BÁC HỒ ĐỐI ĐÁP CÂU ĐỐI VÀ HỌA THƠ

 

               Vào khoảng tháng 12 năm 1943, Người tham dự bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Tại bữa tiệc này, Nguyễn Hải Thần,  vốn tự phụ về vốn Hán học của mình nên vừa có ý tự đắc vừa muốn lấy lòng quan trên đã buông ra một vế đối ngụ ý so sánh Hầu Chí Minh với Hồ Chí Minh để thách đối:
 “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, nhị vị đông chí , chí giai minh” (Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị là đồng chí, chí đều sáng)
          Mọi người trong bữa tiệc còn đang suy nghĩ tìm cách đối lại thì Hồ Chí Minh đã ung dung đối lại như sau:
          “Nhĩ cách mạng, ngã cách mạng, đại gia cách mạng, mạng tất cách” (Ông cách mạng, tôi cách mạng, tất cả đều cách mạng thì cách mạng tất thành công).
          Vế đối của Bác rất chỉnh cả về ý tứ lẫn ngôn từ lại có tầm tư tưởng cao, có tính cách mạng triệt để. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Hầu Chí Minh không ngớt lời ca ngợi: “Đối hay lắm, hay lắm”. Nguyễn Hải Thần cũng cung kính nói: “Hồ Chí Minh tài trí mẫn tiệp. Bội phục! Bội phục!”.
          Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Hải Thần cùng một số người Việt Nam nữa như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh theo đoàn quân Tiêu Văn của Tưởng Giới Thạch về nước. Để thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng, nhằm tập trung lực lượng kháng chiến ở Nam bộ, ngày 01/01/1946 Nguyễn Hải Thần được cử giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và sau đó được bổ sung vào Quốc hội (không qua bầu cử) đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Liên hiệp chính thức. Nhân dịp này, Nguyễn Hải Thần đã làm thơ gửi Hồ Chủ tịch:
 
                   “Gánh vác việc đời ông với tôi
                   Con đường gai góc sẻ làm đôi
                   Cùng chung đất nước chung bờ cõi
                   Cũng một ông cha, một giống nòi
                   Đành chịu nước cờ thua nửa ngựa
                   Còn hơn miệng thế chế mười voi
                   Mấy lời nhắn nhủ cùng ông biết
                   Nước ngược buông câu phải lựa mồi”
 
          Thâm ý của Nguyễn Hải Thần là muốn khuyên Hồ Chủ tịch đành chịu phần thua, lựa chiều lòng Trung Hoa Quốc dân đảng. Biết rõ ý đồ ấy, Hồ Chủ tịch đã họa lại như sau: 

                   “Ông biết phần ông, tôi biết tôi
                   Quyết giành thắng lợi chẳng chia đôi
                   Đã sinh đầu óc, sinh tai mắt
                   Nỡ bỏ ông cha, bỏ giống nòi
                   Họ trót sa chân vào miệng cọp
                   Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi
                   Cờ tàn mới biết tay cao thấp
                   Há phải như ai cá đớp mồi”
 
          Bài thơ họa lại, lời lẽ thật đanh thép, vừa thể hiện tinh thần quyết vượt mọi khó khăn, hiểm nguy giành thắng lợi vừa phê phán mạnh mẽ thái độ hèn hạ của bọn người cam tâm làm tay sai ôm chân Quốc dân đảng Trung Hoa, bỏ ông cha, bỏ giống nòi.
          Bài họa thật sắc sảo, tài tình! 
 
                                      Vũ thị Song thu (sưu tầm)
                                      Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét