Mấy hôm trước đọc báo thấy ông “thánh” Nguyễn Ngọc Quang - Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pah (Gia Lai), trả lời báo chí về chuyện “Cầu sập liên tiếp, dân kêu, chính quyền làm ngơ?” mà tôi không thể nhịn cười. Cười một cách chua chát, xót xa và buông miệng hai từ “khốn nạn” thay cho những phận đời mỗi ngày qua lại trên một công trình chữ V đậm chất kiến trúc và sáng tạo của một vị quan cấp huyện.
Cầu chữ V hay năng lực “vụng về”?
Chẳng biết lấy ra đâu cái lẽ cầu sập, quan chức làm ngơ. Cả “thánh” Quang cũng xử lý tình huống vô cùng khó hiểu – cầu của huyện sập mà không nắm tình hình, để rồi khi dân đặt vấn đề “tại sao quan huyện không lo?” thì ông đổ thừa cho tỉnh quản lý. Buồn cười hơn khi vị “quan cấp huyện” này còn dùng trí tưởng tượng siêu phàm như thể ông ấy là một kiến trúc sư đã qua trường lớp, để rồi dám thốt ra hai chữ “khách quan” khi nhận định “cầu tạo thành chữ V chứ không sập” để mô tả một cây cầu vốn chỉ còn là một đống phế thải.
Tôi thử đặt dấu chấm hỏi vào năng lực quản lý lẫn tư duy của vị quan “tri huyện”. Thưa ông! Ngay cả khi một đoạn dây cáp bị đứt khi đang xây cầu vì lý do khách quan tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước, thì vị kỹ sư người Nhật cũng tự sát vì cho rằng mình phải chịu trách nhiệm. Phải chăng cũng vì những người có trí tưởng tượng méo mó như ông – nhìn cầu sập ra cầu hình chữ V – mới khiến cho không biết bao nhiêu người dân, trong đó không thiếu các em nhỏ phải qua sông qua suối bằng “túi ny lông”. Để rồi phận đời của họ cũng nổi trôi bồng bềnh, đánh cược mạng sống giữa dòng nước xoáy đến vô tình để đối lấy cái chữ, cái nghĩa, hay đơn thuần chỉ là miếng cơm manh áo thường ngày.
Cái cầu sập ấy là một hệ lụy của thứ mà các ông đã được học từ nhỏ trong bài văn “Sống chết mặc bay” mà chính ông đóng vào vai quan trị huyện phản diện – mặc cho dân sống chết còn bản thân thì vô lo vô nghĩ. Ngoài kia dân vẫn nhọc nhằn để qua được bên kia bờ, có khi “mạng đi thì có mạng về thì không”, chứ chẳng hề hoa mỹ và lãng mạn như cái cách suy nghĩ vụng về theo kiểu “cầu tạo hình chữ V” của một ông quan huyện.
Và quốc gia như một “chiếc cầu gãy”?
Bạn bè tôi ngồi đọc những dòng phân bua của ông quan “tri huyện” mà xuýt xoa: “Cũng may, ông quan ấy chỉ dừng việc tưởng tượng chiếc cầu gãy tiềm ẩn rủi ro ấy ở tạo hình chữ V. Chứ nếu nhà báo ‘hỏi xoáy’ thêm vài câu nữa, biết đâu chừng bác ấy sẽ lúng túng rồi ‘đáp xoay’ rằng cầu tạo hình chữ V đại diện cho chữ Việt Nam để còn kịp mừng 40 năm ngày giải phóng”. Không chuyện gì là không thể xảy ra trong trí tưởng tượng và năng lực vụng về của nhiều quan chức nhà mình, kể cả những chuyện khó tưởng khó tin nhất trên thế giới này.
Nếu bạn không tin, tôi lại kể bạn nghe về chuyện “đường cong mềm mại” – một “tuyệt tác” khác của trí tưởng tượng và sự lãng mạn hóa của các quan nhà mình. Năm ngoái, dư luận được một phen cười ra nước mắt khi tuyến đường Trường Chinh (Hà Nội), bị bẻ cong so với quy hoạch biểu đồ. Báo chí và người dân đặt vấn đề “nhà chức trách bẻ cong đường để né nhà quan chức”. Trong khi các quan trả lời một cách đầy văn chương rằng đường tạo hình cong mềm mại”.
Hóa ra nhiều quan chức nhà mình, không chỉ ông tri huyện Chư Pah, cũng có tiền lệ hoa mỹ một cách đau lòng đối với những công trình công cộng của dân. Nhưng xin thưa, dân còn nghèo, còn khó, đến miếng ăn còn lo chưa xong thì lấy đâu ra thời gian và tâm trí để thưởng thức “tạo hình chữ V” hay “đường cong mềm mại” xuất phát từ sự tắc trách và sự ngụy biện đến ngạo mạn của các vị làm quan. Đến khi dân nghèo phải chua chát nhận ra “vẻ đẹp thật sự” của các tạo hình theo kiểu “chữ V” mà các quan tạo ra, thì có lẽ đất nước này cũng đã méo mó đến nỗi hình ảnh các vệ tinh ghi lại bản đồ Việt Nam cũng không còn là chữ S nữa.
Lẽ ra phải chịu tội…
Chuyện “đường cong mềm mại” và cầu sập “tạo hình chữ V” làm tôi nhớ tới chuyện kiến tạo tư duy của nhiều nhà lãnh đạo quốc tế. Dạo bộ trên khắp các phố phường tại Tokyo (Nhật Bản), Singapore, hay gần hơn như Malaysia, Indonesia… bạn sẽ cảm nhận được cái mà người ta gọi là “tư duy lãnh đạo”.
Đó là khi một quan chức lãnh đạo đường bộ Nhật Bản quyết không phá hàng cây thay thế bằng những con đường trải nhựa để đảm bảo phát triển cân bằng. Những con đường nhỏ gọn, được uống cong mềm mại đúng nghĩa giữa những hàng cây được bảo tồn khiến người dân vừa thấy hiện đại, vừa cảm nhận cái tâm của người làm lãnh đạo trong việc cân bằng phép toán giữa môi trường và phát triển. Tuyệt nhiên, đó không phải là việc “rút ruột” công trình, làm cho có, hay tranh thủ móc tiền của dân chúng để thoả mãn thú vui và sự xa xỉ của cá nhân, để rồi xuất hiện những cái “cầu chữ V” bị sập. Và xin thưa, khi có sự cố xảy ra, người ta cứ soi quy trình làm việc mà luận tội, bất kể anh là quan lớn hay quan nhỏ. Chẳng thể có chuyện bác tri huyện ngồi phòng máy lạnh rung đùi xem báo rồi tự họa trong đầu hình chữ V vô thưởng vô phạt.
Ở nước người ta, hành vi lãnh đạo thường xuyên bị soi xét và khảo sát sự tín nhiệm bởi dân qua nhiều cơ chế mở. Thời đại mạng xã hội và Internet cho phép hàng triệu dân click chuột ủng hộ những ai mình tin và thấy rằng họ hết lòng vì dân. Họa chăng xuất hiện ông tri huyện “cầu sập hình chữ V” chắc có lẽ dân sẽ kéo tới trụ sở của ông để đề nghị ông ra tận nơi cầu sập để thưởng thức, chiêm ngưỡng và thử qua lại trên chiếc cầu mà “bộ não điêu luyện” của ông đã tạo hình chữ V cho nó. Dân có theo sát như thế thì quan mới không dám làm liều, làm càng, làm cẩu thả.
Thì lại thích đổ thừa
Câu chuyện “cầu sập chữ V”, hay đường Trường Chinh “cong mềm mại” chỉ là một trong số ít những trường hợp thoái thác trách nhiệm mà không ít quan chức nhà mình mắc phải. Chẳng biết vì tâm lý, văn hóa “thích đổ lỗi” cho người khác của người phương Đông, hay vì các ngài làm quan bất lực và vô trách nhiệm lại hèn nhát mà khiến các ngài hở một chút là đi méc (tức báo cáo cấp trên), hoặc đổ thừa và chuyển đổi trách nhiệm (chờ cấp trên giải quyết; cấp trên chỉ thị sao làm vậy).
Một người bạn hỏi tôi “mày hay đi đây đi đó, thế có nước nào mắc bệnh quy trình và nghiện ‘cấp trên’ như nước nhà mình?” Thằng bạn hỏi đểu vậy thôi, chứ chính nó cũng biết chẳng có nơi nào như thế. Năm ngoái nhiều bác sĩ làm vấy bẩn cả ngành y khi cẩu thả trong việc tiêm vắc-xin cho trẻ khiến các em thiệt mạng. Dư luận đặt câu hỏi cho sở y tế, thì sở bảo “chờ thẩm định và quyết định của Bộ Y tế”. Trong khi bản thân sở quản lý trực tiếp nhân viên của mình.
Thế mới lạ đời!
Hay như mấy ông tài xế xe tải dạo này phản ánh liên tục tình trạng bị cảnh sát giao thông làm khó dù họ chẳng có lỗi gì. Cục Đăng kiểm và Cảnh sát giao thông làm việc mâu thuẫn. Giấy phép tải trọng của ông Cục cấp, nhưng mấy bác công an lại “lắc đầu không chịu”. Người khổ chính là mấy bác tài phải chạy ngày chạy đêm, nay vô cớ bị giam bằng lái mất miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Cầm tờ đơn khiếu nại lên, rồi lại thở dài vì chẳng biết đi đâu để kiện, bởi hỏi bên công an thì đơn được chuyển qua Cục Đăng kiểm và ngược lại. Phía nhà bên bất chợt mở bài hát “Kiếp đỏ đen” – dù chẳng chơi bài, mà làm ăn lương thiện – nhưng phận đời cũng thảm chẳng khác những đứa chụm đầu chúi mặt vào sòng bài. Thật là chua chát đến căm phẫn.
Tâm lý thích đổ thừa còn thể hiện sự bất lực trong phản biện chính sách của các quan. Nhấp ly cà phê đen không một chút đường, đứa bạn tôi chém gió thành bão, nhưng nghe rõ là có lý: “Mấy năm nay không hiểu đồ ăn thức uống Việt Nam có vấn đề gì mà các bác làm chính sách cứ phát ngôn lung tung, chỉ tội làm cho dư luận ném đá chạy không kịp”. Hết dự luật “xe chính chủ” rồi lại mở phố đèn đỏ; nhập xe túc túc (Thái Lan) về làm du lịch; hay gần nhất là có vị giáo sư tiến sĩ hẳn hoi thẳng thắn kêu gọi chấp nhận việc “chạy chức” với lập luận khiến người ta không thể tin ông là tiến sĩ: “Obama, Putin cũng mua chức huống chi là mình”. À quên, cái danh tiến sĩ mà ông đang có, chắc cũng “mua” mà được, nên chẳng biết chấp đường nào. Trớ trêu cho người “làm thật học thật” mà nhà nghèo, nên đành để chức cho những người giàu tiền lắm của đứng ra mua và điều hành nhiều công việc của quốc gia.
Các bác cứ phát ngôn vô thưởng cô phạt, để rồi dân phản biện thì lại đổ thừa. Chẳng biết đến khi nào mới có người dám làm dám chịu để dân có chỗ nhờ?
Cao Huy Huân
*****
0 nhận xét:
Đăng nhận xét