Thực ra, ATM còn một cái bất tiện nữa, ấy là nó rất… vô chủ. Đàn ông Việt, mấy anh được cầm thẻ, mà chủ yếu là… vợ cầm. Vậy nên tiền chuyển đến, chủ của tiền chỉ “nghe nói” còn sở hữu thực sự những đồng tiền mồ hôi nước mắt ấy lại là… chủ của chủ tiền kia…
---------
Tôi có thói quen lưu những tờ thư gửi nhuận bút từ các tòa soạn báo. Hồi ấy trong cái thư chuyển tiền có ô dành cho viết thư trong ấy, nhỏ thôi, nhưng có chỗ cho chữ hiện diện giữa các con số tiền hân hoan nhảy múa trước mắt người nhận.
Phần nhiều là người gửi bỏ trống cái ô ấy (vì bận, vì lười, vì nhiều lý do trời ơi đất hỡi nữa), nhưng có nhiều người gửi tiền rất cẩn thận, ghi rõ: nhuận bút số nào, bài nào, và còn thòng câu thay mặt báo cám ơn tác giả và mong tiếp tục cộng tác. Riêng tôi, tôi yêu cầu các nhân viên ở tòa soạn báo tôi khi gửi tiền đều phải có thư cám ơn tác giả, không được để trống. Bởi cũng hình dung cái sự thích thú của đối tác khi nhận tiền mà lại có cả thư nữa, như mình.
Rồi đến thời bưu điện chuyển tiền bằng mail. Không có chỗ cho viết tay nữa, cũng có cái ô nhắn tin dành cho người gửi nhưng là gõ bằng vi tính, nhắn rất ngắn gọn: tiền gì, số nào, mất hẳn cái thú lưu trữ có hàng trăm nét chữ khác nhau, đa phần là chữ con gái mềm mại, của nhân viên các tòa soạn.
Giờ có ATM, bộ phận trị sự các báo lại chuyển sang chuyển tiền vào tài khoản. Rất lợi về thời gian đi lại nhận, thời gian tiền trên đường, đến nỗi tờ báo nào còn chuyển tiền bằng thư chuyển tiền qua bưu điện bị coi là âm lịch.
Nhưng không phải báo nào cũng chuyển bằng ATM. Có báo khi chuẩn bị in bài thì nhân viên trị sự đã liên hệ với tác giả để hỏi số tài khoản, nhưng nhiều báo vẫn cương quyết chung thủy với chuyển tiền qua bưu điện, tháng gửi một hoặc hai lần.
Cái anh ATM rất tiện, nhưng cũng có bất tiện là… không theo dõi được nhuận bút. Bởi tôi đã chứng kiến có anh rất cẩn thận, có một quyển số, ghi rất rõ bài nào gửi báo nào ngày nào, đã in chưa, đã nhận nhuận bút chưa, bao nhiêu. Anh này có lẽ sẽ là người ghét ATM nhất, bởi nó đến 1 cục, chả biết bài nào với bài nào, may lắm thì có cái tin nhắn kèm: nhuận bút tháng xyz nếu anh đăng ký dịch vụ nhắn tin, tức mỗi tháng lại nuôi nhà mạng di động mấy chục nữa, và mỗi cái tin nhắn thế cũng sẽ bị trừ tiền. Nhưng nếu không đăng ký dịch vụ tin nhắn thì tiền đến không biết, lâu lâu lại ra cây ATM kiểm tra như thằng rồ, mà giờ ngân hàng cũng thu phí in hóa đơn vấn tin số dư, và chỉ thấy tiền nhiều hơn lần trước chứ chả biết báo nào gửi, gửi bao nhiêu thành thử nhiều lúc thấy có tiền mà lại cứ hoang mang như không phải của mình?...
Thời trước tôi cộng tác với mấy tờ báo liền, thuộc nét chữ của các cô phát nhuận bút, thuộc cả màu mực các cô hay dùng, và cả hành văn từng cô. Giờ chỉ còn là kỷ niệm, giờ tiền đến thấy nó lạnh lùng, âm thầm chứ không nồng nã yêu thương, ấm áp nữa. May là còn có tiếng tít tít của tin nhắn, mở ra đọc thì biết ngày giờ chuyển, số dư còn bao nhiêu, không thì, cứ kì kẽo ra cây ATM mà bấm. Lạnh hơn cả vỏ máy ATM, hơn cả mặt… vợ khi cuối tháng chồng chưa đưa tiền…
Thực ra, ATM còn một cái bất tiện nữa, ấy là nó rất… vô chủ. Đàn ông Việt, mấy anh được cầm thẻ, mà chủ yếu là… vợ cầm. Vậy nên tiền chuyển đến, chủ của tiền chỉ “nghe nói” còn sở hữu thực sự những đồng tiền mồ hôi nước mắt ấy lại là… chủ của chủ tiền kia…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét