[Reuters] Việt Nam, bị tàn phá bởi những tai ương kinh tế, đang chuẩn bị những cải cách mới

Tác giả: John Ruwitch và Trần Lệ Thùy
Dịch: Lê Quốc Tuấn – x-cafevn.org
Hiệu đính: Quang – thành viên ban biên tập Dự đoán kinh tế
Bài gốc: Reuters, Vietnam, wracked by economic woes, plans new reforms, 13/11/2011
http://www.reuters.com/article/2011/11/14/us-vietnam-economy-reform-idUSTRE7AD09V20111114

Trời đêm Hà Nội nhìn từ một cao ốc, tháng 11.2011


HÀ NỘI | Chủ Nhật 13 Tháng Mười Một, 2011 11:46pm EST

 

(Reuters) – Sau bốn năm bất ổn kinh tế, Việt Nam đang bắt tay vào một số cải cách mà một số người tin là quan trọng nhất kể từ các bước khởi đầu vào năm 1986. Đó là năm chấm dứt cơ chế kế hoạch hóa tập trung ngột ngạt và, rốt cuộc đã biến quốc gia bị chiến tranh tàn phá này thành một con hổ kinh tế.


Tuy nhiên, có hoài nghi lớn cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể né tránh sự chống cự các thay đổi lớn đến từ những tập đoàn quốc doanh và các nhóm lợi ích khác, bao gồm cả các tập đoàn tư nhân đã gia tăng ảnh hưởng đáng kể.

Nhiều tháng trời bàn thảo căng thẳng đã đem lại sự đồng thuận rằng Việt Nam, sau khi bị tàn phá bởi mức lạm phát tồi tệ nhất châu Á và các tai ương khác, cần phải thay đổi đường lối như đã làm 25 năm trước khi chính sách “Đổi Mới” cất cánh.

“Bây giờ là nghiêm túc, không chỉ là chuyện nói bàn nữa”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã nói với Reuters. “Chúng tôi đã đã trải qua quá trình phân tích cẩn thận, đau đớn để nhìn nhận các khiếm khuyết và các lĩnh vực cần cải thiện ở đâu”.

Tuy nhiên khó biết chắc rằng chính phủ sẽ theo đuổi những cải cách đủ sâu và rộng để cứu chữa các ngân hàng quốc doanh ngập nợ và kiểm soát các doanh nghiệp quốc doanh hoạt động không hiệu quả như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, từng vỡ nợ đầy xấu hổ hồi năm ngoái.

“Một lần nữa, kinh tế Việt Nam lại đứng ở ngã ba đường”, ông Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia có đầu óc cải cách, đã từng cố vấn cho giới lãnh đạo hiện tại và trước đây cho biết.

Và lần này, theo quan điểm của Doanh, dịch chuyển dứt khoát theo đường lối cải cách là “khó khăn hơn bởi vì việc ấy động chạm đến các nhóm lợi ích lớn hoạt động đằng sau hậu trường”.

THAY ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG

Khi nền kinh tế hấp hối tại ngã ba đường vào giữa những năm 1980, công cuộc tự do hóa cởi trói cho các cá nhân và các ngành công nghiệp đã khiến Việt Nam trở thành một ngôi sao đang lên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngôi sao ấy đã lụi tàn, và đất nước đã thoái hóa từ một trong những nền kinh tế hứa hẹn nhất của châu Á thành một trong những nền kinh tế bất ổn nhất.

Chính phủ hy vọng sẽ thay đổi được mô hình tăng trưởng kinh tế của mình khỏi sự phụ thuộc vào nguồn vốn và lao động rẻ, đã chỉ ra ba lĩnh vực phải tập trung cải cách – ngân hàng, chi tiêu công và doanh nghiệp quốc doanh – nhưng không hề dự kiến là sẽ công bố một cải cách đơn lẻ “siêu lớn”.

Những người ủng hộ thay đổi lớn hy vọng chính phủ có thể mở ra một loạt cải cách lớn như tiến trình Đổi mới trước đây; Đổi mới đã được khởi xướng vào năm 1986 nhưng đã không tăng tốc cho đến đầu những năm 1990, và theo thời gian Việt Nam đã chuyển đổi từ cảnh ngộ tàn phế sau chiến tranh thành một cường quốc khu vực đầy triển vọng.

Có những người lạc quan tin rằng Việt Nam sẽ tiến hành chuyển đổi quan trọng để loại bỏ những gì mà Ngân hàng Thế giới gọi là sự bất ổn kinh tế “định kỳ và ngày càng nghiêm trọng” của Việt Nam.

Deepak Mishra, kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới, người từng mô tả Việt Nam như một bãi “hoang địa”, đã được khích lệ bởi việc nhiều quan chức đang nói về sự thay đổi.

“Không một ai từng thấy được tình trạng như thế này trong thời gian qua”, Mishra nói. “Linh cảm của tôi là chúng ta sẽ không nhìn thấy rõ quy mô lớn của lộ trình tương lai của hành động tức thì trong hiện tại, nhưng sau 5 hoặc 10 năm khi nhìn lại chúng ta có thể nói, đúng thế, đã có một thay đổi thực sự bắt đầu vào năm 2011″.

Các kinh tế gia đồng thuận về những gì mà nhà nước nên làm. Phạm Chi Lan, một kinh tế gia đáng kính đã được các nhà lãnh đạo hàng đầu vời đến trong những tuần gần đây để thảo luận về các tai ương của đất nước.

Nhưng rồi vẫn có một câu hỏi lớn: các lãnh đạo sẽ đưa ra một chương trình nghị sự về tái cơ cấu lớn đến mức nào ?

“Nếu giới lãnh đạo chấp nhận điều này”, Lan cho biết, “họ sẽ đưa đất nước này vào lần Đổi mới thứ hai”.

CẢI CÁCH HOẶC TỤT HẬU

Có rất ít tranh cãi về các thách thức.

Lạm phát đã tăng trên 20% hai lần trong ba năm qua trong khi dự trữ ngoại hối sụt giảm, và tiền đồng Việt Nam đã bị mất giá hơn 20% so với đồng USD. Nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng  nhiều so với các quốc gia tương đương lên hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi tỷ lệ dư nợ tín dụng so với GDP đã tăng đến 125%.

Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh, cho đến nay đã giảm 22% trong năm nay so với cùng kỳ năm 2010. Năm ngoái, cả ba cơ quan xếp hạng lớn – Fitch, Moody và Standard & Poor’s đã hạ cấp hạng tín dụng của đất nước gần 90 triệu người này.

Các chuyên gia cho rằng gốc rễ song đề bùng-vỡ của Việt Nam nằm ở việc đầu tư quá mức của những tập đoàn quốc doanh không hiệu quả. Đó là nơi đã hút sạch vốn liếng và chuyển đổi năng lực cốt lõi của họ sang đa dạng hóa đầu tư đầy cẩu thả vào các lĩnh vực như bất động sản và cổ phiếu – vốn đều đã bị chập choạng.

Sự tăng trưởng kể từ khi Đổi Mới dựa trên tăng vốn đầu tư và lao động, nhưng điều đó ngày càng ít có khả năng léo lái nền kinh tế, Nguyễn Đình Cung, Phó Chủ tịch một cơ quan tư vấn hàng đầu của chính phủ, đã nói trong một báo cáo vào tháng Chín, vốn được coi nền tảng cho các cuộc thảo luận về của cải cách của chính phủ.

“Nền kinh tế của chúng ta không còn khả năng duy trì tỉ lệ tăng trưởng cao như những năm trước”, Cung – thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) đã viết.

Trong tháng Bảy, một đợt luân chuyển cán bộ lãnh đạo năm năm một lần dường như đã dọn đường cho cải cách.

“Chúng ta phải cải cách,” ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cựu thống đốc ngân hàng trung ương đã tuyên bố. “Nếu không, điều đó sẽ nguy hiểm. Nền kinh tế sẽ bị tụt hậu và niềm tin của nhân dân sẽ sụt giảm”.

KHÔI PHỤC NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN

Kiêm cho biết Bộ Chính trị, nhóm 14 người ở đỉnh cao quyền lực chính trị, đã kết luận rằng cải cách là cần thiết để “khôi phục lại niềm tin của nhân dân”. Lãnh tụ Đảng Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra tín hiệu mạnh nhất và công khai nhất từ cấp cao nhất về cải cách, kể lể dài dòng về những trở ngại trong một bài phát biểu ngày 10 tháng Mười.

Trọng đổ lỗi cho hoàn cảnh quốc tế cũng như “các khiếm khuyết trong nền kinh tế, mô hình tăng trưởng không hiệu quả và cơ chế kinh tế lạc hậu”.

“Chúng ta phải tái cơ cấu nền kinh tế cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng”, ông nói, đưa ra ba ưu tiên: đầu tư công, tài chính và các tập đoàn quốc doanh.

Trần Đình Thiên, Giám đốc Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam của nhà nước, nói rằng bài phát biểu có nghĩa là “thông báo hành động, rằng toàn đảng đã đồng ý về tái cơ cấu nền kinh tế”.

Việc bàn bạc về cải cách đã tiến triển kể từ mùa hè. Một số đề nghị hiện hữu có khả năng thay đổi căn bản mối quan hệ giữa chính phủ với kinh doanh và sẽ định hình lại nền kinh tế.

Các ban bệ Chính phủ đã được lệnh phải tái cơ cấu lại bản thân như thế nào, và doanh nghiệp nhà nước đã được lệnh thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành.

Trong tháng Chín, Bộ Tài chính đã đề xuất rằng chính phủ bắt buộc các doanh nghiệp quốc doanh phải hoàn lại 50% lợi nhuận của họ cho nhà nước và cắt giảm từ 10 đến 30% việc đầu tư ngoài ngành bao gồm bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán.

QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo một kế hoạch để tách quyền sở hữu và quản lý tại những doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất, chẳng hạn như nhóm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Lan, kinh tế gia được mời nói chuyện với giới lãnh đạo, cho biết “Đó là một kế hoạch kiên quyết, trong đó các tập đoàn quốc doanh phải tuân theo những tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp OECD. Kế hoạch này cũng bắt chước theo Trung Quốc trong việc có tiêu chí rõ ràng về năng suất và tiến bộ khoa học kĩ thuật, thay vì về đầu tư và doanh thu”.

Các quan chức đã ra tín hiệu rằng kênh dẫn dài tắc nghẽn phát hành lần đầu ra công chúng sẽ được khai thông, và khối doanh nghiệp quốc doanh lớn thua lỗ không được đấu giá trước đây sẽ được bán cho dù chưa rõ ràng thời điểm bởi tình hình thị trường tồi tệ.

Chính phủ cũng đang xem xét việc bán các doanh nghiệp quốc doanh trong các ngành công nghiệp mà có các doanh nghiệp tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tốt, bao gồm hải sản, dệt may và cà phê trong khi vẫn giữ lại quyền sở hữu về vận tải, dầu khí, và điện lực.

Ngày 24 tháng Mười, Thủ tướng đã lệnh cho thành lập một ủy ban tư vấn về Chính sách tiền tệ và tài khóa.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang làm việc để đẩy lùi một cuộc khủng hoảng ngân hàng bằng cách dàn xếp hợp nhất cho lĩnh vực đông đúc này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu NHNN soạn thảo một kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.

LỀ MỀ CHẬM CHẠP

Các sáng kiến có đơm hoa kết trái hay không, còn tùy thuộc vào việc giới lãnh đạo thống nhất ra sao và các nhóm lợi ích như các doanh nghiệp quốc doanh lề mề đến đâu.

Trọng, lãnh tụ đảng, rõ ràng là người ủng hộ hành động. Các nguồn tin cho biết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một nhận vật nặng ký khác của đảng, cũng đã nói đến một chương trình nghị sự cải cách mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp các kinh tế gia trong nước và quốc tế. Những người tham dự nói rằng các cuộc họp thẳng thắn và quan trọng một cách khác thường và Dũng thể hiện sự am hiểu về những khó khăn.

Nguồn tin cho biết nhân vật cố vấn thân cận cho Dũng hiện nay là ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng thương mại có đầu óc cải cách, biệt danh là Mr. WTO vì vai trò đàm phán của ông trong việc Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2006.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình vẫn không tin vào sức thuyết phục của Dũng, người mà chính sách quản lý kinh tế trong nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của ông đã tạo nên các khó khăn hóc búa hiện nay.

Các nhà phân tích bao gồm cả Carl Thayer, nhà quan sát tình hình Việt Nam của Đại học New South Wales nói rằng Dũng đã nổi lên từ luân chuyển lãnh đạo như một nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất.

Doanh, kinh tế gia từng cố vấn chính phủ, cho biết kế hoạch cải cách mà lãnh tụ đảng Trọng vạch ra đã có một “cái nhìn nghiêm túc và thẳng thắn hơn” vào những khiếm khuyết so với báo cáo của chính phủ đến Trung ương Đảng – ám chỉ một sự bất đồng có thể có giữa đảng và chính phủ.

BẢN BÁO CÁO “RẤT MÙ MỜ”

Ông Doanh cho biết, bản báo cáo của chính phủ “rất mù mờ” về cải cách doanh nghiệp quốc doanh, một bộ phận quan trọng của bất kỳ chương trình cải cách thực sự nào.

Khu vực nhà nước đang co cụm lại và hiện chiếm khoảng 40% nền kinh tế, nhưng lại dùng một phần quá lớn của chiếc bánh đầu tư.

Như một chỉ hướng cho thấy mọi điều có thể dẫn về đâu, bản báo cáo của Cung thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương đề xuất cắt bỏ hoàn toàn những đặc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, buộc họ phải sống hoặc chết bởi thị trường.

Cung đã viết: “Nếu họ thua lỗ và vỡ nợ, họ phải bị phá sản như các doanh nghiệp khác, Nhà nước không cần phải bảo đảm hoặc thanh toán nợ”.

Nhưng nói thì dễ, Doanh nói. Ông và các nhà phân tích khác lo lắng rằng hoàn cảnh hiện tại có thể chưa đủ “đau đớn” để các nhà lãnh đạo phải thực hiện những biện pháp thật sự táo bạo.

“Đôi khi ta nghe thấy những lời hùng hồn nhưng cái ta cần là hành động, chứ không phải lời hoa mỹ ” nhà cựu quan chức cho biết.

Những lợi ích cố thủ có thể đã làm trì trệ mọi thứ.

Cuối tháng Mười vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết họ vẫn chưa hoàn thành được đề nghị cải cách doanh nghiệp nhà nước vì đã không thể có được số liệu từ các công ty.

Các phương tiện truyền thông nhà nước tường thuật rằng, các doanh nghiệp quốc doanh cũng chống lại kế hoạch của Bộ Tài chính nhằm hạn chế các đầu tư của họ trong các ngân hàng, công ty bảo hiểm và chứng khoán.

“Khó khăn chính là, những cải cách ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của một số lực lượng mà cơ chế quản lý lệ thuộc vào”, ông Thiên thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, và thuộc Hội đồng tư vấn cho chính phủ về chính sách tài chính nhận xét. “Nhưng việc không tái cơ cấu nền kinh tế không còn là một lựa chọn nữa”.

(Richard Borsuk biên tập)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét