ĐĂK PƠ- NHỮNG LINH HỒN BẤT TỬ



Vậy thì ai, cấp nào sẽ tiến hành các công việc tiếp theo, ấy là tổ chức tìm, trước hết là từ các nhân chứng là các chiến  sĩ cũ của trung đoàn, những người dân địa phương tham gia, phục vụ và chứng kiến trận đánh  đang leo lét như đèn dầu trước gió đây, để có kế hoạch khai quật, tìm kiếm các liệt sĩ, không chỉ của trung đoàn 96…
----------


          Học lịch sử phổ thông, nếu ai chịu học, sẽ nghe nói đến trận Đăk Pơ, hay còn gọi là trận GM Xăng (GM 100). Đây là một trận đánh rất lớn của quân đội ta thời ấy. Đối thủ là một binh đoàn chủ lực, thuộc loại mạnh nhất của quân đội Pháp được điều từ chiến trường Triều Tiên sang để làm xương sống cho kế hoạch Át Lăng. Toàn bộ quân số của binh đoàn lên tới 3.900 người với trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất so với thời đó gồm pháo, tăng, thiết giáp, xe đặc chủng… bên ta quân số gồm có trung đoàn 96 có sự tăng cường của 1 đại đội thuộc trung đoàn 120, tất cả tổng cộng chừng 600 người. Và cái cổ họng ngay suối Đăk Pơ được quân ta chọn là nơi quyết chiến. Kể nữa nó sẽ là tường thuật lịch sử, nhưng cũng cần nói tí về những con số, ấy là toàn bộ binh đoàn bị tiêu diệt và tan rã. Chết 500, bị thương 600 và bị bắt 800 trong đó có quan năm Ba Ru. Bên ta, 147 chiến sĩ hy sinh cho đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt…

          Trận Đăk Pơ này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng có hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề…”. Nó chính là cú huých cuối cùng cùng với trận Điện Biên Phủ buộc Pháp ngồi vào bàn đàm phán ở hội nghị Giơ Ne Vơ…

          Mấy năm nay tôi như là người được cột duyên nợ với Đăk Pơ, với các cựu quân nhân trung đoàn 96 còn sống đến giờ. Món nợ ấy vô tình đến từ bài bút ký của tôi, thực ra thì tôi viết đến 3 bài báo lẻ in báo Gia Lai, Người Lao Động, sau gộp lại thành một cái bút ký in ở Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, báo Văn Nghệ và sau đó đưa lên trang Weblog cá nhân. Không kể số lượt đọc ở các báo, chỉ riêng trên blog của tôi đã có gần một nghìn comment, một số lượng thuộc loại khủng đối với một entry trên blog, mà lại viết về lịch sử, về chiến tranh cách mạng chứ không phải nội y, vòng một vòng 2 hay các scandal của các người đẹp. Các comment mà tôi đã phải viết tiếp một bài là “Những comment thắt lòng” phần lớn là của các bác cựu chiến binh, người trẻ nhất cũng đã hơn bảy chục tuổi, còn lại là tám chín mươi, nhưng đều xa xót đau đáu việc các đồng đội của mình, những người cùng mình một thời tuổi trẻ, chịu đói khát sốt rét bệnh tật, và giờ vẫn nằm đâu đó ở Đăk Pơ, mà theo các con số chính thức là một trăm bốn bảy liệt sĩ, nhưng khi đi sâu tìm hiểu thì tôi biết đây mới chỉ là con số liệt sĩ của trung đoàn 96, chưa tính bộ đội địa phương, dân quân du kích. Nơi này rất gần làng S’tơ tức Kông Hoa của anh hùng Núp, và chính ông Núp thời ấy cũng tham gia vào việc dẫn đường cho bộ đội “điều nghiên” trận địa, mà một trong những anh bộ đội ấy au này là nhà văn Nguyên Ngọc. Rồi còn người của phía bên kia. Cuộc chiến này đã qua sáu mươi năm rồi, suốt sáu mươi năm qua, các linh hồn cả hai phía có khi đã làm quen với nhau, chơi với nhau, kịp trở thành bạn bè của nhau…

          Một kế hoạch được vạch ra để đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các cựu chiến binh. Bí thư huyện ủy Đăk Pơ trực tiếp chủ trì làm đề án, nhờ giám đốc chi nhánh ngân hàng nhà nước Gia Lai, một người cũng từng là cán bộ ở rừng ra, rất tâm huyết với việc đền ơn đáp nghĩa, cầm ra Hà Nội gõ cửa… chào hàng. Trong bộ hồ  sơ ấy có… bài báo của tôi. Và kết quả vượt ra ngoài ước mong, mười chín tỉ đã được duyệt để xây ở đây một đài chiến thắng và đền tưởng niệm do hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đóng góp thông qua Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Ban đầu ý định là xây một tượng đài chiến thắng, các cụ cựu chiến binh cương quyết không chịu. Một mặt là comment vào blog của tôi, một mặt điện thoại, gửi đơn… đến những nơi có thể gửi.  Các cụ bảo: tượng đài chiến thắng thì cả nước ta chỗ nào cũng có rồi, cả đất nước ta là một tượng đài rồi, nhưng một chỗ cắm hương cho anh em thì chưa có. Trong khi chưa có điều kiện quy tập anh em về, nói chính xác chưa tìm được di hài các liệt sĩ, thì phải làm một cái đền thờ chung cho anh em có chỗ về trú ngụ, sinh hoạt. Và rồi cái ước nguyện chính đáng ấy cũng được đáp ứng bằng cách là có cả tượng cả đền. Trong khả năng của mình, tôi cũng đi “nhỏ to” với một số bác có trách nhiệm tham mưu, thiết kế, và trong khi trình bày ý tưởng các bác ấy lồng vào, và rồi thành công. Bởi rất nhiều bác cựu chiến binh khóc thật sự, họ bảo giờ tôi không biết trông cậy vào ai, chỉ biết nhờ “nhà báo cách mạng VCH” giúp thôi. Nghe có vẻ hài hước, nhưng có tiếp xúc mới biết tình cảm của các bác là thiêng liêng, không ai được phép thờ ơ.

          Tiếp xúc mới thấy, té ra dù đã hơn nửa thế kỷ, chính xác là sáu mươi năm, nhưng canh cánh trong lòng các cụ cựu chiến binh vẫn là việc những đồng đội của họ chưa tìm về được, dù các cụ, có người quân hàm đến thượng tướng như bác Nguyễn Minh Châu, còn phần lớn là đại tá, thượng tá. Thượng tướng Nguyễn Minh Châu mới mất năm ngoái, một số cựu chiến binh trung đoàn 96 còn khỏe thì con cháu đưa đến viếng thượng tướng, và tại đám tang ấy, chuyện 147 liệt sĩ trận Đăk Pơ vẫn được nhắc, và họ hứa với linh hồn thủ trưởng cũ của mình, sẽ tiếp tục… kêu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay như thủ trưởng, nếu vẫn chưa có chỗ thờ liệt sĩ thì con cháu của họ sẽ tiếp tục.

          Tỉnh Gia Lai vừa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 chiến thắng Đăk Pơ và lễ động thổ xây tượng đài đền thờ liệt sĩ trận Đăk Pơ. Nhiều cựu chiến binh được mời về, nhưng chỉ có một số bác về được khi có con cháu đưa đi. Đại tá Nguyễn Thị Minh Hoài, nguyên phóng viên báo Quân Đội Nhân dân là người được ủy quyền đưa 2 bác cựu chiến binh từ Hà Nội vào dự lễ. Một bác là Trương Quang Quyền (sau này hình như làm ở Ban tổ chức Trung ương), một bác là Nguyễn Tấn Phát-sau này là Đại tá, trưởng khoa của Học viện Chính trị- Quân sự, khi đó hai bác là lính trực tiếp đánh nhau trong trận Đăk Pơ. Bác Quyền khi thay mặt ban liên lạc trung đoàn phát biểu đã khóc nấc lên trên bục, ban tổ chức phải cho người túc trực để… đỡ và cấp cứu. Số cựu chiến binh về được trong ngày kỷ niệm chiến thắng và khởi công xây dựng đền thờ ít lắm, đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay theo chúng tôi được biết, số cựu chiến binh trung đoàn 96 còn một số bác ở rải rác các tỉnh thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Đồng Nai, Thanh Hóa và các tỉnh Nam Miền Trung…


          Bây giờ 147 liệt sĩ, cứ tạm cho con số này là chính xác, vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sáu mươi năm rồi, cát bụi cả rồi, nhưng vẫn đau đáu trong thân nhân và đồng đội các liệt sĩ cái khát vọng tìm lại được, quy tập về một chỗ, có thể là ngay phía sau đền tưởng niệm. Nhưng, như những gì tôi đã chứng kiến, những chứng nhân cuối cùng của trận thắng oai hùng này đã rất già yếu, đi đã phải có người dìu, mà cũng chỉ một số bác đi được, còn lại là ngồi một chỗ và ngóng. Gần một nghìn comment trong blog của tôi phần nhiều là các bác đọc và nhờ con cháu gõ và post lên. Vậy thì ai, cấp nào sẽ tiến hành các công việc tiếp theo, ấy là tổ chức tìm, trước hết là từ các nhân chứng là các chiến  sĩ cũ của trung đoàn, những người dân địa phương tham gia, phục vụ và chứng kiến trận đánh  đang leo lét như đèn dầu trước gió đây, để có kế hoạch khai quật, tìm kiếm các liệt sĩ, không chỉ của trung đoàn 96…

          Sáu mươi năm, những linh hồn liệt sĩ vẫn bất tử, nhưng không có nghĩa là không cần đến sự ra tay ngay lập tức của chúng ta để các liệt sĩ yên lòng bất tử…

          Trước khi đóng bài viết này, chúng tôi nhận được tin sốt dẻo từ anh Trần Hữu Đức, bí thư huyện ủy Đăk Pơ: đội K52 của tỉnh đội Gia Lai đã chính thức được giao nhiệm vụ đi tìm và quy tập hài cốt các liệt sĩ trong trận Đăk Pơ, hiện một số cán bộ chiến sĩ của đội đang đi tìm các nhân chứng, vẽ sơ đồ, khảo sát… để tiến hành quy tập. Cầu mong cho mọi việc hanh thông để các liệt sĩ an lòng và người sống cũng thanh thản…
  
                                                               


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét