Có một từ lâu nay chúng ta hay dùng là đâm trâu. Đâm trâu hoàn toàn không phải là lễ hội, mà nó là một thành tố của lễ hội. Cũng như cồng chiêng không phải là lễ hội mà nó cũng chỉ là một thành tố (quan trọng) của lễ hội. Chính vì tên gọi và cách chúng ta hành xử khi “đâm trâu” công khai trước hàng ngàn người đã khiến nó bị phản ứng vì sự dã man của con người với con vật trung thành, là “đầu cơ nghiệp” này. Ăn trâu là hình thức dùng trâu để tạ ơn thần linh, và có rất nhiều hành xử rất nhân văn của con người với con trâu bị giết, ví dụ đêm trước đấy, có một cái lễ khóc trâu, trước đấy nữa, những bó cỏ ngon nhất sẽ được dâng cho trâu, và khi hành lễ đâm trâu thì người ta làm trong lúc trời chưa sáng, chỉ có người già và thầy cúng.
Gần đây, một anh bạn là bác sĩ, có vợ là người Jrai, và bản thân anh rất yêu văn hóa Jrai, đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu học hỏi, cung cấp cho tôi một thông tin thú vị. Ấy là, cái từ “Trum kơbâo” (Kơbâo là tiếng Jrai Nhơn Hòa, Kơbau là tiếng Jrai Ayun Pa cùng nghĩa là con trâu)- lâu nay ta gọi là đâm trâu, tôi hay gọi ăn trâu- không thể dịch là ăn trâu, phải là “tế trâu”. Tại sao không gọi là “Tlãu kơbâo” mà gọi là “Trum kơbâo”, “tlãu” nghĩa là đâm theo đúng nghĩa đen. Đâm bằng dao (thong), đâm bằng giáo (tơbăk)...! Tại sao không gọi “trum bơbuih” (đâm heo), “trum bê” (đâm dê), “trum mơnũ” (đâm gà)... Từ “Trum” chỉ dành riêng cho trâu! Con trâu quan trọng đến mức con người dành riêng một từ để chỉ nghi thức trang trọng này.
Thực ra dùng tế trâu- hoặc hiến tế trâu- có vẻ cũng chưa chính xác, bởi theo cách hiểu của tôi, thì người ta dùng trâu tế Yang, nếu dùng như thế thì lại thành ra tế trâu. Nhưng cách gọi ấy nó gần với bản chất vấn đề hơn từ đâm trâu lâu nay ta hay dùng.
Và vì thế mới nêu ra đây để mong được các cao nhân cùng bàn bạc, cho ý kiến…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét