Sáng nay y mail mình... 5 lần thì được bài này với chú thích là "Mới tìm ra". Thực ra bài này y viết lâu rồi...
---------
Với một chỗi cười hể hả, với một gương mặt và tâm tính ở tuổi mười tám, Văn Công Hùng - bạn cùng lớp với tôi ở trường Đại học tổng hợp Huế, luôn sống trong tâm hồn bạn bè văn nghệ, như một câu ca dao ngọt ngào, mỗi khi nhớ lại ta lại cảm thấy tin yêu hơn ở cuộc sống và con người, vốn dĩ giờ đây hầu như đã trở thành khan kiếm.
Tôi không còn nhớ tập thơ trước của Hùng ngoài một cảm giác đó là một tập thơ của tuổi học trò. Tập đó Phạm Phú Phong viết lời tựa. Tôi nói với Phong: “Thơ thằng Hùng dở mà mày vẫn viết được hay thế, mày khá!” Phong cười: “Ờ, thơ nó dở mới cần một thằng viết lời giới thiệu hay như tao”.
Nhận được tập thơ “Gõ chiều vào bàn phím”, đọc qua một lượt tôi rưng rưng một cảm xúc thật khó tả. Như thể Văn Công Hùng lột xác, thăng hoa. Như thể Văn Công Hùng nhận được đặc ân mà thượng đế đã thiên vị ban cho Hùng. Tôi muốn dùng từ thiên vị, bởi vì với tôi ai làm thơ hay thì phải làm hay ngay từ khi còn rất trẻ. Thoảng hoặc nếu ai đó bất ngờ “cháy sáng” thì đời sống của người đó nhất định phải có một biến động lớn như một cơn địa chấn bất thần tác động lên tinh thần, cảm thức và nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn.
Hùng không có điều đó.
Cái chức vụ hữu danh vô thực ở một vùng đất có thực mà hữu danh như Hùng không đem lại cho Hùng một đời sống dư dả, nhưng cũng không thúc ép Hùng rơi vào khốn quẫn, bi đát. Cái cuộc sống như vậy rất dễ làm cho người ta nhàm chán, đơn điệu, tự bằng lòng, và đương nhiên những tác phẩm được làm ra từ những con người đó cũng khó mà có những đột biến bất ngờ.
Ấy thế mà “Gõ chiều vào bàn phím”, chỉ cần cái tên đó thôi đã thấy Hùng khác Hùng nhiều quá. Nhưng nếu như ngày xưa chắc chắn Hùng sẽ viết “làm thơ thời vi tính buổi chiều”, hay một câu gì đó đại khái là như vậy. Từ “gõ chiều” hơi điệu đàng một chút nhưng rất thơ. “Gõ chiều vào bàn phím” chỉ một câu đó thôi đã cho thấy một nội lực, một biến ảo, một khác lạ của Hùng mà vẫn giữ được chất giản dị, đôn hậu và ca dao vốn vẫn là gốc rễ, nguồn cội của người đàn ông muôn đời nhắc gợi hình ảnh Phật Di Lạc trong tâm thức bạn bè.
Hùng sinh ra đã tốt tính. Tính tốt của Hùng không cần phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu. Chính đức tính tốt từ thời đi học của Hùng nó làm hại thơ của Hùng, nó khiến thơ của Hùng không nhìn vào những mặt ngược, những mảng tối; nó khiến cho không mấy khi Hùng quyết tâm thay đổi một cái gì đã định hình. Nhưng may mắn thay chẳng hiểu vì lẽ gì, thật trái với lẽ tự nhiên, bây giờ Hùng vẫn giữ được phẩm chất tốt quý giá của mình mà thơ anh lại có những thăng hoa.
Ngay như mấy câu thơ của bài thơ đầu anh đã có những câu khá da diết: “Bản ngã chai lì nhưng khóc nếu heo đau”. Không dễ gì một nhà thơ nào có được câu thơ hay để có thể tự hào như: “Kẻ rót lửa vào thơ, người ném thơ vào lửa” và “Mê mải tìm chút nắng phía sau mưa”.
Văn Công Hùng còn nhiều câu thơ hay, nhưng thôi bạn đọc nên tự tìm đọc. Nếu phải chê thơ của Hùng tôi cũng phải nói một lời thật lòng rằng đôi khi ý đó anh đã viết hay rồi, nhưng trong một bài thơ khác anh lại dùng lại, ví dụ trong bài: “Tự bạch của một thời”, anh viết “Mê mải tìm chút nắng phía sau mưa” thì trong bài “Trong mưa”, ngay ở trang sau trong tập thơ, anh viết: “Và em về phía dốc mong manh”.
Tôi còn nhớ một câu thơ khá hay của Hùng trên blog: “Tôi giữ tình yêu phía thần thoại đời mình” (thực ra câu thơ này là của Vũ Thu Huế, chị này khi viết về thơ mình đã đưa câu này làm ví dụ- VCH). Phía sau mưa, phía dốc mong manh, phía thần thoại đời mình… Xin lỗi Hùng nhé, cái tật lặp lại mình, dù lặp lại cái hay chăng nữa, vẫn rất đáng trách, bởi nói cho cùng người làm thơ chính là người sáng tạo ra cái đẹp. Cái đẹp mà lặp lại sẽ không còn đẹp nữa…
Chao ôi, chính vì sự nghiệt ngã này mà ngay cả đối với một nhà thơ vào hàng chiếu trên của thơ Việt Nam, chọn cho được hơn mười bài thơ hay cũng là điều, theo tôi, không thể.
Chính vì thế “Gõ chiều vào bàn phím” đã gõ thao thức vào hồn tôi, khiến tôi không thể không viết bài này.
PHẠM DŨNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét