm hiệu trưởng trường cấp 3 ở đây, được điều lên huyện, sau khi "không chối được" thì làm, nhưng cương quyết không chuyển nhà, mà lại còn củng cố “căn cứ” ở làng vững chắc hơn, hàng ngày phóng xe mười mấy cây số đi làm, rồi về, dù nhà chỉ còn hai vợ chồng. Và tôi, cũng có một ước nguyện, cuối đời mình sẽ về đây, an lành và thanh tĩnh, trong trẻo và bình nhiên, xóm làng cứ như một bức tranh, trả hết nợ đời, mình nhẩn nha ở đấy, hỏi còn thú nào bằng…
Là tôi vừa lỡ một dịp lớn với quê. Hứa với các anh lãnh đạo huyện là sẽ tổ chức một nhóm anh em nhà văn của ban nhà văn trẻ hội Nhà Văn Việt Nam, loại đang sung sức, sách ra sòn sòn như măng gặp mưa. Những là Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Danh Lam, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Minh Cường, Hoàng Đang Khoa… phối hợp với anh em ở Huế cũng đương thì như Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Trần Huyền Sâm, Lưu Ly… hành quân về Phong Điền, vừa là trại vừa là thực tế, sẽ về làng, ngủ ở làng, sống với quê hương mấy ngày, rồi thì viết. Lịch liếc xong hết rồi thì lại… hoãn vì những lý do lãng xẹt từ phía chúng tôi...
Thế mà trước đấy tôi đã hồi hộp hình dung mình sẽ làm hướng đạo cho các đồng nghiệp, những là chiến khu Hòa Mỹ nơi có anh cu Theo “em tên là Nguyễn Văn Hòa”, làng cổ Phước Tích, nước nóng Thanh Tân, Phong Chương quê của tổng đốc thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương, rồi Ưu Điềm, cái tên rất gợi gắn với dòng Ô Lâu, rồi Thanh Hương nhớ tới trận Thanh Hương thời chống Pháp, Ngũ Điền làng tôi, và tất nhiên là bồng bềnh đầm phá với vườn chim tự nhiên nổi tiếng…
Tôi nhớ có lần chủ tịch huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui sau khi đọc bài thơ “Xứ Thanh” của tôi có nói: Anh làm răng viết cho quê hương một bài ít nhất là như rứa? Tôi cười kể tên một bài thơ của tôi đã được giải khuyến khích cuộc thi thơ của tạp chí Sông Hương, Vui bảo: bài nớ không sâu, không đau đáu, không rút ruột, không nặng bằng bài ni. Cái tay chủ tịch huyện này cũng là một nhân vật đáng để nhắc đến: rất yêu quê, làm mọi thứ cho quê, luôn đau đáu vì quê. Và qua cái nhận xét thẳng băng ấy, chứng tỏ tay này cũng là một người đam mê và hiểu biết văn chương, thế mà cái cuộc văn chương sắp thành hiện thực của chúng tôi lại bị ngừng…
Thì cái cuộc ấy ngừng thôi, chứ trong tôi, vẫn luôn hồi hộp, mới rợi và non tơ khi nghĩ về quê…
Quê đây ạ:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét