CÚ ĐẤM VÀ THÓI QUEN



          Nhớ năm nào đó, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh cấm pháo. Đây là việc động trời bởi pháo đã gắn với đời sống người Việt, đặc biệt vào cái thời khắc thiêng liêng là giao thừa, rồi các dịp vui như đám cưới, thượng thọ… nên dân tình vô cùng  nháo nhác. Rất nhiều người không tin là sẽ thực hiện được, rồi lại đầu voi đuôi chuột như các lệnh khác thôi. Hồi ấy cố thủ tướng ra mấy cái lệnh đều liên quan đến chữ Đ, như đốt (pháo), đường (chỉ thị 317 Ttg), Đầu tư, điện và 87/88 liên quan đến đèn mờ thì cũng có chữ Đ. Đến giờ chuyện pháo đã trở thành dĩ vãng, và mọi người thấy rằng, không có pháo cũng không có ai… chết như hồi đầu có người đã nghĩ, kể cả người đang viết bài này.

          Bây giờ lại đang có ý kiến là cấm xe máy. Dân tình cũng đang sốc, rất nhiều ý kiến phản biện. Thì quả là, không biết từ đâu và từ hồi nào, cái xe máy nó lại dính cứng lấy… mông người Việt đến như thế. Tôi nghiệm thấy có 2 món vật dụng được người Việt ta “phổ cập” nhanh nhất là xe máy và điện thoại di động. Có thời chỉ đại gia mới có con di động to như cục gạch vừa để a lô vừa để… chèn bánh xe lỡ khi mất phanh, giờ thì các anh xe ôm, các chị bán rau, các o bán vịt lộn, các bà mua ve chai, em bán vé số… đều dùng điện thoại như vật bất ly thân.

          Nhưng xe máy thì khác. Đã đành nó là vật dụng phù hợp với đời sống người Việt, nhưng nó cũng gây nên những thảm cảnh mà ai cũng chứng kiến hàng ngày: tắc đường và tai nạn. Trên thế giới chắc chỉ có dân Việt ta là xài xe máy kín đường như thế, nhà nghèo thì  một hai cái, nhà giàu thì ba bốn năm sáu, xe máy từ là đồ trang sức, là của để dành, trở thành vật dụng thông thường.

          Cứ tốc độ này, xe máy sẽ chen người và choán hết chỗ của người. Con người phải sống chung và tranh cướp không gian chật chội với xe máy. Nó từ chỗ là vật dụng thân thuộc hữu ích trở thành… tội nợ. Xe máy nó khiến cho con người lười một cách khủng khiếp. Bước chân ra khỏi nhà là phải xe máy, dăm bước chân cũng xe máy. Dẫu hoàn toàn không muốn lấy nước ngoài để so sánh, nhưng đúng là mấy nước mà tôi từng qua, xe máy rất ít, có những nơi hầu như không có như Singapore, thế mà đất nước của họ vẫn phát triển, vẫn không có ai chết vì phải… đi bộ, đi tàu điện ngầm, đi xe bus.

          Tất nhiên để hạn chế tiến tới cấm xe máy thì nhà nước cũng phải bảo đảm điều kiện để thay thế, nhưng không có nghĩa là con người không phải đi bộ. Để đến bến xe bus, bến tàu điện ngầm… vẫn phải đi bộ, trung bình năm trăm mét đến một cây số. Và thú thật, tôi rất thích ngắm các cô gái mặc váy công sở chân tăm tắp đi thoăn thoắt ở các ga xe bus hoặc tàu điện ngầm bên Singapore. Trời cho cái dáng chuẩn thế, cặp chân đẹp thế, không đi bộ để khoe cũng phí. Nhưng phải nói thêm, là đường phải thông, hè phải thoáng và rất ít bụi để các cô có dịp khoe.

          Cũng như thế, chúng ta đã hô hào cải cách giáo dục suốt mấy chục năm nay rồi, năm nào cũng cải cách, cuối cùng cứ loay hoay để… trở về như cũ. Tức là không có một cải cách quyết liệt, từ gốc, mà ta cứ nhắm vào mấy kỳ thi, lấy các kỳ thi làm gốc trong khi thi tốt nghiệp thì toàn gần 100% là đỗ và lấy đấy là thước đo sự ưu việt của nền giáo dục.

          Bởi nếu chỉ có mình ngành giáo dục thì không thể cải cách gì được hết, khi mà các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng lại dựa vào bằng cấp. Thế là bằng mọi giá người ta phải có một cái bằng, các cơ sở đào tạo mọc ra như nấm để đáp ứng nhu cầu bằng này. Khi tuyển dụng tiến thêm một bước là cộng điểm tốt nghiệp thì các trường tư thục, các trường yếu thế hơn lại bỗng nhiên có giá, bởi học ở đấy dễ… giỏi hơn, điểm cộng sẽ cao hơn. Thế nên mới có chuyện cử nhân văn chương ra làm việc bảo thảo cái công văn nửa trang không xong. Cử nhân Sử hỏi Đoàn Trưng Đoàn Trực là ai không biết. Nhưng điểm cộng của họ lại cao hơn người giỏi thật sự  học ở các trường lớn. Ở trường đại học nghiêm túc, có uy tín, trường tốp trên ấy, họ chấm điểm đúng chất lượng, thì cả lớp tốt nghiệp chỉ dăm ba người giỏi chứ lấy đâu như nước lũ ở các trường ngoài công lập kia, nên đương nhiên là người học lơ mơ nhưng điểm cao được tuyển, và cái vòng cộng ấy gạt hết người giỏi ra ngoài… Nếu không cải cách triệt để từ chuyện học, chuyện thi đến tuyển dụng thì người giỏi vẫn không có nơi làm việc và người kém sẽ vẫn được ngồi chễm chệ ở cái nơi mà lẽ ra họ không nên và không được phép ngồi.

          Biết thế, nhưng ai là người ra cú đấm cuối cùng.

          Chúng ta giờ hay nương theo dư luận. Có những chuyện nghe dư luận là đúng, như mấy ông bà ngồi nghĩ ra chuyện ngực lép không được lái xe, ngay cái quy định nam phải trên 1,6 mét mới được lái xe giờ cũng lỗi thời rồi, bởi xe hiện đại nó thỏa mãn hết mọi nhu cầu của con người, có hệ thống trợ lực hết, không cần đến cơ bắp cũng như chiều cao như xe đời cũ, nhưng cái quy định ấy thì vẫn còn, và vì thế, mà phải… chạy. Rất nhiều người hiện đang lái xe ô tô không đủ chiều cao 1,6 mét phải chạy mua giấy khám sức khỏe, và họ vẫn lái tốt. Hay việc cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

          Nhưng có những chuyện dư luận nảy ra từ những thói quen. Chúng ta đã quen đã thi tốt nghiệp thì không được 100% cũng phải đỗ 98%, dưới đấy là không được, có đủ lý do để không thể được, nên có năm nào đấy, thử thít lại một cái, thế là ào ào như ong vỡ tổ, như ngày tận thế đã đến, nên rồi lại… thi đợt 2, và… như cũ. Cũng vậy là cái thói quen chạy xe máy từ trong nhà ra đường, để rồi hòa vào cái dòng xe như một dòng sông khổng lồ không chảy. Ngay cả đi bộ thể dục buổi sáng buổi chiều thì cũng chạy xe máy đến nơi gửi xe rồi mới đi. Xong lại cưỡi xe máy về…

          Thôi thì trong khi chưa đâu vào đâu, cứ phải chờ vậy. Chờ cũng là một thói quen, biết làm sao được…
                                               

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét